Chúa Nhật IV Phục
Sinh B
Tôi Là Mục Tử Tốt
Lành
Gio 10:11-18: 11
Tôi chính là Mục Tử tốt lành. Mục Tử tốt lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn
chiên.12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không
thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và
làm cho chiên tán loạn,13 vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết
gì đến chiên.14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của
tôi, và chiên của tôi biết tôi,15 như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết
Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 16 Tôi còn
có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ
nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.17 Sở dĩ
Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại.18
Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống
mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh
của Cha tôi mà tôi đã nhận được.
Chương 10 gồm hai phần:
diễn từ về mục tử tốt lành (10:1-18) và đối thoại giữa Chúa Giêsu và người do
thái (10:22-39). Đoạn 10:1-18 gồm: ẩn dụ về mục tử và lời giải thích về hình
ảnh cửa chuồng chiên (10:1-10), và diễn từ về mục tử tốt lành (10:11-18) như là
cao điểm của đoạn nầy. Những hình ảnh được dùng trong chương 10 nầy: cửa chuồng
chiên (cc. 1-3a), hình ảnh sinh hoạt của người chăn chiên và đàn chiên (cc.
3b-5), hình ảnh cánh cửa dẫn đến đàn chiên (cc. 7b-10), hình ảnh người mục tử
tốt lành (cc. 11-15), hình ảnh tương quan yêu thương của Chúa Cha và Chúa Con
(cc. 17-18). Bên cạnh đó, còn có hình ảnh và hoạt động của kẻ lạ (c. 5), kẻ
trộm, kẻ cướp (c. 8) và người chăn thuê (cc. 12-13).
Cấu trúc của đoạn
10:11-18 gồm: 1- Chân dung mục tử tốt lành tương phản với người chăn thuê liên
quan đến đàn chiên (10:11-13); 2- Tương
quan Chúa Giêsu với đàn chiên (10:14-16); 3- Tương quan Chúa Giêsu với Chúa Cha
(10:17-18). Chủ đề chính của đoạn nầy là Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, hiến
mạng sống cho đàn chiên. Cả ban đoạn đều có cụm từ “ban sự sống (của tôi)”
(cc.11.15.17). Hãy suy nghĩ tương quan giữa cụm từ nầy trong ngữ cảnh của mỗi
đoạn.
Thêm một lần nữa cụm từ
“Tôi là” được dùng với một hình ảnh đời thường để áp dụng cách ẩn dụ cho Chúa
Giêsu (x. Tôi là bánh ban sự sống 6:35; ánh sáng trần gian 8:12; 9:5; cửa
chuồng chiên 10:7; cửa dẫn vào sự cứu độ 10:9; mục tử tốt lành 10:11.14; sự sống
lại và là sự sống 11:25; đường, sự thật và sự sống 14:6; cây nho thật 15:1.5).
Tính từ “tốt lành” bổ nghĩa cho từ “mục tử” chỉ được dùng cho Chúa Giêsu
(10:11.14). Không ai được gọi là mục tử tốt lành ngoại trừ Chúa Giêsu. Mục tử
tốt lành được định nghĩa là người hiến mạng sống cho đàn chiên (x. 15:13),
trong khi người chăn thuê hành động ngược lại. Họ bỏ chiên và chạy trốn khi
thấy sói đến, vì họ không phải là mục tử và đó không phải là đàn chiên của họ
(cc. 12-13). Phần con sói, nó là thù địch với chiên (Cn 13:17; Is 11:6). Nó vồ
lấy chiên và làm chiên tản mác (c. 12). Vậy ban sự sống của mình cho đàn chiên
là bản tính của mục tử tốt lành.
Tương quan của mục tử
tốt lành với đàn chiên được nói thêm trong đoạn 10:14-16: nhận biết (c. 14),
ban sự sống (c. 15) và dẫn dắt những chiên khác về một đàn (c. 16). Tương quan
nhận biết nhau giữa mục tử và đàn chiên được xây dựng trên tương quan giữa Chúa
Giêsu và Cha của Người. Câu 14 và 15 được cấu tạo theo kiểu đối đảo (chiastic):
“Tôi biết đàn chiên - đàn chiên biết tôi như Chúa Cha biết Tôi - Tôi
biết Chúa Cha”. Vượt quá sự so sánh, chữ “như” cho tương quan nhận biết một lý
do hiện hữu (x. 6:57; 15:9-10.12; 17:11.18.21; 20:21). Nhận biết nhau là tương
quan của tình yêu giữa mục tử và đàn chiên, cả những chiên chưa thuộc một đàn
dưới sự dẫn dắt của một mục tử. Vậy ban sự sống mình cho đàn chiên là hành động
rất tự nhiên của tình yêu (15:13), nhất là để đàn chiên được sự sống và quy tụ
về một mối (x. 11:52; 12:32).
Ban sự sống là lệnh
truyền của Chúa Cha (10:18). Trong đoạn 10:17-18 nầy, sự sống của Chúa Giêsu
vừa được đặt trong tương quan với Người và với Chúa Cha. Sự sống ấy nằm trong
tay của Người và tùy thuộc vào Người. Tuy nhiên, Người đã tự nguyện ban sự sống
của Người cho đàn chiên vì muốn thực hiện ý của Chúa Cha. Vì làm như thế, nên
Người được Chúa Cha yêu thương.
Trong Chúa Giêsu, Thiên
Chúa đã ban cho nhân loại một mục tử tốt lành mà Người đã hứa trong sách các
ngôn sứ Giê 23:1-8; Ez 34:11-16.23; 37:24; Zc 11 và 13.