Chúa Nhật VI Phục Sinh, B
2009
Tình
yêu cứu độ của Thiên Chúa là tột đỉnh của Mầu nhiệm Phục Sinh và Phụng vụ Lời
Chúa các Chúa Nhật Phục Sinh đều cố gắng trình bày những khía cạnh khác nhau của
tình yêu ấy. Tình yêu Thiên Chúa được biểu
lộ qua cái chết và sống lại của Chúa Ki-tô:
Người đã chết để chuộc tội lỗi ta và đã sống lại để ban cho ta đời sống
mới trong Thánh Thần. Để chuẩn bị
cho ta được lãnh nhận Thánh Thần, Lời
Chúa hôm nay bắt đầu giới thiệu với ta về vai trò của Thánh Thần là tình yêu của
chính Thiên Chúa Ba ngôi.
1.Chúa Thánh Thần được sai đến để tiếp nối
công trình cứu độ của Chúa Ki-tô trong Giáo Hội (bài đọc Tân Ước – Cv 10:25-26.34-35.44-48)
Sách
Công vụ Tông Đồ đã kể lại những lần các Tông Đồ rao giảng và việc hàng ngàn người
trở lại đạo. Mỗi lần như vậy ta lại thấy
sự kiện Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên họ.
Sau khi giảng Tin Mừng cho gia đình ông Cô-nê-li-ô là những người dân
ngoại, Thánh Thần cũng ngự xuống trên họ.
Điều này đã gây nên một phản ứng mạnh cho ông Phê-rô và “những tín hữu
thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông”.
Tất cả đều “kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống cả
trên các dân ngoại nữa” (Cv 10:44). Điều
này đã giúp cho ông Phê-rô đi tới một quyết định hết sức cách mạng, đó là quyết
định làm phép rửa tội cho cả những anh em dân ngoại “nhân danh Đức Giê-su
Ki-tô”.
Đúng
vậy, vai trò của Thánh Thần là hợp nhất, là phá bỏ mọi ranh giới ngăn cách nhân
loại với nhau và với Thiên Chúa. Cây cầu
tình yêu nối trời với đất và nối người với người đang hoạt động ráo riết. Thánh Thần đã ngự xuống trên các Tông đồ và
anh chị em tín hữu khắp nơi là để qui tụ họ lại thành một nhân loại mới của
Thiên Chúa. Người sẽ “canh tân bộ mặt
trái đất” để đưa mọi người vào Giáo Hội Chúa Ki-tô, Đấng là con đường, sự thật
và sự sống (Ga 14:6). Ông Phê-rô đã nói
về bước đầu để gia nhập vào Giáo Hội ấy khi ông tuyên bố với gia đình ông
Cô-nê-li-ô: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên
Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ
ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng
đều được Người tiếp nhận” (Cv 10:34-35).
Có
lẽ ta thắc mắc không hiểu sao Giáo Hội sơ khai lại phát triển một cách mau lẹ
và mạnh mẽ như vậy. Chính là vai trò của
Chúa Thánh Thần, Đấng đã “mở rộng cửa đón Đức Ki-tô” (chủ đề của Năm Thánh 2000)
cho tất cả những ai muốn tìm về chân lý.
Thêm vào đó, vị đại diện Chúa Ki-tô là Phê-rô đã mau mắn nói lên “quyết
định của Thánh Thần và chúng tôi [các Tông đồ]” (xem Cv 15:28) không đòi hỏi điều
gì khác nơi những anh chị em muốn quay về với Chúa Ki-tô, miễn là họ “kính sợ
Thiên Chúa và ăn ngay ở lành”, có thiện chí muốn trở thành môn đệ của Người.
Thánh
Thần ngự xuống chính là dấu chỉ và bảo đảm rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa có
tính cách phổ cập, kế hoạch cứu độ là dành cho toàn thể nhân loại chứ không
riêng gì một dân tộc được tuyển chọn.
Chúa Ki-tô đã khởi đầu kế hoạch ấy bằng cái chết và sự sống lại của Người. Người sắp trở về với Chúa Cha, nhưng không phải
là bỏ dở công việc. Trái lại, kế hoạch vẫn
tiếp tục và chuyển sang một giai đoạn mới, là giai đoạn Thánh Thần tức Thần Khí
của Chúa Ki-tô tiếp tục tác động trên nhân loại và thay đổi bộ mặt địa cầu. Sự hiện diện của Chúa Ki-tô ở trần gian cần
thiết cho việc rao giảng Tin Mừng, làm dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa bằng cái chết
trên thập giá. Nhưng chính Thần Khí của
Người mới thực là sức mạnh rời chuyển núi non, đấu tranh với quyền lực ma quỷ để
giành lại nhân loại, qui tụ họ về một mối là Tình Yêu Thiên Chúa.
2.
Thánh Thần là Tình Yêu liên kết Ba Ngôi với nhau và với nhân loại (bài Tin Mừng – Ga 15:9-17)
Trong
cuộc đàm thoại giữa Thẩy trò với nhau trong đêm họp mặt cuối cùng, Chúa Giê-su
nói thật nhiều, làm như không còn cơ hội nào để họ quây quần với nhau trong sự
hiện diện thể xác của Người. Chúa Giê-su
không nói thẳng về Chúa Thánh Thần trong đoạn Tin Mừng hôm nay, nhưng ở lúc đầu
cuộc đàm thoại (Ga 14:16-17.26). Tuy
nhiên, trong bối cảnh cuộc đàm thoại, ta hiểu rằng các ý tưởng của Chúa Giê-su
vẫn liên tục, điều này soi sáng cho điều kia.
Do đó, những gì Người đang nói với các môn đệ về tình yêu cũng chính là
những gì Người đang suy niệm về vai trò của Chúa Thánh Thần.
Vậy
trước hết Chúa Giê-su nói về nguồn cội Tình yêu là chính đời sống yêu thương của
Ba Ngôi Thiên Chúa. “Chúa Cha đã yêu mến
Thầy”, thực tại này nói lên bản chất của Thiên Chúa. Mối liên kết yêu thương giữa Cha-Con là chính
Thánh Thần. Tình yêu ấy phải được đổ
tràn xuống tạo vật là nhân loại. Cho nên
khi Chúa Giê-su “tỏ tình” rằng “Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” là Người muốn
nói về tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta.
Người yêu ta bằng tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu vô điều kiện, tình
yêu sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người mình yêu. Khi có được tình yêu đích thực, nó sẽ biến đổi
thân phận và cuộc đời ta. Kinh nghiệm sống
đã cho ta thấy điều ấy. Bao nhiêu cuộc đời
đã thay đổi nên tốt đẹp chỉ vì người ta có được một tình yêu chân thành. Ở đây, Chúa Giê-su muốn nêu lên một hoa trái
thực tiễn của đời sống yêu thương: Người
gọi sống yêu thương là “một niềm vui” là niềm vui Người cùng hưởng trong tình
Ba Ngôi Thiên Chúa và người mời gọi ta chung hưởng niềm vui ấy với Người. “Các điều ấy [về tình yêu], Thầy đã nói với
anh em để anh em được hưởng niềm vui của
Thầy, và niềm vui của anh em được
nên trọn vẹn” (Ga 15:11).
Nhưng
xác định tình yêu để làm gì nếu không phải là Chúa muốn dạy ta noi theo mẫu
gương yêu thương ấy. Vậy bài học đầu
tiên về tình yêu Người dạy ta là phải biểu lộ tình yêu chân thành bằng việc
làm, cụ thể là “giữ các điều răn của Thầy”.
Yêu theo kiểu thế gian là yêu “bằng đầu môi chót lưỡi”, lấy lời nói để
che lấp sự giả dối của họ. Tiếp đến là
hãy yêu thương đến cùng, hãy trung thành trong tình yêu. Đó mới là mức độ của yêu thương. Người ta không thể đo lường tình yêu bằng những
giá trị vật chất, nhưng bằng hy sinh, từ hy sinh nhỏ nhặt trong đời sống hằng
ngày cho tới “hy sinh tính mạng”, tức là những hy sinh to lớn gắn liền với cái
tôi của ta.
Bài
học kế tiếp là sức mạnh biến đổi của tình yêu.
Tình yêu đích thực của Chúa Giê-su dành cho các môn đệ đã biến đổi thân
phận họ. Thánh Thần của Người đã xóa đi
sự ngăn cách giữa Người và các môn đệ.
Thánh Thần đã thăng hoa địa vị của các môn đệ Chúa Giê-su: từ chỗ đứng tôi tớ, họ đã được nâng lên làm
“bạn hữu của Thầy”. Là bạn hữu của Chúa
Giê-su, họ sẽ được nghe “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã
cho anh em biết”. Nghĩa là Chúa Giê-su
muốn để cho tình yêu của Người đem các môn đệ Người vào tận cung lòng của Thiên
Chúa Ba Ngôi, chia sẻ tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, để “niềm vui” của họ
được nên trọn vẹn.
Bài
học sau cùng về tình yêu là tình yêu đích thực phải “sinh hoa trái tồn tại mãi
mãi”. Cụ thể là tình yêu Thiên Chúa đến
với ta qua Chúa Giê-su đã để lại hoa trái tốt đẹp và vững bền, đó là tình yêu
thay đổi căn tính của ta ngay từ đời này và qua Chúa Thánh Thần sẽ dẫn ta về
quê hương vĩnh cửu. Tuy nhiên việc sinh
hoa trái tình yêu không đơn phương về phía Thiên Chúa, mà còn tùy thuộc vào việc
đáp trả của ta có thi hành những gì Chúa Giê-su đã dạy hay không.
3.
Thánh Gio-an giúp ta ôn lại bài học yêu thương của Chúa Giê-su (bài đọc Tân Ước – 1 Ga 4:7-10)
Một
lần nữa cụ già Gio-an lại muốn lũ con cháu ôn lại bài học yêu thương. Bài học này quả thực dễ quên lắm, nên cứ phải
lập đi lập lại hoài! Trước hết ngài đặt
lại vấn đề căn bản: tại sao phải yêu
thương. Câu trả lời của ngài thật đơn giản: vì yêu thương là trở về nguồn. Nguồn gốc của tình yêu chính là Thiên Chúa,
và nguồn gốc của ta cũng chính từ Thiên Chúa mà ra, vì ta “đã được Thiên Chúa
sinh ra” do tình yêu. Thiên Chúa đã tạo
dựng ta, đóng dấu ấn tình yêu của Người, để ta trở nên khí cụ đem tình yêu của
Người đi khắp nơi, biến thế giới này thành lò lửa (Focolare) của Thiên Chúa, giống
như Chúa Giê-su, Đấng đem lửa yêu thương của Thiên Chúa đến trần gian và mong ước
ngọn lửa ấy bừng cháy lên.
Vậy
bài học yêu thương thánh Gio-an muốn lập lại ở đây là: yêu thương nghĩa là trao tặng tất cả những gì
mình có. Gương mẫu trao tặng là chính
Thiên Chúa, vì Người đã “sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà
chúng ta được sống”. Hóa ra sự sống của
ta còn nặng ký hơn cả sự sống của Con Một Thiên Chúa hay sao? Đúng như vậy đó. Bằng chứng là Chúa Ki-tô đã thực sự chết trên
thập giá vì ta. Người lấy cái chết để
cho ta được sống, sống như con cái Thiên Chúa.
Điểm
thứ hai trong bài học yêu thương của Thiên Chúa là nếu yêu thương đích thực thì
phải biết đi trước. Thiên Chúa đã đi bước
trước nhân loại. Người không ngồi đấy chờ
ta đến với Người trước, nhưng Người đích thân đến với ta trước. Người có sáng kiến đến với ta trước qua Con Một
là Chúa Giê-su Ki-tô. Người không đợi ta
đến tạ tội với Người, nhưng Người đến với ta trước để “làm của lễ đền tội cho
chúng ta”.
Chỉ
hai điểm này thôi cũng qua đủ để ta tập tành yêu thương suốt đời rồi! Với bản chất ích kỷ của con người, ta khó mà
chấp nhận hy sinh và đi bước trước trong tình yêu như Thiên Chúa đã làm. Tình yêu của ta thường so đo, tính toán hơn
thiệt chứ không muốn chịu thiệt thòi. Tự
sức riêng ta, ta không thể yêu thương theo mẫu agape, tức là yêu thương đến độ “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” (Pl
2:7), sẵn sàng hy sinh mạng sống vì bạn hữu.
Nhưng với ơn Chúa và nhất là với người bạn đồng hành của ta trên con đường
yêu thương lại là chính Chúa Giê-su, thì chắc chắn ta sẽ làm được những gì ta
không thể. “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở
lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em
chẳng làm gì được” (Ga 15:6). Sức mạnh
tình yêu là Thánh Thần không chỉ thúc đẩy Chúa Giê-su, mà còn thúc đẩy tất cả
những ai “ở lại” trong Người.
4.
Sống Lời Chúa
Với
những bài đọc liên hệ đến đề tài yêu thương, Phụng vụ Lời Chúa muốn chuẩn bị
tâm hồn ta đón nhận Chúa Thánh Thần và nhất là đời sống mới trong Thần Khí Chúa
Ki-tô. Yêu thương luôn luôn là điều nói
dễ làm khó. Tuy nhiên khó không có nghĩa
là không thể. Ta học bài học yêu thương
không phải qua những gì vĩ đại, khác thường, nhưng là qua những cách cư xử nhỏ
nhặt hằng ngày, để sống dễ thương như thế, người ta sẽ nhận ra chân tính của ta
là con Thiên Chúa và anh chị em với Đức Ki-tô.
Suy nghĩ: Thánh Gio-an giúp tôi ôn lại bài học yêu
thương, là muốn yêu thì phải chấp nhận hy sinh và phải đi bước trước đối với
người mình yêu thương. Điều này đòi tôi
phải xét lại cách yêu
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
thương của tôi trong gia đình, nơi sở
làm, trong cộng đoàn, trong xã hội và trong Giáo Hội như thế nào?
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, trong những ngày
vui này xin cho tất cả chúng con biết đem lòng sốt sắng mừng Đức Ki-tô phục
sinh, để Người hiện diện trong cuộc đời chúng con và làm cho chúng con được đổi
mới. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển
trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.
(Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật VI
Phục Sinh).