Lễ Thăng Thiên
Phụng Vụ Năm B (2009)
Phụng
vụ Lời Chúa Chúa Nhật VI Phục Sinh đã hướng đề tài về Chúa Thánh Thần; còn Lời Chúa hôm nay, lễ Thăng Thiên, cho ta
thấy thời gian chuyển tiếp sang một giai đoạn mới, tuy ngắn ngủi nhưng lại vô
cùng quan trọng, vì đây chính là phần giới thiệu về giai đoạn của Chúa Thánh Thần
trong kế hoạch cứu độ. Chúa Giê-su lên
trời là để kết thúc sứ vụ của Người tại trần gian, nhưng khởi đầu cho sứ vụ ở
trên trời qua sự cộng tác của Chúa Thánh Thần.
Chúa Giê-su sẽ nhắn nhủ những gì?
Theo bước Người, thánh Tông đồ Phao-lô khuyên ta làm gì trong những ngày
Chúa Thánh Thần ở với ta và giúp ta chuẩn bị đón Chúa Ki-tô trở lại trong ngày
thế mạt?
1.
Ý nghĩa của biến cố Thăng Thiên theo sách Công vụ Tông Đồ (bài đọc Tân Ước – Cv 1:1-11)
Sách
Công vụ Tông Đồ được coi như sách Tin Mừng của Chúa Thánh Thần, kể lại sinh hoạt
và phát triển của Giáo Hội sơ khai dưới sự hướng dẫn của Người. Thánh sử Lu-ca viết “quyển thứ nhất”, tức
sách Tin Mừng, để “tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su đã làm và đã dạy, kể
từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời”.
Mở đầu cho một thời đại mới, thời đại của Thần Khí Đức Ki-tô, Lu-ca viết
ít dòng nhập đề cho “quyển thứ hai”, ghi lại những gì đã xảy ra trong bốn mươi
ngày từ sau khi Chúa sống lại cho đến ngày Chúa Thánh Thần Hiện xuống.
Thời
gian bốn mươi ngày này có thể gọi là thời gian cần thiết để “rà soát lại” toàn
bộ cơ bản giáo lý các Tông đồ đã lãnh nhận từ Chúa và để củng cố lòng tin của
các ông, sẵn sàng được sai đi thi hành sứ vụ.
Vậy sinh hoạt chính của Chúa và các Tông đồ lúc này là “Người đã hiện ra
nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”.
Đề tài chính của khóa bổ túc quan trọng này là Nước Thiên Chúa. Suốt ba năm rao giảng và thi hành sứ vụ cứu độ
(Lc 4:18-21), Chúa Giê-su đã thiết lập Nước Thiên Chúa, hoặc Triều Đại Thiên
Chúa, trên trần gian. Giờ đây sắp tới
lúc các Tông đồ tiếp tục sứ mệnh của Chúa, làm cho Triều Đại ấy được bành trướng
khắp nơi. Cho nên hiểu biết về Nước
Thiên Chúa hoặc Triều Đại Thiên Chúa là cốt lõi sứ mệnh của họ. Không thông suốt là không thể thi hành nổi. Chúa Giê-su “nói chuyện” với các ông, chứ
không “dạy” họ như một giáo sư. Họ đã được
Chúa “thăng chức” làm “bạn hữu” (Ga 15:15), làm người “đồng lao cộng khổ” (2 Tm
2:3) với Chúa trong những năm tháng miệt mài rao giảng về Nước Thiên Chúa. Cứ tưởng tượng khung cảnh Chúa giúp các ông học
hành những ngày chót này, ta có thể cảm nhận được bầu khí sinh động như thế
nào. Chúa vẫn kiên nhẫn ôn tồn chỉ dạy. Các Tông đồ hỏi han thắc mắc điểm này điểm nọ. Thật tiếc là Lu-ca không ghi lại chi tiết gì
về nội dung khóa học này. Có lẽ ngài muốn
nhấn mạnh đến một điều khác mà các Tông đồ cần phải học ráo riết, đó là về Chúa
Thánh Thần, nhân vật sẽ tiếp nối công cuộc của Chúa Giê-su và sát cánh cùng các
ông trên cánh đồng truyền giáo.
Khóa
học về Chúa Thánh Thần vô cùng quan trọng đối với các Tông đồ. Do đó, trước khi “được rước lên trời”, Chúa
Giê-su dùng giờ phút linh thiêng này để hoàn toàn giới thiệu về Chúa Thánh Thần. Trước hết Chúa Giê-su loan báo: các Tông đồ sắp “chịu phép rửa trong Thánh Thần”. Thánh Thần, Đấng ngự đến ‘thay đổi bộ mặt
trái đất” sẽ biến đổi toàn diện các Tông đồ, như ta thấy đã xảy ra trong ngày lễ
Ngũ Tuần (Cv 2:1-13). Tiếp đến, nhân việc
thắc mắc của các Tông đồ về vụ “khôi phục vương quốc Ít-ra-en”, Chúa Giê-su chỉ
cho các ông một Ít-ra-en Mới mà “thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp
đặt”. Trong vương quốc Ít-ra-en Mới, bổn
phận của các ông là “sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần” để ra đi “làm chứng
nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến
tận cùng trái đất” (Cv 1:8).
Nói
về biến cố Thăng Thiên, ta thường nghĩ tới vinh quang của Chúa Giê-su Phục Sinh
và ít nghĩ tới việc Chúa mở ra cho ta một chân trời mới, một giai đoạn mới
trong công cuộc cứu độ của Người và sự hợp tác của Chúa Thánh Thần. Như thế, ta có thể nói biến cố Thăng Thiên là
một buổi lễ Chúa Giê-su long trọng tuyên bố khai sinh thời đại mới, một đàng là
công việc của Chúa Thánh Thần, một đàng là sứ vụ được sai đi của các Tông đồ và
môn đệ Chúa Giê-su, cả hai đều chung sức xây dựng Giáo Hội Chúa Ki-tô ở trần
gian.
2.
Sứ mệnh của ta trong Giáo Hội Chúa Ki-tô (bài đọc Tân Ước – Ep 4:1-13)
Sứ
mệnh Chúa Giê-su trao cho các Tông đồ trước khi về trời cũng là sứ mệnh của
Ki-tô hữu mọi thời mọi nơi. Để giúp ta
chu toàn sứ mệnh ấy, thánh Phao-lô Tông đồ giúp ta một suy niệm ngắn trong bài
đọc 2 hôm nay. Phao-lô, “người tù vì
Chúa”, nhắc nhớ ta một chút về mầu nhiệm Giáo Hội trước khi đề cập tới bổn phận
xây dựng Giáo Hội. Ngài nhấn mạnh đến sự
hiệp nhất của Giáo Hội do Chúa Thánh Thần đem lại. Ngài muốn nêu lên công việc quan trọng của
Thánh Thần là Đấng tạo nên và duy trì sự hiệp nhất của Giáo Hội. Hiệp nhất là yếu tố cần thiết cho sự phát triển. Có khi nào một tổ chức phân rẽ, chia năm sẻ bảy
mà mong lớn mạnh được đâu. Ta cứ lấy cụ
thể nhìn vào một giáo xứ chia làm ba, bốn phe là đủ biết hậu quả của chia rẽ
như thế nào rồi. Sự hiệp nhất Thánh Thần
đem lại cho Giáo Hội làm cho Giáo Hội thành “một thân thể, một Thần Khí, một niềm
hy vọng, một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi
người” (Ep 4:3-5). Ôi, thật là một hình ảnh
tuyệt vời về Giáo Hội! Và đấy là “công
tác” của Thánh Thần. Chúa Giê-su như là
không hiện diện, thế mà sự hiện diện của Người lại đầy tràn, năng động hơn cả
những ngày Người còn tại thế.
Tiếp
đến thánh Phao-lô nói đến những chức phận khác nhau trong Giáo Hội, không ai là
không cần thiết cho việc xây dựng Giáo Hội.
Người mang chức phận Tông đồ, giảng dạy cũng như người tín hữu nhỏ bé
trong một cộng đoàn, ai ai cũng phải đem hết khả năng để xây dựng Nhiệm thể
Chúa Ki-tô.
Mục
tiêu của việc xây dựng này không phải là làm thật nhiều nhà thờ nguy nga, lập
nhiều đoàn thể xôm tụ bề ngoài, tổ chức những cuộc rước sách để “biểu dương lực
lượng”, tạo một chỗ đứng đáng nể trong xã hội…, nhưng là làm sao “tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong
đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng
thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4:13). Khẳng định này vô cùng quan trọng, cần phải lập
đi lập lại hằng ngày nếu ta muốn có một Giáo Hội đúng với tâm ý của Đấng sáng lập
là Ba Ngôi Thiên Chúa và đúng với mục đích Chúa nhắm vào nhân loại. Có hai bước trong mục tiêu này: thứ nhất, ta phải đạt tới sự hiệp nhất trong
đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, rồi tiếp đến, thứ hai, ta mới đạt
tới tình trạng trưởng thành theo tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô. Đúng vậy, nếu không hiệp nhất với nhau và với
Chúa, làm sao ta có thể tiến tới mức viên mãn của Đức Ki-tô được. Đây phải là một bản xét mình hằng ngày dành
cho mọi phần tử trong Giáo Hội. Xây dựng
Giáo Hội là xây dựng chính bản thân ta, để ta đạt tới tầm vóc Chúa Ki-tô muốn
thấy ở nơi ta trong ngày Người trở lại phán xét. Ta nên thánh, nên hoàn hảo như Cha trên trời
là Đấng hoàn hảo, là do việc xây dựng Giáo Hội mà ta là một chi thể.
Có
lẽ ta nên trở lại khúc đầu của đoạn thư hôm nay để nghe thánh Phao-lô cho ta một
vài thí dụ cụ thể trong việc xây dựng Nhiệm thể Chúa Ki-tô. “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng đáng
ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.
Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau”
(Ep 4:1-2). Đơn giản như vậy thôi, nhưng
cũng quá đủ để vun đắp và phát triển sự hiệp nhất để làm cho Giáo Hội, cho ta
là chi thể, đạt tới sự viên mãn của Chúa Ki-tô rồi.
3.
Đọc lại biến cố Thăng Thiên được thánh Mác-cô kể lại, để xác tín hơn sứ
mệnh rao giảng Tin Mừng (bài Tin Mừng –
Mc 16:15-20)
Thực
ra sách Tin Mừng Mác-cô đã kết thúc ở câu 8 chương 16, nhưng phần phụ trương
(câu 9-20) được thêm vào để nhắc đến biến cố Thăng Thiên và mệnh lệnh của Chúa
sai ta đi rao giảng Tin Mừng
Trong
bầu khí trang trọng của biến cố Thăng Thiên, Chúa Giê-su đặc biệt nhấn mạnh đến
bổn phận được sai đi. Có ba điểm quan trọng
trong mệnh lệnh này: hãy đi khắp nơi
không trừ chỗ nào, hãy loan báo Tin Mừng, và hãy loan báo cho mọi người không
trừ ai. Tiếp đến, Chúa nói về mục đích của
việc sai đi này là giúp cho người ta “tin và chịu phép rửa”, bước đầu để mọi người
đi vào hành trình biến đổi tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô. Người cũng cẩn thận cho ta thấy đâu là sức mạnh
của đức tin: với đức tin đích thực, không có gì là không làm được.
Để
kết thúc sách Tin Mừng, thánh Mác-cô không quên để lại cho ta một hình ảnh tuyệt
vời về Giáo Hội sơ khai sau biến cố Thăng Thiên: các Tông đồ hăng say thi hành sứ vụ và nhất
là một yếu tố vô cùng quan trọng: “Có
Chúa cùng hoạt động với các ông”.
Ta
suy nghĩ về bổn phận rao giảng Tin Mừng:
Rao giảng điều gì? Rao giảng ở
đâu? Rao giảng cho ai? Nhưng nhất là ta có xác tín tầm quan trọng của
việc “Có Chúa cùng hoạt động với ta” hay không?
Thật là một đề tài phong phú.
4.
Sống Lời Chúa
Chúa
Giê-su lên trời ngự bên hữu Chúa Cha.
Trước khi rời bỏ trần gian, Người không để ta trong cảnh “mồ côi” đâu,
nhưng “ở lại” với ta trong quyền năng Chúa Thánh Thần, để giúp ta chu toàn sứ mệnh
rao giảng Tin Mừng. Biến cố Thăng Thiên
có ý nghĩa với Chúa Giê-su, với Chúa Thánh Thần và cả với ta nữa. Các Ngài đang hoạt động mạnh mẽ trong Giáo Hội,
và ta là chi thể của Giáo Hội không lẽ dửng dưng, coi đó không phải là việc của
ta sao?
Suy nghĩ: Thánh Phao-lô nói mục đích cuộc đời ta ở đời
này là cố gắng đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô. Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi và tôi đang
làm gì cho việc đạt tới ấy?
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho
chúng con biết hoan hỷ vui mừng mà dâng lời cảm tạ, vì hôm nay, Con Một Chúa đã
lên trời vinh hiển. Là Thủ Lãnh, Người
đã đi trước để mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa, khiến chúng con là những
chdi thể của Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh
quang. Người là Thiên Chúa hằng sống và
hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.
(Lời nguyện Nhập lễ, lễ Thăng Thiên).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi