SỐNG ĐẸP
LÒNG CHÚA
(LỄ CHÚA
GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA)
_______________________________________________
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
Với lễ Chúa
Giêsu Chịu Phép Rửa, chúng ta chấm dứt Mùa Giáng Sinh và bắt đầu Mùa Thường
Niên I, chu kỳ năm B, kéo dài đến Chúa Nhật VII, rồi bước vào Mùa Chay Thánh với
Thứ Tư Lễ Tro.
Bài Đọc
I trích trong Isaia (42, 1-4, 6-7; có thể chọn đoạn 55, 1-11), nói đến ‘Người
được Thiên Chúa tuyển chọn và làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự’. Bài Đọc II
trích trong Sách Công Vụ Tông Đồ (10, 34-38; cũng có thể chọn 1Gioan 5, 1-9)
nói đến việc Chúa Giêsu được Thiên Chúa xức Dầu Thánh, được đầy Chúa Thánh Thần
và ra đi rao giảng. Bài Phúc Âm (Matcô 1, 7-11) ghi lại việc Chúa Giêsu đến để
chịu Phép Rửa của Thánh Gioan, và khi Ngài chịu xong, Chúa Thánh Thần tràn ngập
trên Ngài, có tiếng từ Trời cao nói: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng
về Con.”
Lúc đó
là vào khoảng năm 30 (Luca 3, 23), Thánh Gioan Tẩy Giả đang ban Phép Rửa thống
hối tại sông Giodan (Gioan 1,28) (chỗ gọi là Bêtania phía đông sông Giodan; nơi
này khác với làng Bêtania là quê hương của ba chị em Matta, Maria va Ladarô).
Thánh Gioan kêu gọi mọi người đến chịu Phép Rửa để tỏ dấu ăn năn tội lỗi và sửa
lại cuộc sống, đón chờ Chúa Cứu Thế đến. Chúa Giêsu cũng đến nhận Phép Rửa của
Thánh Gioan. Dịp này, Ngài được Đức Chúa Cha chính thức giới thiệu Ngài là Đấng
‘Thiên Sai’ và Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập trên Ngài. Từ nay Chúa Giêsu từ
bỏ cuộc sống 30 năm ẩn dật ở Nagiaret để bắt đầu cuộc sống công khai ra đi rao
giảng.
Phép Rửa
Thánh Gioan ban chỉ là một ‘phép rửa bằng nước’ để tỏ lòng sám hối tội lỗi. Còn
Bí Tích Rửa tội là một trong bảy phép Bí Tích, là ‘phép Rửa Tội trong Chúa
Thánh Thần và lửa!’ (Matthêu 3, 11). Khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội là chúng ta
được tha tội nguyên tổ (tội tổ tông truyền) và các tội riêng chúng ta đã phạm
(khi chúng ta chịu vào tuổi đã khôn lớn). Lúc đó chúng ta được ‘chết đi với
Chúa Kitô, từ bỏ đời sống tội lỗi và sống lại thật với Chúa Kitô, trở nên trong
sạch xứng đáng là con Chúa , và chính thức gia nhập gia đình Giáo Hội Chúa, bắt
đầu một cuộc sống mới trong Chúa Thánh Thần, trở nên một chi thể trong Thân Thể
Mầu Nhiệm của Chúa Kitô và cùng góp phần vào việc làm tăng trưởng gia đình Giáo
Hội qua cuộc sống làm chứng cho Chúa” (Theo Sách Giáo Lý). Vì thế, Bí Tích Rửa
Tội khởi đầu cuộc sống Kitô hữu (Bí Tích khai tâm), chỉ sau khi chịu phép Rửa Tội,
chúng ta mới được chịu các phép Bí Tích khác. Bí Tích Rửa Tội ghi dấu thiêng
liêng vào linh hồn chúng ta, không bao giờ mất, nên chỉ được chịu một lần (cũng
như Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Truyền Chức Thánh).
Mừng Lễ
Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa là dịp để mọi người chúng ta nhớ lại phép Rửa tội
chúng ta đã được lãnh nhận, để tạ ơn Chúa và cầu xin cho mọi người chúng ta
luôn cố gắng sống xứng đáng con cái Chúa trong gia đình Giáo Hội và luôn sống
làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày.
Chúng ta nên
nhớ: vào cuối nghi thức Rửa Tội, vị chủ sự trao cho người vừa được rửa tội Tấm
Áo Trắng (tượng trưng tâm hồn trong sạch qua Bí Tích Rửa Tội) và Cây Nến cháy
sáng đốt từ ngọn lửa của Cây Nến Phục Sinh (tượng trưng Ánh Sáng Chúa Kitô).
Khi trao Tấm Áo Trắng, vị chủ sự nói: “Con đã trở nên một tạo vật mới và đã mặc
lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy lãnh nhận áo trắng này, con hãy mang lấy và gìn giữ
nó tinh tuyền cho đến ngày ra trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được
sống muôn đời.” Khi trao Cây Nến Sáng, vị chủ sự nói với chúng ta: “Con đã trở
nên ánh sáng Chúa Kitô, con hãy luôn luôn sống như con cái Sự Sáng, để được bền
vững trong Đức Tin. Khi Chúa Kitô ngự đến, con sẽ xứng đáng ra nghênh đón Người
cùng với toàn thể các Thánh trên trời.”
Trong
nghi thức rửa tội trẻ em, vị chủ sự trao áo trắng và nói: “Con đã trở nên một tạo
vật mới, và đã mặc lấy Chúa Kitô, chiếc áo này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ
lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi
cho đến cõi trường sinh.” Và khi trao Nến Sáng (qua cha mẹ đỡ đầu), vị chủ
sự nói : Anh chị em thân mến, là những bậc làm cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu, ánh
sáng này được trao phó cho anh chị em chăm sóc, tức là lo lắng cho những em được
Chúa Ktô soi sáng, luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong Đức Tin. Nhờ
đó, khi Chúa đến, các em sẽ được ra nghênh đón Người với toàn thể các Thánh
trên trời.” Điều này nhắc nhở trọng trách của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục
đức tin cho con cái khi các em lớn lên; đồng thời cũng nhắc nhở trách nhiệm của
các cha mẹ đỡ đầu. Thật là một vinh dự khi được mời làm cha mẹ đỡ đầu, nhưng đó
cũng là một trọng trách mà cha mẹ đỡ đầu phải lo chu toàn trước mặt Chúa. Chúng
ta phải ý thức bổn phận này khi chúng ta được mời để đỡ đầu cho các tân
tòng hay các em nhỏ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.
Kết
thúc Bí Tích rửa Tội, trước khi lãnh nhận phép lành, chúng ta cùng nhau đọc
Kinh Lạy Cha, để nhắc nhở chúng ta, qua Bí Tích rửa Tội, chúng ta được vinh dự
có Chúa là Cha, và chúng ta đều là anh em với nhau trong gia đình Giáo Hội. Xin
cho chúng ta luôn hết lòng phụng sự Chúa và yêu thương lẫn nhau để cùng nhau
loan truyền cho mọi người nhận biết Chúa là Cha, và chung tay xây dựng tình yêu
thương trong gia đình nhân loại.