SÓNG
GIÓ CUỘC ĐỜI
(CHÚA
NHẬT XII THƯỜNG NIÊN, NĂM B)
(Linh
Mục Anphong Trần Đức Phương)
Tôi đã được nghe một câu chuyện về Đức
Giáo Hoàng Gioan XXIII (1881-1963). Ngài chỉ ở trên ngôi vị Giáo Hoàng trong
vòng 5 năm (1958-1963), nhưng được nhiều người sùng mộ. Sau khi Ngài qua đời,
rất nhiều người đã đến viếng mộ của Ngài, đến nỗi di hài của Ngài đã được đưa
từ hầm mộ lên trên nền Đền Thờ Thánh Phêrô để dễ dàng cho giáo dân kính viếng.
Ngài có một niềm ưu tư đặc biệt về việc hiện đại hóa Giáo Hội. Ngài cũng luôn
quan tâm về nền hòa bình thế giới. Một trong những thông điệp nổi tiếng của
Ngài là Thông Điệp “Hòa Bình Trên Thế Giới” (Pacem in Terris), ra ngày 11-4-1963,
trong đó Ngài kêu gọi mọi người có thành tâm thiện chí hãy chung tay xây dựng
Hòa Bình và sự Công Chính trên thế giới, để “làm cho trái đất này trở nên nơi ở
tốt đẹp hơn cho nhân loại!”(Lời kết Thông Điệp) Một đêm khi Ngài đang ngủ, Ngài
chợt nghĩ đến bao nhiêu những điều cần phải thực hiện trong Giáo Hội. Ngài mong
cho đến sáng để xin vào trình bày với Đức Giáo Hoàng về những việc cần
phải làm ngay. Nhưng Ngài sực tỉnh và mới nhận ra chính Ngài đang là Giáo
Hoàng! Lúc đó, Ngài cảm thấy hết sức sợ hãi! Nhưng như có tiếng Chúa nói với
Ngài: “Giáo Hội là của Cha chứ không phải của con!” Bấy giờ Ngài mới lấy lại
can đảm và cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho Ngài biết phải làm gì để canh tân
Giáo Hội. Rồi Ngài đã mở Đại Công Đồng Vatican II (1962-1965), mời các vị Hồng
Y và Giám Mục từ các nơi trên thế giới trở về Rôma họp để cùng nhau đưa ra
những ý kiến hiện đại hóa Giáo Hội.
Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, trong Bài
Phúc Âm (Matcô 4: 35-41), chúng ta thấy các Thánh Tông Đồ đang chèo thuyền trên
Biển Hồ Tibêriat trong đêm tối, thì sóng to gió lớn nổi lên, nước ùa vào trong
thuyền đến nỗi thuyền sắp chìm, mà Chúa Giêsu cứ ‘ngủ yên’ trên mạn thuyền, như
không biết gì cả. Các Tông Đồ phải đánh thức Chúa dậy: “Chúng con sắp chết đến
nơi mà Thày không quan tâm đến sao?” Chúa Giêsu đã ‘thức dậy’ và làm phép lạ
cho gió yên, biển lặng! Rồi Chúa trách các Tông Đồ: “Các con không có đức tin
ư? Sao mà qúa sợ hãi như vậy!”
Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, mỗi
gia đình chúng ta có nhiều lúc cũng gặp “bão tố nổi lên” và chúng ta có cảm
tưởng Chúa cứ ‘ngủ yên’ mà không thương cứu giúp chúng ta. Y như trong trường
hợp khổ đau của ông Gióp trong Bài Đọc I (Gióp 38: 1.8-11). Nhưng ông
Gióp đã luôn vững tin nơi Chúa, không phàn nàn, kêu trách; rồi Chúa đã làm cho
sóng gió cuộc đời ông chấm dứt, và ban lại cho ông một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong Bài Đọc II (2 Corintô
5:14-17), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng
ta: Vì thương yêu chúng ta, “Chúa Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta ,
nhưng Ngài đã sống lại!..”, đem lại cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào
tình thương của Chúa.
Là những tín hữu của Chúa, chúng ta hãy
noi gương ông Gióp, luôn biết tin tưởng, phó thác nơi Chúa trong mọi biến cố
xảy ra cho chúng ta, gia đình chúng ta, thế giới chúng ta và ngay trong Giáo
Hội Chúa nữa; vì Chúa là Thiên Chúa toàn năng, và là Cha yêu thương của chúng
ta. Trong Phúc Âm Chúa Giêsu cũng bảo chúng ta hãy luôn tin tưởng nơi sự
quan phòng của Chúa là Cha luôn yêu thương chúng ta và lo lắng mọi điều cần
thiết cho chúng ta. (Matthêu 6: 25-34)
Trong thế giới ngày nay, người ta thường
thiếu niềm tin nơi Chúa, và vì thế dễ lo lắng, sợ hãi trước những biến cố đau
thương xảy ra trong cuộc đời, và trở nên khủng hoảng tinh thần, bất mãn với
cuộc đời, tâm trí bị căng thẳng, rồi suy nhược (depressed) và có những trường
hợp đưa đến loạn trí, hành động điên rồ gây nên những tội ác khủng khiếp: như
tự hủy chính mình, có khi giết hại mạng sống cả gia đình, có khi giết hại những
người vô tội, như những cuộc bắn giết tại các trường học, tiệm ăn, sở làm
và các trung tâm thương mại v.v...
Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu
nguyện cho chúng ta được vững niềm tin phó thác nơi tình thương che chở của
Chúa là Cha chúng ta. Xin cho chúng ta biết nhìn lên Thánh Giá Chúa để chấp
nhận mọi đau khổ, thử thách xảy ra cho chúng ta , gia đình chúng ta. Chính
những đau khổ, thử thách tôi luyện đức tin của chúng ta, làm cho đức tin của
chúng ta trở nên vững chắc hơn. Đau khổ và thử thách cũng là những dịp để chúng
ta được thông phần với sự đau khổ Chúa đã chịu để cứu chuộc chúng ta
(Xin xem 1 Phêrô 1: 6-9; 2 Côrintô 4: 17-18; Rôma 8: 18).
“Anh em hãy phó thác mọi nỗi lo âu cho
Chúa; vì Chúa luôn lo lắng cho anh em!” (1 Phêrô 5:7).
“Hãy phó thác đường đời cho Chúa,
Người sẽ lo liệu mọi sự cho chúng ta!”
(Thánh Vịnh 37).
“Tôi tin, tôi tin Chúa đã thương tôi,
nên Người đã chết, chết vì tôi…
“Tôi tin Chúa vẫn thương tôi, cho dù đời
tôi bao phen giông tố…”
(Bản Thánh ca “Tôi Tin” của Thành Tâm)