Chúa Nhật 13 mùa Thường niên, B

 

          Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật trước đã nói đến sự hiện diện không thể thiếu vắng của Chúa trong cuộc đời ta.  Sự hiện diện ấy giúp ta vượt qua những gian nan thử thách trên đường về quê hương vĩnh cửu.  Hôm nay Lời Chúa trình bày một khía cạnh đặc biệt trong sự can thiệp của Chúa, đó là lòng quảng đại bao la khi Người chăm sóc và dẫn dắt ta trong cuộc đời.  Nhưng đó cũng là lòng quảng đại Người dạy ta phải tỏ ra với những anh chị em lâm cảnh túng thiếu.

 

1.  Lòng quảng đại của Thiên Chúa khi Người tạo dựng nên ta và cứu độ ta (bài đọc Cựu Ước – Khôn Ngoan 1:13-15; 2:23-24)

 

          Tạo dựng con người là công việc của tình yêu Thiên Chúa.  Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên ta với mục đích tốt là cho ta được chia sẻ vinh quang bất diệt của Người.  Người còn cho ta được tham dự vào chính công việc tạo dựng khi Người ban cho ta quyền thống trị muôn loài trên mặt đất.  Theo như kế hoạch từ ban đầu, “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt” (Kn 2:23).

          Ý của Thiên Chúa là muốn cho con người “được trường tồn bất diệt”, nhưng con người lại sử dụng sự tự do để tự ý chối bỏ ân huệ cao quý ấy và phá đổ kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa.  Ông A-đam và bà E-và đã bất tuân lệnh Thiên Chúa nên bị trục xuất khỏi vườn địa đàng, tượng trưng cho sự sống vĩnh cửu Người muốn họ được thừa hưởng.  Họ đã cộng tác với “quỷ dữ ganh tị” bằng cách nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của chúng, do đó gây nên một hậu quả vô cùng khốc hại là làm cho “cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2:24) và khiến cho mọi người phải chết.  Cho nên “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong”.  Đó là nỗi lòng của Thiên Chúa trước cảnh con người chối bỏ tình yêu tạo dựng của Người!  Người chấp nhận sự đổ vỡ con người đã gây ra cho chương trình sáng tạo của Người vì Người muốn tôn trọng tự do Người đã ban cho họ.

          Tuy nhiên lòng quảng đại của Thiên Chúa không chịu thua quyền năng của tội lỗi và ma quỷ.  Người đã “dựng nên [con người] làm hình ảnh của bản tính Người” (Kn 2:23), thì Người không thể để cho hình ảnh ấy mất đi một cách dễ dàng được.  Trái lại, Người có cách để phục hồi những gì đã mất, lấy lại những nét nguyên vẹn của dung mạo con người được tạo dựng lúc ban đầu.  Do đó, Thiên Chúa tái tạo con người trong Chúa Ki-tô, trả lại cho con người những gì đã bị tội lỗi tước đoạt.  Như thế, lòng quảng đại của Thiên Chúa được biểu lộ khi Người dựng nên loài người lại càng trở nên rõ ràng và lớn lao hơn nữa trong công việc tái tạo.  Tại sao vậy?  Bởi vì lòng quảng đại được đo lường theo phẩm chất của những gì được cho đi.  Mà ở đây, khi tái tạo ta trong kế hoạch cứu độ, Thiên Chúa đã ban cho ta chính Con Một Yêu Dấu của Người, một quà tặng với phẩm chất Thiên Chúa, một dấu chỉ nói lên tuyệt đỉnh lòng quảng đại của Người rồi.

          Đứng trước lòng quảng đại đầy yêu thương của Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh không cầm lòng nổi, đã phải kêu lên:  “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con.  Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống” (Tv 29:2.4).  Lời tán dương này phải được lập lại trên môi miệng ta luôn luôn nếu ta nhớ rằng mình đã được đổi đời, được làm con Chúa!

 

2.  Chúa Giê-su biểu lộ lòng quảng đại của Thiên Chúa qua sứ vụ cứu độ Người thi hành (bài Tin Mừng – Mác-cô 5:21-43)

 

          Chúa Giê-su là tột đỉnh mặc khải của Thiên Chúa.  Để “nói có sách, mách có chứng” rằng Người quảng đại đối với ta, Thiên Chúa đã nhờ chính Con Một Người để cho ta biết Người quảng đại tới mức nào.  Những gì Chúa Giê-su dạy và nhất là qua những phép lạ chữa lành, Người cho ta thấy Người thực hiện những phép lạ ấy là để nói lên những gì tốt lành về Cha Người.  Thí dụ, khi Người tha thứ cho những kẻ tội lỗi là Người cho ta thấy khuôn mặt nhân từ của Thiên Chúa;  khi Người chữa lành thể xác cũng như tâm hồn là Người cho ta cảm nghiệm quyền năng yêu thương của Thiên Chúa, Đấng không muốn thấy con cái mình phải quá đau khổ dưới gánh nặng cuộc đời.

          Bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện Chúa Giê-su chữa lành cho người đàn bà bị bệnh băng huyết và đặc biệt là câu chuyện Người cho con gái ông Gia-ia, trưởng hội đường bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, đã chết được sống lại.  Ta hãy bước theo Chúa Giê-su và ngắm nhìn cung cách của Chúa trong những câu chuyện này để nhận ra sự quảng đại Người đã tỏ ra.  Trước hết, khi ông Gia-ia “sụp xuống dưới chân Người và khẩn khoản nài xin”, thì Người “lập tức ra đi với ông”.  Lòng quảng đại khiến cho Chúa xếp lại “những việc quan trọng” để mau mắn đáp lại lời cầu xin của ông đến cứu chữa con ông.  Tiếp đến là phép lạ chữa người đàn bà bị bệnh băng huyết đã mười hai năm.  Lòng quảng đại của Chúa rộng lớn đến độ làm bà ấy cảm thấy tin tưởng rằng không cần phải lên tiếng xin Người chữa lành thì Người cũng đoái thương đến bà.  Thánh Mác-cô viết:  “Đức Giê-su nhận thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra” có lẽ muốn ám chỉ nhiều điều, và một trong những điều ấy là lòng quảng đại của Chúa đã giải thoát người đàn bà khỏi khổ đau do cơn bệnh đã mười hai năm.  Cũng chính lòng quảng đại của Chúa đã làm cho bà mạnh dạn “đến phủ phục trước mặt Người” mà không sợ dân chúng cười nhạo, để đón nhận những lời của Chúa nói với bà, thật khích lệ và quyền năng:  “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.  Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”.

          Khi tới nhà ông trưởng hội đường, Chúa Giê-su bị người ta chế nhạo vì Người bảo con bé đang ngủ chứ không phải chết, nhưng Người không phản ứng chi hết và cứ tiến đến chỗ người ta để xác đứa trẻ.  Có quảng đại thực sự thì mới kiên nhẫn và tha thứ cho những kẻ chế nhạo mình.

          Tuy nhiên, điều làm chúng ta ngạc nhiên nhất, đó là lòng quảng đại của Thiên Chúa đã vượt trên bất cứ mong đợi nào của con người, vượt qua cả những luật lệ tự nhiên để phục hồi sự sống cho một em bé đã chết.  Điều này khiến ta nghĩ đến cái chết thiêng liêng do tội lỗi của ta và của biết bao người.  Nhờ lòng quảng đại từ bi của Chúa, ta mới được giải hòa với Người qua Bí tích Hòa giải.  Quả thực Bí tích Hòa giải là một dấu chỉ nhờ đó ta nhận biết Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, sẵn sàng và quảng đại tha thứ mọi tội lỗi ta phạm đến Người và đến anh chị em.

 

3.  “Anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại nữa” (bài đọc Tân Ước – 2 Cô-rin-tô 8:7.9.13-15)

 

          Đó là lời khuyên thánh Phao-lô gửi đến các tín hữu Cô-rin-tô ngày xưa và các tín hữu hôm nay.  Trước hết, ngài mời gọi ta hãy nhìn vào tấm gương quảng đại của Chúa Ki-tô:  “Quả thật, anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào:  Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8:9).  Vào thời điểm ấy, Giáo Hội tại Giê-ru-sa-lem đang gặp khó khăn về mọi mặt do cuộc bách hại mỗi lúc một khốc liệt hơn, nên cần sự giúp đỡ cả về phương diện vật chất từ những cộng đoàn khác.  Hơn nữa, tín hữu Cô-rin-tô tương đối là những người có khả năng tài chánh và có lòng bác ái, nên cùng với thánh Phao-lô, chính họ có sáng kiến tổ chức cuộc lạc quyên giúp anh chị em tín hữu Giê-ru-sa-lem.  Công việc này không chỉ có tính cách bác ái, mà còn nói lên tinh thần liên đới giữa anh chị em tín hữu gốc Do-thái và anh chị em tín hữu gốc dân ngoại.  Lòng quảng đại đã xóa bỏ ranh giới giữa những cộng đoàn tín hữu với nhau và giữa những người không cùng chủng tộc.  “Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu”.  Quả thật đó là giấc mơ ta không thể thực hiện nếu không có lòng quảng đại đích thực.  Lòng quảng đại của Thiên Chúa đã xóa bỏ ranh giới để ơn cứu độ không chỉ hạn hẹp dành riêng cho Ít-ra-en, nhưng đã được ban cho toàn thể nhân loại không trừ một ai.  Nhưng nếu Thiên Chúa đã quảng đại ban ơn cứu độ cho ta, thì ta cũng phải quảng đại đáp lại và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. 

Một cách cụ thể để sống quảng đại như thánh Phao-lô nêu lên, đó là “Anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu” (2 Cr 8:14).  Tại rất nhiều cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa-kỳ, thường có những tổ chức, chương trình đặc biệt hoặc những buổi lạc quyên để hỗ trợ Giáo Hội tại quê nhà.  Có người lo lắng là làm như thế nhiều quá, tài chánh của cộng đoàn sẽ bị ảnh hưởng.  Vậy mà chính những cộng đoàn ấy lại càng vững hơn về tiền quyên góp Chúa Nhật!  Bởi vì anh chị em giáo dân tại những nơi ấy là những người quảng đại, sống theo gương Chúa Giê-su và anh chị em tín hữu Cô-rin-tô.         Tuy nhiên có nhiều người cũng cần phải xét lại lối sống quá ích kỷ của họ.  Họ rất “quảng đại” với mình, không để cho mình phải thiếu thốn gì, cả đến những cái thực sự không cần thiết, nhưng lại keo kẹt với người khác, chi li từng đồng từng cắc.  Vấn đề tuy tế nhị, nhưng căn bản là ta hãy chiêm ngưỡng lòng quảng đại Thiên Chúa dành cho ta, để từ đó tập sống quảng đại và “trổi vượt về lòng quảng đại” như thánh Phao-lô khuyến dụ và mong ước.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Thiên Chúa là Đấng giàu có mọi sự mà lại còn quảng đại nữa.  Người không tiếc với ta điều gì, miễn là để ta được hạnh phúc và mai sau hưởng phần gia nghiệp của Người.  Vì thế, Người đã phung phí tình yêu vô điều kiện của Người bằng cách trao nộp Con Một Người cho ta, để chuộc mọi lỗi lầm ta đã phạm.  Do đó, ta không thể là những đứa con ích kỷ của một người Cha giàu lòng thương xót, không thể là những người em bất xứng của người Anh Trưởng đã quảng đại hiến thân và chết trên thập giá vì ta.  Quảng đại không chỉ về mặt vật chất, mà còn quảng đại cả về mặt tinh thần, tâm lý, trong cách đối xử với anh chị em và nhất là trong cách xét đoán anh chị em nữa.

 

Suy nghĩ:  Thánh Phao-lô nói về lòng quảng đại của Chúa Ki-tô:  “Người đã lấy cái nghèo của Người mà làm cho anh em trở nên giàu có”.  Lời này dạy tôi phải sống quảng đại với anh chị em như thế nào?  Có khi nào tôi suy nghĩ và tạ ơn Thiên Chúa về “cái nghèo của Chúa Ki-tô” không?

 

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử, để chúng con trở thành con cái của lòng quảng đại Chúa;  xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc do lòng ích kỷ, nhưng gìn giữ chúng con luôn chiếu sáng lòng quảng đại của Chúa.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  (Phỏng theo Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 13 mùa Thường niên).

 

Lm. Đa Minh Trần Điình Nhi

24-6-2009

 

 

 

                           


Năm Linh Mục