Chúa Nhật 14 mùa Thường niên

 

          Nếu đích thực ta là con cái Chúa, ta cần phải nhận ra lòng yêu thương của Người trong việc Người dạy dỗ và sửa bảo ta.  Mặc dù Thiên Chúa đã ban cho ta Lề Luật của Người trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, nhưng vẫn cần xuất hiện những người nhắc nhở ta phải sống sao cho đúng với chân tính của ta.  Những người đó là các vị ngôn sứ, những người nói thay cho Thiên Chúa.  Khi Chúa Ki-tô được sai đến trần gian thì thời các ngôn sứ chấm dứt và Người là chính Lời của Thiên Chúa nói với nhân loại.  Đề tài ngôn sứ được trình bày qua Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

 

1.  Chức phận của một ngôn sứ (bài đọc Cựu Ước – Ê-dê-ki-en 2:2-5)

 

          Đã có một thời người ta gọi các ngôn sứ là các tiên tri và từ ngôn sứ xem ra còn xa lạ đối với nhiều người Công giáo Việt Nam.  Ta vẫn quen gọi tiên tri I-sai-a, tiên tri Ê-dê-ki-en... hơn là ngôn sứ I-sai-a, ngôn sứ Ê-dê-ki-en...  Ta gọi các ngài là tiên tri, vì các ngài thường tiên báo tương lai sẽ xảy ra.  Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ thuộc sứ vụ của các ngài, mà trước hết các ngài phải là những người nói thay cho Thiên Chúa, chuyển sứ điệp của Chúa đến cho một cá nhân hay cộng đồng dân Chúa.  Vì lý do đó, ngày nay sử dụng từ “ngôn sứ” xem ra hợp lý hơn.

          Ê-dê-ki-en là một trong bốn vị ngôn sứ lớn và cũng là vị ngôn sứ của thời lưu đày tại Ba-by-lon.  Ở đây, ngài được Chúa trao cho sứ vụ giúp dân Chúa hiểu biết ý nghĩa của những gì đã và đang xảy ra cho họ, nhờ đó họ giữ vững lòng tin và niềm hy vọng đợi chờ một tương lai sáng sủa.  Vậy Ê-dê-ki-en ý thức thế nào về việc thi hành sứ vụ của ngài?

          Trước hết Ê-dê-ki-en phải là người hành động dưới ảnh hưởng và hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa.  Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa làm cho vị ngôn sứ được “đứng vững” (Ed 2:2).  Thánh Thần “làm cho chân tôi đứng vững”, vì sứ vụ sẽ gặp đầy những chống đối thử thách.  Có mấy ai muốn người khác nói ra những lầm lỗi của họ đâu!  Cho nên mỗi lần vị ngôn sứ nói lên những lỗi phạm của dân Ít-ra-en đối với Chúa là mỗi lần ngài phải chịu đựng những phản ứng bất lợi do những nhà lãnh đạo và dân chúng gây ra.  Sách Tin Mừng Mát-thêu dành hẳn ra chương 23, ghi lại những lời Chúa Giê-su tố cáo các kinh sư và Pha-ri-sêu cũng như tổ tiên họ đã bách hại các vị ngôn sứ, chỉ vì các ngài nói thẳng nói thật. 

Điểm thứ hai là Ê-dê-ki-en “đã nghe tiếng Chúa phán” (Ed 2:2).  Vì là người nói thay cho Thiên Chúa, chuyển sứ điệp của Chúa đến người khác, nên vị ngôn sứ cần lắng nghe rõ ràng sứ điệp.  Sứ điệp càng rõ, càng ngắn gọn thì sức mạnh của sứ điệp càng lớn, nhất là khi những kẻ phải đón nhận sứ điệp lại là những người “mặt dầy mặt dạn, lòng chai dạ đá, phản nghịch, nổi loạn chống lại Thiên Chúa”. 

Thứ ba, Ê-dê-ki-en đã “được Thiên Chúa sai đi”.  Vị ngôn sứ phải ra đi, dấn thân vào chốn nguy hiểm để thi hành sứ vụ.  Khi đã tới nơi Thiên Chúa chỉ định, vị ngôn sứ phải ở lại đó.  “Chúa Thượng phán:  ‘Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng’” (Ed 2:5).  Sự hiện diện của ngôn sứ biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa để nhắc nhở, kêu gọi, đôi khi còn “nài nỉ” dân Chúa thi hành điều Người dạy họ phải làm.  Do đó, vị ngôn sứ không được trốn chạy hoặc tránh né khó khăn.

Những điều ngôn sứ Ê-dê-ki-en nêu lên ở đây chắc chắn phải làm cho ta ý thức lại chức phận ngôn sứ mà ta được chia sẻ với Chúa Giê-su, từ những vị lãnh đạo là các giám mục, linh mục cho đến thành phần giáo dân. Điều người ta có lẽ phải suy nghĩ nhiều nhất, đó là thái độ hèn nhát.  Cha mẹ không dám dạy con, sợ chúng hỗn láo với mình.  Truyền thông báo chí sợ làm ăn thua lỗ nên không dám truyền bá sự thật.  Chính trị gia sợ thua phiếu đành phải đồng lõa với những thứ luật lệ thiếu đạo đức.  Nhiều vị lãnh đạo giáo hội địa phương do cơ chế xã hội nên không dám biểu lộ gương mặt mục tử nhân lành của Chúa Giê-su.  Tóm lại, xét lại ý thức chức phận ngôn sứ của Ki-tô hữu quả thực là vấn đề nhức nhối, nhưng vẫn phải làm.

 

2.  Nhìn ngắm Chúa Giê-su, vị Ngôn Sứ đích thực và gương mẫu, được Thiên Chúa sai đến trần gian (bài Tin Mừng – Mác-cô 6:1-6)

 

          Cuộc đời ngôn sứ của Chúa Ki-tô không có gì khác với các ngôn sứ trong Cựu Ước.  Hơn thế nữa, Người còn là tuyệt đỉnh mặc khải của Thiên Chúa và cũng ở tột độ của hy sinh để nói lên sứ điệp tình yêu Thiên Chúa qua cái chết trên thập giá.  Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc bách hại Đức Ki-tô Ngôn Sứ phải chịu ngay tại quê hương Na-da-rét của Người.

          Sau những tháng ngày thi hành sứ vụ cứu độ ở khắp miền Ga-li-lê, có lẽ toàn thể Pha-lét-tin nữa, Chúa Giê-su có dịp trở về Na-da-rét và tới giảng dạy tại hội đường.  Dân chúng Na-da-rét phản ứng rất mâu thuẫn:  một đàng họ công nhận Chúa Giê-su “được khôn ngoan” và “làm được những phép lạ như thế”;  đàng khác họ lại có ý khinh thường xuất xứ của Người, coi rẻ cả cha mẹ, bà con họ hàng của Người.  Tựu chung cũng chỉ vì lòng ghen tị mà thôi!  Chúa Giê-su là con người trầm tĩnh đến thế mà cũng phải mở miệng nói thẳng với họ:  “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi!” (Mc 6:4).

          Điều làm chúng ta vô cùng cảm phục ở đây là phản ứng của Chúa Giê-su trước sự tiếp đón không thân thiện và đầy miệt thị của dân làng Na-da-rét.  Ngoài câu nói thẳng thắn ta vừa kể trên, tuyệt nhiên không thấy một lời cay đắng nào khác.  Thêm vào đó, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục thi hành sứ vụ, không tránh né, không hờn dỗi.  Dân chúng Na-da-rét “rất đỗi ngạc nhiên” về Người một cách khinh dể, thì Người chỉ “lấy làm lạ vì họ không tin”.  Người muốn dạy dỗ họ thật nhiều, làm thật nhiều cho họ, nhưng họ không đón nhận.  Vì thế “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó”, mà “chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ” (Mc 6:5).  Có lẽ ta cũng nên thắc mắc là giữa việc “làm được phép lạ” và việc “đặt tay chữa lành”, có sự khác biệt nào không?  Để trả lời, ta nên hiểu mục đích của sứ vụ ngôn sứ là giúp người ta thay đổi tâm hồn và cuộc sống, đó là những “phép lạ” đích thực nhưng khó nhận thấy cần phải được thể hiện và tiếp diễn nơi mỗi người, chứ không phải chỉ ba cái việc chữa lành thể xác.  Nói như thế, ta có thể nghĩ rằng Chúa Ki-tô đã thất bại trong sứ vụ ngôn sứ ngay tại quê nhà.  Nhưng thành công của Người là Người đã cho dân chúng Na-da-rét biết rằng “có một ngôn sứ đang ở giữa họ” (Ed 2:5).  Và thành công khác của Chúa Giê-su là Người không nản lòng bỏ cuộc, nhưng vẫn tiếp tục thi hành sứ vụ bằng cách “đi các làng chung quanh mà giảng dạy” (Mc 6:6).

          Quả thực, Chúa Giê-su đã chu toàn sứ vụ ngôn sứ một cách tuyệt hảo không chỉ tại Na-da-rét, mà còn ở bất cứ nơi nào Người đến, và kết thúc sứ vụ bằng cái chết thập giá để nói lên tình yêu bao la và vô điều kiện của Thiên Chúa.  Đó cũng là sứ vụ Người mời gọi ta tiếp tục và tiếp tay với Người để làm cho nhân loại biết Thiên Chúa yêu thương ta và muốn cứu độ ta.  Thi hành sứ vụ ngôn sứ trong cuộc sống hằng ngày là bổn phận của mọi Ki-tô hữu không miễn trừ ai.  Thánh Phao-lô đã đi theo con đường của Chúa Ki-tô và ngài đã trở thành một tấm gương sáng chói về việc thi hành sứ vụ ngôn sứ.

 

3.  Thánh Phao-lô vui sướng khi bị sỉ nhục, bách hại vì làm ngôn sứ cho Chúa Ki-tô (bài đọc Tân Ước – 2 Cô-rin-tô 12:7-10)

 

          Với những điều ta học được nơi ngôn sứ Ê-dê-ki-en và nơi Chúa Giê-su, ta có thể nhìn vào cuộc đời tông đồ của Phao-lô để học hỏi qua cách thi hành sứ vụ ngôn sứ của ngài.  Những gì sách Công vụ Tông Đồ và chính những thư của thánh Phao-lô thuật lại, ta biết cuộc đời chứng nhân của thánh Phao-lô đầy gian nan và ngài phải chịu đau khổ rất nhiều trong khi thi hành sứ mệnh.  Nhưng đặc biệt ở đây, qua đoạn thư trích thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô đã chia sẻ một điều khá riêng tư về đời tông đồ của ngài.

          Ngài được Chúa gọi làm Tông đồ và ban cho “những mặc khải phi thường”.  Trong số các Tông đồ, ngài là một “siêu sao” với nhiều đức tính hiếm quý và trình độ trí thức rất cao.  Nhưng đó cũng là điều khiến ngài phải “thức tỉnh” và đề phòng để khỏi trở thành kiêu căng khinh thường người khác.  Ngài tự thú là có một “vấn đề” nào đó, hoặc yếu đau thể xác [“thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào”], hoặc một vết thương về tâm lý hay tinh thần [“thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi”], làm cho ngài phải rất đau khổ.  Tuy nhiên ngài xác tín mục đích của “vấn đề” khiến ngài đau khổ, đó là để giúp ngài khiêm tốn trong sứ vụ.  Do đó, bài học ngài dạy ta trong điều này là phải giữ lòng khiêm tốn khi thi hành sứ vụ ngôn sứ.  (Ta mở một cái ngoặc nhỏ ở đây:  nếu trong bài giảng, ta có nghe cha “quát mắng, lên lớp”, thì ta cứ cắt nghĩa tốt cho ngài là vì ngài quá sốt sắng muốn nhắc nhở giáo dân thôi).  Cha mẹ mà lúc nào cũng “lấy quyền phụ mẫu” sử dụng những lời lẽ không thích hợp với cách dạy dỗ con cái thì đó cũng là một hình thức thiếu khiêm tốn trong sứ vụ ngôn sứ của cha mẹ rồi.

          Điều thứ hai ta học nơi thánh Phao-lô là biết cậy vào “ơn Chúa”.  Thi hành sứ vụ ngôn sứ là điều gây đau khổ, nản lòng cho ta.  Nhưng ta phải xác tín rằng tự sức riêng, ta không thể chu toàn nổi sứ vụ ấy.  Cần phải có ơn Chúa, là sức mạnh giúp ta thắng vượt khó khăn.  Lúc thánh Phao-lô cảm thấy mình yếu đuối nhất thì lại là lúc ngài nhận thấy sức mạnh của ơn Chúa rõ rệt nhất.  Ngài dí dỏm nhận xét:  “Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:10).

          Điều thứ ba, từ thái độ khiêm nhượng biết mình yếu đuối và biết ơn Chúa mạnh mẽ, ta sẽ “vui mừng và tự hào” với sứ vụ ngôn sứ của ta.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Phụng vụ Lời Chúa hôm nay để lại những bài học vô cùng thực tế, đơn giản, nhưng cũng hết sức sâu sắc và cảm động.  Theo chân Chúa Ki-tô, tất cả chúng ta đều là “ngôn sứ” của Thiên Chúa, giuíp Người làm cho thế giới và nhân loại mỗi ngày một tốt đẹp hơn.  Ý thức những khó khăn và thiệt thòi một ngôn sứ phải lãnh chịu khi thi hành sứ vụ, ta học hỏi nơi Chúa Giê-su, nơi các ngôn sứ trong Cựu Ước, nơi thánh Phao-lô và nơi những ngôn sứ thời đại đang âm thầm sống bên cạnh ta, để chính ta cũng trở thành dụng cụ Chúa sử dụng cho việc xây dựng Giáo Hội và xã hội hôm nay.

 

Suy nghĩ:  Trong chức phận hiện thời, là bậc cha mẹ, giáo viên, công chức, công nhân... tôi đang thi hành sứ vụ ngôn sứ như thế nào?  Tôi có giúp cho Tin Mừng của Chúa Ki-tô được rao giảng không?  Tôi có đóng góp gì để thay đổi gia đình, xứ đạo, khu xóm trở nên tốt hơn không?

 

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa để họ được trở về nẻo chính đường ngay;  xin ban cho những người xưng mình là Ki-tô hữu biết tránh mọi điều bất xứng và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 15 mùa Thường niên).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi