Chúa Nhật XIV Thường
Niên B
Người Đã Không Thể
Mc 6:1-6: 1Đức Giêsu ra khỏi đó và
đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sabbát,
Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên.
Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là
làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3 Ông
ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết,
Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta
sao?” Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ
rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc,
và trong gia đình mình mà thôi.” 5 Người đã không thể làm được phép
lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6
Người lấy làm lạ vì họ không tin.
Câu chuyện xảy ra ở
nguyên quán của Chúa Giêsu (6:1-6a) kết thúc đoạn khá dài nói về những việc quyền
năng Người đã làm ở Galilêa (3:7-6:6a). Ở nguyên quán dân chúng đã khước từ Người,
nên Người đã không làm phép lạ tại đó. Cấu trúc của đoạn: 1- Chúa Giêsu về quê
quán với các môn đệ (6:1-2a); 2- Phản ứng của dân chúng tại đó (6:2b- 3); 3- Thái
độ của Người trước phản ứng của dân chúng (6:4-6a).
Về lại nguyên quán
Nazaréth là sáng kiến riêng tư của Chúa Giêsu. Người “ra khỏi đó”, nghĩa là tách
mình khỏi những hoạt động trước đó (4:1-5:43), và tìm đến những người bà con thân
thuộc trước đây đã đến tìm Người, và Người đã để họ đứng bên ngoài
(3:21.31-35). Như các lần trước, các môn đệ luôn đi với Người để chứng kiến và
học hỏi những điều sẽ xảy ra (c. 1). Như lúc khởi đầu, Người vào hội đường ngày
sabbát để giảng dạy (c. 2; 1:21-22.27b; 11:18). Phản ứng đầu tiên của dân chúng
trong cả hai trình thuật là họ đầy kinh ngạc bởi giáo huấn của Người. Tuy nhiên,
điểm khác biệt giữa chúng là trong khi dân chúng ở buổi khởi đầu nhận ra quyền
năng của Người trổi vượt mà họ không tìm thấy nơi các biệt phái, dân chúng ở
nguyên quán của Người lại đặt vấn đề về bản chất và nguồn gốc của giáo huấn và những
việc quyền năng của Người, dựa trên quan hệ dòng tộc trần thế của Người. Họ chỉ
biết “Người nầy” là con của bà Maria, anh em của Giacôbê,.... Chừng ấy thôi và
không biết gì hơn (cc. 2b-3). Chính sự giới hạn trong nhận thức về Người bằng đức
tin đã đóng lòng họ lại trước con người và sứ mạng của Người (x. 7:15). Cũng với
một thái độ ấy các thành phần trong hội đồng do thái đã hỏi Chúa Giêsu sau nầy:
“Ông lấy quyền nào mà làm việc đó? hay ai đã ban cho ông quyền để làm việc đó?”
(11:28; 3:22-23). Như thế, “họ vấp ngã về Người” nghĩa là họ không nhận ra quyền
năng Thiên Chúa nơi giáo huấn và công việc Người; nên họ cũng không tin Người là
Đấng được Thiên Chúa gởi đến.
Trước phản ứng thiếu lòng
tin của dân chúng ở quê quán Người, Marcô ghi nhận là Chúa Giêsu không thể làm phép lạ nào cả (c.
5). Điều nầy xem ra trái nghịch với những điều quyền năng của Người vừa được tường
thuật trong đoạn trước (4:1-5:43). Người có thể làm được tất cả nếu Người muốn
(x. 1:40; 8:4; 9:22; 15:31). Tuy nhiên, có một điều Người không thể làm là áp đặt
lòng tin của những người không muốn tin vào Người. Phép lạ chỉ được thực hiện để
dẫn đến lòng tin; nên nếu không có đức tin, Người không thể làm phép lạ (x.
4:40; 5:34; 5:36). Thái độ của dân chúng ở nguyên quán của Chúa Giêsu tương tự
thái độ của những người ở vùng Gêrasa (5:17).
Sau một loạt tường thuật
những giáo huấn và những việc quyền năng Chúa Giêsu đã làm, sự không thành công
ngay tại quê quán tạo nên một tương phản và gây ấn tượng mạnh, ngay cả cho Người,
là rất khó chinh phục con người cho Thiên
Chúa.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng
Quang Tiến