Chúa Nhật 18 mùa Thường niên, B

2009

 

          Qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa biểu lộ lòng thương yêu chăm sóc ta.  Phép lạ Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều là dấu chỉ của việc biểu lộ ấy.  Tuy nhiên Chúa Giê-su còn dùng dấu chỉ ấy để mặc khải cho ta một chân lý vô cùng quan trọng:  Người là bánh ban sự sống đời đời.  Từ man-na trong Cựu Ước tiến đến bánh trường sinh trong Tân Ước, đó là đề tài chính của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

 

1.  Câu hỏi của dân Ít-ra-en và nhân loại:  “Manhu?”, nghĩa là “Cái gì đây?” (Bài đọc Cựu Ước – Xuất Hành 16:2-4.12-15)

 

          Khi Thiên Chúa ban cho dân Ít-ra-en một của ăn bất ngờ trong sa mạc, họ không biết đó là gì nên hỏi nhau:  “Man-hu?”, nghĩa là “Cái gì đây?”  Câu truyện được kể lại để cho ta hiểu nguồn gốc của từ “man-na”.  “Cái gì đây?” không chỉ là câu hỏi về một của ăn người ta không biết gọi là gì, nhưng còn là câu hỏi về tất cả ý nghĩa của sự kiện Chúa ban “bánh bởi trời” thời Cựu Ước là man-na và câu hỏi về “bánh bởi trời” thời Tân Ước là Chúa Giê-su Ki-tô nữa.

          Man-na là “bánh bởi trời” vì nó không phải là sản phẩm từ bàn tay trồng cấy của con người, nhưng là ân huệ từ bàn tay quan phòng và yêu thương của Thiên Chúa.  Man-na cũng không phải từ đất mọc lên, nhưng là được ban từ trời xuống.  Thiên Chúa đã quả quyết về những điều ấy khi Người phán với ông Mô-sê:  “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn” (Xh 16:4).  Những ý nghĩa này hẳn phải đưa ta đến một thực tại cao cả mà Thiên Chúa muốn thực hiện trong tương lai.  Từ “bánh bởi trời” nuôi dưỡng một đoàn dân lang thang trong sa mạc để duy trì sự sống thể xác, Thiên Chúa muốn chuẩn bị cho nhân loại một thứ bánh nuôi dưỡng linh hồn họ và đem họ vào cõi sống đời đời.        Tất cả những điều ấy phải là nội dung của câu hỏi “Man-hu?  Cái gì đây?”, để những người con cái Chúa mọi thời suy nghĩ và tìm thấy câu trả lời thiết thực cho đời sống thiêng liêng của họ.

          “Man-hu?”  Đó là man-na, “bánh bởi trời” do Thiên Chúa ban cho dân Ít-ra-en để thỏa đáng nhu cầu thể chất và khỏi chết đói qua những ngày họ lang thang trong sa mạc.  Tuy nhiên man-na còn là dấu chỉ để Thiên Chúa “thử lòng” dân Chúa xem “họ có tuân theo Luật của Người” không, đồng thời cũng để họ nhận biết “Người là Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en”. (Xh 16:4.12).  Như vậy, “man-hu” trở thành câu hỏi căn bản của con người, khởi đầu cho một hành trình đức tin gắn bó dân Ít-ra-en với Thiên Chúa, nhưng cũng là hành trình của bất cứ ai bước đi theo khát vọng tìm về Đấng tạo dựng, hành trình của “những tâm hồn chỉ được an vui cho đến khi nào được nghỉ ngơi trong Chúa” (thánh Augustinô).  Nhưng đâu là con đường dẫn ta đến gặp và an vui trong Chúa?  Man-na chỉ là lương thực cho dân Chúa trong hành trình về đất hứa ở trần gian, chứ không thể giúp họ vượt được khoảng cách vô biên giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Như thế khát vọng tìm đến Thiên Chúa vẫn không sao thực hiện được.  Cho nên man-na là hình bóng báo trước một sáng kiến táo bạo Thiên Chúa sẽ đích thân thực hiện trong lịch sử nhân loại, là sai Con Một, Chúa Giê-su Ki-tô, xuống trần gian để làm Man-na Mới, “bánh bởi trời”, ‘bánh trường sinh” cho nhân loại hành trình đến với Thiên Chúa.  Câu hỏi “Man-hu?  Cái gì đây?” của nhân loại thời Tân Ước là câu hỏi về Mầu nhiệm Chúa Ki-tô, về con người và sứ mệnh của Chúa Ki-tô và về quan hệ giữa ta với Chúa Ki-tô đồng hành đến với Thiên Chúa Cha.

 

2.  Câu trả lời của Chúa Giê-su:  “Chính tôi là bánh trường sinh” (bài Tin Mừng – Gio-an 6:24-35)

 

           Phép lạ hóa bánh ra nhiều là một sự kiện vĩ đại, nhưng quan trọng hơn chính là bài giảng về ý nghĩa của “bánh trường sinh”.  Quan trọng đến độ hoặc là ta không muốn chấp nhận chân lý về bánh trường sinh nên “rút lui, không còn đi với Chúa Ki-tô nữa”, hoặc là “tin và nhận biết chính Chúa Ki-tô là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6:66.68), một thái độ dứt khoát chứ không thể lưng chừng.

          Bài Tin Mừng hôm nay chỉ là đoạn mở đầu bài giảng, khẳng định chân tính và vai trò của Chúa Giê-su đối với cuộc hành trình của nhân loại tìm về Thiên Chúa.  Khẳng định rất đơn sơ, rõ ràng.  Trước hết là một chân lý về nguồn gốc và mục đích của bánh đã được ban cho Ít-ra-en.  Bánh ấy đã được Thiên Chúa là “Cha của Đức Ki-tô” ban cho dân Ít-ra-en, bánh từ trời xuống và bánh đem lại sự sống cho thế gian.  Đáp lời Chúa Giê-su giới thiệu về bánh, người Do-thái đã khẩn cầu Người ban cho họ thứ bánh đó, như Người đã làm phép lạ ban bánh cho họ.  Lời khẩn cầu của họ vẫn quanh quẩn trong những nhu cầu vật chất hằng ngày, chứ chưa vươn tới thực tại thiêng liêng của khát vọng tâm hồn.  Đây chính là lúc Chúa Giê-su muốn đưa họ sang phạm trù thiêng liêng, tới với nhu cầu đích thực và quan trọng hơn nhu cầu vật chất.  Cho nên Người trả lời cho khẩn cầu của họ, cũng là khẩn cầu của toàn thể nhân loại:  “Chính tôi là bánh trường sinh.  Ai đến với tôi, không hề phải đói;  ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35).

          Còn lời nào rõ ràng hơn được không?  Tuyên bố mình chính là bánh trường sinh, Chúa Giê-su đã khẳng định nguồn gốc và sứ mệnh của Người.  Người được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian.  Sứ mệnh của Người là thỏa đáng cơn đói và khát thiêng liêng của nhân loại.  Đói và khát là dấu hiệu nhu cầu thiết yếu của con người.  Về thể xác, người ta chỉ có thể sống nếu thỏa đáng được cơn đói và khát.  Tuy nhiên đời sống tâm lý và thiêng liêng cũng chỉ tồn tại khi thỏa đang được nhu cầu đói khát.  Đây chính là điều Chúa Giê-su nói tới:  đến với Người, ta sẽ không phải đói;  tin vào Người, ta sẽ không phải khát.  Đã có lần các môn đệ mời Chúa Giê-su dùng bữa, Người trả lời họ:  “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4:34).  Cơn đói của ta là làm sao thi hành ý Chúa và hoàn thành sứ mệnh Chúa trao cho ta.  Đến với Chúa Giê-su, Người sẽ dạy ta phải làm gì để sống theo ý Thiên Chúa và phải làm thế nào để chu toàn sứ mệnh của ta.  Bên bờ giếng tổ phụ Gia-cóp, Chúa Giê-su đã nói với người phụ nữ Sa-ma-ri:  “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa.  Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4:14).  Uống nước khôn ngoan của Thần Khí Chúa Ki-tô, ta sẽ không còn phải khát vọng một sức mạnh nào khác ngoài quyền lực của Thiên Chúa, quyền lực của Tình Yêu đích thực.  Sức mạnh ấy nảy sinh từ lòng tin của ta vào Chúa Ki-tô là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa nhập thể và ở lại với ta.

          Lời giới thiệu của Chúa Giê-su về chính Người mời gọi ta mỗi ngày khám phá Mầu nhiệm Chúa Ki-tô để biết Người rõ hơn, yêu mến Người nồng nàn hơn và theo Người trung thành hơn.

 

3.  “Nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giê-su và được dạy dỗ theo tinh thần của Người”  (bài đọc Tân Ước – Ê-phê-xô 4:17.20-24)

 

          Đáp lời gọi của Chúa Ki-tô, môn đệ Phao-lô đã đến với Người và tin vào Người, mong được Người thỏa đáng cơn đói và khát của ngài.  Thực vậy, Phao-lô đã tìm hiểu Mầu nhiệm Chúa Ki-tô và nhất là đã sống Mầu nhiệm ấy để cho cuộc sống ngài hoàn toàn bị Ki-tô hóa.  Giờ đây ngài chia sẻ kinh nghiệm sống Mầu nhiệm Chúa Ki-tô cho anh chị em tín hữu Ê-phê-xô.  Chính ngài đã rao giảng cho họ biết về Chúa Ki-tô là ai và dạy dỗ họ phải sống thế nào theo tinh thần Chúa Ki-tô (Ep 4:20).  Ngài nói với họ về Chúa Ki-tô như là “sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13), tỏ ra cho ta tất cả những gì Thiên Chúa muốn mặc khải cho loài người (Ep 4:21c).  Tuy nhiên biết Chúa Ki-tô không hẳn chỉ là mớ kiến thức trong đầu, nhưng phải được thể hiện qua lối sống theo tinh thần của Người.  Muốn làm được những điều này, ta cần phải “cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa” để “mặc lấy con người mới”, nghĩa là ta hãy từ bỏ “những tư tưởng phù phiếm” và “những ham muốn lừa dối” để “thực sự sống công chính và thánh thiện”.

          Lời nhắc nhở của thánh Phao-lô cho thấy đã có lúc anh chị em tín hữu Ê-phê-xô đã không sống theo sự dạy dỗ của ngài.  Nhưng đó cũng là tình trạng chung của mọi người.  Ta luôn bị cám dỗ trở lại sống theo con người cũ tội lỗi và không chịu thay đổi để mặc lấy con người mới thánh thiện công chính.  Ta luôn bị cám dỗ ngăn cản diễn trình Ki-tô hóa đã bắt đầu nơi ta từ sau khi ta được nhận làm con cái Chúa và làm chi thể của Nhiệm thể Chúa Ki-tô.  Hành trình học biết Chúa Ki-tô và sống theo lối sống của Người đòi hỏi nhiều cố gắng và nhất là lòng tin yêu của ta nơi Người.  Noi gương thánh Phao-lô và biết bao anh chị em Ki-tô hữu, ta hãy để cho Thần Khí Chúa Ki-tô “đổi mới tâm trí”, biến ta thành “con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4:24).

 

4.     Sống Lời Chúa

 

Mở đầu bài giảng về Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giê-su tự giới thiệu Người là bánh trường sinh Thiên Chúa ban cho nhân loại.  Người mời gọi ta hãy đến với Người và tin vào Người.  Đến với Người để nhận ra sự thật về tình yêu Thiên Chúa dành cho ta và tin vào Người để sống theo lối sống của Người, vì Người là con đường, sự thật và sự sống.  Ta hãy đáp lại lời mời gọi của Người theo sự hướng dẫn của thánh Phao-lô, cố gắng học biết Mầu nhiệm Chúa Ki-tô và sống theo những điều Chúa Ki-tô dạy dỗ ta qua những giá trị Tin Mừng.

 

Suy nghĩ:  Tôi đã làm gì để “học biết về Đức Ki-tô” và “sống theo tinh thần của Người”?  Nói khác đi, tôi đã học hỏi Lời Chúa và sống Lời Chúa như thế nào?

 

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, chúng con tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn;  xin Chúa hằng dủ thương nâng đỡ chúng con, cùng ban ơn đổi mới và gìn giữ mọi loài Chúa dựng nên cho chúng con được hưởng nhờ.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 18 mùa Thường niên).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

           


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B