Chúa Nhật XVIII
Thường Niên B
Lễ Chúa Biến
Hình
Người Trở Nên
Tỏa Trắng Vô Cùng
Mc 9:2-9: 2Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem theo các ông Phêrô,
Giacôbê và Gioan và Người đưa họ lên một ngọn núi cao, riêng ra một chỗ. Và
Người được biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3Y phục Người trở
nên rực rỡ, trắng tinh vô cùng, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được
như vậy. 4Và ông Êlia và ông Môsê hiện ra cùng họ, và các ông đàm
đạo với Đức Giêsu. 5Bấy giờ, thưa với Đức Giêsu, ông Phêrô nói:
“Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là tốt đẹp! Và hãy để chúng con dựng ba cái
lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” 6Thực ra,
ông không biết thưa làm sao, vì các ông kinh hoàng. 7Và nầy có một
đám mây bao phủ các ông. Và có tiếng từ đám mây: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy
nghe lời Người.” 8Và chợt
nhìn quanh, các ông không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông. 9Và
khi họ xuống núi, Người truyền cho các ông không được kể lại cho ai những điều
đã thấy, chỉ đến khi Người Con của Nhân Loại từ cõi chết sống lại.
(Xin xem thêm bài chú
giải Chúa Nhật II Mùa Chay năm B)
Trình thuật về việc Chúa Giêsu biến hình
được mô tả theo diễn tiến tăng dần mà cao điểm của nó là lời mạc khải của Chúa
Cha về Người Con yêu dấu của Người. Đoạn 9:2-9 có thể được phân chia như sau: -
Bối cảnh, nhân vật, và sự biến hình của Chúa Giêsu (9:2-3); - Hành động và phản
ứng của những người tham dự cuộc biến hình (9.4-7); - Mạc khải cho các tông đồ
(9:8-9).
Một số biến cố quan trọng liên quan đến
Chúa Giêsu và các môn đệ của Người thường diễn ra trên núi: kêu gọi các môn đệ
(3:13), biến hình (9:2), gởi hai môn đệ đi chuẩn bị phòng cho lễ Vượt qua
(11:1), những giáo huấn và tiên báo trước ngày chịu thương khó (13:3; 14:26).
Ngọn núi trong biến cố biến hình nầy mang đặc tính là “cao”, nơi tiếp xúc riêng
với Thiên Chúa. Ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan thường được tách riêng ra và
được đặc ân chứng kiến những sự kiện quan trọng Chúa Giêsu làm (x. 5:37; 13:3;
14:33).
Marcô nói cách đơn giản là “Người được
thay đổi hình dạng”, ở thì thụ động, chỉ việc làm của Chúa Cha nơi Chúa Giêsu. “Biến
hình” không có nghĩa là thay hình đổi dạng, mà là bản tính thật của Chúa Giêsu được
tỏ ra cho các tông đồ thấy. Họ chứng kiến Người trong hình dạng của vinh quang
thiên quốc. Mục đích là để họ sau nầy trở thành chứng nhân về sự cao cả của Người
(2 Phêrô 1:16-18). Vinh quang ấy của Người được biểu trưng qua cách mô tả chiếc
áo trắng tinh đến nỗi không thợ giặt nào có thể làm như vậy; trong khi Luca và
Matthêu mô tả thêm khuôn mặt của Người (x. Mt 17:2; Lc 9:29). Đối với Marcô, chiếc
áo Chúa Giêsu mang có thể tượng trưng cho chính Người; chẳng hạn, quyền năng chữa
lành bệnh xuất ra từ Người, khi người phụ nữ mang bệnh băng huyết chỉ chạm đến
gấu áo của Người (5:30; 6:56). Bởi đó, “chiếc áo trở nên tỏa trắng vô cùng” của
Người muốn nói chính Người đang rực rỡ trong vinh quang. Màu trắng là màu của ánh
sáng, sự sống, thiên quốc, và chiến thắng (x. 16:5; Dan 7:9-10).
Êlia và Môsê, hai nhân vật của cựu ước được
nhắc đến nhiều nhất trong tin mừng Marcô, xuất hiện chung với Chúa Giêsu và đàm
đạo với Người (c. 4). Cả hai đều có ảnh hưởng rất lớn trên đời sống tôn giáo và
bình thường của dân chúng. Êlia được quan niệm là người “phải đến trước để phục
hồi mọi sự”, và cứu giúp những người khốn khổ (9:11.12.13; 15:35.36; x. Sir
48:1-11). Do đó, khi thấy những việc và nghe giáo huấn của Gioan Tẩy Giả và Chúa
Giêsu, dân chúng nghĩ các ngài là Êlia (x. 6:15; 8:28). Trong khi Môsê, là người
truyền lại cho dân những lề luật tôn giáo và dân sự để tuân giữ (1:44; 7:10;
9:4-5; 10:3.4; 12:19.26). Chỉ Luca nói đến nội dung của cuộc đàm đạo là sự ra đi
(exodos) của Chúa Giêsu (Lc 9: 31). Sự
hiện diện chung của ba người trong một khung cảnh chung sẽ kết thúc bằng sự hiện
diện duy nhất của Chúa Giêsu, trong khi Êlia và Môsê biến mất, và bằng lệnh
truyền có tính cách chọn lựa phát xuất từ trời: “Hãy nghe Người” (c. 7). Vai trò
của hai ông chấm dứt khi Chúa Giêsu đến.
Cao điểm của biến cố là lời phát ra từ đám
mây (c. 7). Đám mây che phủ chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Xh 40:35). Người
hiện diện với các tông đồ và sắp nói trực tiếp cho các ông biết Chúa Giêsu là
ai, điều mà Người đã hỏi các ông (x. 8:27). Cùng một lời tương tự như thế xuất phát
từ Chúa Cha đã nói trực tiếp với Chúa Giêsu trong ngày Người chịu phép rửa
(1:11). Lời nầy khởi đầu sứ mạng rao giảng lãnh nhận từ Chúa Cha; như thế, Người
được đặt trong tương quan yêu thương với Chúa Cha, “Con yêu dấu của Cha”, trước đi rao giảng Tin mừng của Cha Người.
Khi sứ mạng ấy gần như chấm dứt bằng cuộc thương khó, lời ấy lại được ngỏ cho
những tông đồ thân thiết để họ tin vào Người như là Con Thiên Chúa và vào sứ mạng
Người đã làm để cứu chuộc dân của Người: “Các ông hãy nghe Người”.
Khi Chúa Giêsu đến, mọi sự và mọi người
phải lắng nghe chỉ mình Người. Chỉ khi nghe theo lời Người và làm theo điều Người
dạy, con người mới có thể được biến đổi trong vinh quang thiên quốc như Người.
Lm. Luigi
Gonzaga Đặng Quang Tiến