2009
Phụng
vụ Lời Chúa hôm nay tiếp tục quảng diễn bài giảng của Chúa Giê-su về bánh
trường sinh. Trong phần giới thiệu của
bài giảng Chúa Giê-su đã đưa ta đi từ man-na, bánh bởi trời, đến chính bản thân
Người là bánh trường sinh do Thiên Chúa ban cho nhân loại. Phần cốt yếu của bài giảng trong bài Tin Mừng
hôm nay trình bày hiệu quả hay mục đích của bánh trường sinh: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi
đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6:51).
1. Lương
thực cho cuộc hành trình lên núi Khô-rếp của ngôn sứ Ê-li-a (bài đọc Cựu Ước – 1 Vua 19:4-8)
Sau cuộc đấu sức
lòng tin với các ngôn sứ của thần Ba-an và tiêu diệt chúng, ngôn sứ Ê-li-a bị
hoàng hậu I-de-ven trả thù. Để trốn khỏi
cuộc bách hại của bà, ngôn sứ phải chạy trốn lên núi Khô-rếp. Đường sa mạc cực khổ, đói khát và chán nản
khi nghĩ đến phận bạc bẽo làm ngôn sứ, Ê-li-a thất vọng và xin Chúa cho ông
được chết đi cho xong. Nhưng Chúa cho sứ
thần đem bánh và nước tới cho ông ăn uống.
Ông nằm ngủ để lấy lại sức. Thiên
sứ đánh thức ông dậy và ông ăn uống thêm lần nữa. Kết luận của câu truyện là: “Nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn
mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Đức Chúa” (1 V 19:8).
Câu kết này đã nói lên
hiệu quả của lương thực thần diệu bởi trời ấy.
Dĩ nhiên Thiên Chúa có thể làm phép lạ ban cho vị ngôn sứ một thức ăn lạ
lùng như vậy. Nhưng ta nên chú ý tới ý
nghĩa lương thực ấy muốn nói lên, hay nói khác đi, chú ý tới ý nghĩa biểu tượng
của lương thực. Trước hết, lời Kinh
Thánh quả quyết về hiệu năng của lương thực, tức là tính chất bổ dưỡng, cung
cấp sức mạnh. Nhu cầu của ngôn sứ Ê-li-a
trong tình huống này là sức lực, cả thể xác lẫn tinh thần. Ông đang đi trong vùng sa mạc và đã tiêu hao
hết sinh lực vì đường xa và khí hậu khắc nghiệt. Ông cũng đang ở trong tình trạng tuyệt vọng
khi nghĩ về những đau khổ tinh thần một vị ngôn sứ phải hứng chịu do việc thi
hành sứ mệnh. Vì thế, bánh và nước là
những vật dụng cần thiết nhất cho sự sinh tồn.
Cũng vậy, sức mạnh tinh thần và an ủi tâm hồn chẳng khác nào như bánh và
nước sẽ vực ông dậy cho khỏi bị suy sụp về tâm lý. Tuy nhiên hình ảnh bánh và nước chỉ là hình
bóng ám chỉ đến một thứ lương thực có hiệu năng hơn và cần thiết hơn cho con
người trong một hành trình gian khó hơn.
Đó là hành trình đức tin của Ki-tô hữu.
Vậy hiệu quả của lương
thực Thiên Chúa ban cho ngôn sứ Ê-li-a là giúp ông hoàn tất cuộc hành trình tới
Khô-rếp. Con số bốn mươi ngày và bốn mươi
đêm là con số biểu tượng, nói lên sự tròn đầy của một cuộc hành trình, không
nửa chừng hay bị ngắt quãng. Lần này,
người của Thiên Chúa đến núi Khô-rếp là để lãnh nhận những thánh chỉ của Thiên
Chúa cho sứ mệnh ngôn sứ của ông. Ông sẽ
trở về với cộng đồng dân Chúa, đem cho họ những sứ điệp của Người. Khô-rếp là “núi của Thiên Chúa”, là nơi con
người được gặp gỡ với Thiên Chúa. Tất cả
những biểu tượng rõ ràng này cũng đúng để nói lên cuộc hành trình của Ki-tô hữu
trên trần gian. Nó cũng phải là một hành
trình để chu toàn một sứ mệnh, một hành trình gian khổ đòi hỏi phải có sức mạnh
và ủi an của Thiên Chúa từ một thứ lương thực quý báu và vô cùng đặc biệt. Sức mạnh và ủi an ấy chỉ có thể tìm thấy nơi
Chúa Giê-su Ki-tô, bánh trường sinh mà Thiên Chúa ban cho ta từ trời xuống.
Bài đọc Tin Mừng sẽ nói
với ta về bánh trường sinh ấy qua bài giảng của Chúa Giê-su. Điệp khúc “Tôi là bánh trường sinh” được lập
đi lập lại nhiều lần, nhưng mỗi lần là để khai triển một khía cạnh mới về vai
trò của Chúa Giê-su đối với hành trình đức tin của ta tiến về nhà Thiên Chúa.
2. “Bánh
tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (bài Tin Mừng – Gio-an 6:41-51)
Phép lạ hóa bánh ra
nhiều chỉ là cơ hội để Chúa Giê-su dẫn ta đến với một thực tại vô cùng cao cả
và đậm tình yêu thương. Điệp khúc “Tôi
là bánh trường sinh” được lập lại nhiều lần, nhưng mỗi lần đều giới thiệu một
đề tài mới có liên hệ đến Mầu nhiệm Đức Ki-tô.
Đoạn đầu của bài Tin Mừng hôm nay đề cập tới xuất xứ “từ trời xuống” đã
khiến cho người nghe “xầm xì phản đối”, vì họ biết Người là “ông Giê-su, con
ông Giu-se”. Đến khi Chúa Giê-su khẳng
định bánh hằng sống Người sẽ ban là “thịt” của chính Người, thì việc phản đối
lên tới cao độ, đến mức mọi người đều bỏ đi, chỉ còn lại các Tông đồ quyết tâm
theo Chúa. Người sẽ nói rõ hơn về ý
nghĩa “thịt” khi lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly.
Vậy
trong Thánh lễ, ta nghe chủ tế đọc lời truyền phép: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các
con”. Từ sarx trong Hy-ngữ có nghĩa là thịt, thân xác, hay một Chúa Ki-tô
bằng xương bằng thịt đã thi hành sứ vụ rao giảng và đã chịu đóng đinh thập
giá. Còn từ sôma nói về con người toàn diện của Chúa Ki-tô, gồm trí khôn, linh
hồn, ý chí và cả thân xác nữa; đó là ý
nghĩa của “Mình Thầy” như ta nghe trong lời truyền phép. Tóm lại, dù ta có hiểu theo cách nào, thì
bánh trường sinh cũng vẫn có ý nghĩa là Chúa Ki-tô, Ngôi Lời xuống thế mặc lấy
thân phận phàm nhân. Điều quan trọng hơn
và là đề tài của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, đó là vai trò hoặc sứ mệnh của Chúa
Ki-tô đối với nhân loại.
Chúa
Ki-tô được Chúa Cha sai đến trần gian là để giúp mọi người “được sống lại trong
ngày sau hết”, nói khác đi là “được sống muôn đời” (Ga 6:44.51). Tuy nhiên muốn đi hết hành trình “tin để được
sự sống đời đời” (Ga 6:47), ta cần hai điều:
thứ nhất là được dạy dỗ (Ga 6:45), và thứ hai là “ăn” để được sống muôn
đời (Ga 6:51).
Thiên
Chúa muốn dạy dỗ mọi người biết sống theo Lề Luật và thánh ý Người. Trong quá khứ, Người đã dạy dỗ cha ông ta qua
Lề Luật Mô-sê và các vị ngôn sứ. Nhưng
giờ đây Người muốn đích thân dạy dỗ ta bằng chính Ngôi Lời, Con Yêu Dấu của
Người (Dt 1:1). Do đó, Người cho Ngôi
Lời nhập thể sống giữa nhân loại, để Thiên Chúa nói với ta qua lời giảng của Chúa
Ki-tô, chữa lành ta qua bàn tay hay lời phán của Chúa Ki-tô, tỏ lòng từ bi nhân
hậu với ta qua trái tim của Chúa Ki-tô.
Lời giảng và việc làm của Chúa Ki-tô là sự dạy dỗ và gương mẫu cho
ta. Ta cần sự dạy dỗ của Chúa như cần
cơm bánh (Đnl 8:3). Nhưng ta phải đón
nhận sự dạy dỗ ấy như thế nào? Đơn giản
thôi. Chỉ cần ta tin vào uy quyền của
lời giảng và sống lời giảng, nói tóm lại là ta phải “tin” vào Người, vì tin vào
Người là con đường duy nhất để được sự sống đời đời (Ga 6:47).
Chúa
Ki-tô “ở lại” với ta trong Lời Người, nhưng Người cũng ở lại với ta trong sức
mạnh của Thánh Thể. Hành trình đức tin
là hành trình sa mạc, tựa như dân Ít-ra-en đi qua sa mạc mà về đất hứa. Họ đã gặp bao nhiêu gian nan khó khăn và thử
thách, nhiều khi chán nản thất vọng đến độ phàn nàn Chúa đã đưa họ ra khỏi
Ai-cập. Thiên Chúa đã hiện diện với họ
qua những dấu chỉ. Trong cuộc đời ta,
nhiều khi ta cũng không tránh khỏi tình huống ấy. Ta cần một sức mạnh nâng đỡ, giống như bánh
bởi trời đã phục hồi sức lực cho ngôn sứ Ê-li-a hoặc như bánh và cá đã làm cho
đám đông dân chúng theo Chúa được no nê bên bờ Biển Hồ. Sức mạnh ấy chính là sức mạnh Thánh Thể. Sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong ta qua Bí
tích Thánh Thể thật vô cùng ý nghĩa đối với hành trình đức tin của ta. Không chỉ là cột mây, cột lửa, hòm bia thánh
hay lều tạm là những dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng là sự hiện diện
thực của Thiên Chúa “ở lại với ta cho đến ngày tận thế”. Thịt và Máu Chúa Ki-tô sẽ là đề tài của Phụng
vụ Lời Chúa Chúa Nhật tới.
3. “Hãy
sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta” (Bài
đọc Tân Ước – Ê-phê-xô 4:30-5:2)
Lời dạy dỗ và lương
thực thiêng liêng Thiên Chúa ban cho ta là chính Chúa Ki-tô. Ta tiếp nhận và “ăn” Chúa Ki-tô là để trở nên
giống như Người, sống như Người, suy nghĩ như Người. Tóm lại lãnh nhận “bánh bởi trời” sẽ biến đổi
con người của ta dần dần và sống một cuộc sống mới theo Thánh Thần. Con người mới ấy đã được thánh Phao-lô phác
họa trong đoạn thư gửi tín hữu Ê-phê-xô.
Trước
hết, thánh Tông đồ nài xin ta phải sống làm sao để “đừng làm phiền lòng Thánh
Thần của Thiên Chúa” (Ep 4:30). Thánh
Thần được ban xuống cho ta như “dấu ấn” biểu lộ căn tính con cái Chúa của
ta. Cho nên nếu ta sống không đúng với
căn tính ấy, ta sẽ phản bội Thánh Thần.
Vậy sống thế nào cho đẹp lòng Thánh Thần? Thánh Phao-lô đề ra một vài điểm thực hành
rất thực tế trong cách đối xử với những người chung quanh. Ngài kể ra một ít điều “không” nên làm: chua
cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, la lối thóa mạ, làm điều gian ác. Tất cả những điều này đều đi ngược với Thánh
Thần hoặc tinh thần của Thiên Chúa, bởi vì chính Thiên Chúa luôn luôn xử tốt
với ta, thương xót và tha thứ cho ta. Do
đó, ta “hãy bắt chước Thiên Chúa” mà sống yêu thương, vì ta là “con cái được
Người yêu thương” (Ep 5:1). Có lẽ bảo ta
hãy bắt chước Thiên Chúa là điều ta khó tưởng tượng nổi, nên thánh Phao-lô
không quên dạy ta “hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương ta”
(Ep 5:2). Chúa Ki-tô là tấm gương sống
động và gần gũi, nên ta không thể nại lý do gì để từ chối không bắt chước được.
4. Sống Lời
Chúa
Vì yêu thương ta, Thiên
Chúa tìm đủ cách để giúp ta được hưởng hạnh phúc đời đời với Người. Người sai Con Một đến ở giữa nhân loại, làm
Thầy dạy dỗ ta và làm lương thực thiêng liêng giúp ta đủ sức vượt qua sa mạc
đời này mà tiến về nhà Cha. Chúa Ki-tô
là quà tặng Thiên Chúa ban cho ta để tỏ lòng yêu thương ta. Bổn phận của ta là đáp lại lòng yêu thương ấy
bằng cách lắng nghe và sống Lời Chúa, đồng thời cũng cố gắng kết hiệp với Chúa
Ki-tô khi ta cử hành và lãnh nhận Thánh Thể.
Việc tiếp nhận Chúa Ki-tô cần phải được thể hiện qua lối sống theo gương
Người, đặc biệt trong cách đối xử bác ái và yêu thương anh chị em.
Suy nghĩ:
Những điều thực tế thánh Phao-lô đề ra trong cách đối xử với anh chị em,
như đừng chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn..., tôi đã thực hành được chút
nào chưa? Tôi phải sống thế nào để “đừng
làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa”?
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đã được phúc gọi Chúa là
Cha; xin cho chúng con ngày cang thêm
lòng hiếu thảo, hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng
con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 19 mùa Thường niên).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi