Chúa
Nhật 20 mùa Thường niên
Đề
tài “bánh trường sinh” bước sang một khai triển mới: Chúa Giê-su là máng chuyển đức Khôn ngoan và
sự sống của Thiên Chúa đến với ta. Tiếp
nhận Chúa Giê-su là gặp gỡ đức Khôn ngoan của Thiên Chúa và “ở lại” với Chúa
Giê-su là tham dự vào sự sống của Thiên Chúa ngay từ đời này để chiếm hữu vĩnh
viễn trong tương lai. Nói chung, bánh trường sinh được trình bày trong Phụng vụ Lời
Chúa hôm nay đưa ta vào một cuộc sống theo ý nghĩa đích thực trong kế hoạch của
Thiên Chúa.
1. Ca
tụng đức Khôn ngoan của Thiên Chúa (bài đọc Cựu Ước – Châm Ngôn 9:1-6)
Sách
Châm Ngôn trong Cựu Ước gồm ba phần chính:
phần thứ nhất (chương 1-9) là những lời huấn dụ tổng quát của chính Đức
Khôn Ngoan, phần thứ hai (chương 10-24) là bộ sưu tập thứ nhất ghi lại các câu
châm ngôn của vua Sa-lô-môn và các lời của những bậc khôn ngoan, phần thứ ba
(chương 25-29) là bộ sưu tập thứ hai ghi lại các câu châm ngôn của vua
Sa-lô-môn, lời của ông A-gua, lời châm ngôn bí ẩn, lời của Lơ-mu-ên, và châm ngôn
về người vợ đảm đang.
Khôn
ngoan và khờ dại là hai con đường ngược chiều, nhưng mỗi con đường lại đều có
những mời mọc riêng khiến cho ta nhiều khi không biết phải chọn lựa đường nào. Bài đọc Cựu Ước hôm nay
trình lời mời gọi của Đức Khôn Ngoan dưới hình thức một bữa tiệc thịnh soạn và
khách được mời cũng rất đặc biệt.
Khách mời không phải là những bậc quyền quý sang trọng, mà là những
người “ngây thơ và ngu si” (Cn 9:4). Đúng vậy, đứng trước Đức Khôn Ngoan của Thiên
Chúa, con người đều là những kẻ ngây thơ và ngu
si. Vì ngây thơ nên ta dễ dàng bị sa vào những cạm bẫy nguy hiểm và để cho những quyến rũ bất
chính mê hoặc. Do đó, ta cần phải đáp
lời mời gọi và đến với Đức Khôn Ngoan, để cho Đức Khôn Ngoan dẫn dắt ta tránh
khỏi những thứ ngây thơ có thể hủy hoại tương lai được sống vĩnh cửu với Thiên
Chúa. Còn ngu
si khiến ta không biết nhận ra đâu là đường lối của Thiên Chúa và đâu là đường
lối của thế gian. Ngu
si là cánh cửa đưa ta đến hết lầm lạc này tới lầm lạc khác và cuối cùng trở
thành kẻ thù của Thiên Chúa. Do đó, Đức
Khôn Ngoan soi sáng tâm hồn ta, giúp ta phân định điều thiện điều ác, nhận biết
phải suy nghĩ và hành động thế nào là đúng với tinh thần của Thiên Chúa. Tóm lại, vai trò của Đức Khôn Ngoan được ví
như bánh ăn, rượu được pha chế đặc biệt Thiên Chúa ban
cho ta để ta “bước đi trên con đường hiểu biết” (Cn 9:6).
Đó
là lời mời gọi của Đức Khôn Ngoan hay lời giới thiệu cho ta biết về Đức Khôn
Ngoan. Tuy nhiên ta
biết phải tìm ở đâu và làm sao đến với Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa? Thiên Chúa đã dự liệu nỗi
lo lắng ấy của nhân loại. Vì ta không thể đến với Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, nên Người đã
sai Đức Khôn Ngoan đến với ta. Đức Khôn Ngoan chính là Chúa Giê-su, Ngôi Lời nhập thể, đến cư ngụ
giữa loài người để dạy loài người biết về sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Ga
1:14). Đức Khôn Ngoan của Thiên
Chúa đã hé mở một chút khi cậu bé Giê-su “ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ,
vừa đặt câu hỏi” khiến cho “ai nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những
lời đáp của cậu” (Lc 2:46-47). Đức Khôn
Ngoan nhập thể là Chúa Giê-su đã lập lại lời mời gọi trong Cựu Ước “hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế” khi Người tuyên
bố trong bài giảng sau phép lạ hóa bánh ra nhiều: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ
được sống muôn đời” (Ga 6:51).
2. “Tôi
sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Bài Tin Mừng – Gio-an
6:51-58)
Chúa
Giê-su, bánh ban sự sống, đang nói với ta về sự sống Người đem từ trời xuống
cho ta. Xác nhận bánh
từ trời là xác nhận về xuất xứ của chính Người. Chúa Giê-su khẳng định
Người được Chúa Cha sai đến trần gian (x. Ga 6:57). Tiếp đến, Người cho ta biết
đâu là lẽ sống của Người. “Tôi sống nhờ Chúa Cha” được hiểu là sự sống của Chúa Cha cũng là
sự sống của Chúa Giê-su. Sự sống của Chúa Giê-su không thể tách rời khỏi sự sống của Thiên
Chúa. Nói đến sự sống của Chúa
Giê-su, ta sẽ hiểu theo cả hai ý nghĩa: sự sống của một con người sống ở trần gian và
sự sống của Thiên Chúa nơi Ngôi Lời, cả hai đã kết hiệp với nhau trong mầu
nhiệp Nhập Thể. Nhờ sự
kết hiệp mầu nhiệm giữa bản thể Thiên Chúa và bản thể nhân loại, Chúa Giê-su
đích thực là bánh trường sinh cho nhân loại. Khi sai Ngôi Lời xuống thế, Thiên Chúa Cha đã
một lúc ban cho nhân loại hai điều quý giá và đặc biệt nhất thuộc về Người, đó
là Đức Khôn Ngoan và Sự Sống. Như thế,
đón nhận Chúa Giê-su là Đức Khôn Ngoan và Sự Sống của Thiên Chúa cũng có nghĩa
là “ăn” Chúa Giê-su của Mầu nhiệm Thánh Thể.
Nói đến sự sống của Thiên Chúa là nói đến sự sống vĩnh cửu. Sự sống ấy là mục đích ta
phải đạt tới. Giữa
sự sống của nhân loại và sự sống của Thiên Chúa có một nhịp cầu là Chúa Giê-su. Người đã làm gương liên kết
hai sự sống ấy với nhau, để đi từ sự sống trên trần gian tiến về sự sống trên
thiên quốc. Tự
sức riêng ta, ta không thể vượt qua được khoảng cách vô biên đó. Nhưng nếu ta liên kết với Chúa Ki-tô, hoặc ăn bánh Ki-tô, ta mới có thể được sống đời đời. Đây cũng là ý nghĩa hết sức
cảm động của Bí tích Thánh Thể, ý nghĩa của việc “ăn Thịt và uống Máu Chúa
Ki-tô”.
3. “Đừng
sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan” (bài đọc Tân Ước – Ê-phê-xô 5:15-20)
Từ ý niệm chủ yếu là sống Mầu nhiệm Đức Ki-tô, thánh Phao-lô đã rút
ra rất nhiều bài học thực hành cho Ki-tô hữu. Chúa Giê-su là chính sự
khôn ngoan và sự sống của Thiên Chúa.
Cho nên sống Mầu nhiệm Đức Ki-tô là sống theo
sự khôn ngoan và sự sống của Người. Nói
khác đi, thánh Phao-lô muốn nói vắn tắt:
Ki-tô hữu hãy sống như người khôn
ngoan. Không phải sự khôn ngoan của
người đời hay của thế gian, nhưng sự khôn ngoan của Đức Ki-tô.
Trước
hết, thánh Tông đồ nói đến môi trường và thời điểm sống của ta: “Chúng ta đang sống những ngày đen tối” (Ep
5:16). Đúng thế, thời
gian sống ở trần gian là những ngày đen tối. Đen tối với đầy tội ác, cám
dỗ, yếu đuối. Đen
tối ở bên ngoài xã hội và nhiều khi đen tối ngay chính trong tâm hồn ta. Giữa những đen tối ấy, ta khó mà nhận ra
chính lộ, nhận ra điều nên làm và điều nên tránh, nhận biết đâu là thánh ý Chúa
và đâu là ý riêng bởi tham vọng của ta.
Do đó, nếu ta “sống như kẻ khờ dại” (Ep 5:15) hoặc “hóa ra ngu xuẩn” (Ep
5:17), ta sẽ đương nhiên đánh mất sự sống đời đời.
Thánh Phao-lô đưa ra một mẫu người khôn ngoan ai cũng có thể thực
hiện được. Trước
hết đó là người “không say sưa rượu chè, nhưng thấm nhuần Thần Khí” (Ep 5:18). Rượu chè đưa tới trụy lạc
là hình ảnh của tinh thần thế gian.
Vì thế ta đừng để cho mình bị thấm nhuần tinh thần của
thế gian, nhưng tinh thần của Thiên Chúa là Thánh Thần. Tiếp đến, người khôn ngoan
là người biết lấy đời sống đức tin để biến đổi chính mình. Đời sống đức tin được thể hiện qua việc xây
dựng tình bác ái và liên đới bằng những sinh hoạt đạo đức, như “đối đáp những
bài thánh vịnh và thánh ca do Thần Khí linh hứng, đem cả tâm hồn mà ca hát chúc
tụng Chúa” (Ep 5:19). Đời
sống đức tin cũng là đời sống của những người trong bất cứ hoàn cảnh nào đều có
thể “cảm ta Thiên Chúa là Cha” (Ep 5:20). Thánh Phao-lô muốn nhấn
mạnh đến đời sống đức tin và đạo đức, bởi vì tất cả những điều này đều bị thế
gian cho là không có giá trị và những người khôn ngoan của nó không khi nào
chịu làm.
Quả
thực đề xuất của thánh Phao-lô quá đơn sơ, nhưng cũng hết sức phong phú và quan
trọng. Ngài có cái nhìn sáng suốt về mối
hiểm nguy bị “khôn ngoan của thế gian” cám dỗ và lừa gạt. Do đó, ngài mời gọi ta trở về “ăn bánh và uống rượu đã được pha chế đặc biệt” của Thiên
Chúa, tức là về với Chúa Ki-tô, để Người dạy dỗ và dẫn ta đi theo đường nẻo của
Thiên Chúa như chính Người đã đi trong cuộc sống trần gian của Người.
Sống Lời Chúa
Ba bài đọc trong Phụng
vụ Lời Chúa hôm nay ngắn gọn, nhưng ý nghĩa lại phong phú và liên kết chặt chẽ
với nhau. Mỗi bài tưởng như có ý
nghĩa riêng, nhưng tất cả lại cùng hương về một đề tài chính, là giới thiệu
Chúa Ki-tô như là sự khôn ngoan và sự sống Thiên Chúa muốn chia sẻ với nhân
loại. Người mời gọi ta
hãy tiếp nhận sự khôn ngoan và sự sống ấy bằng cách sống Lời Chúa và múc lấy
sức mạnh từ nguồn Bí tích Thánh Thể.
Đó cũng chính là lối sống của Ki-tô hữu đích thực,
được liên kết chặt chẽ với Chúa Giê-su Thánh Thể.
Suy nghĩ:
Thánh Phao-lô dạy ta “hãy cẩn thận xem xét cách ăn
nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan”. Vậy tôi “cẩn thận xem xét”
bằng cách nào? Bằng
việc xét mình hằng ngày với lòng khiêm nhường và quyết tâm sửa đổi? Đâu là những “khờ dại” của
tôi?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa,
xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một
niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa,
là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng
con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 20 mùa Thường niên).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi