ĐẠO TẠI TÂM
(CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN, NĂM B)
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
Khi nói “Đạo Tại Tâm”, chúng ta thường hiểu theo ý nghĩa giữ đạo do
tự trong lòng, chứ không hệ tại ở những việc làm bề ngoài. Chúng ta cũng thường
kết án những người ‘giữ đạo bề ngoài’ mà tâm hồn thì trống rỗng, không thành
thật; đó là “giả hình” hoặc “Pharisêu”. Thật ra, “Đạo tại tâm” không phải chỉ
giữ ở trong lòng mà không cần giữ các lề luật bên ngoài, dù đó là luật đạo hay
luật đời; nhưng “Đạo tại tâm” là “sống đạo và thực hành các giới răn của Chúa”
với cả tấm lòng của chúng ta, chứ không phải chỉ để phô trương bề ngoài.
Sống đạo thực sự là yêu mến và tuân giữ các giới răn của Chúa, và thực thi lòng
yêu mến đó bằng cách yêu thương giúp đỡ mọi người, nhất là những người sống
trong hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.
Danh từ “Pharisêu” chỉ một nhóm người trong đạo Do Thái xưa. Họ thật sự là
những người muốn tuân giữ chặt chẽ các lề luật Chúa do Môisê truyền lại,
như chúng ta thấy trong Bài Đọc I hôm nay (Sách Đệ Nhị Luật 4: 1-2, 6-8): “Anh
em chớ thêm bớt điều gì trong các điều mà tôi đã truyền cho anh em… Anh em hãy
tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa anh em… Anh em phải tuân giữ và
thực hành…” Tuy nhiên, có nhiều người quá câu nệ vào hình thức bề ngoài, và
cũng có nhiều người thích phô trương ra ngoài để chứng tỏ ta đây là người đạo
đức, là những người biết sống theo lề luật cha ông để lại, nhưng trong lòng họ
lại đầy những nham hiểm, mưu kế, dối trá, thù hận: “Họ làm mọi việc chỉ cốt để
thiên hạ thấy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài!...”
(Đúng là ‘thích khoe quần, khoe áo!’) (Matthêu 23: 25-28, Luca 11:39-44).
Những người “Biệt Phái” (tức Pharisêu) và Luật sĩ thời Chúa Giêsu thường
hay rình mò và xét đoán các hành vi của Chúa và các môn đệ, và chỉ trích Chúa
Giêsu và các môn đệ là những người ‘phá luật lệ’. Hôm nay, trong bài Phúc Âm
(Matcô 7: 1-8, 14-15, 21-23), nhóm Biệt phái và Luật sĩ chỉ trích môn đệ của
Chúa là “ăn uống với những bàn tay không trong sạch vì không chịu rửa tay trước
khi ăn như luật lệ dạy…” Nhân dịp này, Chúa Giêsu muốn dạy họ một bài học thực
tế về việc ‘giữ luật’ không nên quá câu nệ vào hình thức bề ngoài, nhưng quan
trọng là do tự trong lòng (Đạo Tại Tâm). Chúa Giêsu không phá luật lệ Cha
Ông để lại: “Con Người đến không phải để phá bỏ luật lệ, nhưng để kiện toàn!”.
Cứ lo “rửa tay, rửa chén, rửa bình” mà không lo sống đạo đức thực sự thì thật
là cách giữ đạo bề ngoài, là gỉa hình, như Thiên Chúa đã nói về họ qua lời tiên
tri Isaia: “Dân này kính Ta bằng môi, bằng miệng mà lòng chúng xa Ta!” (Isaia
29:13). Nhân tiện, Chúa Giêsu cũng bảo họ: “Đừng bỏ giới răn Chúa để chỉ nắm
giữ những luật lệ bề ngoài, vì sống đạo là thực thi giới răn Chúa, xa lánh tội
lỗi như: ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, tỵ hiềm, ngạo mạn,
ngông cuồng!....” (Matcô 7: 21-23).
Thánh Giacôbê trong Bài Đọc II (Giacôbê 1: 17 -18, 21-22, 27) cũng nhắn nhủ
chúng ta sống đạo bằng cách thực hành, đó là xa tránh tội lỗi và thực hành Đức
Bác Ái: “Anh em hãy tẩy trừ mọi điều ô uế, gian ác… Anh em hãy mau mắn lãnh
nhận Lời Chúa và đem ra thực hành, chứ đừng nghe xuông… Hãy giữ lòng mình khỏi
mọi ô uế ở đời này… Hãy thăm viếng cô nhi, quả phụ trong cơn quẫn bách…”
Tác giả Thánh Vịnh 14 trong Bài Đáp Ca hôm nay cũng chỉ cho chúng ta biết
thế nào là sống đạo thực sự: “Ai sẽ được sống trước Nhan Thánh Chúa: Đó là
những người thanh liêm và và thực hiện điều công chính, trong lòng luôn suy
nghĩ điều ngay, lưỡi không bịa lời vu khống, không làm điều sai trái cho người
anh em, không nhục mạ những người lân cận, coi thường những kẻ bất nhân, mến
yêu những người biết tôn thờ Chúa; đó là những người không xuất tiền đặt nợ thu
lời, không ăn hối lộ để làm hại những người hiền lương. Những người thực thi
những điều đó thì muôn đời đứng vững, không bị lung lay!”
Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện xin Chúa là Cha
nhân từ tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta trong quá khứ, giúp chúng ta thật lòng
ăn năn chừa cải. Xin Chúa cho chúng ta sống đạo với cả tâm hồn chúng ta, với
lòng yêu mến Chúa và yêu thương mọi người. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các
Thánh là những vị đã thành tâm sống đạo và đã nên Thánh sau cuộc đời gian nan
trần thế, chuyển cầu cho chúng ta. Trong “Năm Linh Mục” này, chúng ta
cũng tiếp tục cầu nguyện nhiều cho các Chủ Chăn, các Linh mục luôn được lòng
nhiệt thành phục vụ Chúa và mọi người. Xin đặc biệt cầu nguyện nhiều cho các
Chủ Chăn, Linh Mục đang gặp nhiều khó khăn, thử thách; nhất là ở Việt-Nam
hiện nay.