ĐẤNG
KITÔ
(CHÚA
NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN, NĂM B)
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
Sau khi Tổ Tông
phạm tội, Thiên Chúa đã ra hình phạt cho hai ông bà (A-Dong và Evà); đó là tội
Nguyên Tổ, nhưng Thiên Chúa cũng hứa sẽ sai một Đấng Cứu Độ đến để chuộc tội và
ban ơn Cứu rỗi cho nhân loại (Sáng Thế 3: 15). Đấng được Thiên Chúa hứa sẽ sai
đến người Do Thái gọi là “Messiah” (có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu), dịch sang
tiếng Hy Lạp “Christos”, chuyển âm sang tiếng Anh và tiếng Pháp là
“Christ’ và sang tiếng Việt Nam là “Kitô”. Chính Chúa Giêsu cũng tự nhận mình
là Đấng Ki-tô (Matcô 14: 61-62).
Sở dĩ người Do Thái gọi “Đấng Chúa
Hứa” là “Đấng Được Xức Dầu” là vì theo truyền thống Do Thái, các vua được xức
dầu phong vương (1Samuel 10:1), các Thày Cả Thượng Phẩm cũng được xức dầu (Xuất
Hành: 29:7). Người Do Thái quan niệm Đấng Kitô là vị “Vua” trong tương lai.
Ngài sẽ đến trong uy quyền để đổi mới mọi sự, để phục hồi lại nước Israel
(Daniel 9: 25-26), giải phóng dân tộc Do Thái khỏi mọi áp bức, và đưa dân
Chúa tiến lên trong vinh quang.
Nhưng Đấng Kitô đã đến trần gian trong
khó nghèo. Ngài đã sinh bởi lòng Đức Trinh Nữ Maria (Luca 2: 10-11), và Ngài
được đặt tên là Giêsu như lời Sứ Thần nói với Đức Maria (Luca 1: 31) và Thánh
Giuse (Matthêu 1:21). Như vậy, Đấng mà “muôn dân mong đợi” đã đến trong trần
gian, tên Ngài được gọi là Giêsu, cùng với danh hiệu Kitô ghép lại thành Giêsu
Kitô.
Qua Bài Phúc Âm hôm nay (Matcô 8: 27-35)
chúng ta thấy người Do Thái thời Chúa Giêsu chưa nhận ra Ngài chính là “Đấng
Kitô” Thiên Chúa sai đến, nên người thì bảo Ngài là Gioan Tẩy Giả, người thì
bảo là Êli, người thì bảo là một trong các Tiên Tri…” Chính vua Herôđê cũng cho
Ngài là “Gioan Tẩy Giả ta đã giết, nay đã sống lại (Matcô 6:16). Nhưng khi Chúa
Giêsu hỏi các Tông đồ, thì Phêrô đã đại diện anh em xác quyết “Thày là Đấng
Kitô!”. Xác quyết như vậy tỏ ra Phêrô và các Tông đồ đã nhận biết được Chúa
Giêsu chính là Đấng Kitô “mà muôn dân mong đợi”. Tuy nhiên, Phêrô và các Tông
đồ chưa hiểu được là “Đấng Kitô sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sẽ bị các kỳ lão,
các trưởng tế và luật sĩ chối bỏ và giết đi, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại…”
(Matcô 8:31) Chính tiên tri Isaia cũng đã tiên báo trước về những đau khổ Đấng
Kitô sẽ phải chịu để cứu chuộc nhân loại như trong Bài Đọc I hôm nay (Isaia 50:
5-9). Vì chưa hiểu được quan niệm “Đấng Kitô Đau Khổ”, nên khi nghe Chúa Giêsu
nói như vậy, Phêrô “đã can ngăn Chúa Giêsu” và Chúa Giêsu đã quở mắng ông: “vì
tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là tư tưởng của loài
người!” Tiếp theo, Chúa Giêsu đã dạy cho các Môn đệ bài học thực tế: “Ai muốn
theo Ta, hãy bỏ mình đi, vác Thánh Giá hàng ngày mà theo Ta…”
Bài học “Đấng Kitô Đau Khổ” là bài học
Chúa dạy các môn đệ, nhưng cũng là bài học Chúa dạy chúng ta nữa là các tín hữu
muốn bước theo Thày Chí Thánh: “Đấng Kitô phải chịu nhiều đau khổ và chết đi
rồi mới sống lại trong vinh quang.” Xin Chúa cho chúng ta luôn biết sống và thực
hành đức tin của chúng ta như Thánh Giacôbê đã nhắn nhủ chúng ta trong Bài Đọc
II hôm nay (Giacôbê 2: 14-18). Xin cho chúng ta biết can đảm chịu mọi đau khổ
trong cuộc sống theo Thánh Ý Chúa, vì “chỉ khi chúng ta biết chịu đau khổ với
Chúa Kitô, chúng ta mới được chung hưởng vinh quang với Ngài” (Rôma 8: 17). Mỗi
khi phải chịu những đau khổ nặng nề xảy ra cho chúng ta hoặc gia đình chúng ta,
chúng ta luôn biết nhìn lên Thánh Giá Chúa để thêm can đảm và sức mạnh hầu tiếp
tục “vác thánh giá theo chân Chúa!” Đồng thời cũng biết nhận ra những đau khổ
của bao người chung quanh chúng ta “không đủ cơm ăn áo mặc” để biết “chia sẻ
cơm áo cho những người thiếu thốn” ấy.
Xin Mẹ Maria đã luôn sống trong cuộc đời
đau khổ, nhất là giờ phút dưới chân Thánh Giá, an ủi, nâng đỡ chúng ta. Xin các
Thánh, nhất là các Thánh tử Đạo Việt Nam, tất cả đều đã “can đảm vác Thánh Giá
theo chân Chúa” cầu cùng Chúa cho chúng ta luôn sẵn sàng “can đảm chịu mọi đau
khổ hàng ngày cho nên.” Trong “Năm Linh Mục” chúng ta cũng nhớ cầu nguyện
nhiều cho các Linh Mục, các chủ chăn cũng luôn biết suy ngắm những sự đau
khổ của Chúa Giêsu để can đảm âm thầm chịu mọi đau khổ hằng ngày trong cuộc đời
tận hiến phục vụ Chúa và nhân loại.