Chúa Nhật XXIV Thường Niên B
Thầy Là Đấng Kitô
Mc 8, 27-35: 27 Đức Giêsu và các môn đệ của Người
đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người
ta nói Thầy là ai?” 28 Các ông đáp:
“Họ bảo
Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một
ngôn sứ nào đó.” 29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo
Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” 30 Đức Giêsu
liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Người Con của Nhân
Loại phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị
giết chết và sau ba ngày, sống lại. 32 Người nói rõ điều đó, không
úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33
Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: “Xatan!
lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên
Chúa, mà là của loài người.” 34 Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với
các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo sau tôi, phải từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống
mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ
cứu được mạng sống ấy.”
Đoạn 8:27-35 được đặt ở
vị trí bước ngoặt trong tin mừng theo Marcô. Trong phần đầu của tin mừng nầy
(1:14-8:26), Marcô đã trình bày Chúa Giêsu, Đấng đầy quyền năng trong giảng dạy
và hành động. Điều nầy dẫn đến kết luận giữa dân chúng là Người được công nhận
như là Đấng Kitô; và cũng chỉ từ lúc nầy Người mới cho biết sự thương khó của
Người. Như thế, đoạn 8:27-35 có thể được xem như là kết luận của phần thứ nhất
của tin mừng nầy, và cũng là dẫn nhập của phần thứ hai (8:27-16:80), nói đến hành
trình lên Giêrusalem (8:27-10:52), những hoạt động ở đó (11:1; 13:37); và cuộc
thương khó, cái chết và phục sinh tại Giêrusalem (14:1; 16:8).
Đoạn 8:27-35 được chia
thành ba: 1- Câu hỏi của Chúa Giêsu về căn tính của Người (8:27-30); 2- Tiên báo
lần thứ nhất về định mệnh của Chúa Giêsu (8:31-33); 3- Điều kiện và mục đích của
việc theo Người (8:34-35; đúng hơn, phần nầy kéo dài đến câu 9:1). Sau đoạn tra
hỏi và khẳng định về căn tính của Chúa Giêsu (8:27-30), đoạn 8:31-33 liên kết xét
theo chủ đề rất chặt chẽ với đoạn 8:34-9:1và được trình bày cách đối xứng với đoạn
ấy: định mệnh của Chúa Giêsu trong lời tiên báo của Người (8:31-32a) trở nên định
mệnh tất yếu cho những ai muốn theo Người (8:34-37); trong khi, hành vi phản đối
của Phêrô trước lời tiên báo ấy (8:32b-33) dẫn đến giáo huấn của Người cho những
ai muốn chối bỏ Người (8:38-9:1).
Ngay khởi đầu tin mừng,
Marcô đã giới thiệu Chúa Giêsu như là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (1:1). Tước hiệu
“Đấng Kitô” nầy chỉ xuất hiện trong phần thứ hai của tin mừng (8:29; 9:41;
12:35; 13:21; 14:61; 15:32); trong khi, ở phần thứ nhất cũng có những cách gọi
khác liên quan đến căn tính của Người như “Con Yêu Dấu” (1:11), “Đấng Thánh của
Thiên Chúa” (1:24), “Con Thiên Chúa” (3:11), “Con của Thiên Chúa tối cao” (5:7).
Hơn nữa, cách nói “Ngài/Ông là”, ở ngôi thứ hai, trong câu hỏi hoặc câu khẳng định,
chỉ được dùng để bàn đến căn tính của Người (1:11; 3:11; 8:29; 14:61; 15:2). “Đấng
Kitô” (tiếng hy lạp, christos), hay “Đấng
Messia” (tiếng do thái, mashiah) nghĩa
là “Đấng được xức dầu”. Xức dầu là hành vi quyết định trong việc tôn vương (x.
1Sam 10:1; 1V 1:39). Do đó, Đấng Kitô là vua (15:32). Chính Chúa Giêsu cũng đã
khẳng định địa vị và quyền năng của Người khi được hỏi về căn tính “Đấng Kitô”
của Người (x. 14:61-62). Với dân chúng, Người được cho là một trong các ngôn sứ
(8:28). Nhưng thật ra, Người là vị vua duy nhất (x. 12:1-12).
Sự phản đối của chính
Phêrô (8:32), những thắc mắc và chế diễu của những người lãnh đạo của người do
thái (14:61) và của Philatô (15:2.9.12.18) chứng tỏ tâm thức của họ lúc ấy không
thể chấp nhận đấng được gọi là vua của họ có thể chịu số phận khổ đau theo như
lời tiên báo của Chúa Giêsu (8:31). Điều đáng chú ý là Phêrô và Chúa Giêsu đã trách
mắng lẫn nhau (8:32.33)! Động từ “trách mắng” (epitimaō), ngoài ý nghĩa “ra lệnh” (3:12; 8:30), được dùng trong lời
Chúa Giêsu trách mắng các thần ô uế (1:25; 9:25), sóng gió đe dọa (4:39). Khi
trách mắng, Người tự đặt mình như là đối thủ của những quyền lực xấu ấy. Lý do
Phêrô trách mắng Chúa Giêsu là vì Người đã nói đến điều mà ông không từng nghĩ đến;
trong khi Người trách mắng lại ông, cũng vì ông đã không nghĩ tưởng như Người
(8:33). Hai bên đã trở thành đối thủ không mong muốn của nhau. Tuy nhiên, lời
trách mắng của Chúa Giêsu sắc bén một cách riêng. Một đàng, Người ra lệnh Phêrô
đi lui đàng sau Người; nghĩa là trở về
lại vị trí của người môn đệ là đi theo sau
Người (x. 1:17.20; 8:34), chứ không phải đứng trước để chỉ đường cho Thầy mình.
Đàng khác, Người gọi ông là “Satan” nghĩa là “đối thủ” của Thiên Chúa (x. Dân số
22:22, 32; Zac 3:1–2; Gióp 1:6–9, 12; 2:1–7; 1 Niên sử 21:1), vì ông cản trở hành
trình của Người. Như thế, Chúa Giêsu đã được công nhận là Đấng Kitô, nhưng theo
cách nghĩ tưởng trần thế.
Làm môn đệ của Chúa Giêsu
thì phải đi theo sau Người. Đi trước Người sẽ trở thành đối thủ và cản trở công
việc của Người. Làm môn đệ của Người cần học và chấp nhận Người là Đấng Kitô chịu
đóng đinh và phải chuẩn bị đối diện số phận như Người (x. 1Co 1:23).
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến