CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN, năm B
Mc 9, 30-37
NGƯỜI LỚN NHẤT
Vấn đề làm lớn, làm bé vẫn là vấn đề muôn
thuở của con người. Thường ở đời, con người vẫn có kuynh hướng thích làm lớn,
thích ăn trên ngồi trước chứ chẳng ít có người muốn làm bé và thích ngồi ở dưới.
Chúa Giêsu lại dạy người ta khác : “ trong Nước Thiên Chúa, người chót hết và phục
vụ mọi người sẽ là người lớn nhất. Lời dạy của Chúa Giêsu và với suy nghĩ của
Ngài làm cho các tông đồ lúc bấy giờ không mấy phấn khởi. Do đó, Chúa đã giới
thiệu với các ông một em bé và mời gọi Giáo Hội tiên khởi hãy ân cần, nhiệt tâm
đón tiếp những người cha gửi đến, xuất hiện trong khiêm tốn và nghèo hèn.
Đức Giêsu loan báo lần thứ hai về cuộc thương
khó và sống lại của Ngài. Thế nhưng Tin Mừng của thánh Máccô hôm nay cho biết,
các môn đệ không hiểu, nên lấy làm lơ là, khó chịu, tệ hơn họ còn tranh luận dọc
đường với nhau về việc ai sẽ làm lớn trong nước Thiên Chúa. Đây là một nét chẳng
vẻ vang gì của các môn đệ, những người thân tín của Chúa, những người được Chúa
tin tưởng, nhưng lại còn u tối về sứ mạng của Chúa. Ở đây, các thánh sử viết
Tin Mừng ghi lại nét này để nhắc nhở nhân loại, nhắn nhủ con người rằng con người
sẽ triền miên gặp khó khăn trong đời sống hoàn thiện, đời sống đạo, đời sống tâm
linh bởi vì con người sẵn sàng cho đi nhưng luôn luôn muốn lấy lại chính mình. Bài
đọc I của sách Khôn Ngoan gợi lên những thách thức của kẻ gian ác đối với người
công chính.Mặc dù, gặp trăm ngàn thử thách, đắng cay, chống đối, phỉ báng nhưng
Thiên Chúa vẫn nâng đỡ, che chở, hộ phù, an ủi người công chính. Thực tế, người
công chính ám chỉ dân Israen và tiên báo về Đức Giêsu, người Con Một duy nhất và
là người con chí ái yêu dấu của Thiên Chúa Cha. Nên, ai muốn theo Chúa:” phải vác
thập giá mà theo Chúa, nghĩa là phải tiếp nối con đường Chúa đã đi “. Ai tranh đấu
cho công bằng, lẽ phải cũng như các ngôn sứ xưa sẽ gặp phải nhiều chống đối, phỉ
bang, vu khống và bị bách hại.
Nước Thiên Chúa luôn khác với nước đời. Cơ cấu,
tổ chức của nước Thiên Chúa cũng hoàn toàn khác với thế gian. Chính vì thế,
trong nước trời, Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Thầy, còn mọi người đều bằng
nhau, đều là anh em của nhau,đều phục vụ, yêu thương, cảm thông, quảng đại với
nhau. Chúa dạy trong nước của Ngài, mọi người đều là tôi tớ của nhau, nghĩa là trung
thành hầu hạ nhau cách nhưng không, vô điều kiện, không vì chức vị, danh vọng,
ham hố lợi lộc tiền của nhưng tất cả đều phục vụ lẫn nhau vì có chung một Thiên
Chúa là Cha. Theo Chúa trong cơ cấu của nước trời, phục vụ hoàn toàn khác với tổ
chức trần gian:” Chúa đến không phải để được hầu hạ mà để hầu hạ mọi người “. Trong
nước Thiên Chúa, người lớn nhất là người phục vụ nhiều nhất, hăng say, không cân
đo, không tính toán. “ Ai muốn làm lớn nhất hãy tự làm người rốt hết và làm đầy
tớ mọi người “ ( Mc 9, 35 ). Đây quả thực là một cuộc cách mạng lớn của Đức Giêsu
Kitô. Cuộc cách mạng này làm đảo lộn mọi suy nghĩ về làm lớn làm bé của các tông
đồ. Người làm lớn theo quan điểm của Chúa Giêsu là người dùng đôi tay để phục vụ
chứ không dùng quyền hành để cai trị.Người lớn nhất theo Đức Kitô là người dùng
con tim để yêu thương chứ không dùng sức mạnh, dùng quyền bính để lãnh đạo, để thống
trị. Thánh Giacôbê đã viết :” những đức tính mà những người đi phục vụ phải tập
và phải có là ôn hòa, bao dung, không xét nét, không thiên vị, ba hoa, khoác lác,
nhưng xây dựng sự an bình”.
Thời nào cũng vậy có những người ham hố danh
vọng, thích ăn trên ngồi trước nhưng lại có rất nhiều người luôn họa theo mẫu của
Đức Giêsu Kitô:” yêu thương như Ngài và phục vụ như Ngài “. Họ luôn coi nước trời
là đích đến, lấy tình thương làm thước đo và đặt sự trung tín nơi Chúa làm mục
tiêu tiến bước. Những con người này coi thường cả mạng sống, hy sinh tất cả để tiếp
tục tuyên tín như thánh Phêrô:” Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.” Bỏ
Thầy con biết theo ai vì Thầy mới có những Lời ban sự sống “. Hoặc :” Thầy biết
con yêu mến Thầy “.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng
con để chúng con luôn biết sống khiêm tốn phục vụ trong yêu thương hiệp nhất. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT