Chúa Nhật 25 mùa Thường niên, B
2009
Đề
tài tin vào Chúa Ki-tô tiếp tục qua những bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa hôm
nay. Tại Xê-da-rê Phi-líp-phê, Chúa
Giê-su đã cấm các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô, Con
Thiên Chúa, vì các công chưa hoàn toàn hiểu rõ chân tính của Người. Tiếp tục lên đường đi Giê-ru-sa-lem, Chúa có
cơ hội dạy cho các ông biết rõ về sứ mệnh của Người. Không những Người tỏ cho các ông biết về
Người, mà còn chỉ cho các ông một lối sống phù hợp với sứ mệnh ấy để các ông áp
dụng vào đời sống của chính mình. Những
lời khuyên của thánh Gia-cô-bê Tông đồ sẽ là bài học thực hành nếu Ki-tô hữu
muốn thực thi những điều Chúa Ki-tô dạy.
1. Sách Khôn ngoan mô tả người công chính, hình
ảnh Chúa Ki-tô (bài đọc Cựu Ước – Khôn
ngoan 2:12.17-20)
Đoạn sách Khôn ngoan nói về một người
công chính sống giữa phường vô đạo luôn tìm mọi cách bách hại ông. Vậy chúng đã làm gì và người công chính chống
đỡ ra sao?
Đối với phường vô đạo, người công
chính trở thành chướng ngại vật cho chúng.
Trước hết ông làm chúng vướng chân, những đôi chân chỉ quen đi theo nẻo
đường của tội lỗi thế gian. Ông còn
thẳng thắn “chống lại” những việc chúng làm, không ngại vạch ra những sai trái
chúng đã thực hiện theo tư lợi chứ không phải để phục vụ tha nhân. Về đời sống luân lý và đức tin của chúng, ông
can đảm tố cáo những vi phạm lề luật và những thực hành thờ phượng không đúng
với tinh thần thờ phượng Thiên Chúa.
Ngược lại với cách hành động đầy thiện
chí và xây dựng của người công chính, bọn vô đạo quyết tâm loại trừ ông bằng
mọi giá. Chúng “gài bẫy” để làm tổn
thương thanh danh của ông, tìm đủ cách bắt bẻ lời nói cũng như việc làm của ông
và hằng mong mỏi đời ông sẽ kết thúc một cách bi thảm. Chúng còn thách thức Thiên Chúa bằng cách đối
đầu với sự phù trợ Thiên Chúa dành cho người công chính. Kế hoạch của chúng là làm cho người công
chính phải trăm điều nhục nhã trước khi giết chết ông. Chúng không tin rằng ông sẽ đủ nhẫn nhục và
hiền hòa khi phải gặp khốn khó, rồi ông cũng rủa sả những kẻ hại ông và sẽ
trách cả Thiên Chúa nữa. Nói tóm lại,
chúng không muốn nhìn nhận ông là người công chính theo quan niệm của chúng.
Tất cả những điều sách Khôn ngoan nói về
người công chính đều ứng nghiệm vào Chúa Ki-tô từng nét. Cuộc đời Chúa Giê-su từ lúc sinh ra cho đến
khi tắt thở trên thập giá đầy tràn những bách hại. Dù còn là trẻ sơ sinh, Người đã phải trốn
chạy cùng gia đình sang cư ngụ bên Ai-cập.
Sau những năm sống ẩn dật tại Na-da-rét và khi lên đường thi hành sứ vụ
rao giảng Tin Mừng, Người luôn phải đối phó với nhóm Pha-ri-sêu, thượng tế và
kinh sư. Họ bắt bẻ lời Người giảng, rình
mò soi xét việc Người làm, thậm chí việc chữa lành bệnh nhân ngày sa-bát cũng
bị họ dò xét và họ tố cáo Người phạm luật.
Những nhục nhã Người phải chịu trong cuộc Thương khó đúng y như sách
Khôn ngoan đã tiên báo. Tuy nhiên, khác
hẳn với những gì kẻ thù mong đợi, Chúa Giê-su vẫn hiền hòa giữ thái độ của con
chiên bị đem đi sát tế mà không kêu la.
Người vẫn một lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, mặc cho kẻ thù thách
thức: “Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây
giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn!” (Mt 27:43). Cuối cùng, sau cái chết nhục nhã thập hình,
Thiên Chúa “không bỏ rơi Người trong cõi chết”, nhưng đã “viếng thăm” và cho
Người sống lại từ kẻ chết.
2. Chúa Giê-su tiên báo cuộc Thương khó của Con
Người (bài Tin Mừng – Mác-cô 9:30-37)
Ngoài những tiên báo của ngôn sứ
I-sai-a và một số sách Cựu Ước, Chúa Giê-su đích thân báo trước cho các môn đệ
về cuộc Thương khó Người sẽ phải chịu ở Giê-ru-sa-lem. Theo cùng một khuôn mẫu, thánh sử Mác-cô kể
lại ba lần Chúa Giê-su tiên báo cuộc Thương khó: trước hết là lời tiên báo, rồi đến phản ứng
của môn đệ và cuối cùng là bài học Chúa Giê-su dạy các ông. Vậy trong lần thứ hai này, sau khi Chúa loan
báo cuộc Thương khó, các môn đệ “trên đường đi đã cãi nhau xem ai là người lớn
hơn cả” (Mc 9:34). Trước cảnh tranh
giành ấy, Chúa dạy các ông bài học khiêm nhượng: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm
người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9:35).
Là người công chính như sách Khôn
ngoan đã mô tả, điểm đặc biệt của Chúa Giê-su là lòng khiêm nhượng và tín thác
nơi Thiên Chúa. Những đức tính này đã
nổi bật trong cuộc Thương khó. Bị dẫn ra
trước mặt những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính quyền, lúc nào Chúa Giê-su cũng
ôn tồn hòa nhã. Nếu cần bênh vực quyền
lợi khi bị tên đầy tớ thượng tế đánh, Người cũng chỉ bình tĩnh nhắc nhở hắn
không có quyền đánh người. Còn khi bị vu
cáo, Chúa giữ thái độ im lặng, một sự im lặng đầy ý nghĩa và mời gọi những
người vô đạo đức hãy xét lại công việc mình làm. Đặc biệt nhất là những lúc bị đánh đập, phỉ
nhổ, làm trò cười và bị đóng đinh thập giá, ta không hề nghe Chúa Giê-su than
trách một câu. Động lực nào đã giúp
Người giữ được thái độ khiêm nhượng và vâng phục thi hành kế hoạch của Chúa Cha
nếu không phải là tình yêu sẵn sàng thí mạng sống cho người mình yêu?
Tuy nhiên, trong câu truyện Tin Mừng
hôm nay, có một chi tiết bắt ta phải suy nghĩ về sự nhẫn nhục và hiền hòa của
Chúa Giê-su. Đó là khi về đến nhà, Chúa
mới hỏi các môn đệ đã bàn tán gì dọc đường và Người mới dạy dỗ các ông. Vì tế nhị, vị Thầy yêu thương môn đệ đã đợi
cho đến khi về nhà mới dạy dỗ môn đệ.
Người không muốn làm mất mặt các ông ở ngoài đường. Hơn nữa bầu khí ấm cúng của mái nhà vẫn thuận
lợi hơn cho việc cha mẹ dạy dỗ con cái.
Rồi Người chậm rãi “ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói”. Từng cử chỉ, từng lời nói, tất cả đều biểu lộ
một trái tim nhân hậu. Người dạy các ông
bài học khiêm tốn phục vụ. Điều làm ta
ngạc nhiên hơn nữa, đó là Người luôn lấy Chúa Cha làm trung tâm và cùng
đích. “Ai tiếp đón một em nhỏ… là tiếp
đón chính Thầy. Ai tiếp đón Thầy thì
không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Người nhìn nhận chỗ đứng của Người, là “con
đường” đưa người ta đến với Thiên Chúa Cha.
Chắc chắn câu truyện Tin Mừng này phải
làm cho ta suy nghĩ, nhất là những người có trách nhiệm dạy bảo người khác, như
giám mục, linh mục, các bậc cha mẹ… Họ hãy xét lại cách hành xử đối với giáo
dân, đối với con cái, để thấy rằng có lẽ khư khư bảo vệ quyền bính đã khiến họ
mất đi đức tính hiền hậu. “Ai muốn làm
người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi
người”. Nguyên tắc giáo dục của Chúa
Giê-su nằm trong khẳng định này.
3. Đức khôn ngoan Chúa ban dạy ta phải làm người
như thế nào? (bài đọc Tân Ước – Gia-cô-bê 3:16-4:3)
Sách Khôn ngoan cho ta thấy cách hành
xử của người công chính. Bài Tin Mừng
nói về cách hành xử ấy thể hiện trọn vẹn nơi Chúa Giê-su. Còn thánh Gia-cô-bê dạy ta muốn sống theo đức
khôn ngoan của Thiên Chúa thì ta phải trở nên mẫu người như thế nào. Ngài nêu lên một số đặc tính: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người
trước là trở nên thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi
và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc
3:17). Những đặc tính được kể ra đều là
những đường nét khác nhau của dung mạo con người khiêm nhượng và hiền hậu. Mọi điểm liên kết với nhau, đã có đức tính
này thì sẽ có đức tính kia, nhưng đều thuộc về một cách hành xử của người có
lòng khiêm nhường hiền hậu. Nhìn vào
cuộc sống của Chúa Ki-tô, thánh Gia-cô-bê đã nhận ra Chúa Ki-tô chính là “Đức
Khôn ngoan Thiên Chúa ban cho ta” để làm cho ta được biến đổi, Chúa Ki-tô chính
là “Người đã sống cuộc đời công chính để xây dựng hòa bình, hòa bình giữa nhân
loại với Thiên Chúa và giữa con người với nhau”.
Thánh Gia-cô-bê giúp ta thoáng nhìn
những hậu quả khủng khiếp khi ta không sống theo mẫu gương xây dựng hòa bình
của Chúa Ki-tô. Đó là cảnh xung đột, gây
chiến, chém giết, tất cả đều vì ích kỷ và lấy cái tôi làm tiêu chuẩn đo lường
mọi sự. Tình huống đáng sợ này vẫn tiếp
tục xảy ra ngay trong gia đình, cộng đoàn hoặc xã hội ta đang sống. Xung đột trong gia đình và cộng đoàn là điều
quá quen thuộc. Nhưng có lẽ ít khi ta
nhìn lên mẫu gương sống hiền hậu của Chúa Ki-tô để xét lại lối sống của
ta. “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có
xung đột giữa anh em?” Thánh Tông đồ hỏi
thẳng từng Ki-tô hữu và mong đợi câu trả lời thành thực. Trả lời cho câu hỏi “bởi đâu”, ta cần phải
bắt đầu từ chính mình trước. Ngài gợi ý
giúp ta trả lời: Bởi chính những khoái
lạc của ta? Bởi ham muốn mà không
có? Bởi ganh ghét? Bởi tà ý khi cầu xin? Bởi lãng phí để hưởng lạc? Những câu hỏi này nằm sâu trong lòng ta và
đòi ta phải can đảm đào bới chúng lên, phơi chúng ra trước ánh sáng chân lý
Chúa Ki-tô, với lòng khiêm nhượng đích thực muốn nhìn nhận lỗi lầm và quyết sống
theo Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa.
4. Sống Lời Chúa
Các bài đọc hôm nay đề cao Chúa Giê-su
như Đức Khôn ngoan Thiên Chúa ban cho ta để giúp ta sống sao cho xứng danh “con
Thiên Chúa” và người công chính. Đức Khôn
ngoan ấy không phải là mớ lý thuyết suông, nhưng là Đức Khôn ngoan nhập thể làm
người sống giữa nhân loại để làm gương mẫu sống động. Những lời dạy và lối sống của Chúa Giê-su
chắc chắn có quyền lực thay đổi ta, nếu ta thực sự khiêm nhượng để cho Người nắn
đúc tâm hồn ta. Đáp lại lời mời gọi “Anh em hãy họ cùng tôi, vì tôi hiền lành và
khiêm nhượng trong lòng”, ta cố gắng trở nên người xây dựng hòa bình trong gia
đình và bất cứ nơi nào ta sống, làm việc và phục vụ.
Suy
nghĩ: Tôi sẽ trả lời thế nào theo những
gợi ý mà thánh Gia-cô-bê đã nêu lên, để bắt đầu kiến tạo hòa bình và yêu thương
nơi tôi đang sống?
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn
thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người; xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa
truyền dạy, để sau này đạt phúc trường sinh.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.
(Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 25
mùa Thường niên).
Lm. Đaminh
Trần Đình Nhi
17-9-2009