NGƯỜI LỚN VÀ TRẺ EM

(CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN, NĂM B)

(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)

 

 

Có lần trong một cuộc hội thảo với Hội Các Bà Mẹ Công Giáo về vấn đề giáo dục con cái tại Hoa Kỳ, nhiều bà đã tỏ ra lo lắng vì trong xã hội hiện nay, trẻ em thích sống tự lập, thích thoát khỏi sự che chở và giáo dục của cha mẹ; em nào cũng chỉ mong mau đến ngày sinh nhật thứ 18 (18 tuổi), trở thành người lớn để được sống tự do, thoải mái, ngoài sự kiểm soát của cha mẹ!

 

Thật ra, tâm trạng chung là chúng ta ai cũng muốn làm ‘Người Lớn’, ai cũng muốn là người quan trọng đáng được chú ý hơn người khác. Bài Phúc Âm hôm nay (Matcô 9: 30-37) cho chúng ta thấy đó cũng là tâm trạng của nhóm 12 Tông đồ của Chúa, nên ngay khi Chúa Giêsu báo trước về cuộc khổ nạn của Ngài, thì mấy ông lại tranh luận với nhau về ai là người ‘lớn nhất’ trong nhóm các ông. Nhưng Chúa Giêsu đã để một em nhỏ đứng giữa các ông, chúc lành cho em, rồi dạy các ông bài học phục vụ trong khiêm tốn: “Ai muốn làm ‘người lớn nhất’, thì hãy hạ mình làm ‘người nhỏ nhất’ và phục vụ mọi người!”  Theo Phúc Âm của Thánh Matthêu, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: “Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, anh em không thể vào được Nước Trời…” (Matthêu 18: 1-4).

 

Chính vì “ai cũng muốn làm lớn hơn người khác, mà sinh ra đủ thứ tranh chấp, hỗn độn và đủ thứ tệ đoan…” như Thánh Giacôbê đã nói trong Bài Đọc II hôm nay (Giacôbê 3:16-4:3). Từ đó nảy sinh ra gièm pha, thù hận, làm hại lẫn nhau.

 

Những tranh chấp này đưa đến chiến tranh, loạn lạc khắp nơi trên thế giới. Trong phạm vi gia đình, cũng vì những ham muốn ‘làm lớn’, mà gây ra những tranh chấp giữa vợ chồng, rồi đưa đến những đổ vỡ rất đáng tiếc trong một số gia đình hiện nay.

 

Chúa Giêsu khi xuống thế làm người, Ngài đã không sinh xuống trong cảnh vương giả, giầu sang, nhưng đã chọn nơi hèn mọn, khó nghèo là hang bò lừa để sinh ra và Ngài đã lớn lên  trong gia đình Nagiaret bần hàn. Hơn nữa, dù là Thiên Chúa thật, Ngài có thể làm cho người chết sống lại, người mù được thấy…, nhưng Ngài đã không dùng quyền lực Thiên Chúa để giải thoát con người, mà là chọn con đường khổ giá (Philiphê 2:6-8). Chính tên  trộm bị treo trên thập tự giá cũng đã mỉa mai Ngài: “Nếu ông là con Thiên Chúa, sao không tự mình xuống khỏi thập giá để cứu mình và cứu chúng tôi với!” (Luca 23: 39). Đó là những lời lộng ngôn của những kẻ cao ngạo như đoạn Sách Khôn Ngoan (2: 12, 17-20) trong Bài Đọc I hôm nay ghi lại: “Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã. Nếu nó thật là Con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó… Nhưng những kẻ cao ngạo đó đã trở nên mù quáng, không nhận ra thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa!”

 

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết suy gẫm cuộc đời của Chúa từ lúc giáng sinh trong hang đá bò lừa, lớn lên trong gia đình khó nghèo Nagiaret, sống cuộc đời nghèo khổ (“Con cáo có hang, con chim có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu”). Cả cuộc đời chỉ lo rao giảng Phúc Âm tình thương, phục vụ mọi người, và sau cùng là chấp nhận vác Thánh giá và chết khổ nhục trên Thánh giá để chuộc tội nhân loại (Matthêu 20:28)

 

Khi cuộc đời của Chúa có ảnh hưởng mạnh trong tâm hồn chúng ta, chúng ta sẽ dễ dàng sống khiêm tốn và hòa hợp yêu thương  (Matthêu 11: 28-29). Chúng ta sẽ chung tay xây dựng được những  gia đình đầm ấm, tránh được những đổ vỡ đáng tiếc. Xây dựng được những ‘gia đình hòa bình’ là chúng ta đã đã góp được phần vào việc xây dựng hòa bình thế giới. Vì “sự khôn ngoan từ trời xuống thì trước tiên là trong sạch, ôn hòa, bao dung, mềm dẻo, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo rắc trong bình an cho những ai xây đắp hòa bình.” (Giacôbê 3: 17-18).

 

Xin Mẹ Maria và các Thánh đã sống cuộc đời đau khổ trần gian, nhưng luôn biết yêu thương và phục vụ, nay đã được hưởng phúc trường sinh trên Nước Hằng Sống, nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Xin cho chúng ta luôn biết sống khiêm tốn, tôn trọng mọi người, để xây dựng sự an vui, hòa hợp trong gia đình, nơi sở làm và trong mọi môi trường sống hàng ngày của chúng ta. Trong “Năm Linh Mục” này, chúng cũng hãy tiếp tục cầu nguyện cho các Chủ Chăn, các Linh Mục, như những sứ giả tình thương của Chúa, luôn biết noi gương Chúa Giêsu, yêu thương, khiêm tốn và vui vẻ phục vụ mọi người.


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B