Chúa Nhật XXV Thường Niên B

Ai Tiếp Đón Một Em Nhỏ

Mc 9,30-37: 30 Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. 33 Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.35 Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”

 

 

Từ Kaisarêa Philipphê (8:27), Chúa Giêsu từ miền bắc đi ngang qua Galilêa (9:30) để xuống Capharnaum (9:33); rồi từ đó Người tiếp tục hành trình xuống miền nam vùng Giuđêa (10:1). Nằm trong văn mạch của phần 9:30-10:31 nói đến những điều Chúa Giêsu giáo huấn các môn đệ của Người, đoạn 9:30-37 bàn cách riêng về chuyện ai là người đứng đầu. Đoạn nầy có thể phân chia như sau: 1- Lời tiên báo lần thứ hai về định mệnh của Chúa Giêsu (9:30-32); 2 – Việc làm người đứng đầu: a/ Đề tài các môn đệ bàn cãi: Ai là người lớn nhất (9:33-34); b/ Phục vụ là con đường của người đứng đầu (9:35); c/ Mẫu gương phục vụ và ý nghĩa của nó (9:36-37).  

 

So sánh với hai lời tiên báo kia về cuộc khổ nạn, lời tiên báo nầy có những điểm tương đồng: khung cảnh của nó là “trên đường” (8:27; x. 9:30.33; 10:32), như một giáo huấn Chúa Giêsu chỉ ngỏ điều nầy với các môn đệ (8:31; 9:31; 10:32) và sau lời nầy là phản ứng của các môn đệ: Phêrô phản đối tức thì (8:29; 9:32), các môn đệ tỏ ra không hiểu nhưng không ai dám hỏi Người (9:32), Giacôbê và Gioan xin một chỗ trong Nước sắp đến của Người (10:35-40). Điểm khác biệt là trong lời tiên báo lần thứ hai nầy cụm từ

“bị giao nộp vào bàn tay con người (số nhiều)” (9:31) như một yếu tố mới được đưa vào, được đặt cách tương ứng với “Người Con của Nhân Loại (số ít)” để nhấn mạnh trách nhiệm và tính bạo hành của hành động đó; trong khi lời tiên báo lần thứ nhất trình bày cách khách quan định mệnh mà Người sẽ phải hoàn thành và những tác nhân chính làm nên cuộc thương khó của Người (8:31); còn lời tiên báo cuối cùng thì nhấn mạnh cách riêng những người giữ vai trò chính và những hành động của họ trực tiếp trên Người (10:33-34).

 

Thành ngữ “Người Con của Nhân Loại bị giao nộp vào tay con người” được Chúa Giêsu lập lại ngay trước khi Người bị bắt; và bấy giờ, được thay thế bằng “vào tay những người tội lỗi” (14:41). Họ là những người chịu trách nhiệm trực tiếp việc giao nộp Người: Giuđa, một người trong nhóm Mười Hai (3:19; 14:10.11; x. 14:18.21.44), các thượng tế, luật sĩ, kỳ lão và cả Hội đồng Công nghị (10:33; 15:1). Lời chúc dữ dành cho họ là thà họ đừng sinh ra thì hơn (x. 14:21). Tiếp đến, động từ “bị giao nộp” được áp dụng cách riêng cho Chúa Giêsu, đồng thời cũng cho Gioan Tẩy Giả (1:14), và các môn đệ của Người (13:9.11.12) để nói lên một điều là thầy và môn đệ cùng chịu chung một số phận.

 

Trong phần thứ hai, các môn đệ bàn đến chuyện ai là người đứng đầu (9:34). Chúa Giêsu đưa ra quy luật: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (9:35). Điều nầy Người còn lập lại khi Giacôbê và Gioan muốn tìm những chỗ nhất trong vương quốc sắp đến của Người (10:43). Trong cả hai lần Người đều giải thích rõ phương cách sống quy luật ấy là phải làm “người phục vụ mọi người”. Từ “người phục vụ” (diakonos) trong Marcô chỉ người phục vụ bàn ăn (x. Mc 1:31; Lc 22:27); khác với người “đầy tớ” (doulos), thuộc hạng thấp nhất trong xã hội ngày xưa, thậm chí là nô lệ không có tự do và được xem như là tài sản của người khác. Họ làm đủ mọi chuyện. Người phục vụ bàn ăn thì không ăn chung với những người khác, nhưng chăm sóc đầy đủ cho thực khách; nghĩa là lo điều tốt nhất cho người khác.

 

Hành vi tiếp theo của Chúa Giêsu là đặt giữa nhóm Mười Hai một em nhỏ như là một dẫn chứng cụ thể về sự phục vụ, đang khi trong đầu họ chỉ nghĩ về chuyện làm lớn giữa nhau (9:36-37): “Ai tiếp đón nhận một trong những em nhỏ vì danh Thầy là tiếp nhận Thầy” (9:37). Bất cứ khi nào nói đến các em nhỏ (5:39-41; 7:30; 9:24; 10:13-15), Marcô đều cho thấy chúng cần đến vô số chăm sóc, lo lắng và phục vụ. Trước tình cảnh của các em, cha mẹ của chúng không thể nghĩ đến chuyện “làm lớn” của họ, mà trái lại sự sống còn của chúng; do đó, cần đến những phục vụ không biết mệt mỏi. “Tiếp đón” là mở cửa và mời người ta vào nhà mình, là cho người khác sự hiệp thông sự sống. Vậy, tiếp đón một trẻ nhỏ nghĩa là mở lòng đón nhận tất cả những ai cần đến sự giúp đỡ và hết tâm phục vụ người ấy, chỉ vì lo lắng cho sự tốt lành của họ. Hơn nữa, việc phục vụ nầy, chẳng hạn của cha mẹ lo cho em nhỏ, tự bản chất đã là tốt. Nhưng nếu làm nhân danh Chúa Giêsu, việc ấy sẽ nên hoàn hảo hơn trong cách làm và hiệu quả: phục vụ dành cho một người trong lúc cần thiết sẽ trở nên một việc làm cho chính Chúa Giêsu, và cũng cho chính Chúa Cha; bởi vì chính Ngưòi đã tự đồng hóa trong người khác (x. Mt 25:40).

 

 

Phục vụ là con đường tiến đến sự cao trọng. Muốn làm lớn đồng nghĩa với muốn phục vụ. Chúa Giêsu đã đi qua con đường nầy và cách phục vụ trọn hảo nhất của Người là chết đi để cứu sống nhiều người (10:45). Phục vụ chỉ có thể bắt đầu bằng sự khiêm tốn, vì phải khởi công từ vị trí rốt cùng.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B