Chúa Nhật 26 mùa Thường
niên, B
2009
Khi
tiên báo cuộc Thương khó, Chúa Giê-su cũng dạy môn đệ bài học phục vụ trong
tinh thần khiêm nhượng. Nếu ta thực sự
có tinh thần khiêm nhượng thì chuyện ghen tị trong đời sống cộng đoàn sẽ không
có chỗ đứng nữa. Mọi người đều nhìn vào
ích chung chứ không còn để ý phân bì mình không có những gì người khác có. Ghen tị là căn bệnh nguy hiểm gây chia rẽ cộng
đoàn. Câu truyện ghen tị trong bài đọc Cựu
Ước và bài Tin Mừng đều là những thí dụ cụ thể cho thấy ông Mô-sê và Chúa Giê-su,
những mẫu gương phục vụ quảng đại, các ngài đã nói gì về điều này và dạy ta bài
học nào khi ta phục vụ anh chị em trong cộng đoàn.
1. Ông
Mô-sê là mẫu gương phục vụ cộng đoàn (bài
đọc Cựu Ước – Dân số 11:25-29)
Trong
thời gian dẫn dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập, ông Mô-sê đặt bảy mươi kỳ mục để
giúp đỡ ông phục vụ cộng đồng. Thiên
Chúa ban cho ông Mô-sê những đặc sủng để chu toàn sứ vụ này, nhưng đôi khi Người
cũng cho các cộng sự viên của ông được chia sẻ những đặc sủng ấy. Một trong những đặc sủng ấy là được Thần Khí
đậu xuống, họ có thể phát ngôn như một ngôn sứ.
Tuy nhiên có hai người trong số bảy mươi kỳ mục không có mặt trong Lều
mà ở lại trong trại. Vậy mà Thần Khí
cũng đậu xuống trên họ và họ phát ngôn ngay trong trại. Nghe báo hai người ấy phát ngôn trong trại,
ông Giô-suê là phụ tá xin ông Mô-sê ngăn cản họ. Ông Mô-sê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân
của Người để họ đều là ngôn sứ!” (Ds 11:29).
Cách
ứng xử của ông Mô-sê quả thực là một gương mẫu phục vụ cộng đồng. Ông nhìn vào công việc của Chúa Thánh Thần chứ
không phải vào người này người kia. Vị
ngôn sứ phát ngôn chỉ là dụng cụ Thánh Thần sử dụng để chuyển đạt những giáo huấn
hoặc nhắc nhở của Thiên Chúa. Hơn nữa,
nơi chốn cũng không nhất thiết phải là tiêu chuẩn để phân biệt người được Thần
Khí đậu xuống hay không. Thần Khí hoạt động
nơi những kỳ mục ở trong Lều, nhưng Thần Khí cũng hoạt động nơi những kỳ mục
đang ở lại trong trại nữa. Người thanh
niên chạy đi báo tin và ông Giô-suê chỉ xét công việc phát ngôn theo người hoặc
nơi chốn. Do đó, ông Giô-suê mới cho rằng
việc hai kỳ mục En-đát và Mê-đát phát ngôn trong trại là không đúng và ông xin
ông Mô-sê ngăn cấm họ. Làm như vậy, ông
Giô-suê đã vô tình ngăn cản công việc của Thánh Thần. Tuy nhiên động lực khiến ông xin ông Mô-sê
ngăn cấm họ chính là do lòng ghen tị và thiếu quảng đại ngấm ngầm hoạt động nơi
ông. Lòng ghen tị làm cho trái tim ta
thu hẹp lại và không còn chỗ chứa đựng những gì của Chúa và của anh chị
em. Lòng ghen tị cũng đóng cửa lòng ta lại,
để ta không muốn cho đi cũng chẳng muốn nhận lấy.
Trước
tình huống đó, ông Mô-sê đã làm gì? Ông
muốn thẳng thắn và khéo léo nhắc nhở Giô-suê xét lại thái độ ghen tị không
thích đáng; ông không nặng lời với
Giô-suê, mặc dù ông này “từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ”. Rồi ông Mô-sê hướng về Thánh Thần để nhìn nhận
công việc của Người. Ông ước mong Thiên
Chúa mở rộng thêm hoạt động, ban Thánh Thần xuống trên mọi người dân Ít-ra-en
“để họ đều là ngôn sứ”. Thực vậy, mong ước
mọi người đều là ngôn sứ sẽ được thể hiện thời Tân Ước, khi mọi Ki-tô hữu được
tham dự vào tác vụ ngôn sứ của Chúa Ki-tô, để rao giảng và làm chứng cho tình
yêu Thiên Chúa. Chúa Ki-tô đã ban Thánh
Thần xuống cho các môn đệ sau khi Người sống lại, sai họ đi “phát ngôn” giống
như các kỳ mục Ít-ra-en thuở xưa và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Thái độ quảng đại và ước mong tốt đẹp của ông
Mô-sê được coi như là hình bóng cho thái độ của Chúa Giê-su, Đấng đã từng chia
sẻ với các môn đệ: “Thầy đã đến ném lửa
vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12:49). Thần Khí Thiên Chúa đã hoạt động qua các kỳ mục
Ít-ra-en thế nào, thì Người cũng sẽ tiếp tục hoạt động qua các “kỳ mục” thời
Tân Ước như vậy.
2. Chúa
Giê-su dạy môn đệ đừng ganh tị: “Ai
không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (bài Tin Mừng – Mác-cô 9:38-43.45.47-48)
Đi
theo Chúa Giê-su và làm môn đệ Người, các Tông đồ được sống gần gũi với Chúa và
được Người dạy dỗ. Dầu cho tình nghĩa thầy
trò đã sâu đậm, các ông vẫn là con người như bao kẻ khác, nghĩa là vẫn còn mang
nhiều khuyết điểm, trong số đó có cả tính ghen tị nữa. Các ông muốn Thầy trò có cái gì đó khác biệt
mà những người khác không có hoặc không thể có.
Thầy được dân chúng kính nể do việc giảng dậy thì trò cũng có thêm chút
thế giá trước mặt họ. Thầy được người ta
khâm phục vì những phép lạ vĩ đại thì trò cũng được dự phần vào sự khâm phục
đó. Cho nên khi nhận thấy “có người lấy
danh Thầy mà trừ quỷ” thì các ông cho là họ xâm phạm vào địa bàn hoạt động của
Thầy và của các ông. “Lấy danh nghĩa Thầy
mà trừ quỷ” là người ta cách nào đó đã “chiếm mất” Thầy của họ. Mà các ông không muốn “chia sẻ” Thầy mình với
bất cứ ai. Tính ghen tị nảy sinh tính
ích kỷ hẹp hòi dưới những danh nghĩa hết sức tế nhị, thí dụ để bảo vệ danh dự của
Thầy chẳng hạn.
Giống
như ông Mô-sê đã dạy dỗ Giô-suê, Chúa Giê-su cũng dạy dỗ các môn đệ về sự đố kỵ,
cách nhẹ nhàng và đầy tình thầy trò. Người
bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không
ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng
hộ chúng ta” (Mc 9:39-40). Đối với công
việc của Thiên Chúa, danh nghĩa của ta không có gì là đang kể. Ngay trong câu đầu tiên kinh Lạy Cha Chúa
Giê-su dạy các môn đệ là lời nguyện “chúng con nguyện danh Cha cả sáng”. Đối với Chúa Giê-su, danh của Người chỉ là
phương tiện để làm cho danh Chúa Cha được người ta biết đến. Do đó, có ai lấy danh nghĩa của Người để làm
việc tốt, tức là làm cho danh Chúa Cha được rạng sáng và như thế là đúng với
tâm nguyện của Người rồi. Người lấy danh
nghĩa Chúa Giê-su để trừ quỷ hay làm phép lạ chắc chắn phải là người có thiện
chí và cùng lý tưởng với Chúa. Họ muốn
trở thành người giúp đỡ hay cộng tác của Người.
Khi lấy danh nghĩa Chúa là họ nhìn nhận quyền năng của Người, đồng thời
cũng nhìn nhận sự bất lực của riêng họ.
Như thế làm sao họ có thể là kẻ thù của Người, vì kẻ thù của Người còn
muốn phủ nhận chính quyền năng của Người nữa.
Chắc hẳn ta còn nhớ có lần người Pha-ri-sêu đã khẳng định về việc Chúa
Giê-su trừ quỷ: “Ông này trừ được quỷ chỉ
là nhờ dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun” (Mt 12:24). Sau cùng, Chúa đưa ra một nguyên tắc tổng
quát về việc lấy danh nghĩa của Người để hành động: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng
ta”.
Nguyên
tắc này mở ra một chân trời mới cho mọi hoạt động vì lợi ích của Thiên Chúa và
anh chị em. Trong cùng một lý tưởng và công
việc tốt, tính cách bè phái hoặc ganh tị không thể tồn tại. Chúa Giê-su đã khéo léo sử dụng đại từ “chúng
ta” để nói lên cộng đồng con cái đích thực của Thiên Chúa. Chính Người là “trưởng tử” của nhân loại mới,
mang danh nghĩa là Con Thiên Chúa để chia sẻ danh nghĩa ấy với ta là các em của
Người. Được chia sẻ danh nghĩa của Người
có nghĩa là ta “thuộc về Đấng Ki-tô”. Cùng
với Chúa Giê-su, các Ki-tô hữu cố gắng xây dựng cộng đồng nhân loại. Phần thưởng của Chúa Giê-su là “Thiên Chúa đã
siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu…” (Pl
2:9-10). Giờ đây Chúa Giê-su cũng hứa
ban phần thưởng cho những kẻ thuộc về Người:
“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì
Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9:41).
3. Hậu
quả của đời sống ghen tị (bài đọc Tân Ước
– Gia-cô-bê 5:1-6)
Thực
khó có thể liên kết đoạn thư thánh Gia-cô-bê Tông đồ với hai bài đọc kia trong
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Thánh Tông đồ
cảnh báo những kẻ giàu có chỉ biết sống cho tham vọng ích kỷ và tư lợi. Người đề cập tới việc “lo tích trữ trong những
ngày sau hết này” của những kẻ giàu có gian tham. Động lực khiến họ lo tích trữ chính là do
tính ghen tị. Không muốn bất cứ ai bằng
mình, cho nên họ tìm đủ mọi cách để giàu có hơn người khác, kể cả cách “giữ lại
tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của họ”. Để phô trương sự giàu có hơn người, họ chọn lối
sống xa hoa, buông thả, cho rằng sống như thế mới xứng là lối sống của những
người thuộc giai cấp cao trong xã hội và sống như thế mới được mọi người kính nể.
Hơn
thế nữa, đời sống ghen tị không chỉ giới hạn trong việc lo tích trữ, mà còn đưa
con người đi xa hơn tới những hành động hại người. Dùng uy lực của tiền bạc và danh vọng, những
kẻ giàu có gian tham còn “kết án, giết hại người công chính”. Ta thử lấy một thí dụ cụ thể. Khi nói về nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư,
Chúa Giê-su đã không ngần ngại tố cáo đời sống ghen tị của họ. Họ không sợ bóc lột cả tài sản của những bà
góa, những người yếu thế trong xã hội.
Ghen tị đi cả vào đời sống đạo của họ khi họ làm mọi cách để phô trương
những gì họ thực sự không có trong lòng, là những cách như kinh kệ dài dòng,
đeo vào tua áo lủng lẳng những hộp kinh, bắt bẻ người này người kia vì không
theo lối sống giả hình giả bộ của họ… Đối
với Chúa Giê-su, “ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Còn đối với họ, “ai không ủng hộ chúng ta là
chống lại chúng ta”. Chúa Giê-su mở rộng
vòng tay đón tiếp mọi người, còn họ thì khép vòng tay lại để khư khư giữ lấy
cái danh nghĩa “Pha-ri-sêu”, tức là “biệt phái”, một nhóm đặc biệt. Cuối cùng như ta biết đấy, ghen tị đã khiến cho
kẻ thù của Chúa Giê-su tìm mọi cách hãm hại Người, kể cả việc âm mưu giết Người
bằng nhục hình thập giá.
Cảm
tạ thánh Gia-cô-bê đã tế nhị cho ta thấy những độc hại do lối sống ghen tị đem
lại. Ngài cảnh báo những kể giàu có tham
lam. Tuy nhiên đó cũng có thể là lời cảnh
báo cho ta nếu ta không cắt đứt mầm mống ghen tị vô cùng nguy hiểm. Ghen tị đã có mặt ngay từ buổi đầu lịch sử
nhân loại: con rắn cám dỗ nguyên tổ,
Ca-in giết em là A-ben. Ghen tị vẫn cố gắng
tiếp tục bành trướng trong từng tâm hồn nếu ta không chịu nghe lời cảnh báo của
Chúa Giê-su và thánh Gia-cô-bê Tông đồ.
4. Sống
Lời Chúa
Bài
Tin Mừng hôm nay đề cập tới vài vấn đề khác nhau ghen tị và gương xấu, cả hai đều
là căn nguyên sinh ra những tội lỗi khác trong đời sống cá nhân cũng như cộng đồng. Ghen tị gây ra những chia rẽ đố kỵ và việc
làm tổn thương người khác. Ông Mô-sê và
Chúa Giê-su kêu gọi ta hãy đặt trọng tâm vào công việc của Thiên Chúa và mục
đích làm cho danh Chúa được rạng sáng, nhờ đó ta tránh được những tham vọng và
tích lũy cho cá nhân mình. Thực tế hơn,
ta hãy nhìn vào đời sống cộng đoàn để học hỏi gương lành của những người hăng
say việc chung, để tập chấp nhận nhau và nhận ra mọi người có thiện tâm đều ủng
hộ ta.
Suy nghĩ: Trong đời sống gia đình cũng như cộng đoàn,
nhiều khi tôi cho là người này người kia “chống lại” tôi. Vậy tôi nghĩ thế nào là chống đối? Hay đó là những ý kiến xây dựng? Ghen tị đóng vai trò nào trong những ý nghĩ của
tôi?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha,
chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả; xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới
Nước Trời mà chúng con đang hết lòng theo đuổi.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.
(Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 26
mùa Thường niên).
Lm. Đaminh Trần Đình
Nhi