ỦNG HỘ VÀ CHỐNG
ĐỐI
(CHÚA NHẬT XXVI
THƯỜNG NIÊN, NĂM B)
(Linh
Mục Anphong Trần Đức Phương)
(hinh)
Thiên
Chúa ‘dựng nên con người theo hình ảnh Chúa (Sách Sáng Thế 1: 26-27) và ban cho
con người sự tự do, và Thiên Chúa luôn tôn trong ‘tự do’ của con người. Vì có
‘tự do’ mà con người có trách nhiệm về cuộc sống của mình; và tự đó mới có
‘tội’ và ‘phúc’.
Vì tự do tư tưởng mà có nhiều thái độ
sống khác nhau trong xã hội và luôn luôn có những ‘ủng hộ’ và ‘chống đối’. Như
ở Hoa Kỳ, có hai đảng lớn là “Đảng Cộng Hòa” và “Đảng Dân Chủ”. Nhưng những đối
lập giữa các đảng phái chính trị không phải để đưa đến sự phá hoại sự đoàn kết
quốc gia, mà để dung hòa tư tưởng, tránh được sự ‘độc tài’ do độc đảng gây nên.
Trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay
(Mátcô 9: 38-43, 45, 47-48), khi ông Gioan thấy “có người nhân danh Chúa mà trừ
qủy, nhưng lại không theo ‘nhóm chúng ta’ đã cùng các Tông đồ khác ngăn cản anh
ta”. Khi nghe biết như vậy, Chúa Giêsu bảo các ông: “Đừng ngăn cản anh ta…”
Trong Bài Đọc I (Sách Dân Số 11: 25-29)
khi ông Giosuê là người tùy tùng của ông Moisê và là một trong nhóm Bẩy Mươi Bô
Lão được chọn để được thánh hóa và nói tiên tri, thưa với ông Moisê về trường
hợp hai ông Eldad và Medad, và xin ông Moisê cấm hai ông này không được nói
tiên tri. Ông Moisê đã bảo ông Giosuê đừng ngăn cản người khác nói tiên tri!
Qua hai bài đọc trên, chúng ta học được
thái độ ‘cởi mở’ và ‘bao dung’ đối với mọi người. Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy
Chúa Giêsu luôn có thái độ cởi mở, đón nhận mọi người, và đến với mọi người, và
kêu gọi mọi người đi theo Ngài “là Đường, là Sự Thật và Sự Sống.” Chúa không ép
buộc ai, nhưng Ngài mời gọi, và sẵn sàng đón nhận những ai đến với Ngài. Chính
Ngài đã chào đón ông Da-kêu ‘thủ lãnh những người thu thuế’ và đến ở nhà ông,
dù vì thế mà Ngài bị kết án là đến ở nhà người tội lỗi (Luca 19: 1-10). Ngài
gọi Mátthêu ‘người thu thuế’ vào số 12 Tông đồ và đến nhà ông ‘dùng bữa’ cùng
với nhiều người thu thuế khác, dù vì thế mà bị kết án là ‘ăn uống với bọn thu
thuế và phường tội lỗi’ (Mátcô 2: 14-17). Tuy hay bị những người Biệt Phái phê
bình, chỉ trích, nhưng Ngài cũng đến gia đình người Pharisiêu để ‘dùng bữa’
(Luca 7: 36), và tại đó, Ngài đã tha thứ cho người đàn bà tội lỗi và để bà “lấy
nước mắt rửa chân, lấy tóc mà lau rồi đổ dầu thơm mà xức và hôn chân Ngài…”
(Luca 7: 37-38). Ngài đến với ‘dân ngoại’ Samaria và nói chuyện với người phụ
nữ đã có năm đời chồng ở giếng nước Giacóp, làm các Tông đồ cũng phải ngạc
nhiên (Gioan 4: 5-30). Chúa Giêsu yêu thương, mời gọi người tội lỗi trở về
‘đường ngay nẻo chính’. Chúa Giêsu đã nói nhiều dụ ngôn rất cảm động để mời gọi
người tội lỗi tin tưởng trở về, như dụ ngôn “Con chiên đi lạc” (Mátthêu 18:
12-14), “Đồng tiền bị đánh mất” (Luca 15: 8-10), “Người Cha nhân hậu”
(Luca 15: 11-31). Ngài cũng nói thẳng: “Ta đến không phải để tìm người công
chính, nhưng để tìm người tội lỗi, lầm lạc ăn năn trở về.”( Matthêu
9:13).
Noi gương Chúa Giêsu, Giáo hội cũng luôn
cởi mở, đến với mọi người thuộc mọi mầu da, sắc tộc, tôn giáo khác nhau. Giáo
hội cũng mời gọi và sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhất là những người bần hàn cơ
cực. Qua các thời đại, đã có biết bao linh mục, tu sĩ, giáo dân đã hy sinh cả
cuộc đời đến giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, mở mang văn hóa ở
các vùng xa xôi như Phi Châu, Á Châu, Nam Mỹ. Trong các giáo xứ, cũng có các
Hội đoàn như Hội Đạo Binh Đức Mẹ, Hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn, nhóm “Hoạt Động Xã
Hội” (Social Outreach) v.v…đi đến với mọi người cần giúp đỡ, không phân biệt
mầu da, chủng tộc, tôn giáo…
Một điều chúng ta cũng cần lưu ý là
trong Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề ‘tránh làm
gương xấu cho người khác phạm tội…’ và ‘phải can đảm xa tránh các dịp
tội’ dù phải hy sinh như “chặt tay, chặt chân, móc mắt!”. Ngoài ra, Thánh
Giacôbê trong Bài Đọc II (Giacôbê 5: 1-6) cũng nhắc nhở chúng ta (nhất là những
người giầu có) , về đời sống Bác ái và tôn trọng công bằng xã hội: “Đừng làm
giầu một cách bất công bằng việc gian lận, bóc lột người khác; đừng chè chén,
say sưa; đừng sống thác loạn theo khoái lạc xác thịt; đừng chạy theo những thói
hư, tật xấu của thế gian…”
Xin cùng hiệp lời cầu nguyện chung: Xin
Chúa thương tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta, giúp chúng ta biết sám hối ăn năn
và chừa bỏ tội lỗi, tránh xa dịp tội; mỗi ngày cố gắng sống tốt lành hơn để làm
gương sáng cho mọi người. Trong “Năm Linh Mục”, chúng ta cũng tiếp tục cầu
nguyện cho các Chủ Chăn, các Linh Mục, nhất là những vị đang gặp nhiều khó khăn
thử thách. Xin cầu nguyện cách riêng cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam, đặc
biệt cho Giáo Xứ Tam Tòa, Thái Hà và những nơi đang bị bách hại.