TÚP
LỀU LÝ TƯỞNG
(CHÚA NHẬT XXVII
THƯỜNG NIÊN, NĂM B)
(Linh
Mục Anphong Trần Đức Phương)
Thật tuyệt vời
biết bao khi hai thanh niên nam, nữ yêu thương nhau và được kết hợp thành vợ
chồng, rồi cùng sống trong một “Túp Lều Lý tưởng”, luôn có anh và em để xây
dựng một gia đình hạnh phúc:
“Đời
mình đẹp mãi với Em và Anh,
Đời
mình đẹp mãi dưới túp Lều Tranh!”
(Hoàng Thi Thơ)
Dù chỉ là một túp lều tranh, nhưng có hai
tâm hồn yêu thương nhau cùng chung sống, “Túp Lều Tranh” trở nên “Túp Lều Lý
Tưởng!”
Một cách đơn giản, mọi sinh vật “giống
đực” và “giống cái” trên mặt đất, khi ‘đến thời đến lúc’ là có một sức thu hút
lẫn nhau theo bản tính tự nhiên, chung sống với nhau và sinh sản con cái để nối
dõi dòng giống. ‘Người Nam’ và ‘Người Nữ’ khi đến tuổi “cập kê” cũng có sức thu
hút nhau theo bản tính tự nhiên, thương yêu nhau, rồi kết hiệp với nhau ‘nên
một thân xác’ (Matcô 10:8) để sinh con cái tiếp nối cộng đồng nhân loại. Trong
Bài Đọc I (Sách Sáng Thế 2: 18-24) Chúa đã chúc lành cho cuộc hôn phối của
Adong và Evà, và bảo “Hãy sinh sản ra đầy mặt đất!” Trong Bài Phúc Âm (Matcô
10: 2-16),Chúa Giêsu đã vui vẻ chúc lành cho các em nhỏ người ta đưa đến với
Chúa. Vì thế, hôn phối luôn luôn phải là sự kết hợp giữa một “Người Nam” và một
“Người Nữ” để sinh con cái, không thể là sự phối hợp giữa hai người cùng phái
tính, nam với nam hoặc nữ với nữ.
Hơn nữa, đời sống vợ chồng là một kết
hiệp vĩnh viễn ‘mãi mãi dưới túp lều tranh’ không thể phân ly như Chúa Giêsu đã
quả quyết “Điều gì Thiên Chúa đã kết hiệp, loài người không được phân
ly!” (Matcô 10:9). Con người
khác với các loài vật khác, con người đã
được Chúa “dựng nên theo hình ảnh Chúa” (Sách Sáng Thế 1:27), nên có tình yêu
tự do và trách nhiệm. Trước khi kết hôn thành vợ chồng, các bạn trẻ luôn được
tự do để suy nghĩ và lựa chọn, không thể “yêu cuồng, sống vội” để đưa đến tan
vỡ đáng tiếc, phá họai hạnh phúc gia đình, và ảnh hưởng đến tương lai con cái.
Để nói lên sự kết hiệp bền vững giữa vợ chồng, Bài Đọc I hôm nay đã lấy hình
ảnh câu chuyện Chúa lấy chiếc xương sườn của ông Adong mà dựng nên bà Evà,
người vợ của ông (Sách Sáng Thế 2: 21-23)
Hôn phối là điều rất quan trọng chẳng
những cho gia đình, mà còn cho quốc gia và xã hội. Có những quốc gia ngày nay
thiếu ‘giới trẻ” vì nhiều đôi vợ chồng không muốn sinh con, hạn chế sinh sản
bừa bãi, phá thai tự do, và ly dị dễ dàng khi gặp những khó khăn thử thách.
Thiên Chúa đã chúc phúc cho đôi tân hôn
đầu tiên của nhân loại là ông Adong và bà Evà ngay trong vườn địa đàng. Chính
Chúa Giêsu cũng đã mở đầu cuộc đời công khai của Ngài bằng việc cùng đi với Mẹ
Maria và các Tông đồ đến dự tiệc cưới Cana, và làm phép lạ đầu tiên hóa nước
thành rượu để cứu vãn danh dự cho đám cưới nửa chừng hết rượu này.
Chúa Giêsu khi ‘xuống thế làm người’,
Ngài cũng đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình , dù nghèo khó và trải qua
bao gian truân thử thách, nhưng vẫn luôn gắn bó và chia sẻ tình thương, hạnh
phúc; đó thật là một gia đình gương mẫu cho các gia đình chúng ta. Thánh Giuse
và Mẹ Maria là gương mẫu cho các bậc làm cha mẹ, và Chúa Giêsu là gương mẫu cho
các người làm con ‘luôn biết vâng lời cha mẹ’ (Luca 2: 51). Khi chịu nạn chịu
chết đổ máu ra để chuộc tội nhân loại, một lần nữa Chúa Giêsu lại “thánh hóa
chúng ta và cho chúng ta trở nên anh em với nhau trong cùng một gia đình nhân
loại!” (Bài Đọc II, Thư Do Thái 2: 9-11).
Sự bền vững và hạnh phúc gia đình đặt
tại đâu?
Trước đây, tôi có nghe chuyện các bạn
trẻ ở Hà Nội, sau năm 1954, sống trong cảnh nghèo khó , khi lập gia đình thì
đặt hạnh phúc nơi ba chữ “B” đơn giản: ‘Buồng’ (tiếng Bắc, có nghĩa là phòng
ngủ) tượng trưng một ‘căn hộ’ chính phủ cấp cho để ở; ‘Bìa’ là phiếu mua thực
phẩm (theo chế độ quốc doanh thời đó); ‘Bà’ là mẹ già để gởi con khi vợ
chồng đi làm. Sau này, tôi lại nghe nói tại các quốc gia tự do, thì các bạn trẻ
đặt hạnh phúc gia đình trên ba chữ “C”: Car (xe), Condo (nhà), và Credit Card
(Thẻ Tín Dụng).
Nhưng hạnh phúc gia đình không chỉ cần
những điều kiện vật chất, mà còn cần những điều kiện tinh thần, nên các nhà đạo
đức đưa thêm vào những chữ “C” khác : Communication: Vợ chồng phải biết thành
thực và thẳng thắn bầy tỏ tâm tư, nguyện vọng với nhau để luôn ‘hiểu được nhau’
và cùng cộng tác (Cooperation) với nhau để xây dựng hạnh phúc gia đình. Những
sự thiếu thông cảm thường đưa đến chỗ hiểu lầm, nghi ngờ và ghen tuông, là
những căn nguyên đưa đến bất hòa, và đổ vỡ đáng tiếc. Khi đã quyết tâm sống đời
sống vợ chồng, các bạn trẻ phải quyết tâm dấn thân (Commitment) chấp nhận mọi
khó khăn, thử thách, cùng chia vui, sẻ buồn để vượt qua mọi khủng hoảng mà đời
sống chung luôn xẩy ra. Sau đó, vợ chồng cũng cần biết ‘thương cảm nhau’
(Compassion), nghĩa là phải biết quên mình, từ bỏ ích kỷ, để nhận ra những ‘khó
khăn’, những ‘khủng hoảng’ của nhau để an ủi, nâng đỡ nhau trong cuộc sống,
thay vì giận hờn, phiền trách hoặc xa tránh.
Ý thức được sự quan trọng của cuộc sống
hôn nhân, nên cha ông chúng ta, từ thuở xa xưa, đã có những tục lệ, tuy có vẻ
rườm rà, nhưng thật sự cần thiết, để chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sống lứa đôi,
như ‘làm mối’, ‘xem mắt’, ‘dạm ngõ’, ‘đính hôn’ trước khi thật sự ‘thành hôn’
với nhau để nên vợ chồng và xây dựng một gia đình mới.
Giáo hội cũng luôn khuyến khích các bạn
trẻ hãy cầu nguyện và suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định cuộc sống hôn
nhân. Sau đó, phải qua một khóa học “Dự Bị Hôn Nhân” để cùng nhau học hỏi giáo
lý Công Giáo về đời sống gia đình giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Nghe
các kinh nghiệm của các vị đã sống lâu năm trong đời sống gia đình kể lại mà
học hỏi và chuẩn bị chu đáo hành trang ‘vào đời’ để khởi sự một cuộc hành trình
dài, đầy hạnh phúc, nhưng cũng không thiếu những khó khăn thử thách.
Xin hiệp lời cầu nguyện chung: Xin Chúa,
qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Giuse, và các Thánh, ban muôn ơn lành
cho các gia đình chúng ta, cho các bạn trẻ mới bước vào đời sống lứa đôi, cho
các bạn trẻ đang tìm hiểu và chuẩn bị đời sống hôn nhân.