Chúa Nhật XXVII Thường Niên B

Người Đã Làm Nên Họ: Nam Và Nữ

 

 

Mc 10:2-16: 1 Bỏ nơi đó, Người đi tới miền Giuđê và bên kia sông Giođan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người, như thói quen, Người lại giảng dạy họ. 2 Có mấy người Pharisêu đến gần và hỏi Người: “Người chồng có được phép rẫy vợ không?”, họ thử Người. 3 Đáp lại Người nói với họ: “Ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?” 4 Họ trả lời: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” 5 Đức Giêsu nói với họ: “Chính vì sự cứng lòng của các ông mà, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. 6 Còn lúc khởi đầu tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên họ nam và nữ; 7 Vì điều nầy, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một thịt. 9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, con người không được phân ly.” 10 Lại ở trong nhà, các môn đệ hỏi Người về điều ấy. 11 Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

13 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đụng đến chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng.14 Thấy vậy, Người bất bình và nói với các ông: “Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15 Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ không vào được.” 16 Rồi ôm lấy chúng, Người đặt tay chúc lành cho chúng.

 

Đoạn 10:2-12 và 10:13-16 vẫn còn nằm trong văn mạch tổng quát của những giáo huấn của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Người (9:30-10:31). Khung cảnh gần của đoạn nầy là trên đường tiến về miền Giuđa (10:1), Chúa Giêsu dừng lại đâu đó để giảng dạy, rồi lại  lên đường (10:17). Đoạn 10:2-12 bàn về vấn đề ly dị do các Pharisêu đặt ra; trong khi đoạn 10:13-16 nói đến Chúa Giêsu đón tiếp các trẻ nhỏ. Những người nghe Người giáo huấn là các Pharisêu - chỉ riêng trong đoạn nói về chuyện ly dị (10:2), dân chúng (10:1.13) và các môn đệ của Người (10:10-12.13). Về từ ngữ, động từ “ly dị”, “thả tự do” (apolyō)  (10:2.4.11.12) mở đầu và kết thúc đoạn 10:2-12; qua đó, chủ đề của đoạn được xác định. Về cấu trúc, đoạn 10:2-12 có thể được phân chia thành ba phần: 1- Vấn đề ly dị và cách giải quyết thời Môsê (10:2-5); 2- Giải thích vấn đề trong ý định của Thiên Chúa (10:6-9); 3- Những hậu quả của việc ly dị (10:10-12). Còn đoạn 10:13-16 được đóng khung bằng từ “trẻ nhỏ” (10:13.16), có thể được phân chia như sau: 1- Các môn đệ xua đuổi trẻ em khỏi Chúa Giêsu (10:13); 2- Chúa Giêsu ngỏ lời với các môn đệ (10:14-15); 3- Chúa Giêsu đón tiếp các trẻ nhỏ (10:16).

 

Ngoài Satan (1:13), chỉ có các Pharisêu mới “thử” Chúa Giêsu để tìm kẽ hở trong ngôn hành mà chống đối Người (x. 8:11; 10:2; 12:15). Marcô không cho thấy khó khăn nào khi Người đối diện với thử thách nầy. Các Pharisêu đặt ra vấn đề là người chồng được phép ly dị vợ mình không (10:2). Dựa vào Đệ Nhị Luật 24:1-4, người chồng có thể ly dị vợ mình trong một số trường hợp và phải trao cho người ấy giấy ly hôn. Các Pharisêu đứng về phía thuận cho điều nầy (10:2.4). Phần Chúa Giêsu, Người chống đối hoàn toàn và xác định rằng việc trao giấy ly hôn và ly dị người vợ sau đó là “do sự cứng lòng của các ông” (10:5); bởi đó, vấn đề đang là hiện thời, và cách mặc nhiên các Pharisêu bị đặt như những người đối lập với Người. Hạn từ “cứng lòng” được soi sáng trong Đnl 10:16 cũng như trong Giê 4:4; cả hai câu đều nhắc đến việc “cắt bì”. Giữ việc cắt bì theo nghi thức là dấu hiệu tuân phục Thiên Chúa hoàn toàn, tiếp tục làm dân của Người và thờ phượng Người như các tổ phụ của họ. Không cắt bì theo ý Thiên Chúa muốn là cứng lòng. Như thế, cứng lòng là bỏ không đi theo con đường tuân phục mà của tổ phụ họ đã có từ ban đầu; nói tóm, là từ chối nghe lời Thiên Chúa (Ez 3:7; Cn 28:14). Liên quan đến vấn đề nầy, do bất tuân phục Thiên Chúa mà người Israel đã bỏ sự liên kết bất khả phân ly của vợ chồng mà tổ phụ họ đã tuân giữ ngay từ đầu. Phần Môsê, ông không ra lệnh và cũng không cổ võ việc ly dị. Việc ông cho phép ly dị là để hạn chế hậu quả tệ hại do sự cứng lòng của họ. Khi ly dị vợ mình, người chồng phải trao giấy ly hôn cho người vợ để xác nhận tình trạng tự do của người ấy; như thế, người vợ ấy được bảo vệ khỏi bị tố cáo là ngoại tình và khỏi bị ném đá chết như là hình phạt nếu người ấy trở nên vợ của người khác (x. Đnl 22:22).

 

Để trả lời cho các Pharisêu, Chúa Giêsu giải thích tuơng quan vợ chồng trong ý định ban đầu của Thiên Chúa khi Người tạo dựng (10:6-9). Những hạn từ như “một thân xác” (10:8 [2x]), “kết hợp”, “không phân ly” (10:9) tương phản với từ “ly dị” trong đoạn trước. Thiên Chúa tạo dựng người nam và nữ khác nhau và độc đáo với mục đích bổ túc cho nhau (Kn 1:27; 2:24). Do đó, người chồng được tạo dựng không để ly dị vợ mình mà để nên một với người ấy và sự liên kết ấy mật thiết ấy khắn khít như một thân xác đến nỗi không thể phân ly (10:9). Như thế, Chúa Giêsu giải thích ý muốn của Thiên Chúa về sự liên kết vợ chồng và đồng thời xác nhận sự bình đẳng giữa hai người. Không ai có quyền bỏ ai, nếu họ không muốn đi ngược lại ý định của Thiên Chúa.

 

Trong kết luận (10:10-12), Chúa Giêsu xác định hậu quả của việc ly dị. Người đề cập đến trường hợp có thể xảy ra là người chồng ly dị vợ và người vợ ly dị chồng. Việc ly dị và đi lấy người khác ấy được kể là ngoại tình (10:19; Xh 20:14; Đnl 5:18). Vậy thêm một lần nữa để trả lời cho câu hỏi của các Pharisêu (10:2), Chúa Giêsu xem việc ly dị là trái với trật tự tạo dựng của Thiên Chúa; đồng thời, người nam và người nữ được nhìn nhận ngang hàng với nhau trước mặt Người.

 

Sau khi khai sáng tương quan vợ chồng trong ý định của Thiên Chúa (10:2-12), Chúa Giêsu nói đến các trẻ nhỏ như là kết quả tự nhiên của quan hệ đó (10:13-16). Trọng tâm của đoạn nầy là lời mời gọi “đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ” (10:15). Động từ “đón nhận” (dechomai) chỉ được dùng với những túc từ như “môn đệ” (6:11), “trẻ nhỏ” (9:37); “Nước Thiên Chúa” (10:15), “Tôi” và “Đấng đã sai Tôi” (9:37). Một cách nào đó, những đối tượng trên đây được đồng hóa với nhau (x. 9:37.41). Tuy nhiên, “một trẻ nhỏ” trong câu 10:15 có thể hiểu là chủ ngữ, “đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ đón nhận Nước ấy”. Đặc tính nổi bật của các trẻ nhỏ được trình bày trong các trình thuật của Marcô là rất cần đến sự trợ giúp của cha mẹ để sống (5:39-41; 7:30; 9:24; 10:13-15). Chúng không thể tự làm gì, không công trạng gì, mà cũng không chống đối gì. Chúng là những người nghèo chỉ biết mở lòng đón nhận. Đó chính là điều kiện Chúa Giêsu muốn phải có để đón nhận Nước Thiên Chúa.

 

Thiên Chúa rất ghét sự ly dị (Mal 2:16) và rất yêu thương các trẻ nhỏ và những người giống như chúng (Mc 10:16). Để có thể đón nhận Thiên Chúa và giáo huấn của Người cần có một tâm hồn tin tưởng và nghèo khó như trẻ nhỏ, vì tất cả đều là hồng ân.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B