Chúa Nhật 28 mùa Thường niên

 

          Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cao một kho báu mà mỗi người cần phải tìm kiếm, đó là Đức Khôn Ngoan.  Thực ra đây là đề tài quen thuộc được trình bày cùng với những nhân đức cột trụ khác.  Tuy nhiên ba bài đọc hôm nay kết hợp với nhau cho ta một cái nhìn rất đặc biệt về Đức Khôn Ngoan, là Đức Khôn Ngoan phải được tìm thấy trong Lời Chúa và nhất là trong Chúa Ki-tô, “Thầy nhân lành” của toàn thể nhân loại.

 

1.  Giá trị vượt bậc của Đức Khôn Ngoan (bài đọc Cựu Ước – Khôn ngoan 7:7-11)

 

          Dĩ nhiên đây không phải là một khảo luận thần học về đức khôn ngoan, nhưng bài đọc cũng đủ để giúp ta nhận ra giá trị siêu đẳng của đức khôn ngoan, với những so sánh thật giản dị và lòng quý trọng đích thực của người được ơn khôn ngoan.

          Trước hết bài đọc xác định xuất xứ của đức khôn ngoan.  Ta có được ơn khôn ngoan là do “nguyện xin và kêu cầu cùng Thiên Chúa”.  Do đó, ơn khôn ngoan là ơn Chúa ban cho ta khi ta cầu xin Chúa.  Gương của vua Sa-lô-môn nói lên điều ấy (2 Sb 1:7-12).  Vậy người nhận được ơn khôn ngoan nghĩ gì về ơn mình đã nhận được?  Người ấy “quý trọng” đức khôn ngoan vì giá trị vượt bậc của nó.  Tác giả sách Khôn ngoan đã đưa ra một loạt so sánh để mô tả giá trị của đức khôn ngoan.  So sánh danh giá ngôi báu hay ngai vàng của vua chúa với đức khôn ngoan, thì đức khôn ngoan được quý trọng hơn nhiều. Của cải, châu báu vàng bạc đem so sánh với đức khôn ngoan, chúng chỉ là cát bụi bùn đất.  Danh tiếng, của cải, vàng bạc là những thứ quý trên đời và người ta nhiều khi dám liều mạng để chiếm hữu những thứ ấy.  Vậy mà đức khôn ngoan còn có giá trị vượt trên cả chúng.  Sau thái độ quý trọng là thái độ ham chuộng đức khôn ngoan.  Ai mà chẳng ham có được sức khỏe tốt, bền bỉ và một sắc đẹp không tàn phai.  Đó là lý do khiến nhiều người không ngại bỏ giờ và tiền bạc để tập luyện thân thể, chăm sóc sắc đẹp.  Cũng vậy, người ham chuộng đức khôn ngoan sẽ tìm đủ cách và hy sinh tất cả để có thể đạt được và duy trì đức khôn ngoan cho mình.  Nếu ta đánh đổi mọi sự để có được đức khôn ngoan, thì đức khôn ngoan sẽ không phụ ta.  Đức khôn ngoan sẽ mang theo “mọi sự tốt lành đến với ta”.

          Đức khôn ngoan (sapientia) do động từ sapere nghĩa là “nếm, thưởng thức”.  Nhờ đức khôn ngoan, ta được “nếm” xem Chúa tốt lành và thiện hảo biết bao, cảm nghiệm sự hiện diện và quyền năng của Người trong mọi sự, khám phá chiều sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa như thánh Phao-lô đã dạy (1 Cr 2:5-10).  Đức khôn ngoan còn giúp ta biết phán đoán sự vật theo đúng ý nghĩa cao cả của chúng, để sau hết ta biết được nguyên do cuối cùng của mọi sự chính là Thiên Chúa (Rm 1:19).  Trong đời sống Ki-tô hữu, cốt lõi của khôn ngoan là suy nghĩ, hiểu và hành động theo theo đúng cương vị của những người đã được rửa tội trong Chúa Ki-tô.  “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2:5).  Đó là sự khôn ngoan đích thực.

 

2.  Ta gặp được đức khôn ngoan khi lắng nghe Lời Chúa (bài đọc Tân Ước – Do-thái 4:12-13)

 

Kinh Thánh là Lời Chúa được ghi chép lại.  Đoạn ngắn trích thư gửi tín hữu gốc Do-thái mô tả Lời Chúa bằng hình ảnh gươm hai lưỡi.  Gươm một lưỡi cắt cũng đủ rồi, huống chi gươm hai lưỡi!  Hình ảnh gươm hai lưỡi chỉ muốn nói lên những đặc điểm của Lời Chúa, là “sống động, hữu hiệu, sắc bén, xuyên thấu tâm linh, phê phán tâm tình và tư tưởng của lòng người”.  Gươm hai lưỡi một lúc cắt cả hai phía trên và dưới.  Cũng vậy, Lời Chúa như gươm hai lưỡi giúp ta cùng một lúc khám phá Thiên Chúa và chính ta, biết Thiên Chúa là Đấng nào và ta là ai.  Như vậy, đức khôn ngoan nằm ngay trong Lời Chúa để giúp ta biết mình và biết Chúa.  Đoạn thư Do-thái tiếp tục giải thích về sự hữu hiệu của Lời Chúa:  “Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4:13).

“Trần trụi và phơi bày trước mặt Chúa” là điều làm ta hãi sợ, như ông bà nguyên tổ trong vườn địa đàng (St 3:10), hoặc như Phê-rô trước mặt Chúa Giê-su sau mẻ cá lạ (Lc 5:8).  Tuy nhiên nếu ta thực sự lắng nghe và để cho Lời Chúa “xuyên thấu” tâm linh ta, thì đức khôn ngoan sẽ dạy ta biết khiêm nhượng nhìn nhận thân phận tội lỗi của ta như ông Phê-rô đã làm và ta sẽ chấp nhận sám hối theo như Lời Chúa dạy bảo ta.  Lời Chúa tuy giống như gươm hai lưỡi, nhưng mục đích không phải để giết ta, mà là cứu ta và chữa lành ta.  Cũng như đức khôn ngoan đã đem mọi sự tốt lành đến với ta thế nào (Kn 7:11), Lời Chúa sẽ nảy sinh hoa trái dồi dào nơi tâm hồn ta như vậy (Mt 13:8tt).

 

3.  Đức khôn ngoan thể hiện nơi Chúa Giê-su (bài Tin Mừng – Mác-cô 10:17-30)

 

          Phụng vụ Lời Chúa giới thiệu với ta giá trị của đức khôn ngoan và sức mạnh của Lời Chúa.  Tuy nhiên, cụ thể nhất vẫn là Chúa Ki-tô, hiện thân của khôn ngoan và sức mạnh Thiên Chúa.  Qua Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã biểu lộ trọn vẹn sự khôn ngoan và sức mạnh của Người.  Vậy với câu truyện Tin Mừng hôm nay, ta hãy xem Chúa Ki-tô đã bày tỏ đức khôn ngoan của Thiên Chúa như thế nào. 

Đây là câu truyện về một người thanh niên đi tìm sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Sự xuất hiện đột ngột và cung kính của anh trước mặt Chúa Giê-su đã gây ấn tượng mạnh.  Anh chạy đến với Chúa, giống như cử chỉ một người đã ra đi tìm kiếm từ lâu một người nào đó.  Giờ đây anh đã gặp và vội vàng đến với ngài, tưởng như lỡ đánh mất cơ hội này là không khi nào gặp lại được nữa.  Cách thưa gửi cung kính của anh cũng nói lên khát vọng lớn lao trong lòng:  “Thưa Thầy nhân lành”.  Đó là danh xưng dành riêng cho Thiên Chúa, và như vậy là anh đã nhìn nhận chức phận của Chúa Giê-su rồi.  Khát vọng của anh là:  “Tôi phải làm gì để được sống đời đời làm gia nghiệp?”  Phải, đây chính là sự khôn ngoan đích thực, sự khôn ngoan đặt Thiên Chúa làm cứu cánh cuộc đời.  Anh đã tìm đúng người để hỏi và đã hỏi đúng câu hỏi cần phải hỏi.  Như thế ta nghĩ rằng thế nào anh cũng được mãn nguyện và câu truyện sẽ có một kết luận đẹp.

Nhưng thực ra câu truyện không diễn tiến như ta tưởng, vì sau khi nghe Đấng khôn ngoan đưa ra một đề nghị khôn ngoan là anh hãy về bán đi mọi sự mà cho người nghèo và trở lại theo Người, thì anh đã từ chối.  Thế là mọi sự sụp đổ theo nét mặt sa sầm và bước chân buồn rầu bỏ đi của anh!  Chắc chắn Chúa Giê-su cũng buồn về sự ra đi ấy.  Nhưng Người không thể làm gì hơn.  Khi con người tìm kiếm được sự khôn ngoan mà lại không muốn thi hành điều khôn ngoan chỉ dạy, thì Thiên Chúa cũng chịu thua vì muốn tôn trọng tự do của con người.  Chúa đành tiếp tục dạy bảo những người còn ở lại về bài học khôn ngoan:  “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!”  Bài học này cũng chỉ lập lại những gì Người đã nói với chàng thanh niên, nhưng được trình bày dưới hình thức một nguyên tắc thực dụng.  Bài học khôn ngoan nào cũng khó cả và các học trò đều sửng sốt với cùng một ý nghĩ là ai có thể thực hành nổi.   Nhưng Thầy dạy khôn ngoan bảo đảm với họ:  “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”.

Câu truyện éo le có thể làm ta quên mất điều khôn ngoan Chúa Giê-su muốn chỉ dạy cho chàng thanh niên.  Điều ấy là hãy về bán những gì anh ta có và trở lại làm môn đệ Chúa.  Lời khuyên khôn ngoan này không phải là khôn ngoan của người đời, trái lại là một lời xúi dại.  Ai lại bán đi những gì mình đang nắm chắc trong tay để theo đuổi một tương lai không có gì là bảo đảm như vậy!  Cho nên giữa hai sự khôn ngoan, của Chúa và của trần gian, anh thanh niên đã không đủ quảng đại và mạo hiểm để chọn theo Chúa.  Kết thúc câu truyện rõ ràng cho ta một bài học:  đi tìm sự khôn ngoan chưa đủ, nhưng còn phải nhận chân giá trị của khôn ngoan và đánh đổi mọi sự để chiếm hữu được khôn ngoan ấy.  Chúa Ki-tô chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Gặp được Người, ta cần phải đặt hết cả niềm tin vào Người đến độ dám bỏ mọi sự để làm môn đệ Người.

Theo Chúa là con đường từ bỏ mọi sự để sống trong mối tương quan với Người và giáo huấn của Người.  Đôi khi ta cũng có những lo lắng về tương lai khi theo Chúa như ông Phê-rô đã bày tỏ, nhưng Chúa Giê-su đã cho ta thấy và bảo đảm về tương lai đó:  không chỉ là những gì ở đời này như nhà cửa, anh em, chị em... rồi có cả sự ngược đãi bách hại vì Chúa và vì Tin Mừng nữa, nhưng cuối cùng tương lai là mục đích của đời ta, sự sống vĩnh cửu ở đời sau.  Sự khôn ngoan đời này trói buộc ta với những gì thấy được, còn sự khôn ngoan của Chúa giải phóng ta khỏi những vướng mắc trần gian và đưa ta về cõi phúc muôn đời.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Ta đang tiến về cuối năm Phụng vụ và các đề tài Lời Chúa cũng chuẩn bị hướng về cuộc chung thẩm của Chúa Ki-tô Vua sẽ trở lại.  Thời gian giữa quãng đời hiện tại và thời điểm Chúa trở lại với ta cũng không lâu gì và đòi hỏi ta phải lắng nghe Chúa trả lời câu hỏi của ta:  Lạy Chúa Giê-su nhân lành và Thầy dạy khôn ngoan của con, con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?  Chắc chắn mỗi người đều có một câu trả lời riêng, nhưng đều giống nhau ở một điểm là hãy đến và làm môn đệ Chúa.  Người sẽ dạy ta lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa qua Kinh Thánh, qua những chỉ bảo dạy dỗ của Giáo Hội, của những người thân yêu hoặc bạn bè.  Nhưng việc cốt yếu là ta có sẵn sàng nghe và thi hành những gì Chúa dạy ta hay không.

 

Suy nghĩ:  Người thanh niên trong câu truyện Tin Mừng đã buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải.  Cũng vậy, tôi từ chối hoặc ngần ngại làm môn đệ Chúa vì tôi có nhiều của cải?  Không hẳn là vật chất, nhưng còn những thứ của cải khác nữa?  Lòng ham danh vọng?  Những đam mê?  Những tính hư tật xấu?

 

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã ban cho chúng con Đức Ki-tô là Đức Khôn Ngoan của Chúa xuống thế làm người.  Người đã dạy dỗ và mở đường cho chúng con đi, lại còn đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy.  Xin ban cho chúng con lòng quảng đại để quyết tâm lắng nghe và bước theo sự dẫn dắt khôn ngoan của Người.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Phỏng theo Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 28 mùa Thường niên).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 

         

             


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B