Chúa Nhật XXVIII Thường Niên B

Bỏ Mọi Sự Để Theo Thầy

 


Mc 10,17-31: 17 Khi Người vừa lên đường, có một người chạy đến và quỳ gối xuống hỏi Người: “Thưa Thầy tốt lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 18 Đức Giêsu đáp lại người ấy: “Sao anh nói tôi là tốt lành? Không có ai tốt lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Anh đã biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20 Người ấy nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” 21 Đức Giêsu nhìn anh ấy và yêu mến anh. Người bảo người ấy: “Anh chỉ thiếu một điều; hãy đi, những gì anh đang có hãy bán và cho người nghèo, và anh sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi.” 22 Nhưng bị sốc bởi lời ấy, người ấy ra đi trong buồn sầu; vì người ấy có nhiều của cải.

23 Rảo mắt nhìn quanh Đức Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Thật khó những người có của sẽ vào Nước Thiên Chúa!” 24 Nhưng các môn đệ sững sốt về những lời nói của Người. Nhưng để trả lời Người lại nói tiếp: “Các con ơi, vào Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26 Các ông càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” 27 Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải thế đối với Thiên Chúa, vì mọi sự đều có thể được đối với Thiên Chúa.”

28 Ông Phêrô lên tiếng thưa Người: “Thầy xem, chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” 29 Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà lại không nhận được gấp trăm ngay bây giờ, ở đời này, nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, cùng với sự bắt bớ, và sự sống muôn đời trong thời đang đến. 31 Vì nhiều người đứng đầu sẽ xuống hàng cuối, còn những người đứng cuối sẽ lên hàng đầu.”

 

 

Chúa Giêsu tiếp tục dạy dỗ các môn đệ (9:30-10:31). Lần nầy Người dạy họ điều cần thiết phải làm để vào được Nước Thiên Chúa. Đoạn 10:17-31 có thể được phân chia thành ba phần dựa trên ba cuộc đối thoại khác nhau: 1- Đối thoại giữa Chúa Giêsu và người giàu có: mời gọi bán của cải đi và theo Người (10:17-22); 2- Giữa Chúa Giêsu và các môn đệ: rất khó vào Nước Thiên Chúa (10:23-27); 3- Giữa Chúa Giêsu và Phêrô: bỏ mọi sự để theo Người và sự sống muôn đời (10:28-31). Cụm từ “sự sống muôn đời” đóng khung đoạn nầy (10:17.30).

 

Câu hỏi của người giàu có mở đầu giáo huấn về của cải và sự sống muôn đời (10:17). Hành vi cúi gối xuống trước Chúa Giêsu khi đặt câu hỏi với Người, như người phong hủi đã làm (x. 1:40), cho thấy người nầy đang cần một giải đáp đúng đắn liên quan đến sự sống muôn đời mà không ai thể giải đáp được, ngoại trừ Chúa Giêsu mà người ấy nhận ra là vị “Thầy tốt lành” (10:17.20). Để trả lời, trước tiên Chúa Giêsu nhắc lại cho người ấy là “không có ai tốt lành ngoại trừ Thiên Chúa”. Qua đó Người ám chỉ tương quan của Người với Thiên Chúa là cùng bản tính tốt lành (10:18; x. 2:7.10). Những điều răn Chúa Giêsu nói ra được ghi trong Thập giới đã được Thiên Chúa ban cho dân Người trên núi Sinai (Xh 20:12-16; Đnl 5:16-21). Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu tất cả những điều nầy mà người giàu có đã tuân giữ từ thuở nhỏ vẫn chưa đủ. Chúng chỉ đề cập đến những điều xấu không được làm cho tha nhân (10:19-20). Phần tiếp theo là giáo huấn riêng của Chúa Giêsu. Người nói đến những điều tích cực hơn.  Người đưa ra một dãy các mệnh lệnh trực tiếp nói với người ấy “Hãy đi”, “Hãy bán”, “Hãy cho”, kèm theo lời hứa “kho tàng trên trời”, và “Hãy theo Tôi”. Như thế, Người muốn người ấy không chỉ không làm điều gì hại đến tha nhân, mà còn bán của cải người ấy đang có mà cho người nghèo để có được “kho tàng trên trời”, là sự sống muôn đời; rồi sau khi đã thực hiện điều ấy, hãy đến và đi theo làm môn đệ của Người (x. 1:17.19; 2:14). Tuy nhiên, người ấy chỉ dừng lại ở Luật cũ, và từ chối làm theo lời Người (10:22). Vậy, điều duy nhất mà người giàu có nầy thiếu là sự tự do đối với những của cải đang có, nên không thể đi theo Người.

 

Sau khi người giàu có đã đi rồi, Chúa Giêsu tiếp tục câu chuyện với các môn đệ của Người về tương quan của người giàu có nói chung và Nước Thiên Chúa (10:23-27). Đoạn nầy được phân chia thành hai: 10:23-25 và 10:26-27. Trong 10:23-25, Chúa Giêsu dùng cụm từ “vào Nước Thiên Chúa” đến ba lần (10:23.24.25); đến hai lần cụm từ nầy được dùng trong câu ta thán (10:23.24). Lần thứ nhất, nhấn mạnh đến khó khăn để vào Nước Trời của người giàu có nói chung; lần thứ hai, nhấn mạnh đến việc phải vào trong Nước ấy, nhưng rất khó; lần thứ ba, nhấn mạnh đến sự khó khăn không thể vượt qua ấy đối với người giàu có; được minh họa cách ẩn dụ qua hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim. Điều nầy dẫn đến kết luận ở câu 10:26-27 là chỉ một mình Thiên Chúa quyền năng, mới có thể giải thoát con người khỏi nguy hiểm do của cải và ban sự sống cho họ. Vậy, từ sự chối từ của người giàu có ấy, Chúa Giêsu nói đến sự khó khăn cách chung của một người giàu có để vào Nước Thiên Chúa. 

 

Sau cùng là cuộc đối thoại về cùng đề tài trên giữa Chúa Giêsu và Phêrô, đại diện nhóm, “chúng tôi” (10:28-31). Điều khác biệt nổi bật giữa các môn đệ và người giàu có là họ đã bỏ mọi sự (x. 1:18-20), và đi theo Người cho đến lúc nầy (10:28). Chúa Giêsu đón nhận lời của Phêrô. Cách nói mở đầu câu “Quả thật, tôi nói với anh em” (10:29) nhấn mạnh là điều sắp nói sẽ có giá trị cho mọi thời, chứ không chỉ cho các môn đệ lúc ấy. “Vì Tôi và vì Tin Mừng” gặp lại ở đây như để xác định cách cụ thể hơn là việc theo Chúa tất dẫn đến việc từ bỏ mọi sự, nghĩa là mất sự sống đời nầy (x. 8:35). Tuy nhiên, từ bỏ không phải là mất đi, mà là nhận lãnh tất cả trong trật tự mới. Tất cả những ai sống theo lời Người - ở đây là từ bỏ mọi sự - sẽ được tự do trong mọi sự để theo Người và sẽ hiệp thông với nhau và với Chúa Giêsu cách trọn vẹn. Do đó, tương quan thân thiết ở đời nầy sẽ lớn lên “gấp trăm” (x. 3:34-35). Còn sự bắt bớ mà Người hứa ban là cơ hội tuyệt hảo để người ấy thực hiện sự từ bỏ trọn vẹn chính mình và dứt khoát theo Người (x. 4:17; 13:9-13). Vậy, lời hứa của Chúa Giêsu không chỉ là sự sống muôn đời trong tương lai, mà cả sự bắt bớ và “mọi sự” trong hiện tại.

 

Chúa Giêsu không từ chối người giàu có, nhưng cho thấy cách thẳn thắng sự giàu có cản trở việc đón nhận sự sống muôn đời và việc vào Nước Thiên Chúa. Người muốn các môn đệ của Người được tự do trong mọi sự để đi theo Người.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B