TRANH DÀNH ĐỊA VỊ

(CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN, NĂM B)

(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)

 

 

Trong Sách Cựu Ước (2 Samuel, chương 15 đến chương 18), có kể câu chuyện về Absalon. Trong những người con của vua David, Absalon là một người đẹp trai, tài giỏi, được vua David yêu mến, nhưng chính Absalon đã muốn tranh dành địa vị và tự phong vương để làm vua ở Hebron. Cuộc khởi loạn này đã làm cho vua David và cả triều đình phải chạy trốn khỏi thành Giêrusalem, và Absalon đã tiến chiếm kinh thành; nhưng sau này đã bị đại tướng của vua David là Gioab đánh bại và bị giết chết tại khu rừng gần Mahanain. Cuộc chiến tranh để dành ngôi vua này đã giết chết bao nhiêu sinh mạng (20 ngàn quân lính đã bị thiệt mạng!)

 

Trong lịch sử nhân loại cũng như của mỗi dân tộc đã có bao cuộc chiến  tàn khốc vì ‘tranh dành địa vị” để làm bá chủ thiên hạ: A-Lịch-Sơn Đại Đế, Tần Thủy Hoàng, Thành Cát Tư Hãn, Nã-Phá-Luân, Hitler và các lãnh tụ Cộng Sản như Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot vân vân… Vì tranh dành và củng cố địa vị, họ đã gây nên những cuộc tàn sát không phải hàng ngàn, hàng vạn mà hàng triệu con người vô tội, cũng như tàn phá bao nhiêu công trình kiến trúc của nhân loại.

 

Tranh dành địa vị vốn là bản tính của con người. Ai cũng muốn mình có địa vị, và được kính nể hơn người khác. Ai cũng muốn làm ông chủ để được hầu hạ.Trong bài Phúc Âm tuần này (Matcô 10: 35-45), chúng ta cũng thấy hai anh em Giacôbê và Gioan xin Chúa được chiếm địa vị cao sang “trong Nước Chúa , là được ngồi bên tả, bên hữu Chúa khi Chúa được vinh quang!” Mười môn đệ khác thấy vậy, liền tỏ ý phẫn nộ với hai ông kia. Chúa Giêsu đã dùng dịp này để dạy các ông bài học phục vụ trong khiêm tốn. Theo tinh thần thế gian thì “những người được coi là thủ lãnh các quốc gia áp đặt trên dân quyền bá chủ; những người làm lớn thì dùng quyền hành sai khiến dân chúng!” Nhưng trong việc tông đồ thì ngược lại: “Ai muốn làm lớn thì hãy phục vụ anh em; ai muốn đứng đầu thì hãy hạ mình làm đầy tớ người khác…” và sẵn sàng uống những ‘chén đắng’ của cuộc sống hàng ngày! Rồi Chúa Giêsu lấy chính mình để làm gương cho các ông “Con Người đến không phải để bắt người khác hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho mọi người.” Đúng như Tiên tri Isaia đã tiên báo trong Bài Đọc I (Isaia 53: 10-11): “Nhờ những thống khổ Người chịu, Người sẽ công chính hóa nhiều người bằng cách gánh lấy những tội lỗi của họ.” Trong Bài Đọc II (Thư gởi tín hữu Do Thái 4: 14-16), Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta: “Chúa Giêsu là vị Thượng Tế đời đời, luôn biết cảm thông những yếu đuối của chúng ta, vì Ngài đã từng chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.” Vì thế, chúng ta “hãy mạnh dạn đến với Ngài là nguồn ơn sủng để chúng ta được xót thương và được ơn trợ giúp mỗi khi cần thiết.”

 

Nhìn vào đời sống của Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh, chúng ta thấy tất cả các Vị ấy đều đã sống một đời sống khiêm nhường, âm thầm phục vụ Chúa và tha nhân, kiên trì chịu mọi khó khăn, đau khổ là những “chén đắng” hàng ngày. Khi hát bài “Kinh Hòa Bình” của Thánh Phanxicô Khó Khăn, và suy gẫm đời sống từ bỏ mọi giầu sang thế gian để “mến yêu Chúa và phục vụ Chúa trong mọi người…”, chúng ta cảm nghiệm được lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muuốn theo Ta hãy bỏ mình đi, vác Thánh Giá mình hàng ngày mà theo Ta!” (Matcô 8:34), và lời Thánh Phaolô nhắn nhủ trong thư gởi giáo dân Ephêsô (4:1-3): “Anh em hãy sống cho xứng đáng với ơn gọi Chúa đã ban cho anh em, bằng đời sống thật khiêm tốn, hiền hòa, nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau, hãy cố gắng hết sức để duy trì sự hiệp nhất do Thánh Thần Chúa ban, bằng cách cố gắng sống thuận hòa với nhau.”

 

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cùng hiệp ý cầu nguyện cho chúng ta, các Chủ chăn, các Linh mục, Tu sĩ, giáo dân luôn biết sống khiêm tốn và âm thầm phục vụ Chúa và anh em. Thay vì nuôi tính tranh dành địa vị, và ganh ghét, chúng ta luôn cố gắng sống yêu thương, hoà hợp với mọi người, hầu tạo sự hiệp nhất giữa anh em,  và chung tay xây dựng hòa bình thế  giới.




Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B