Chúa Nhật 3 Thường niên, B
2009
Sau lễ nhận chức của tổng thống, dân chúng Hoa-kỳ đang chờ
đợi những thay đổi ông đã hứa khi tranh cử.
Thay đổi để có tương lai tốt đẹp hơn về mọi phương diện. Khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa
Giê-su không hứa hẹn những thay đổi, nhưng Người kêu gọi dân chúng phải thực hiện
sự thay đổi nơi chính họ trước. Hãy sám
hối, hãy thay đổi chính mình, đó là đề tài của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.
1. Sứ điệp sám hối của ngôn sứ Giô-na đã được
dân thành Ni-ni-vê tiếp nhận (bài đọc Cựu Ước – Gn 3:1-5.10)
Sám hối là hành vi của một cá nhân nhằm thay đổi cuộc sống
mình bằng cách quay lưng lại với tội lỗi và những điều xấu xa để hướng mặt về
con đường thánh thiện và tốt lành. Sám hối
là đề tài rao giảng của hầu hết các vị ngôn sứ, những người nói thay cho Thiên
Chúa, kêu gọi dân Chúa là Ít-ra-en từ bỏ lối sống gian ác tội lỗi mà trở lại
con đường công chính.
Câu truyện ngôn sứ Giô-na rao giảng sám hối cho dân thành
Ni-ni-vê kể lại một cuộc thay đổi thật cảm động. Về phần ngôn sứ Giô-na, ông đã mau mắn thi
hành mệnh lệnh của Thiên Chúa. Sau khi
bước ra khỏi bụng cá, ông “đứng dậy và đi Ni-ni-vê như lời Đức Chúa phán”. Tình trạng tội lỗi của dân thành Ni-ni-vê như
thế nào ta không rõ. Nhưng theo lời Chúa
nói với Giô-na, thì Ni-ni-vê là “thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai
mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều
thú vật” (Gn 4:11). Nói khác đi, dân
Ni-ni-vê là những người đang sống trong tình trạng “không phân biệt được bên phải
với bên trái”, nghĩa là đời sống luân lý chẳng tốt đẹp gì. Đến như bên phải bên trái mà còn không phân
biệt được thì làm sao phân biệt được điều tốt với điều xấu. Như vậy, họ sống theo bản năng không khác gì
thú vật. Có lẽ vì thế mà Chúa đã nói
thêm “và lại có rất nhiều thú vật” bên cạnh họ!
Tuy nhiên
điểm tuyệt vời của câu truyện là lời giảng của Giô-na đã mang lại kết quả kỳ diệu. Thành phố rộng lớn, phải mất ít nhất ba ngày
đường mới đi ngang qua từ đông sang tây.
Đúng ra Giô-na phải đi ba ngày mới có thể đem sứ điệp của Chúa đến cho mọi
người. Thế mà ông mới đi một ngày đường
để kêu gọi sám hối, thì từ vua quan, thứ dân, người lớn, trẻ nhỏ cho tới cả súc
vật, đã đón nhận sứ điệp và thực hành sám hối.
Sám hối không chỉ có tính cách cá nhân, nhưng là cộng đồng. Ni-ni-vê là một cộng đồng sám hối. Ở đây sám hối nói lên cả chiều kích xã hội,
là điều cần thiết cho mọi thời mọi nơi.
Thiên Chúa là đích điểm mọi sự phải hướng tới và sám hối là hành trình
con người quay trở về với Thiên Chúa.
Còn điểm khởi hành cho hành trình sám hối là “từ bỏ con đường gian
ác”. Sứ điệp rao giảng của Giô-na đã đưa
người dân thành Ni-ni-vê vào cuộc hành trình khởi đi từ việc bỏ đường gian ác
mà trở lại với Thiên Chúa. Họ bày tỏ
lòng tin vào Thiên Chúa bằng cách “ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến
trẻ nhỏ”.
Ta có thể
nói câu truyện dân thành Ni-ni-vê trở lại với Thiên Chúa là mẫu gương sám hối
cho những cộng đồng hoặc xã hội con người.
Ngày nay, kêu gọi cả một quốc gia hoặc một tập thể sám hối không phải là
điều quá đáng, nhưng là điều những vị lãnh đạo có bổn phận phải làm. Họ là những
Giô-na của thời đại. Như thế, những
thông điệp của Giáo Hội, những thư mục vụ của các giám mục, những chương trình
của giáo xứ… có nói đến việc kêu gọi thống hối, thì cũng là lập lại sứ điệp mà
ngôn sứ Giô-na đã công bố hơn hai ngàn năm trước đây. Sám hối là điều cần thiết, gắn liền với thân
phận con người. Do hậu quả của tội
nguyên tổ và dưới ảnh hưởng của tội lỗi cá nhân cũng như xã hội, ta dễ dàng bị
lôi kéo mỗi ngày một xa và đối nghịch với Chúa.
Do đó, việc quay trở về với Chúa là điều ta phải thực hành từng giây
phút trong cuộc sống. Thái độ mau mắn
sám hối của dân Ni-ni-vê cũng là tấm gương cho ta noi theo.
2. Khởi từ sám hối đến tin vào Tin Mừng của Chúa
Giê-su (bài Tin Mừng – Mc 1:14-20)
Ông Gio-an Tẩy giả đã phải chấm dứt việc rao giảng sám hối
khi ông bị bắt và nộp cho vua Hê-rốt.
Nhưng sứ điệp của ông đã được tiếp nối do tác vụ rao giảng của Chúa
Giê-su. Ông Gio-an kêu gọi người ta sám
hối để tiếp nhận “Đấng đến sau tôi nhưng quyền thế hơn tôi”, thì giờ đây Chúa
Giê-su đến sau ông, kêu gọi người ta sám hối để có thể tiếp nhận và tin vào Tin
Mừng. Quả thực có sự tiếp nối hết sức nhịp
nhàng và ý nghĩa giữa sứ mệnh tiền hô của Gio-an và sứ mệnh cứu thế của Chúa
Giê-su. Khi mời gọi người ta chuẩn bị tiếp
nhận Đấng đến sau ngài, Gio-an không chỉ có ý nói về một người, nhưng nói về cả
một triều đại mà vị ấy thiết lập, là triều đại của ân sủng, chân lý, tình yêu
Thiên Chúa và cứu độ. Vì thế, Chúa
Giê-su đã khẳng định rõ ràng điều Gio-an muốn nói. “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến
gần”. Đúng vậy, thời kỳ đã mãn là thời kỳ
chờ đợi ơn cứu độ, thời kỳ “không phân biệt được bên phải với bên trái” đã kết
thúc, vì Đấng dạy bảo chân lý và đường nẻo của Thiên Chúa đã đến rồi (Tv
24:4-5ab). Theo ý nghĩa kế hoạch cứu độ,
Triều Đại Thiên Chúa là thời gian để Thiên Chúa ban ân sủng cho nhân loại bằng
cách sai Con Một Người đến với họ, chỉ bảo dạy dỗ và dẫn dắt họ về quê hương
vĩnh cửu. Đối với nhân loại, Triều Đại
Thiên Chúa là thời gian để họ được làm con cái Thiên Chúa nhờ Đức Ki-tô, được sống
đời sống mới trong Thánh Thần, để sau khi chu toàn bổn phận ở trần thế, họ sẽ
được sống lại với Đức Ki-tô trong ngày Người lại đến và được hưởng phần gia
nghiệp muôn đời.
Vậy nếu Triều Đại Thiên Chúa đã khai mở thì ta phải làm
gì? Đó chính là nội dung sứ vụ rao giảng
của Chúa Giê-su: hãy sám hối và tin vào
Tin Mừng. Hai điều này không thể tách rời,
nhưng đi liền với nhau. Ta không thể tin
vào Tin Mừng nếu ta không sám hối. Sám hối
là việc quay chiều cần thiết, đòi ta phải quay lưng với những gì là tội lỗi xấu
xa và đi ngược lại với Thiên Chúa. Ta
không thể đi “giật lùi” đưa lưng lại để đến với Thiên Chúa, cũng không thể tiếp
nhận Tin Mừng Chúa Ki-tô ở phía đằng sau mà là trước mặt. Sám hối đích thực sẽ mở cánh cửa tâm hồn ta để
cho Tin Mừng đến với ta. Sám hối sẽ dọn
sạch sẽ căn phòng trái tim ta để Tin Mừng có chỗ “ở lại” với ta và biến đổi con
người của ta nên giống với con người Ki-tô.
Đoạn Tin Mừng hôm nay không chỉ nói đến sứ điệp mở đầu của
Chúa Giê-su kêu gọi hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, nhưng còn cho ta những thí
dụ cụ thể về sám hối và tin vào Tin Mừng, đó là các môn đệ đầu tiên của Chúa
Giê-su. Quả thực họ là những người đã
nghe và đáp lời kêu gọi sám hối và tin vào Tin Mừng. Họ là các ông Si-môn, An-rê, Gia-cô-bê và
Gio-an. Ta thấy rõ cuộc thay đổi của họ,
sám hối bằng cách thay đổi cuộc sống từ kẻ lưới cá thành kẻ lưới người. Họ bắt đầu hành trình tin vào Chúa Giê-su và
Tin Mừng của Người. Dĩ nhiên hành trình
làm môn đệ này sẽ kéo dài cả một đời và đòi họ phải trả một giá đắt, bỏ lại mọi
sự kể cả mạng sống mình. Họ sẵn sàng để
cho Chúa và Tin Mừng thay đổi họ dần dần, từ kẻ lưới cá biến thành kẻ lưới linh
hồn người ta. Họ bước theo Chúa trước mặt
và phấn đấu không nhìn lại sau lưng để hối tiếc những gì họ bỏ lại. Càng quyết tâm sám hối, tức là quay lưng lại
với những quyến rũ trần gian, họ càng tin vào Đấng đã kêu gọi họ làm môn đệ.
Con đường sám hối và tin vào Tin Mừng ấy cũng là con đường
mọi Ki-tô hữu phải đi. Ta hết thảy được
Chúa Giê-su gọi làm môn đệ Người. Ta
nghe cùng một mệnh lệnh Người đã truyền cho các môn đệ tiên khởi: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác
thập giá mình mà theo” (Mc 8:34). Nhưng
liệu ta có sẵn sàng đáp lời và đi theo Chúa như các môn đệ ấy không?
3. Một thí dụ cụ thể sống sứ điệp sám hối (bài đọc
Tân Ước – 1 Cr 7:29-31)
Có lẽ ta nghĩ bài đọc trích đoạn thư của thánh Phao-lô chẳng
ăn nhập gì với đề tài sám hối và tin vào Tin Mừng. Nhưng thực ra, đây là một đề nghị rất điển
hình hàm chứa đầy tinh thần sám hối. Điều
sai lầm ta khó nhận ra được, đó là ta sống mà không màng gì tới chân lý “bộ mặt
thế gian này đang biến đi”. Cuộc sống trần
gian của ta cũng biến đi dần dần và ta mỗi ngày một tiến gần đến chân trời của
phán xét, của chung cuộc, của ngày Đức Ki-tô trở lại. Vì không màng tới hoặc bất cần những gì sẽ tới
từ chân trời ấy nên nhiều người sống theo chủ thuyết duy vật hoặc “hiện sinh” để
sống vội, sống ích kỷ cho mình, sống bi quan vì cuộc đời là buồn nôn và tha
nhân là hỏa ngục. Đối với những người sống
không có “trời mới, đất mới” như thế, thánh Phao-lô có lời khuyên họ hãy sám hối,
hãy thay đổi lối sống.
Trước hết ngài mời gọi ta hãy nhìn vào hiện tại, hiểu ý
nghĩa đích thực của hiện tại. Hiện tại
là cuộc sống trên đời, với những gì ta đang có hoặc đang cảm nghiệm. Nhưng tất cả những gì ấy không phải là mục
đích, mà chỉ là phương tiện và đều có thể giúp ta tiến gần đến trời mới đất mới,
tức là tiến gần đến quê hương vĩnh cửu.
Dĩ nhiên ta không thể hiểu theo nghĩa đen rằng thánh Phao-lô bảo ta làm
những điều vô lý như phải khóc mà lại đừng khóc, phải vui mà lại đừng vui, đang
khi vợ ở bên cạnh mà lại sống như không có!
Nhưng ngài muốn nói lên chân lý về những thực tại trần thế như sau.
Khoảng thời
gian giữa hiện tại và ngày Chúa quang lâm là thời gian ngắn ngủi, cho nên ta phải
hiểu đúng đắn về giá trị của những thực tại trần thế như tình cảm, của cải tiền
bạc, những vui buồn trong cuộc đời.
Không phải thánh Phao-lô kêu gọi ta sống hờ hững với những thực tại trần
thế, nhưng ngài khuyên ta phải cảnh giác, ý thức rằng giá trị của chúng chỉ
tương đối, và tránh hưởng thụ đến độ sa lầy trong đó, đang khi những thực tại
căn bản nằm trong những giá trị và lối sống theo Tin Mừng Chúa Ki-tô. Của cải tiền bạc cần thiết cho cuộc sống. Nhưng nếu chỉ sống vì của cải tiền bạc, đến độ
không cần biết đến người khác, thì đúng là đã lấy cái tương đối làm tuyệt đối rồi. Do đó, ta cần phải sám hối, thay đổi não trạng
(metanoia), sắp đặt lại đúng thứ tự những bậc thang giá trị, để “trước hết hãy
tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia
Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33).
4. Sống Lời Chúa
Cuộc thay đổi nào cũng đòi hỏi ta phải chấp nhận một giá đắt. Muốn thay đổi lối sống không tốt đẹp của ta để
tiếp nhận Chúa Ki-tô và Tin Mừng của Người, ta phải dứt khoát quay lưng lại tội
lỗi để sẵn sàng sống theo khuôn vàng thước ngọc của Tin Mừng Chúa Ki-tô. Hành trình sám hối và làm môn đệ Chúa Ki-tô
phải được thực hiện liên tục suốt cuộc đời của ta. Biến đổi không xảy ra trong một sáng một chiều,
nhưng dần dần và nhờ sức mạnh của Thánh Thần và mối quan hệ khắng khít giữa ta
với Chúa Ki-tô. Điều quan trọng là ta có
luôn hướng về Chúa Ki-tô và sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi của Người: Hãy đi theo Ta (Mc 1:17).
Suy nghĩ: Trong cuộc sống hằng ngày, tôi có nghe tiếng
gọi của Chúa Giê-su: “Hãy đi theo Ta”
không? Tôi đã trả lời Người như thế nào?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng
chân lý của Chúa để họ được trở về nẻo chính đường ngay; xin ban cho những người xưng mình là Ki-tô hữu
biết tránh mọi điều bất xứng và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của
mình. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô,
Chúa chúng con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 15 Thường niên).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi