Chúa Nhật 30 mùa Thường niên, B

 

          Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật tuần trước nói với ta về việc chịu đau khổ.  Mà đau khổ thì cần có ủi an cảm thông.  Đây chính là đề tài của Lời Chúa hôm nay.  Như người cha nhân từ, Thiên Chúa đặc biệt an ủi dân Người trong những cơn gian nan khốn khó và đau khổ cuộc đời.  Lòng an ủi cảm thông ấy được thể hiện cụ thể qua Đức Ki-tô, vị Thượng Tế “có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc”.  Phép lạ Chúa Giê-su chữa lành người mù tại Giê-ri-khô là một điển hình nói lên trái tim cảm thông và an ủi của Thiên Chúa.

 

1.  Thiên Chúa là một người Cha cảm thông với ta là con cái Người (bài đọc Cựu Ước – Giê-rê-mi-a 31:7-9)

 

          Trong lúc đau khổ, ta mong có người nào đó lắng nghe ta nói, sụt sùi cùng với dòng nước mắt của ta.  Sau khi kể lể nỗi niềm, ta thấy vơi đi sầu khổ, lòng nhẹ nhàng hơn và tâm hồn bớt đi nặng nề.  An ủi cảm thông ấy đến với ta từ những người thân yêu, nhất là từ cha mẹ hay anh chị em trong gia đình. 

          Đó cũng là điều dân Chúa cảm nghiệm được qua những lời Chúa phán từ miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a.  Tâm trạng của dân Ít-ra-en bị lưu đày quả thực đau khổ và tủi nhục.  Cả một dân tộc vĩ đại giờ đây chỉ là “số còn sót lại của Ít-ra-en”.  Rồi ngay trong số còn sót ấy, lại “có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ”.  Cảnh sống lưu đày nơi đất khách quê người biết bao giờ mới thoát khỏi nếu không có sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa.  Thiên Chúa đầy lòng xót thương luôn đối xử với Ít-ra-en như “một người Cha” lẽ nào lại để cho con cái mình lầm than khốn khổ mãi.  “Nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7:11).

          Vậy Thiên Chúa sẽ làm gì cho những đứa con khốn khổ của Người?  Trước hết, Người dạy các ngôn sứ hãy loan báo tin vui cho họ:  “Hãy vui mừng lên…Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Ít-ra-en” (Gr 31:7).  Việc đầu tiên Thiên Chúa thực hiện là “quy tụ dân Người từ tận cùng cõi đất”, biến cuộc trở về thành một “đại hội đông đảo”.  Trong cuộc trở về này, họ cảm nghiệm được sự an ủi của Thiên Chúa rất rõ ràng, được diễn tả bằng một hình ảnh sống động:  “Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng” (Gr 31:9).  Ra đi để bị lưu đày đã cực khổ, những trở về để hưởng tự do cũng chưa hẳn là không có những khổ đau.  Cùng với nước mắt vui mừng cũng có nước mắt buồn tủi.  Chắc chắn họ sẽ gặp nhiều khó khăn lúc xây dựng lại đất nước và sự nghiệp.  Nhưng Thiên Chúa đã hứa “dẫn đưa họ tới dòng nước, qua con đường thẳng băng”, thì Người sẽ thực hiện.  Cuộc lưu đày được ví như sa mạc khô cằn và đường sá gập ghềnh nguy hiểm.  Giờ đây, Thiên Chúa đưa họ ra khỏi sa mạc để tới dòng nước và con đường thẳng băng, đó là cách diễn tả việc Người an ủi họ.  Song song với cuộc trở về để làm lại từ đầu, dân Chúa mỗi người cũng có những nỗi đau khổ riêng.  Đui mù, què quặt, mang nặng đẻ đau… là những đau khổ thể xác, nhưng cũng tượng trưng cho những đau khổ tinh thần khiến cho người ta phải “nước mắt tuôn rơi”.  Nhưng Thiên Chúa “sẽ an ủi và dẫn đưa chúng”, để “chúng không còn vấp ngã”.  Nhìn lại những tội lỗi mình, dân Chúa rất đỗi đau buồn, thì bàn tay nhân từ của người Cha sẵn sàng tha thứ và dẫn đưa, giúp họ “không còn vấp ngã”.  Tóm lại, việc Chúa an ủi không chỉ bằng lời nói suông, nhưng là những hành vi cụ thể và xứng hợp với con cái Người, “dân đứng đầu chư dân”.  Mỗi người chúng ta đều có một lịch sử lưu đày và trở về.  Chính trong lịch sử ấy, ta cảm nghiệm được niềm an ủi Chúa ban cho ta qua nhiều cách, nhiều người và nhiều hoàn cảnh.  Điều quan trọng là ta có nhận biết sự an ủi Chúa ban cho ta hay không mà thôi.

 

2.  Niềm an ủi tuyệt vời Thiên Chúa ban cho ta, đó là Chúa Ki-tô (bài đọc Tân Ước – Do-thái 5:1-6)

 

          Dân Chúa ngày xưa hay hôm nay không khác gì nhau, vẫn cần đến sự an ủi của Thiên Chúa.  Qua các ngôn sứ thời Cựu Ước, Thiên Chúa loan báo Người đã làm những điều an ủi dân Người.  Ngày nay, Thiên Chúa thực hiện việc Người an ủi ta qua chính Con Một Người là Chúa Ki-tô.  Đoạn thư gửi tín hữu Do-thái đã mô tả Chúa Ki-tô được Thiên Chúa đặt làm Thượng Tế “có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc” (Dt 5:2).

          Trước hết đoạn thư nói đến chức năng của vị thượng tế trong dân Chúa.  Vị thượng tế được Thiên Chúa chọn trong đám dân Người để làm trung gian giữa loài người với Thiên Chúa và “dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội”.  Vì là con người như mọi người nên vị ấy có thể cảm thông với những người khác.  Vì cũng yếu đuối như mọi người nên vị ấy phải dâng lễ đền tội cho người khác cũng như cho chính mình.  Chúa Ki-tô là Ngôi Lời xuống thế làm người và được Thiên Chúa đặt làm Thượng Tế.  Người là Thiên Chúa dũng mạnh đã nhận lấy mọi sự yếu đuối của con người.  Người là Đấng công chính đã khoác lên vai mọi tội lỗi của nhân loại.  Vậy thì với những hành động như thế, hỏi có người nào cảm thông với thân phận của ta hơn được như Chúa Ki-tô đã làm hay không?  Trong Cựu Ước, Thiên Chúa an ủi dân Người như một vị Thiên Chúa và trong hoàn cảnh lịch sử của dân Người.  Còn trong Tân Ước, Thiên Chúa an ủi ta như một người anh em trong nhân loại và trong mọi hoàn cảnh cuộc sống của ta.  Như vậy, sự an ủi dễ nhận ra hơn và gần gũi hơn, bởi vì Chúa Ki-tô thực sự có “khả năng cảm thông” với ta và hiệu lực “dâng lễ đền tội” cho ta. 

Trước mặt Chúa, ta luôn là “những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc”.  Ngu muội vì không chịu nhìn nhận tình yêu bao la của Thiên Chúa và lầm lạc vì không chịu đi theo đường lối     của Thiên Chúa.  Như ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã loan báo (Gr 31:9), Chúa Ki-tô sẽ an ủi và dẫn đưa ta.  Người ở giữa anh chị em của Người để đồng hành và gánh vác khổ đau của họ.  Người đến để “khóc với kẻ khóc, vui với người vui”.  Người chữa lành mọi vết thương cả thể xác lẫn tâm hồn.  Người chỉ cho họ con đường của Thiên Chúa, thánh ý của Người và nhất là tình yêu của Người.  Người tha thứ mọi lỗi lầm của ta và nhất là chết trên thập giá để đền tội cho ta.  Quả thực, “hôm nay, Thiên Chúa đã sinh ra Chúa Ki-tô”, để Chúa Ki-tô “sinh ra” cho Thiên Chúa một nhân loại mới gồm những kẻ được quyền gọi Thiên Chúa là Cha!

 

3.  Phép lạ chữa lành anh mù Ba-ti-mê là một hành vi an ủi cụ thể của Chúa Giê-su (bài Tin Mừng – Mác-cô 10:46-52)

 

          Chúa Giê-su là hiện thân sự an ủi Thiên Chúa ban cho nhân loại.  Người đang đối diện với đau khổ của con người và muốn “cảm thông” với họ trong cùng hoàn cảnh.  Đấng cảm thông ấy cùng môn đệ rời thành Giê-ri-khô, thì có một con người đau khổ đang chờ đợi Người để được an ủi. Đã bao năm anh sống trong mù lòa đêm tối và bao buồn tủi vì không được thấy ánh sáng cuộc đời.  Những ngày đêm anh than trách cho phận mình hẩm hiu vì thiếu đôi mắt để khỏi phải nhờ vả và sống nhờ lòng bố thí của người khác.  Chắc chắn là anh đã nghe người ta nói về ông Giê-su.  Người giảng dạy “không như những người Pha-ri-sêu và kinh sư”.  Người đã làm nhiều phép lạ.  Nhưng đặc biệt nhất, Người đem ủi an đến cho những ai sầu khổ.  Chắc chắn Người sẽ không bỏ rơi anh.  Do đó, anh đã mạnh dạn kêu xin, mặc cho đám đông hăm dọa.  Thánh Mác-cô đã kể lại lòng tin tưởng của anh với những lời quả quyết như sau:  “Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng:  ‘Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!’” (Mc 10:48).  Anh kêu lớn tiếng để tìm sự an ủi, không phải từ đám đông chỉ biết dọa nạt anh thay vì cảm thông, nhưng từ Đấng “đầy lòng thương xót” đã “đứng lại và nói: ‘Gọi anh ta lại đây!’” (Mc 10:49).  Ôi, làm sao ta có thể tưởng tượng nổi giây phút gặp gỡ giữa con người đau khổ và Thiên Chúa ủi an!  Trái tim của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô đang thổn thức quặn đau, còn tâm hồn của con người đau khổ thì mở rộng sẵn sàng đón nhận an ủi.  Ta dễ dàng nhận ra niềm vui, tin tưởng qua những cử chỉ hết sức ý nghĩa của anh mù, là “vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su” (Mc 10:50).  Chẳng có cái áo choàng nào của loài người có thể an ủi sưởi ấm lòng anh.  Chẳng có sợ hãi hay đe dọa nào ngăn cấm nổi lòng tin của anh vào sự an ủi nơi “ông Giê-su, Con vua Đa-vít”.  Thế là nhờ lòng tin, anh đã được cứu, được ban cho ánh sáng, để rồi khi nhìn thấy được, anh lại tiến thêm một bước ít người dám làm, là “đi theo Người trên con đường Người đi”.  Đúng, trên con đường Chúa Giê-su đang đi, chứ không phải trên con đường của anh, bởi vì con đường của Chúa là con đường “đem ủi an đến chốn u sầu”.

          Phép lạ Chúa chữa anh mù cho ta những đề tài phong phú để suy niệm.  Tuy nhiên chủ đề Lời Chúa hôm nay muốn ta hướng về một khía cạnh đặc biệt là việc Chúa an ủi ta.  Đau khổ là hậu quả tội nguyên tổ để lại và đã trở thành một phần của thân phận con người.  Tuy nhiên, nếu “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20), thì cũng thế, ở đâu đau khổ làm con người đau đớn, ở đó bàn tay an ủi của Thiên Chúa qua Đức Ki-tô càng dịu dàng ấm áp.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Với Phụng vụ Lời Chúa hai Chúa Nhật vừa qua, ta đã nhìn thấy ánh sáng của đau khổ và ủi an.  Tất cả đều thể hiện nơi Chúa Ki-tô và mang một ý nghĩa mới.  Chính lời giảng và việc làm của Chúa Giê-su đã soi sáng và đem lại cho chúng một giá trị mới, để ta nhận ra rằng đau khổ không phải là điều xấu và đáng ghét, cũng như an ủi là hành động Chúa yêu thương ta.  Chính Chúa Ki-tô đã đến với ta như Người đã đến với anh mù ở Giê-ri-khô, để đồng cảm với ta và nhất là để an ủi ta.  Tuy nhiên nhận được an ủi của Chúa chưa phải là kết thúc, nhưng ta còn phải tiến thêm một bước nữa, đó là từ bỏ mọi sự để “đi theo Người trên con đường Người đi”.

 

Suy nghĩ:  Dân chúng bảo anh mù:  “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”  Có hoàn cảnh nào tôi nghe được những lời tương tự không?  Tôi có mau mắn đứng phắt dậy, vứt áo choàng và đến gần Chúa không?  Tôi đi tìm sự an ủi nơi Chúa hay nơi những điều khác mỗi khi chịu đau khổ?

 

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa muốn cho mọi người nhận biết Chúa chính là lẽ sống của mình, và Chúa không hề bỏ rơi con cái Chúa.  Xin ban cho các anh chị em yếu đau bệnh tật và đang gặp hoạn nạn có thêm nghị lực dể phấn đấu.  Giữa cơn đau khổ, xin cho họ nghiệm thấy rằng có Chúa luôn luôn ở kề bên nhờ những anh chị em hết tình nâng đỡ và nhờ niềm trông cậy họ đặt nơi Đức Ki-tô.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu cho bệnh nhân).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 

 

       

 

                  


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B