Đề
tài mến Chúa yêu người được lập đi lập lại nhiều lần trong năm phụng vụ. Không hẳn chỉ vì tầm quan trọng của nó, mà
cũng là điều ta cần được nhắc nhở thường xuyên vì ta nghe là một chuyện, nhưng
thực hành thì lại hay quên. Cuối năm
phụng vụ cũng là lúc Lời Chúa đưa ta tới gần cuộc phán xét sau cùng. Điều chắc chắn Chúa sẽ hỏi ta là về lối sống
yêu thương Người đã dạy. Do đó, ta hãy
xin Chúa soi sáng giúp ta suy niệm đề tài này trong ánh sáng mới của Người, để
ta xác tín lẽ sống của ta không thể đi ra ngoài đường lối yêu thương.
1. Lời
mời gọi yêu thương dành cho Ít-ra-en dân Chúa
(bài đọc Cựu Ước – Đệ nhị luật
6:2-6)
Ta có thể nói toàn
bộ sách Đệ nhị luật đều nhắm khai triển một đề tài duy nhất là mến Chúa yêu
người, tóm kết của Mười giới răn Chúa ban cho dân Người tại Xi-nai. Sau khi đã ra khỏi vòng nô lệ của Ai-cập, dân
Chúa bắt đầu cuộc hành trình của những người tự do. Tự do là điều tốt, nhưng cũng không phải là
không có nguy hiểm. Qua cơn khốn khổ,
người ta có thể lại quên Chúa, đối xử không tốt với anh chị em, không còn sống
như những người con cái Chúa nữa. Bản
chất con người là vậy. Do đó ta nhận ra
được tầm quan trọng của những lời ông Mô-sê dặn dò dân chúng. Lời lẽ của ông hết sức trân trọng nghiêm túc
như một mệnh lệnh. Chính dân Ít-ra-en đã
nhận ra tầm quan trọng của mệnh lệnh, nên đã làm mọi cách để ghi nhớ: họ viết nó lên trán, lên cửa nhà hoặc bất cứ
nơi nào để đập vào mắt họ, một ngày ba lần họ phải cung kính niệm lại những lời
ấy. Vậy mệnh lệnh đó là gì và ông Mô-sê
đã truyền lại cho dân chúng như thế nào?
Trước khi nói ra
mệnh lệnh, ông Mô-sê muốn dân chúng hiểu rõ tầm quan trọng của việc thi hành
mệnh lệnh. Thi hành mệnh lệnh sẽ quyết
định cho số phận và tương lai của Ít-ra-en.
Nếu thực hành, dân Ít-ra-en “sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo,
trong miền đất tràn trề sữa và mật như Thiên Chúa đã hứa” (Đnl 6:3). Đó, tương lai của cả một dân tộc hoàn toàn
tùy thuộc vào việc thi hành mệnh lệnh.
Sữa và mật là biểu tượng cho sự giàu có, phong phú của đất nước. Ít-ra-en sẽ trở thành một quốc gia hùng mạnh,
chẳng những sánh vai với những nước láng giềng, mà còn vượt trên cả họ
nữa. Dân số đông đảo, tài nguyên phong
phú. Họ sẽ xây dựng những thành quách
vững vàng to lớn. Nếu quả như vậy thì
chắc mệnh lệnh phải là khó thi hành lắm.
Nhưng trái lại, ông Mô-sê chỉ truyền cho dân chúng Ít-ra-en một mệnh
lệnh đơn giản, ở trong tầm tay của dân Ít-ra-en. Đó là:
“Nghe đây, hỡi
Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta,
là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6:4-5).
Thì ra đó không phải
là mệnh lệnh phải lấp biển rời non vượt quá khả năng con người, mà là mệnh lệnh
yêu mến. Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất
của Ít-ra-en. Thiên Chúa đã yêu thương
Ít-ra-en “hết lòng hết dạ, hết sức” khi Người làm mọi sự cho họ, nhất là giải
thoát họ khỏi xiềng xích Ai-cập và nhận họ làm dân riêng của Người. Cho nên nếu Ít-ra-en có phải yêu mến Đức Chúa
“hết lòng hết dạ, hết sức” thì cũng là bổn phận và có gì là quá đáng đâu. Tuy là lời Thiên Chúa truyền dạy qua ông
Mô-sê, nhưng Người không thể ép buộc Ít-ra-en yêu mến Người, nên tựu chung vẫn
chỉ là lời Người mời gọi họ đáp trả tình yêu thương của Người.
Truyền dạy dân chúng
mệnh lệnh này, ông Mô-sê hiểu họ hơn ai hết.
Ông biết lòng dạ của họ. Sự tráo
trở hoặc chóng quên của họ đã làm ông đau khổ nhiều lần. Vì thế, ông nghiêm nghị bảo cho họ biết: “Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay,
anh em phải ghi lòng tạc dạ” (Đnl 6:6).
Lịch sử dân Chúa sau này đã chứng minh cho nỗi lo âu của ông Mô-sê
rồi! Đây không chỉ là lệnh truyền cho
Ít-ra-en, nhưng còn là lệnh truyền cho toàn thể nhân loại nữa. Nhân loại có đáp lại tình yêu của Thiên Chúa
hay không? Tội lỗi vẫn tràn đầy, tình
yêu của Thiên Chúa vẫn bị chối từ. Người
ta chỉ yêu mến Thiên Chúa bằng môi miệng và “hết lòng hết dạ, hết sức” chạy
theo lối sống đi ngược lại đường lối của Thiên Chúa.
2. Chúa Giê-su là Người Con
đã nên thập toàn nhờ hết lòng yêu mến Thiên Chúa (bài đọc Tân Ước – Do-thái 7:23-28)
Đoạn thư gửi tín hữu
Do-thái tiếp tục so sánh Chúa Giê-su với các vị thượng tế khác trong dân
Ít-ra-en và gọi Người là vị Thượng Tế thập toàn được Thiên Chúa đặt lên cho đến
muôn đời để đem ơn cứu độ cho nhân loại.
Vậy thế nào là vị Thượng Tế thập toàn?
Đó là “một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi
đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (Dt 7:26). Để đạt tới mức thập toàn, “Người đã dâng
chính mình và chỉ dâng một lần là đủ” (Dt 7:27).
Đúng vậy, Chúa Giê-su
đã dâng chính mình trên thập giá. Người
là vị Thượng Tế, làm trung gian giữa nhân loại và Thiên Chúa, đồng thời Người
cũng chính là hiến lễ được dâng lên Thiên Chúa.
Tuy nhiên Người là vị Thượng Tế vẹn toàn, khác với mọi vị thượng tế của
Ít-ra-en, bởi vì Người đã hy sinh làm lễ dâng Thiên Chúa và động lực khiến
Người hy sinh mạng sống là do lòng yêu mến.
Nói khác đi, Người đã hiến thân mình là vì Người đã yêu mến Thiên Chúa
“hết lòng hết dạ, hết sức” và Người cũng yêu thương anh chị em đồng loại của
Người y như vậy. Nếu thế, ta có thể quả
quyết rằng Chúa Giê-su là người gương mẫu đã “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của
Người và của nhân loại hết lòng hết dạ, hết sức lực Người”. Chu toàn mệnh lệnh yêu mến Thiên Chúa như
vậy, Chúa Giê-su mang một danh hiệu và chức phận vô cùng cao quý: Người Con thập toàn của Thiên Chúa. Người không chỉ dành cho mình độc quyền chức
phận làm Con Thiên Chúa, nhưng đã chia sẻ với anh chị em nhân loại của Người,
để tất cả đều được gọi là con cái Thiên Chúa.
Mà “phẩm vị tư tế” của Chúa Giê-su tồn tại muôn đời thì chức phận “Người
Con thập toàn” của Người cũng tồn tại muôn đời y như vậy. Liệu ta có thực sự hãnh diện được chia sẻ với
Người chức phận làm con Thiên Chúa và sống chức phận ấy một cách xứng đáng hay
không? Tình yêu “hết lòng hết dạ và hết
sức” ràng buộc gắn bó Thiên Chúa với Đức Giê-su cũng ràng buộc gắn bó ta với
các Ngài. Nếu vậy, ta sẽ sống mối quan
hệ mật thiết – Thiên Chúa-Đức Kitô-anh chị em – như thế nào cho phải đạo làm
con Thiên Chúa và anh em với Đức Ki-tô?
Đoạn thư Do-thái hôm nay không chỉ nói về Chúa Ki-tô như Người Con thập
toàn, nhưng còn mời gọi ta hãy cung kính nghe lại mệnh lệnh yêu mến Thiên Chúa
đã phán với Ít-ra-en ngày xưa và với ta hôm nay rằng: Nghe đây, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là
Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa,
Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em.
3. Mến Chúa yêu người là
“điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (bài
Tin Mừng – Mác-cô 12:28b-34)
Chúa Giê-su đã nói
với vị kinh sư về tầm quan trọng ngang hàng giữa hai giới răn mến Chúa và yêu
người. Đáp lại, vị kinh sư cũng nêu lên
một điều hết sức ngạc nhiên về hai giới răn ấy, đó là: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn,
hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12:33).
Trong sinh hoạt thờ
phượng, việc dâng lễ toàn thiêu và hy lễ là điều hết sức quan trọng, quan hệ
không những tới đời sống cá nhân mà còn cả cộng đồng nữa. Đó là nhiệm vụ của những tư tế, thay mặt dân
chúng để tỏ lòng tôn kính và thờ phượng Thiên Chúa. Lễ toàn thiêu và hy lễ được dâng lên Thiên
Chúa để ta nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và Chúa cả trời đất, cảm tạ
Người về những ơn lành Người ban, xin Người ban ơn trợ giúp và nhất là để xin
Người tha thứ mọi tội lỗi ta xúc phạm đến Chúa và tha nhân. Vậy mà giờ đây vị kinh sư đã thấy giá trị và
tầm quan trọng của chúng còn được xếp hạng sau việc mến Chúa yêu người. Đây không chỉ là ý kiến của cá nhân vị kinh
sư, nhưng chính Chúa Giê-su cũng biểu đồng tình với ông và thực lòng khen ngợi
ông: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa
đâu!” (Mc 12:34). Như vậy, rõ ràng điều quan trọng nhất trong Nước Thiên Chúa
phải là mến Chúa yêu người, một nguyên lý đơn giản nhưng cũng vô cùng súc tích. Việc dâng lễ toàn thiêu và hy lễ là những dấu
chỉ bề ngoài để diễn tả một cách tương đối mối quan hệ giữa Thiên Chúa với con
người và giữa con người với nhau. Còn
mến Chúa và yêu người thì không những diễn tả mà còn sống, sống một cách chân thực
chính mối quan hệ trên. Khi ta sống mối
quan hệ ấy là ta không còn ở xa, nhưng ở ngay giữa Nước Thiên Chúa rồi vậy. Chẳng biết những ông kinh sư và dân chúng
đứng chung quanh lúc ấy có hiểu ra được cuộc đối thoại ngắn ngủi nhưng đầy ý
nghĩa giữa Chúa Giê-su và vị kinh sư đến hỏi Người hay không. Nhưng cứ nhìn vào phản ứng của các ông là ta
hiểu được! Thánh Mác-cô viết: “Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa” (Mc
12:34). Nghĩa là họ hiểu trăm phần
trăm. Nhưng không biết họ có can đảm để
đặt việc dâng lễ toàn thiêu và hy lễ ở dưới việc thực thi mệnh lệnh mến Chúa yêu
người hết lòng hết dạ và hết sức hay không.
Không phải chỉ có các ông kinh sư ngày xưa, mà ngày nay cũng thiếu gì
những “kinh sư” của thời đại! Có cả
những vị làm giám mục, linh mục, bề trên, thầy giáo, cha mẹ đã xếp việc mến
Chúa yêu người dưới cả những mớ luật lệ cứng ngắc và đối xử không theo đức bác
ái Ki-tô. Cả cá nhân ta nữa, đừng sợ
trốn tránh không dám nhìn vào sự thật, là chính ta cũng ở trong số những kinh
sư ấy nữa.
4. Sống Lời Chúa
Đặt lại vấn đề mến
Chúa yêu người dưới ánh sáng Lời Chúa luôn luôn giúp ta nhận ra những khía cạnh
khác biệt và phong phú của tình yêu. Ta
đón nhận giới răn yêu thương Chúa ban qua tay ông Mô-sê. Nhưng tốt hơn nữa, ta chiêm ngưỡng Chúa
Giê-su như gương mẫu tuyệt đối thực hành giới răn ấy trong suốt cuộc sống cho
đến khi nhắm mắt trên thập giá. Trên
thập giá, lễ toàn thiêu và hy lễ Người dâng lên Chúa Cha không chỉ là mạng sống
và những giọt máu để đền bù tội lỗi nhân loại, mà còn là tất cả tình yêu của
Người, yêu hết lòng, yêu hết dạ và yêu hết sức lực mình, để muôn đời Người luôn
là Người Con thập toàn của Thiên Chúa và “người yêu lý tưởng” của toàn thể nhân
loại.
Suy nghĩ: Chúa Giê-su nói
với vị kinh sư đến gặp Người: “Ông không
còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Lời này có
ý nghĩa gì với tôi? Nếu quả thực tôi còn
xa Nước Thiên Chúa thì tôi phải làm sao bây giờ?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa
đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu
người; xin giúp chúng con hằng vâng giữ
điều Chúa truyền dạy, đẩ sau này đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng
con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 25 mùa Thường niên).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi