Chúa Nhật 32 mùa Thường niên, B

2009

 

          Giầu và nghèo là hai trạng thái diễn tả con người.  Giầu tiền bạc mà nghèo lòng nhân ái thì cũng chỉ là nghèo.  Trái lại, nghèo của cải, nhưng giàu lòng thương người thì lại là những người giầu có.  Lời Chúa hôm nay cho ta những hình ảnh đẹp về những người nghèo của nhưng giầu lòng.  Hai bà góa trong câu truyện Cựu Ước và câu truyện Tin Mừng là những người quảng đại với tha nhân và cộng đồng.  Còn Chúa Giê-su qua đoạn thư gửi tín hữu Do-thái là hiện thân sự quảng đại của Thiên Chúa đối với loài người, đồng thời cũng thể hiện trọn vẹn lòng quảng đại của một người phàm đối với Thiên Chúa.

 

1.  Bà góa quảng đại trong câu truyện ngôn sứ Ê-li-a (bài đọc Cựu Ước – 1 Vua 17:10-16)

 

          Ngôn sứ Ê-li-a trên đường chạy trốn cơn bách hại đi ngang qua Xa-rép-ta.  Cả vùng đang gặp cơn đại hạn nên mùa màng mất hết và nạn đói đe dọa.  Trước cổng thành, ngôn sứ gặp một bà góa đi lượm củi.  Có lẽ trong thâm tâm, ông nghĩ tới cảnh lá rách đùm lá nát nên mở miệng xin bà cứu giúp ông trong cơn đói khát.  Xin chút nước xong, ông còn xin bà cho miếng bánh.  Nhưng bà làm gì có bánh mà cho, ngoại trừ một nắm bột còn lại trong hũ và chút dầu.  Đó là cả sản nghiệp đủ một bữa ăn cho bà và đứa con, ăn xong rồi ngồi chờ chết đói.  Vậy mà bà vẫn sẵn sàng hy sinh để cứu giúp vị ngôn sứ.  Lòng quảng đại và thương người nơi bà đã được Thiên Chúa đền bù.  Thiên Chúa không đo lường lòng quảng đại của bà bằng nắm bột rẻ bèo, nhưng bằng chính sự sống của bà và đứa con.

          Tuy nhiên ngôn sứ Ê-li-a cũng không phải là người chỉ nghĩ đến mình.  Ông muốn chia sẻ số phận thiếu thốn với hai mẹ con bà.  Ông nói với bà:  “Bà đừng sợ, cứ về làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con của bà” (1 V 17:13).  Ông chỉ xin một “chiếc bánh nhỏ” thôi, đủ cho nhu cầu cấp bách của ông lúc này, chứ không dám xin hết.

          Tình huống ấy nói lên tấm lòng những người con cái đích thực của Thiên Chúa.  Họ đùm bọc nhau, sống quảng đại với nhau, một miếng khi đói bằng gói khi no.  Nếu con cái Chúa đã biết sống như vậy thì Thiên Chúa đành lòng nào để cho họ phải lâm vào cảnh chết đói.  Do đó Người đã làm cho “hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn, cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất” (1 V 17:14).

          Câu truyện lòng quảng đại này giúp ta nhận ra con tim của loài người và con tim của Thiên Chúa.  Bà góa Xa-rép-ta nghèo khổ trong sự thiếu thốn của phận mẹ góa con côi trong khi ngôn xứ Ê-li-a nghèo khổ trong cảnh trốn chạy vì bị bách hại.  Nhưng cả hai đều là những người sống nhờ lòng quảng đại của Thiên Chúa.  Họ muốn sống như con cái đích thực của Thiên Chúa nên sẵn sàng hy sinh mạng sống cho tha nhân.  Bà góa muốn chia sẻ tấm bánh cuối cùng để cứu giúp “người của Thiên Chúa”.  Còn ngôn sứ Ê-li-a không ngại sống chết để thi hành sứ vụ mà giúp đỡ dân Chúa.  Do đó quảng đại là biết hy sinh bản thân để phục vụ Thiên Chúa, tha nhân và cộng đồng.  Lòng quảng đại đích thực không có biên giới và không những nó chạm đến những người chung quanh mà còn chạm đến trái tim của Thiên Chúa nữa.

 

2.  Bà góa nghèo quảng đại ở Giê-ru-sa-lem (bài Tin Mừng – Mác-cô 12:38-44)

 

          Thời nào cũng có những bà góa nghèo.  Nhưng tìm được một bà góa như trong câu truyện Tin Mừng hôm nay chắc không dễ đâu, vì bà tuy nghèo tiền bạc nhưng lại có tấm lòng rộng rãi với Thiên Chúa và công việc của Người.  Thùng tiền dâng cúng đặt ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là để cho khách hành hương bỏ vào đó những đồng tiền giúp bảo trì nhà Chúa và góp phần vào công cuộc bác ái xã hội.  Tuy nhiên động lực khiến người ta bỏ vào lại quan trọng không kém, vì nó nói lên giá trị đích thực của đồng tiền.  Có người bỏ tiền vào để khoe khoang lòng đạo đức hoặc quảng đại của họ.  Có người bỏ tiền vào để “đổi chác” với Thiên Chúa, xin Chúa hãy cho mình điều này điều kia.  Có những người giàu có muốn quăng đi nắm bạc thừa để tính toán một công đôi ba chuyện.  Dĩ nhiên ngoài những động lực không tốt ấy cũng còn những động lực rất chân thành và thánh thiện giúp người ta góp công góp của cho Đền Thờ và cho Chúa.  Điển hình là bà góa nghèo đã bỏ vào thùng tiền chỉ có hai đồng bạc kẽm.  Nhưng lại có một người đã quả quyết rằng bà góa nghèo ấy đã bỏ vào thùng tiền nhiều hơn hết mọi người.  Người đó là Chúa Giê-su.

          Chúa Giê-su đang hiện diện tại Giê-ru-sa-lem.  Thánh sử Mác-cô viết:  “Khi ấy, Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ” (Mc 12:41).  Thiếu gì chỗ ngồi khác mà Chúa Giê-su lại ngồi “đối diện” với thùng tiền dâng cúng!  Hẳn là Chúa cố ý làm như vậy để dễ quan sát người ta bỏ tiền dâng cúng ra sao.  Vừa trước đó, Người đã nặng lời và thẳng thắn tố cáo các kinh sư là những kẻ giả hình giả bộ lại còn đang tâm “nuốt hết tài sản của các bà góa” nữa.  Không biết bà góa nghèo này có phải là nạn nhân do lòng tham của mấy ông kinh sư kia hay không.  Có thể lắm chứ.  Vậy Chúa đã quan sát và Người thấy gì?  Người thấy có hai hạng người bỏ tiền vào thùng dâng cúng:  nhiều người giàu có và một bà góa nghèo.  Nhưng họ khác nhau một trời một vực.  Một bên là những người “lấy tiền dư bạc thừa” mà cho, còn một bên là bà góa “bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân” (Mc 12:44).  Thiên Chúa không tính toán giá trị những đồng tiền của những người cho, nhưng Người tính toán tấm lòng của người dâng cúng.  Khi một người dám dâng cúng “tất cả những gì mình có, tất cả những gì để nuôi thân”, thì người ấy phải có một tấm lòng rộng lớn quý giá hơn cả mạng sống của họ.  Quả thực, hôm nay Chúa Giê-su không uổng công ngồi đối diện  với thùng tiền dâng cúng Đền Thờ để tìm gặp được một tâm hồn quảng đại đích thực!  Chắc chắn là Người vui sướng lắm, nên Người đã vội vàng “gọi các môn đệ lại và nói:  ‘Thầy bảo thật anh em:  bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết’” (Mc 12:43).  Liệu các môn đệ có hiểu được ý Chúa muốn nói gì không?  Hay các ông vẫn bị vẻ nguy nga tráng lệ của Đền Thờ cuốn hút, để chỉ lưu ý đến những đồng tiền rổn rảng của kẻ giàu có ném vào thùng tiền mà quên đi đồng tiền có giá trị đích thực của bà góa nghèo?  Do đó, Chúa đã bảo môn đệ:  “Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư?  Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào;  tất cả đều sẽ bị phá hủy” (Mc 13:2).  Những gì vĩ đại bề ngoài, cho dù là Đền Thờ đi nữa, cũng sẽ chẳng tồn tại.  Chỉ có tấm lòng quảng đại đối với Chúa và tha nhân là tồn tại và đưa ta vào cung lòng quảng đại của Thiên Chúa.

 

3.  Chúa Giê-su, con người quảng đại hết lòng với Thiên Chúa và nhân loại (bài đọc Tân Ước – Do-thái 9:24-28)

 

          Với hai câu truyện về bà góa nghèo trong Cựu Ước và sách Tin Mừng, Phụng vụ Lời Chúa muốn đưa ta đến gặp gỡ Chúa Giê-su, con người quảng đại đã hiến dâng cả mạng sống mình cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và lợi ích của nhân loại.

          Sinh ra trong cảnh nghèo khó, Chúa Giê-su đã sống cuộc đời nghèo khó tại mái ấm Na-da-rét.  Lên đường thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Người cũng vẫn là kẻ “không có chỗ tựa đầu” (Lc 9:58).  Người có gì đâu ngoài tấm thân để phục vụ cùng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân “hết lòng hết dạ và hết sức lực”.  Người đã sẵn sàng sử dụng thân mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa để đền bù tội lỗi nhân loại.  Người đã đến trước mặt Thiên Chúa, không đem theo máu chiên bò như các thượng tế đã làm để xin xá tội cho dân chúng, nhưng Người đã đem chính máu mình một lần thôi để chuộc tội nhân loại.  Máu là sự sống con người, nên Chúa Giê-su đã hiến mạng sống cho Thiên Chúa và nhân loại.  Quảng đại đến thế là tuyệt đối rồi.  Nhưng động lực nào khiến Chúa Giê-su quảng đại tới mức độ tuyệt đối ấy?  Thưa là do tình yêu, lòng mến Chúa yêu người.

          Phài nhìn vào kết quả của việc Chúa Giê-su hy sinh mạng sống mình, ta mới thấy được mức độ quảng đại của Người lớn lao chừng nào.  “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì người mình yêu”.  Cũng thế, không có lòng quảng đại nào to lớn hơn lòng quảng đại của Đấng dám thí mạng vì Thiên Chúa và anh chị em đồng loại.  Hoa trái lòng quảng đại của Chúa Giê-su không dành riêng cho một dân tộc, nhưng cho toàn thể nhân loại, không giới hạn trong thời gian Người chịu chết trên thập giá, nhưng kéo dài mãi cho đến ngày tận thế.  Lòng quảng đại của Chúa Giê-su lớn lao tuyệt đối, vì nó là hiện thân lòng quảng đại của chính Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương.  Vậy chẳng lẽ Chúa quảng đại với ta như vậy mà ta lại có thể so đo tính toán với Chúa hết lần này tới lần khác như thế sao?  So đo khi ta bỏ những đồng tiền dâng cúng cho nhà thờ mỗi Chúa Nhật hoặc công cuộc từ thiện.  Tính toán khi ta đóng góp công của để xây dựng cộng đoàn.  Chúa Giê-su còn gì đâu khi Người chết treo trên thập giá.  Cả đến mảnh vải che thân cũng không còn.  Vậy mà ta chỉ lấy tiền dư bạc thừa mà “bố thí” cho nhà thờ thì quả thực là bất công.  Lòng quảng đại của Chúa đã cứu sống ta, nên ta cũng phải biết ơn mà đền đáp ơn cứu tử ấy thì mới xứng đáng.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Ta được hiện diện trên đời là do lòng quảng đại của Thiên Chúa, được ơn cứu độ do tình yêu quảng đại của Chúa Giê-su.  Quảng đại để xây dựng cộng đoàn như gia đình, giáo xứ, Giáo Hội… đòi hỏi ta phải chấp nhận hy sinh.  Những bà góa nghèo quảng đại trong Kinh Thánh và nhất là Chúa Giê-su đã trở nên mẫu gương quảng đại.  Quảng đại đích thực không hẳn đòi ta phải cho thật nhiều tiền, nhưng là cho hết lòng, ngay cả đến mạng sống mình nữa.  Nhưng đặc biệt, quảng đại cần được thể hiện cụ thể trong những đóng góp của ta cho lợi ích cộng đồng và xoa dịu những thương đau của anh chị em nghèo khổ.  Hy vọng ta không phải là hạng người phô trương lòng quảng đại, nhưng là những người thực sự “sống lòng quảng đại” trong mọi hoàn cảnh.

 

Suy nghĩ:    Chính Chúa Giê-su đã dạy:  “Anh em đã nhận được nhưng không thì hãy cho nhưng không”.  Cũng có một câu hát như sau: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không?”  Vậy tôi đã nhận được những gì và tôi đã cho những gì?  Tôi có “một tấm lòng” không?  Và tôi đã làm gì với tấm lòng ấy?

 

Cầu nguyện:  Lạy Cha nhân từ, Cha muốn cho con người được hạnh phúc, Cha cũng đã ban trái đất cho con người gìn giữ trông coi.  Xin dạy chúng con biết cách dùng của cải chúng con khai thác được từ thiên nhiên, để chúng con vừa có của nuôi mình, vừa tôn vinh Danh Thánh, và mưu cầu lợi ích cho anh em đồng loại.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ tạ ơn sau mùa gặt).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 

             


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B