TẤM LÒNG
(CHÚA NHẬT
XXXII THƯỜNG NIÊN, NĂM B)
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)
Alexander
Đại Đế (356-323 trước Chúa Giáng Sinh) chẳng những nổi tiếng vì xông pha
chiến trận chinh phục nhiếu quốc gia trên thế giới thời đó, nhưng nhà vua còn
nổi tiếng vì đã phân phát cho bạn hữu rất nhiều tài sản và được coi như vị vua
rất quảng đại. Tuy nhiên, những việc làm quảng đại của nhà vua có tính cách
chính trị nhằm chinh phục lòng người để họ đi theo và triệt để ủng hộ nhà vua
trong những cuộc chinh chiến suốt từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ai-Cập, Ba Tư đến Ấn Độ.
Chúng ta thường có bản tính đề cao mình
và muốn mình được đề cao, khen ngợi, nên nhiều khi chúng ta làm việc này, việc
khác, kể cả việc đạo đức, việc giúp đỡ người khác, mà chỉ nhằm được người ta ca
tụng. Như vậy, chúng ta làm vì danh, vì lợi cho mình chứ thực sự không vì lòng
yêu thương tha nhân. Đó là làm vì tính thích khoe khoang và tham vọng cá nhân.
Trong Bài Phúc Âm hôm nay (Matcô 12:
38-44), Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ và mỗi người chúng ta đề phòng tính thích
khoe khoang khi chúng ta làm các việc đạo đức, việc từ thiện chỉ với mục đích
để được người ta ca tụng, hoặc để tìm lợi ích riêng tư nào đó, như nhóm Luật
Sĩ, Pharisiêu thời Chúa Giêsu: “Họ thích được mọi người kính nể, chào hỏi…” Họ
làm mọi việc không phải vì lòng “vị tha”, nhưng “vị kỷ”. Để nêu lên một tấm
gương sáng, Chúa Giêsu đã khen ngợi bà góa nghèo, dù bà chỉ bỏ có “hai đồng
tiền kẽm!” nhưng bà đã bỏ nhiều hơn ai hết, vì “dù đang sống trong cảnh nghèo
khó, nhưng bà vẫn quan tâm bỏ cả số tiền bà đang cần để sinh sống.” Bà đã làm
với cả tấm lòng: Tấm lòng với Chúa và với người nghèo khó; tấm lòng tin tưởng
phó thác tất cả tương lai vào sự quan phòng của Chúa là Cha nhân từ.
Bài Đọc I (Sách Các Vua 17: 10-16) cũng
nói đến lòng quảng đại của bà góa nghèo thời Tiên Tri Êlia (Thế kỷ IX trước
Chúa Giáng Sinh). Bà chỉ còn một ít bột, một ít dầu để làm bánh cho bà và con
trai bà ăn, nhưng bà đã hy sinh để làm bánh đãi Tiên Tri Êlia. Bà đã có một tấm
lòng, một sự hy sinh cao cả chỉ vì yêu mến và tin tưởng vào lời tiên tri Êlia
của Chúa, và Thiên Chúa đã làm phép lạ cho “hũ bột không cạn và bình dầu không
vơi” để gia đình bà sinh sống.
Trong Bài Đọc II (Thư gởi tín hữu Do
Thái: 9: 24-28), Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: Chúa Giêsu vì lòng thương yêu
chúng ta, Ngài đã đến trần gian lần thư nhất để dâng Lễ Hy Sinh một lần trên
Thánh Giá để đem ơn cứu chuộc cho chúng ta. Ngài sẽ “xuất hiện lần thứ hai,
không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Ngài!”
Tấm lòng vị tha thực sự dựa trên lòng
Bác Ái, làm mọi sự chỉ vì tấm lòng “Mến Chúa và Yêu người.” Dù “của
ít nhưng lòng nhiều!” Vì thế, Thánh Phaolô khi nói về lòng Bác Ái, Ngài
đã nhấn mạnh: “Nếu tôi đem hết tài sản mà bố thí, nhưng mà không vì lòng Bác Ái
thì cũng chẳng ích gì cho tôi… Đức Bác Ái không tìm tư lợi…” (1Corintô, chương
13).
Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu
nguyện chung cho nhau: Xin Chúa cho chúng ta có một đức tin và lòng đạo đức
thực sự, để chúng ta làm mọi việc: việc đạo đức, việc từ thiện, với tất cả tấm
lòng yêu mến Chúa và tha nhân, chứ không phải để được đề cao, để được ghi tên,
khắc tuổi trên bảng vàng, bia đá cho người ta ca tụng. Đồng thời, chúng ta cũng
đừng quá lo thu tích của cải cho tương lai, nhưng luôn rộng lượng giúp đỡ những
công việc từ thiện, và phó thác mọi sự trong tương lai cho lòng thương xót của
Chúa là Cha chúng ta, Ngài “nuôi sống chim trời, và mặc cho hoa cỏ đồng nội
những màu sắc tươi đẹp hơn cả y phục của vua Salômôn.” (Xin xem: Luca
12:13-34).
Trong tinh thần nhớ đến các vị đã qua
đời trong tháng 11, chúng ta hãy năng đi dâng Thánh Lễ, dâng các kinh nguyện,
nhất là việc lần chuỗi Mân Côi, đi viếng Nghĩa Trang, để cầu cho các linh hồn
nơi luyện tội được sớm về hưởng hạnh phúc bên Chúa là Cha chúng ta, cùng với Mẹ
Maria và các Thánh. Xin cũng tiếp tục dâng các hy sinh, hãm mình cầu nguyện cho
các vị Chủ Chăn, các Linh Mục trong “Năm Linh Mục” này.