NHƯ MỘT NGÔN SỨ.
Chúa nhật 4 B Thường niên.
Lời Chúa vẫn làm những việc kỳ diệu nơi
cộng đoàn dân Chúa. Chẳng hạn Dòng Nữ Đa Minh Việt Nam Hải Ngoại tại Houston đang
tiến những bước ngoạn mục tại cộng đồng Công giáo địa phương. Số phận anh em Đa
Minh Việt Nam không được may mắn như thế. Nghĩa là bước tiến không đều nhịp. Niềm vui không trọn vẹn. Nhưng chính nơi niềm
vui không trọn vẹn đó, lời Ngôn sứ Maria trong kinh Magnificat đã được thực hiện
trọn vẹn trong hoàn cảnh hôm nay.
Vị Ngôn sứ đó đã cống hiến cho đời một Ngôn
sứ vĩ đại khiến “thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy
như một Đấng có thẩm quyền” (Mt 1:22). Hôm nay nhân loại cũng đang mong ước có một
vị ngôn sứ như thế. Nhưng thử hỏi có ai lấp đầy niềm hi vọng đó không ?
NHẬN DIỆN NIỀM
HI VỌNG
Thời Đức Giêsu, dân Do thái ngưỡng vọng về một
ngôn sứ như Thiên Chúa đã hứa với Môsê : “Thiên Chúa của anh em sẽ cho xuất hiện
một ngôn sứ như tôi để giúp anh em ; anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18:15). Phải đợi
tới bao giờ vị ngôn sứ đó mới xuất hiện ?
Toàn dân có đủ kiên nhẫn chờ đợi thêm nữa không ? Sách Talmud cho thấy “tinh thần ngôn sứ đã tắt
ngúm và cạn kiệt trong dân Israel với ngôn sứ Haggai, Giacaria, và Malakhi”(Yoma
9b). “Cho tới lúc đó, các ngôn sứ được tiên báo bằng hành động Thánh Linh ; do đó
hãy lắng tai nghe những lời khôn ngoan của ho.” (Seder ‘Olam Rabbah 30). Chẳng
còn ai xứng đáng nói thay Chúa như các ngôn sứ nữa. Tình thế hoàn toàn thất vọng.
Chỉ còn niềm hi vọng cánh chung mới nuôi sống niềm mong đợi một vị ngôn sứ như Môsê
đã hứa (Đnl 18:15-20).
Giữa lúc toàn dân thất vọng như thế, Đức Giêsu
đã xuất hiện như một ngôn sứ “có uy quyền” (Mc 1:27). Uy quyền đó biểu lộ nơi sức
mạnh trấn áp “thần ô uế” (c.23). Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (c.24) “vì là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng-Được-Xức-Dầu,
được thánh hiến, và là Con Thiên Chúa” (Kinh Thánh Tân Ước 1995:185). Sức mạnh
Người đáng sợ đến nỗi ma quỉ cũng phải thét lên trước khi trở về cõi im lặng ngàn
thu, nhường bước cho Ngôi Lời hoạt động để xây dựng Nước Trời. Hoạt động đó gây “kinh ngạc đến nỗi mọi người
bàn tán với nhau : ‘Thế nghĩa là gì ?
Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền”(Mc 1:27). Khác hẳn với các
người Biệt phái với mớ giáo lý nhàm chán, thái độ kênh kiệu, và những tập tục
phức tạp, Đức Giêsu đến thổi luồng gió mới vào cuộc sống con người và xã hội Do
thái. “Đức Giêsu chính là vị ngôn sứ trong sách Đệ nhị luật, khai mở thời đại cánh
chung với lời mời gọi sám hối” (Cv 3:22; 7:37) (Faley 1994:129).
Kêu gọi sám hối là đụng tới quyền lợi của
nhiều hạng người trong xã hội. Sám hối là xoay ngược tình thế, vì bắt mọi người
phải từ bỏ lối nhìn, quyền lợi và những thói quen cố hữu. Lúc đó, “Carphanaum là
một thành phố thịnh vượng, giàu có, tội lỗi và sa đọa. Vì Carphanaum là cơ quan
đầu não của quân đội Rôma, tràn lan những ảnh hưởng ngoại giáo từ khắp đế quốc
Rôma” (Life Application Study Bible 1991:1727). Bởi đó, lời giảng của Đức Giêsu
trở thành một thách đố lớn lao cho thính giả của Người. Trước mặt quần chúng, Người xuất hiện như một
Đấng có “uy quyền”, cao cả như một “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, và hành động mạnh
mẽ như một Thiên Sai. Người cho mọi người thấy “thời cánh chung đã điểm với chiến
thắng quyết liệt của Giavê và thảm bại của ma quỉ” (Faley 1994:131). Chiến thắng
đó chính là chiến thắng của sự sống trên sự chết. Tất cả sẽ được đổi mới. Một mùa
xuân đã đến với nhân loại. “Chính việc Đức
Giêsu chiến thắng quyền lực ma quỉ đã mở màn thời đại Thiên sai và loan báo Nước
Thiên Chúa” (Faley 1994:131).
NGÔN SỨ HÔM NAY
Khác hẳn Cựu ước, Tân Ước cung cấp những ngôn
sứ loan báo Tin Mừng, thay vì những lời đe loi, hăm dọa, kết án. Tin Mừng đó có
nguồn gốc sâu xa và nền tảng vững chắc
trong Chúa phục sinh và vinh quang. Bởi vậy làm ngôn sứ có nghĩa là “làm chứng cho Đức Giêsu” (Kh 19:10) và “làm
cho lời Chúa thành hiện thực, sống động và trực tiếp ảnh hưởng tới cộng đoàn” (Fisichella
1995:794). Không có ngôn sứ, cộng đoàn không thể thành hình, vì theo thánh
Phaolô, “người nói tiên tri thì xây dựng Hội Thánh”(1 Cr 14:4).
Chính nhờ ngôn sứ, dân Chúa lấy lại được “can
đảm và nghe được sứ điệp cứu độ”(Fisichella 1995:794). Nói khác, “có đức tin là
nhờ nghe giảng mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10:17), trung tâm
và nền tảng lời ngôn sứ. Một ngôn sứ nhát đảm không thể chu toàn sứ mệnh đó. Làm
chứng cho sự thật, bênh vực công lý, chiến đấu cho hòa bình và sự sống nhân loại
không phải là chuyện dễ. Nhưng đó lại là sứ mệnh đặc biệt của một ngôn sứ. Chính
vì thế ngôn sứ rất cần thiết cho nhân loại, nhưng lại là một chướng ngại cho những
nhà lãnh đạo tắc trách. Đức Giêsu đã trở thành đối thủ nguy hiểm cho những nhà lãnh
đạo Do thái vì “danh tiếng Người đồn ra mọi nơi” (Mc 1:28), thu hút hết quần chúng
(c.Mc 2:13) và đe dọa quyền lợi của họ. Dù bị đe dọa, Đức Giêsu vẫn can đảm vạch
rõ những dấu chỉ về tình yêu Thiên Chúa muốn cứu độ nhân loại một cách mãnh liệt.
Ngôn sứ hôm nay không thể đi con đường nào
khác. Họ phải “chuẩn bị cho dân Chúa đọc dấu chỉ thời đại, tạo nên những dấu chỉ
mới, làm cho sứ điệp cứu độ thành hiện thực đáp ứng những nhu cầu thời đại”(Fisichella
1995:796). Không đọc được những dấu chỉ đó, không thể tìm thấy ý nghĩa cuộc đời
và niềm tin chúng ta. Giữa những thách đố hôm nay, không có lời ngôn sứ, Kitô hữu
sẽ chao đảo và không tìm được lối thoát. Họ cần lời ngôn sứ như một chiếc phao
cho niềm hi vọng cuối cùng giữa biển đời mịt mùng. Nhìn lên Thánh giá của Đức Giêsu Nazareth là dấu chỉ tiên
tri rõ hơn mọi dấu chỉ, người Kitô hữu thấy đươc dung nhan của Đấng chịu đóng đinh
như phản ánh vinh quang Thiên Chúa (x.Fisichella 1995:797), và tìm được sức mạnh
vượt qua mọi thử thách và đau khổ hiện tại. Do đó sứ ngôn trở thành lời tạo niềm
phấn khởi, tin tưởng và hi vọng cho muôn dân.
Nhưng trên hết “các ngôn sứ hiện diện như những
dấu chỉ của một tình yêu tận hiến suốt đời”
(Fisichella 1995:797), tình yêu làm nên tất cả, nhất là đã trả lại cho
ta ý nghĩa và giá trị cuộc sống nhờ cái chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Lời
Chúa trở thành sức mạnh vạn năng, “tác nhân thúc đẩy chúng ta khám phá ý nghĩa
cuộc sống, nhưng đồng thời giúp chúng ta trách nhiệm về chính cuộc đời mình” (Fisichella
1995:797). Sứ mệnh rao giảng Lời Chúa đã biến ngôn sứ thành người hướng dẫn lịch
sử nhân loại “trong ánh sáng biến cố của Đức Giêsu Nazareth và trong niềm mong đợi
Chúa đến trong vinh quang”(Fisichella 1995:797). Hôm nay Chúa vẫn hiện diện
trong những biến cố nhân loại. Nước Thiên Chúa đang thành hình qua những sự việc
có thể xảy ra, những thách đố, và những nguy cơ trong cuộc sống hằng ngày (x.Bergant
1993: 783). Tất cả đều xoay quanh biến cố Đức Giêsu chết và sống lại để cứu độ muôn
dân. Ngôn sứ phải khai quật được ý nghĩa đó mới có thể hướng dẫn nhân loại hoàn
thành lịch sử.
Lịch sử đang xoay vần về Á Châu. Các ngôn sứ đang ráo riết hoạt động để khai phá một con đường mới cho Đức Giêsu đi vào lòng người và xã hội. Những bí mật về chương trình cứu độ của Thiên Chúa đang dần dần được mạc khải qua nếp sống văn hóa và tôn giáo của dân tộc. Người tín hữu cần được sứ ngôn huấn luyện để đọc được mạc khải đó. Vì chính ý thức “Đức Giêsu như sứ ngôn của Chúa Cha tóm kết ý nghĩa toàn thể Tân Ước” (Fisichella 1995:796).
Lm. Đỗ Vân Lực,
OP