Chúa Nhật 4 Thường niên, B
(2009)
Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật trước đã đề cập tới việc
chuẩn bị tiếp nhận Lời Chúa, tức là cần phải sám hối để sẵn sàng tin vào Tin Mừng. Lời Chúa được chuyển tải đến với ta qua các vị
ngôn sứ, những người nói thay cho Thiên Chúa.
Khác và vượt trên các ngôn sứ, Chúa Ki-tô là lời Thiên Chúa xuống thế
làm người để mặc khải cho nhân loại tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra cho họ
biết. Diễn tiến của mặc khải đã được mô
tả qua câu mở đầu thư gửi tín hữu Do-thái:
“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta
qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết
này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1:1). Các bài đọc hôm nay trình bày tác vụ ngôn sứ
của Chúa Giê-su, tột đỉnh mặc khải của Thiên Chúa.
1. Vai trò của ngôn sứ trong Cựu Ước là hình
bóng tác vụ ngôn sứ của Chúa Giê-su (bài
đọc Cựu Ước – Đnl 18:15-20)
Ông Mô-sê đã được Thiên Chúa đặt làm người chuyển đạt thánh
ý của Người cho dân Ít-ra-en. Ông được gọi
là ngôn sứ, tức là người nói thay cho Thiên Chúa. Tuy nhiên vì ông có khó khăn trong vấn đề ăn
nói (Xh 4:10) nên Thiên Chúa đã cho ông một phụ tá là A-ha-ron, anh của ông,
làm người nói thay cho ông, do đó ông A-ha-ron cũng được gọi là ngôn sứ. Chính Thiên Chúa đã phán với Mô-sê về vai trò
của ngôn sứ như sau: “Từ giữa anh em của
chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những
lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì
Ta truyền cho người ấy” (Đnl 18:18).
Như vậy ngôn sứ không phải là một thiên sứ được Chúa sai tới
từ trời cao, nhưng là kẻ được Người tuyển chọn từ giữa cộng đồng nhân loại để
thi hành những gì ích lợi cho dân chúng.
Họ là người mang lời Chúa trong miệng và có bổn phận đi nói lại cho dân
chúng những gì Chúa muốn cho họ biết.
Như vậy, nghe lời ngôn sứ chính là nghe lời Thiên Chúa và không nghe lời
ngôn sứ thì sẽ bị trừng phạt. Cũng thế,
ngôn sứ phải chu toàn bổn phận là chỉ nói những gì Chúa muốn ngài nói và chỉ được
nói nhân danh Thiên Chúa, nếu không ngài sẽ phải chết.
Chúa Giê-su đến trần gian làm người phàm. Từ giữa lòng nhân loại, Người đã được Thiên
Chúa tuyển chọn làm người nói thay Thiên Chúa.
Ngài không những mang lời Thiên Chúa trong miệng, mà Người còn là chính
Lời Thiên Chúa đã có từ trước muôn đời. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên chúa, và Ngôi Lời
là Thiên Chúa” (Ga 1:1). Các ngôn sứ là
người mang Lời Chúa làm sao sánh được với Chúa Giê-su là chính Lời Chúa. Các vị ngôn sứ chỉ truyền đạt được phần nào
những gì Thiên Chúa muốn phán dạy nhân loại.
Còn Chúa Giê-su không những truyền đạt Lời Chúa, mà Người còn thực hiện
tất cả những gì đã được các ngôn sứ và Kinh Thánh tiên báo. Ngoài việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời, toàn
bộ cuộc sống của Chúa Giê-su là một sứ điệp sống động diễn tả được hết mọi chiều
kích của con người là hình ảnh Thiên Chúa, một gương mẫu để nhân loại biến đổi
trở nên giống như Người. Chúa Giê-su đã
giảng dạy nhân danh Thiên Chúa, do đó lời giảng của Người là “lời giảng mới mẻ”
và Người giảng như một đấng “có uy quyền” (Mc 1:27). Người đã chu toàn sứ mệnh ngôn sứ do Chúa Cha
trao phó. Người khẳng định với người
Do-thái: “Thật vậy, không phải tôi tự
mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải
nói gì, tuyên bố gì… Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã
nói với tôi” (Ga 12:49-50). Một điều vô
cùng cảm động, là các ngôn sứ nếu không chu toàn bổn phận ngôn sứ thì phải chết,
còn Chúa Giê-su lại sẵn sàng tự nguyện chấp nhận cái chết để chu toàn bổn phận
(Đnl 18:20 và Dt 10:8-10).
2. Chúa Giê-su thi hành tác vụ ngôn sứ (bài Tin Mừng – Mc 1:21-28)
Được sai đến trần gian và mặc lấy thân phận người phàm,
Chúa Giê-su đã chuẩn bị cho sứ mệnh mai sau.
Sau khi Thánh Thần thúc đẩy Người vào sa mạc để ăn chay cầu nguyện, xức
dầu cho Người để thi hành sứ vụ, Người đã mau mắn khởi sự công việc của vị ngôn
sứ, là giảng dạy. Nội dung bài giảng của
Chúa Giê-su tại Ca-pha-na-um hôm nay tuy không được nói đến, nhưng chắc chắn phải
hết sức tuyệt vời, khiến cho “thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì
Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”
(Mc1:22). Giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng
giảng dạy có uy quyền, thánh sử Mác-cô chứng minh uy quyền ấy bằng câu truyện
Chúa quát mắng thần ô uế và đuổi nó ra khỏi một người bị nó nhập.
Có thể ta sẽ thắc mắc thánh Mác-cô có ý gì khi đặt câu truyện
Chúa khu trừ thần ô uế ra khỏi một người vào trong khung cảnh Người giảng dạy
trong hội đường. Dĩ nhiên trước hết là để
chứng minh rằng nhận định của dân chúng về con người và sứ vụ ngôn sứ của Chúa
Giê-su là chính xác. Nhưng có lẽ thánh sử
nhằm tới những ý nghĩa khác ta khó mà biết.
Tuy nhiên ta thử suy nghĩ một chút về điều này. Theo thánh Mác-cô, chủ yếu sứ vụ của Chúa
Giê-su là rao giảng sám hối và kêu gọi người ta hãy tin vào Tin Mừng. Nói khác đi, Người bắt đầu một cuộc chiến của
quyền lực Thiên Chúa chống lại quyền lực ma quỷ. “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp
của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó” (Mc
3:27). Đây chính là hình ảnh diễn tả
Chúa Giê-su đến trần gian là “nhà” của ma quỷ để cướp lại nhân loại đang bị hư
mất về cho Thiên Chúa. Do đó, song song
với việc rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giê-su cũng “trói người mạnh ấy”,
nghĩa là Người phải xua trừ và tiêu diệt quyền lực của ma quỷ nữa. Triều Đại Thiên Chúa là thời gian từ hiện tại
cho đến ngày cánh chung, thời gian mà quyền lực Thiên Chúa sẽ tiêu diệt quyền lực
ma quỷ. Điều ấy phải được thực hiện cho
toàn thể nhân loại, nhưng cũng cần được thực hiện nơi mỗi người đón nhận Tin Mừng
Chúa Ki-tô.
Đúng thế,
việc Chúa Giê-su rao giảng và khu trừ thần ô uế phải được lập lại nơi mỗi người
chúng ta, những người đón nhận Chúa và sứ mệnh ngôn sứ của Người. Chúng ta đều là những người đang đón nhận lời
giảng của Người. Nhưng nơi ta, thần ô uế
đang thắng thế, luôn xúi giục ta bịt tai và đóng cửa tâm hồn lại trước Lời
Chúa. Nó quyến rũ ta đi theo con đường của
nó. Vì thế Chúa Giê-su kêu gọi ta sám hối
quay về với Thiên Chúa để đón nhận Tin Mừng và Người chứng tỏ uy quyền Thiên
Chúa trong lời giảng của Người bằng cách xua đuổi ma quỷ ra khỏi tâm hồn
ta. Sứ mệnh ngôn sứ của Chúa Giê-su đang
được thi hành ở đây và lúc này trong lòng mỗi Ki-tô hữu là những người “có tai
thì nghe” (Mc 4:23).
3. Mỗi Ki-tô hữu phải thi hành sứ vụ ngôn sứ
ngay trong hoàn cảnh sống của họ (bài đọc
Tân Ước – 1 Cr 7:32-35)
Một lần nữa, có lẽ ta lại có cảm tưởng đoạn thư hôm nay của
thánh Phao-lô là cung đàn lạc điệu trong chủ đề Phụng vụ Lời Chúa. Bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng nói về tác vụ
ngôn sứ, còn đoạn thư 1 Cô-rin-tô lại nói về khác biệt giữa người độc thân và
người lập gia đình trong vấn đề “lo việc Chúa”!
Thực ra ý tưởng và cách trình bày của thánh Phao-lô không dễ hiểu đâu và
đoạn thư này của ngài cũng không lạc đề chút nào. Dĩ nhiên ngài không có ý khuyên mọi người phải
làm đàn ông đàn bà độc thân hết thảy để không bị chi phối mà chuyên lo việc
Chúa. Nhưng ngài chỉ muốn nói lên sự
khác biệt hoàn cảnh giữa người độc thân và người có gia đình, và ngài nhấn mạnh
điều này, là dù độc thân hay có gia đình, ta đều phải hiến dâng cho Thiên Chúa
toàn diện con người mình “để được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co”. Chúa Giê-su đã hiến dâng hoàn toàn cho Thiên
Chúa và Người đã chiến thắng được những giằng co khi thi hành sứ mệnh ngôn sứ. Các Tông đồ và môn đệ Người cũng theo gương ấy
mà tận hiến cuộc đời cho việc rao giảng và làm chứng nhân cho Tin Mừng. “Chuyên lo việc Chúa” chính là việc thi hành
tác vụ ngôn sứ của người tín hữu. Sống
trong hoàn cảnh nào người ta cũng phải hết sức rao giảng và làm chứng nhân cho
Chúa Ki-tô. Nếu người độc thân không vướng
mắc chuyện làm đẹp lòng vợ hay làm vui lòng chồng phải “thuộc trọn về Chúa cả hồn
lẫn xác”, thì ngay những người sống bậc sống vợ chồng cũng phải thuộc trọn về
Chúa như họ thuộc trọn về nhau nữa. Tất
cả đều “gắn bó cùng Chúa” thì làm gì còn chuyện bị giằng co, bởi ai cũng thấy bổn
phận chu toàn tác vụ ngôn sứ, một trong ba tác vụ chung của Ki-tô hữu, là ưu
tiên và cố gắng chu toàn ngay trong những hoàn cảnh sống của họ.
4. Sống Lời Chúa
Khi được rửa tội và làm con Chúa, ta tham dự vào tác vụ
vua, ngôn sứ và tư tế của Chúa Giê-su.
Ta được mời gọi thi hành những tác vụ ấy ngay trong cuộc sống làm chứng
cho Chúa Ki-tô và Tin Mừng của Người.
Nhưng để thi hánh tác vụ, trước hết ta phải gắn bó với Chúa bằng cách
sám hối và hoàn toàn tin vào Con Một Người là Chúa Ki-tô. Ta hãy đáp lời gọi của Chúa ki-tô, để Người
thanh tẩy ta khỏi mọi ảnh hưởng và quyền lực của ma quỷ và tội lỗi, biến đổi ta
nên giống như Người mỗi ngày trong cuộc sống.
Suy nghĩ: Mong ước của thánh Phao-lô là thấy ta “được gắn
bó cùng Chúa mà không bị giằng co” để chuyên lo việc Chúa. Vậy những gì khiến tôi bị giằng co và tôi
đang bị giằng co thế nào? Tôi sẽ làm gì
để thoát ra khỏi sự giằng co ấy mà gắn bó với Chúa?
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng
dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với Con Một Chúa
là Đức Giê-su Ki-tô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng
con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 3 Thường niên).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi