CON ĐƯỜNG NÀO CHÚA ĐI.
Chúa Nhật 5B Thường Niên
Hạnh phúc như gần mà như xa. Làm sao thực
hiện được những lời cầu chúc đầu xuân giữa một nhân loại còn đầy những người
nghèo khổ, bị áp bức và bị gạt ra ngoài lề xã hội ? Làm sao hạnh phúc khi con người chưa được làm
người vì bị đè bẹp dưới những cơ chế bất công và truyền thống lỗi thời ?
THỰC TẾ CON NGƯỜI
VÀ SỨC MẠNH THIÊN CHÚA
Ngoài Thiên Chúa, không ai có thể đem lại mùa
xuân cho nhân loại. Đức Giêsu đã mạc khải cho mọi người thấy sức mạnh phá tan mọi
đau khổ, đem lại hạnh phúc cho muôn người, phát xuất tự nơi Thiên Chúa. Đức Giêsu
chính là sức mạnh đó. Người biết rõ đau khổ xuất phát tự mối tương quan bị đổ vỡ
giữa Thiên Chúa và con người. Nguyên nhân chính của sự đổ vỡ đó là ma quỉ. Nhưng
ma quỉ cũng không làm gì được nếu con người không muốn. Cuối cùng chính vì lòng
tham dục của con người, tội lỗi đã lọt vào trần gian và gây nên đau khổ, chết
chóc. Như vậy, thực sự không có gì mâu thuẫn giữa quan điểm Phật giáo và Kitô giáo
về đau khổ. Chỉ khác nhau một điểm, Kitô giáo phân biệt những dục vọng tốt và xấu.
Dục vọng xấu xa nhất chính là tính kiêu ngạo đã đẩy con người lên cõi mơ ngang
hàng với Thiên Chúa. Con người đã vỡ mộng. Do đó có đau khổ. Hạnh phúc trở thành
giấc mơ.
Nhưng có những đau khổ không tùy thuộc vào
dục vọng hay ý muốn con người. Có những nạn nhân vô tội chịu đựng những thiên
tai khủng khiếp. Biết bao sinh linh đã bị chìm ngập trong dòng nước lũ tại miền
Trung hay tại Venezuella. Chính ông Job đã kinh nghiệm sâu xa về nỗi oan ức đó.
Ông không thể hiểu nổi chương trình quan phòng của Thiên Chúa. Cuộc đời như chìm
trong sự nhàm chán, tuyệt vọng. Giữa đau khổ, ông đã thốt lên : “Ngày đời tôi
thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hi vọng. Lạy Đức Chúa,
xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc
bao giờ” (Jb 7:6-7).
Đức Giêsu cũng là nạn nhân vô tội của một cơ
chế bất công. Nhưng Người đã tìm thấy ý nghĩa và niềm hi vọng ngay trong những đau
khổ. Người không thể chịu đựng nổi trước những đau khổ của con người. Bởi thế,
Người đã ra tay hành động để trấn át ác thần đang hoành hành trong thân xác và tinh
thần con người. Điển hình, Người đã chữa lành “bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn
sốt, nằm trên giường” (Mc 1:30). Khắp nơi
“Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (c.34). Người
đi ngang qua những khổ đau như giới hạn nhốt chặt thân phận con người. Chính vì
thế, quyền năng Thiên Chúa đến như một sức mạnh giải thoát. Nếu đời là bể khổ, Đức
Giêsu đã lặn ngụp xuống bể khổ đó và đẩy nhân loại lên bằng chính sức mạnh Tin
Mừng. Người đã dùng chính những cay đắng của bể khổ đó để tẩy rửa những vết thương
trần gian. Nhờ sức mạnh Thánh Linh, nước bể khổ đó cũng có sức mạnh thanh tẩy
những bụi bặm và hôi hám thế tục. Nhờ đó, hình ảnh Thiên Chúa xuất hiện nguyên vẹn trong con người và cuộc đời Kitô hữu.
SỨ MỆNH GIẢI THOÁT
Đức Giêsu đã dùng quyền năng Thiên Chúa để
đẩy mạnh công cuộc rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Tự bản chất, Tin Mừng
là một sức mạnh giải thoát con người. Thế nên, Tin Mừng được rao giảng tới đâu,
niềm vui dâng cao tới đó. Bằng chứng sau khi khó nhọc tìm Đức Giêsu, các môn đệ
reo lên : “Mọi người đang tìm Thầy đấy !” (c.37).
Nhưng chính lúc mọi người tìm Thầy, Thầy lại
không muốn dừng lại để hưởng trọn lòng ngưỡng mộ đó. Thầy không bằng lòng với
những gì đã làm. Thầy muốn đi xa hơn những thành công hôm qua. Còn nhiều nơi khác,
nhiều người khốn cùng khác đang chờ đợi bước chân Thầy. Chính Thầy đánh thức các
ông khỏi cơn mê ngủ với danh vọng của Thầy : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các
làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm
việc đó” (c.38). Tin Mừng phải hướng tới những nơi đang phủ đầy bóng đêm tội lỗi.
Cảnh nhân loại khổ đau đã thôi thúc Thầy tiến tới không ngừng:“Người đi khắp miền
Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ” (c.39).
Đó là cách Người thi hành sứ mệnh rao giảng
Tin Mừng. Nói khác, “đối với thánh Marcô, Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng Thiên Chúa
bao gồm toàn thể biến cố, lời nói và hành động” (Dupuis 1995:279). Thật vậy, Người
hành động khi làm phép lạ, tiếp xúc với quần chúng, dẹp yên những ảnh hưởng tà thần.
Ngay những dụ ngôn cũng đầy dẫy những hình
ảnh linh động. Ngang qua hành động, Tin Mừng đã được công bố cho muôn dân. “Phép lạ là Tin Mừng đang hành động” (Dupuis 1995:280).
Cộng thêm với lời Đức Giêsu nói, các phép lạ thúc đẩy con người chấp nhận Nước
Thiên Chúa. Nhất là khi trừ quỷ, Đức Giêsu càng tỏ rõ uy quyền Thiên Chúa vàsức
mạnh Tin Mừng giải thoát. Lực lượng thần dữ đã đến ngày tàn. Đức Giêsu đã mở ra
một chân trời mới, phóng tầm nhìn nhân loại tới Nước Trời, nơi chan chứa niềm
vui và tự do. Từ nay con người sẽ không còn phải gò bó trong những đòi hỏi luân lý cứng ngắc, nhưng
hoàn toàn sống tự do theo Tin Mừng vì Nước Trời đã đến nơi con người Đức Giêsu
Kitô.
Tin Mừng Đức Giêsu đã đem lại nguồn an ủi và
hi vọng lại cho bao người sầu khổ và thất vọng. Vì Đức Giêsu đã hoàn toàn đồng
hóa với những người nghèo và Tin Mừng đã được rao giảng cho họ trước tiên. Tất
cả những người nghèo khổ, bị áp bức và bị gạt ra ngoài xã hội đều góp phần xây
dựng Nước Thiên Chúa. Vì chính họ sẽ được hưởng trọn niềm vui giải thoát nhờ cái
chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Người không chấp nhận đối xử phân biệt với
những người kém may mắn về vật chất. Người muốn chống lại những cơ cấu xã hội và
tôn giáo bất công, nguyên nhân gây nên cảnh khốn cùng cho con người cả về vật
chất lẫn tinh thần. Bởi vậy Tin Mừng có một chiều kích giải phóng toàn diện con
người. “Người không phải là một nhà cách
mạng chính trị, nhưng cuộc sống và cái chết của Người có một chiều kích chính
trị, vì Người có những thái độ thách thức và đe dọa những nhà cầm quyền tôn giáo
và chính trị” (Dupuis 1995:281).
Cũng thế, Giáo hội không phải là một tổ chức chính trị. Nhưng Giáo hội không thể im lặng trước những cảnh người nghèo bị đàn áp bất công. Vì “thúc đẩy thực hiện công lý và tham gia vào việc biến đổi thế giới là một “chiều kích cốt yếu” của sứ mệnh Phúc Âm hóa của Giáo hội.” (Dupuis 1995:282) Bao lâu còn người nghèo, bấy lâu sứ mệnh Giáo hội càng cấp thiết. Nhân loại hôm nay đang quằn quại dưới những cơ chế tôn giáo và xã hội bất công, người môn đệ Đức Kitô có nghe thấy những tiếng rên siết của bao người bất hạnh đó không ? Rao giảng Tin Mừng là đang đem lại mùa xuân cho nhân loại. Mùa xuân đang đến trên quê hương, vì các môn đệ Đức Kitô đang xông pha đem Tin Mừng đến cho tất cả những ai nghèo khổ. Tôi có được kể vào số những môn đệ đó không ? Tôi có sẵn sàng đối thoại với mọi người thiện chí và can đảm đối diện với những thách đố thời đại để đem lại hạnh phúc ấm no cho mọi người không ?
Lm. Giuse Đỗ Vân
Lực, OP