Chúa Nhật 7 Thường niên, B
(2009)
Tội lỗi là thứ vi khuẩn làm cho tâm hồn ta biến dạng từ tốt
lành sang phong hủi. Bài Tin Mừng tuần
trước đã cho ta thấy quyết tâm của Chúa Giê-su muốn chữa lành không chỉ thể
xác, nhưng nhất là linh hồn ta khỏi những độc hại do tội lỗi. Người đến với ta, nói với ta lời tha thứ của
Thiên Chúa đối với những tội lỗi ta phạm.
Một lần nữa, ngôn sứ I-sai-a và thánh Phao-lô Tông đồ cùng khẳng định về
tình yêu tha thứ của Thiên Chúa dành cho Ít-ra-en trong Cựu Ước và biểu lộ đầy
đủ nơi con người Chúa Giê-su. Tình yêu
tha thứ ấy đã được nói lên qua phép lạ Chúa chữa người bại liệt tại
Ca-phác-na-um.
1. Thiên Chúa xóa bỏ tội lỗi ta và quên đi lỗi lầm
ta phạm (bài đọc Cựu Ước – Is
43:18-19.21-22.24b-25)
Về một xúc phạm trầm trọng, người đời thường nói: Tha thứ cũng được, chứ nhất định không thể
quên. Nhưng Thiên Chúa thì chẳng những
tha thứ, mà Người còn quên luôn nữa. Về
vấn đề này, Thiên Chúa quả thực “kém trí nhớ”!
Chẳng vậy mà tác giả Thánh Vịnh đã phải kêu lên: Nếu Chúa chấp tội, nào ai sống nổi được
chăng?
Trở lại với lịch sử dân Chúa là Ít-ra-en, ta thường thấy
quanh đi quẩn lại cùng một vấn đề: dân
Chúa phạm tội về đức tin hoặc luân lý – Thiên Chúa răn đe hay trừng phạt – dân
Chúa sám hối – Thiên Chúa tha thứ và quên đi lỗi lầm của họ. Vẫn chứng nào tật nấy, dân Chúa cứ sa đi ngã
lại bao lần, riết rồi người ta đâm ra nghi ngờ cả lòng nhân từ của Thiên
Chúa. Đối lại, Thiên Chúa vẫn một lòng
tha thứ cho họ mỗi khi họ tỏ lòng ăn năn sám hối và khẳng định với họ rằng
không những Người tha thứ cho họ mà con quên hẳn đi những lỗi lầm của họ nữa.
Đoạn Kinh Thánh trích sách ngôn sứ I-sai-a hôm nay ghi lại
lời lẽ nhân từ của người cha là Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Trước hết Thiên Chúa kêu gọi dân Người đừng
nhìn lại dĩ vãng, nhưng hãy nhìn về tương lai, nhất là những điều Người sắp thực
hiện cho họ. Đừng để mình bị dằn vặt
hoài do “những chuyện ngày xưa”, tức là chuyện phản bội Thiên Chúa, nhưng hãy
nhận biết “một việc mới” đã được Thiên Chúa khởi sự rồi. Việc mới Thiên Chúa bắt đầu thực hiện là “mở
một con đường giữa sa mạc và khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”. Dĩ nhiên với văn minh cơ khí ngày nay, việc mới
này không phải là không thể thực hiện, trái lại người ta có thể làm dễ dàng,
như chính phủ Do-thái đã thực hiện cho đất nước họ. Nhưng đối với thời ngôn sứ I-sai-a, đó thực
là giấc mơ khó thành sự thực. Tuy nhiên,
ở đây Thiên Chúa muốn dùng hình ảnh mở mang ấy để ám chỉ một việc mới mang chiều
kích tâm linh, đó là biến đổi tâm hồn hoang vu và khô cằn của dân Chúa thành một
dân hết lòng thờ phượng Chúa và tuân giữ luật Người.
Thiên
Chúa mong đợi dân Người nhận biết việc Người đang bắt đầu mà “ngợi khen và kêu
cầu Chúa”, vậy mà họ vẫn vô tình, thậm chí còn “chán” Người nữa! Đấy, chuyện tình giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en
luôn có những “trục trặc” như thế. Cho
nên nếu Thiên Chúa không “trung thành” và “giàu lòng thương xót” thì Người đã để
mặc cho họ mất đi. Nhưng Thiên Chúa lại
cư xử khác đời. Trong những tình cảnh
như vậy, mà Thiên Chúa vẫn còn “vì danh dự” nên Người quyết định “xóa bỏ các tội
phản nghịch và không còn nhớ đến lỗi lầm” của Ít-ra-en nữa.
Lịch sử
dân Chúa vẫn tái diễn nơi ta hôm nay.
Trong mối quan hệ với Chúa, mỗi người là một Ít-ra-en đang nghe những lời
“than thở” của Chúa nói với ta qua ngôn sứ I-sai-a. Lịch sử ấy không chỉ tái diễn một đôi lần
trong đời, nhưng là hằng ngày trong cuộc sống của ta. Ta không lạm dụng lòng nhân từ tha thứ của
Chúa, nhưng cũng không quá bi quan và mặc cảm tội lỗi, vì chính Người “không
còn nhớ đến lỗi lầm” của ta, và Người còn dạy ta: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày
xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước”.
Ta có thể “chán” Chúa, nhưng Chúa không khi nào “chán” ta đâu.
2. Chúa Giê-su chính là lòng nhân từ tha thứ của
Thiên Chúa hóa thân làm người phàm (bài đọc
Tân Ước – 2 Cr 1:18-22)
Có nhiều thuộc từ để diễn tả Chúa Giê-su là Đấng nào như ta
thường đọc thấy trong Kinh Thánh Tân Ước.
Nhưng trong bài đọc thứ hai hôm nay, thánh Phao-lô cho ta một cách diễn
tả thật khác lạ về Chúa Giê-su là Đấng nào. Ngài viết cho tín hữu Cô-rin-tô thế này: “Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mà chúng tôi, là
Xin-va-nô, Ti-mô-thê và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là “có”, vừa là
“không”, nhưng nơi Người chỉ toàn là “có” (2 Cr 1:19). Nghĩa là nơi Chúa Giê-su, ta không thể tìm được
điều gì là tiêu cực cả, nhưng bất cứ điều gì là chân thiện mỹ thì ta đều thấy
có nơi Người. Người là hình ảnh của
Thiên Chúa vô hình, tức là dấu chỉ cho ta thấy được tất cả những gì ta không thấy
được nơi Thiên Chúa. Thánh Phao-lô cho
ta một thí dụ điển hình. Ngài viết: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là
“có” nơi Người (Chúa Giê-su)”. Ta có thể
hiểu câu thí dụ này của thánh Phao-lô, là mọi điều Thiên Chúa hứa với nhân loại
đều là thực sự chứ không phải hứa cuội, và chúng hết thảy đã được thực hiện
trong và bởi Chúa Giê-su.
Hiểu rõ ràng như thế, ta có thể áp dụng định nghĩa “Chúa
Giê-su chỉ toàn là có” vào đề tài Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay. Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và quên đi lỗi lầm
của ta, điều này là “có” hoặc được biểu lộ nơi Chúa Giê-su. Nếu ta muốn nhận biết lòng nhân từ tha thứ của
Thiên Chúa, ta sẽ thấy được điều ấy nơi Chúa Giê-su. Như vậy, lối diễn tả của thánh Phao-lô về
Chúa Giê-su thực là tài tình, vừa đơn sơ lại vừa hết sức thâm sâu. Chúa Giê-su là hình ảnh sáng tỏ của Thiên
Chúa. Cũng như ta nhờ ánh sáng nên mới
nhìn thấy được sự vật, thì ta nhờ chính Chúa Giê-su là “Ánh Sáng trần gian” (Ga
9:5) để thấy được dung mạo Thiên Chúa, thấy được cả tấm lòng Thiên Chúa đối với
con người chúng ta.
3. Lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa được biểu
lộ qua hành động của Chúa Giê-su (bài Tin
Mừng – Mc 2:1-12)
Ta suy nghĩ lời ngôn sứ I-sai-a và suy tư của thánh Phao-lô
về Đức Ki-tô để xác tín rằng Thiên Chúa giàu lòng thương xót, luôn sẵn sàng tha
thứ tội lỗi ta và quên đi những lỗi phạm của ta. Tuy nhiên, để giúp ta vững lòng tin vào lòng
thương xót của Thiên Chúa, phép lạ Chúa Giê-su chữa kẻ bại liệt là một chứng cớ
hùng hồn và đầy thuyết phục.
Tội lỗi biến ta thành một kẻ phong hủi, nó cũng làm cho ta
thành một kẻ “bại liệt” nữa. Thực vậy, tội
nguyên tổ đã khiến cho con người thành “bại liệt”, không còn khả năng đến được
với Thiên Chúa nữa. Hoặc nói theo lối diễn
tả thần học của thánh Phao-lô, tội nguyên tổ đã làm cho ta mất đi khả năng trở
nên công chính hay khả năng “đứng thẳng” trước mặt Thiên Chúa. Người bại liệt nằm trên một cái chõng và được
bốn người khiêng đến nơi Chúa đang giảng.
Họ tìm mọi cách để đưa người bại liệt đến gặp Chúa, dù phải dỡ cả mái
nhà để thả anh ta xuống trước mặt Chúa.
Thay vì truyền lệnh cho bệnh tật rút lui khỏi người bệnh, Chúa lại phán
rằng Người tha thứ tội lỗi cho anh ta. Tại
sao lại như vậy? Chắc chắn là Chúa
Giê-su muốn dành cơ hội này để chứng tỏ rằng:
“Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (Mc 2:10). Thiên Chúa xuống thế làm người và cư ngụ giữa
chúng ta là để cảm thông với thân phận khổ đau của nhân loại và để tha thứ tội
lỗi cũng như quên đi những lỗi phạm của loài người.
Ta thử nhìn vào hình ảnh người bại liệt để hiểu tình trạng
tội lỗi của con người. Bị bại liệt, người
ấy không thể làm điều gì, nhưng phải hoàn toàn trông nhờ vào người khác và nhờ
vào cả cái chõng người ta đặt anh nằm trên đó.
Sau khi anh được Chúa Giê-su chữa lành, hay nói đúng hơn, anh được Chúa
Giê-su tha thứ tội lỗi, anh đã tự làm chủ được mình và làm chủ được cả cái
chõng nữa. Đó là nhờ lời Chúa Giê-su nói
với anh: “Này con, tội con được tha rồi”
(Mc 2:5) hoặc “Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà” (Mc 2:11). Anh tự mình đứng dậy, rồi lại còn vác thêm
cái chõng, hiên ngang ra đi trước mặt mọi người. Thật là một hình ảnh đẹp, nhưng cũng là dấu
chỉ vô cùng sống động nói cho ta biết rằng Chúa Giê-su là Thiên Chúa nhân từ
luôn sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta.
Câu truyện giúp ta tin vào lòng nhân từ thương xót của
Thiên Chúa, nhưng cũng lại là dịp để ta tự vấn về lòng tin của ta. Một điều thánh Mác-cô ghi nhận trước khi Chúa
chữa lành người bại liệt, là “Đức Giê-su thấy họ có lòng tin như vậy”. Chúa nhân từ và sẵn sàng tha thứ, nhưng liệu
ta có lòng tin như những người khiêng người bại liệt đến với Chúa không. Tin Chúa nhân từ tha thứ không chỉ là tin điều
ấy là thật, mà phải sống điều mình tin.
Ta biết Chúa nhân từ tha thứ cho ta là vì Người yêu thương ta, nên nếu
muốn biểu lộ niềm tin ấy thì ta phải biết đáp lại tình yêu của Chúa, quyết tâm
xa lánh tội lỗi, để cho Chúa “mở một con đường giữa sa mạc” tâm hồn ta và “khơi
những dòng sông tại vùng đất khô cằn” của lòng ta (Is 43:19). Ta phải cố gắng sống làm sao để luôn luôn có
thể “đứng dậy, vác chõng cuộc đời mình mà đi về nhà Cha trên trời”.
4. Sống Lời Chúa
Lời Chúa hôm nay diễn tả một sinh hoạt khác của Thiên Chúa
đối với tình trạng tội lỗi của con người.
Thiên Chúa bao giờ cũng đầy lòng thương xót, muốn tha thứ tội lỗi cho
ta. Người còn nhắc nhở ta hãy quên đi
quá khứ tội lỗi, để sống lòng tin vào tình yêu của Người mà đứng lên, can đảm
gánh vác những đau khổ cuộc đời mình và trung thành tiến đến với Người. Chúa Giê-su là hình ảnh sống động nói lên
tình yêu vô điều kiện ấy của Thiên Chúa dành cho ta.
Suy nghĩ: Trước lời truyền dạy của Chúa Giê-su: “Ta truyền cho con: Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà” có ý nghĩa
gì đối với tôi? Tôi có vâng lời Người
hay cứ cố tình sống trong tình trạng “bại liệt” của tôi? Để thi hành lời Người, tôi phải làm những gì?
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mọi người
chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì là thiêng liêng cao thượng, và biết
dùng lời nói việc làm để thực thi những điều đẹp ý Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng
con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 7 Thường niên).
Lm. Đaminh Trần Đình
Nhi