CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Ngôi mộ của Chúa Phục Sinh

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 20:1-9)

          Cách đây ít tháng, những tên đạo tặc vô lương tâm đã đào một số mộ của những quan chức nhà Thanh bên Trung Hoa để kiếm vàng bạc.  Điều ghê tởm nhất, đó là chúng vất mấy xác ướp nằm chỏng chơ trên mặt đất.  Hình ảnh ngôi mộ bị phá, xác ướp vẫn còn hình tượng… đã là dấu vết nói lên sự hữu hạn của thời gian và con người.  Hai ngàn năm trước đây cũng có một ngôi mộ với tảng đá lấp cửa đã bị lăn ra khỏi mộ, xác trong mộ không còn, nhưng lại là chứng từ nói lên sự sống lại và sự sống vĩnh cửu.  Đó chính là ngôi mộ của Chúa Giê-su Phục Sinh.

          Bình thường ngôi mộ không có gì là quan trọng.  Tại Do-thái thời Chúa Giê-su, nó chỉ là một hốc đá được đục vào vách đồi núi để làm chỗ an nghỉ của người quá cố.  Nhưng quan trọng là người được lưu giữ ở trong đó.  Cũng may ngôi mộ Chúa Giê-su là ngôi mộ của một người bạn là ông Giô-xép A-ri-ma-thê.  Ông chuẩn bị cho ngày chết của mình, nhưng lại được diễm phúc nhường lại cho Chúa.  Chính ông cũng không ngờ mình lại được đóng góp vào kế hoạch của Thiên Chúa một cách đáng kể như vậy.  Ngôi mộ đáng lẽ của một con người bình thường nay trở thành ngôi mộ của Thiên Chúa làm người! 

          Tại ngôi mộ này, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và có lẽ một vài người khác nữa đã đến vào sáng sớm để thương khóc Chúa.  Vừa tới nơi và khi còn ở bên ngoài, bà “thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”, liền kết luận ngay là “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ”.  Có lẽ bà không hề nghĩ là Chúa đã sống lại.  Tiếp đến, ông Phê-rô và môn đệ được Chúa thương mến sau khi nghe bà Ma-ri-a Mác-đa-la kể lại cũng đã hối hả chạy đến mộ.  Vào bên trong, hai ông nhìn thấy những vết tích người quá cố để lại, như “băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su”.  Lại thêm một chi tiết rất quan trọng, là “Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi”.  Chắc chắn Chúa Phục Sinh đã sắp lại thứ tự như vậy đó!  Có thể chính nhờ chi tiết này mà “người môn đệ Đức Giê-su thương mến” đã khám phá được chân lý Chúa sống lại rồi.  “Ông đã thấy và đã tin”.  Ngôi mộ trống trở nên quan trọng vì nó không còn lưu giữ thân xác Chúa, nhưng giữ lại những dấu tích nói lên sự kiện Chúa đã sống lại từ kẻ chết.  Những gì ông Gio-an thấy đã giúp ông nhớ và “hiểu rằng:  theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Hơn một tháng trước đây, chúng tôi và một nhóm mười người trong chuyến hành hương đã được ân huệ dâng lễ hai lần trên chính ngôi mộ này, lần thứ nhất 6g sáng và lần thứ hai 5g sáng!  Chui qua một lỗ cửa vừa lọt cho một người, chúng tôi phải đứng sát nhau mới đủ chỗ.  Trong Thánh lễ tuy chỉ được phép cử hành trong vòng nửa tiếng đồng hồ, ai cũng cảm động sụt sùi, hết lòng cảm tạ Chúa.  Trong đời, chúng tôi chẳng dám mơ ước có cơ hội hiếm quý như thế này.  Không thể tưởng tượng nơi đây chứa đựng nền tảng của đức tin Ki-tô giáo!  Tin Mừng Gio-an khẳng định:  “Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.  Thánh Phao-lô đã lý giải về việc “phải trỗi dậy” này trong chương 15 thư 1 Cô-rin-tô.  Ngài đã đề cao tầm quan trọng của sự kiện Chúa Ki-tô phải trỗi dậy từ cõi chết bằng một quả quyết đanh thép:  “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (15:14).

          Sự sống lại của Chúa Giê-su không chỉ quan trọng vì là một sự kiện, nhưng là nền tảng cho hy vọng đích thực của chúng ta:  sự sống lại.  Sự Phục Sinh của Chúa làm cho “chúng ta sẽ được biến đổi”, để “cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (15:52,53).

          Nhưng đâu là phương thức để chúng ta tiếp tục sống Mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Ki-tô?  Thánh Phao-lô trả lời:  “Bởi vậy, anh em hãy kiên tâm bền chí và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng:  trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (15:58).  Vậy thế nào là “tham gia vào công việc của Chúa”?  Chúng ta hãy suy nghĩ và tự trả lời.                          

Lm. Đaminh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B