Chúa
Nhật Phục Sinh B
Ðấng Thiên Sai Ðến Như Một Nô Bộc
(Cv
10,34a.37-43; Co 3,1-4; Yn 20,1-9)
Phúc Âm: Ga 20, 1-9
"Người phải sống lại từ cõi chết".
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng
sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về
tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông
rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta
đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy,
nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy
những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng
tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che
đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để
riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và
ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải
sống lại từ cõi chết.
Suy Niệm:
Chúa Nhật Phục Sinh Năm B
Người Ðã Sống Lại Vì Ta
Cv 10,34a.37-43; Co 3,1-4; Yn 20,1-9
Suy niệm:
"Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi
chúng tôi:
Người đã từ trời xuống thế�
Người chịu đóng đinh vào Thập giá vì chúng tôi�
Ngày thứ ba,
Người sống lại như lời Thánh Kinh�".
Ðó là những điểm trọng yếu nhất của đức tin
Kitô giáo mà ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính tông truyền.
Nghĩa là:
vì ta, Người đã nhập thể,
vì ta, Người đã chịu chết,
vì ta, Người đã sống lại.
Nhưng mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, ta
phải hiểu làm sao? Mầu nhiệm đó ảnh hưởng trên đời ta thế nào?
1. Tranh Tối, Tranh Sáng, Quanh Một Biến Cố Ðịnh
Ðoạt
Các sự kiện xảy đến trong ngày thứ Sáu Tuần
Thánh đã tạo ra nơi các môn đệ một tâm trạng buồn thảm, chán ngán và hầu như
thất vọng. Cứ quan sát nét mặt ủ dột của hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,17)
và lắng nghe giọng nói trầm buồn của họ trong câu chuyện trao đổi với người
khách lạ mặt (Lc 24,19-24) thì người ta có thể thấy được nét thất vọng ê chề
của họ sau cái chết bi đát của vị tiên tri thành Nadarét mà họ đã từng ngưỡng
mộ; đồng thời đọc được vẻ hoang mang của họ trước câu chuyện mồ trống mà mấy
người phụ nữ và các môn đệ khác đã chứng kiến. Họ tự hỏi: Chẳng biết có nên tin
hay không? Và cuối cùng Ðức Yêsu đích thực là ai?
Sau ngày thứ Sáu Tuần Thánh, biết bao tín hữu ở
khắp nơi đã phải chạm trán với những vấn nạn tương tự như hai môn đệ trên đường
Emmau. Họ cũng mang một tâm trạng băn khoăn lưỡng lự như hai ông. Nhưng vấn đề
quyết định là: liệu họ có biết lắng tai và mở mắt để nhìn ra Người? Có mở lòng
để đón nhận Người qua lời Thánh Kinh và qua nghi lễ bẻ bánh? Có gắn bó và tin
tưởng vào Người như hai ông khi đối diện với Ðấng vô hình (Lc 24,27-32)? Nói
cách khác: liệu họ có tin vào Ðấng Phục sinh hay không? Họ có tin rằng vì Người
đã sống lại, nên họ cũng sẽ được sống lại như Người? Tất cả vấn đề là ở đó. Một
vấn đề căn bản mà thánh Phaolô đã thẳng thắn đặt ra cho cộng đoàn Kitô hữu tại
Côrintô (1C 15,12-34).
Về biến cố Phục sinh, các chứng tích duy nhất
ta có thể tra cứu đều nằm trong Tân Ước. Theo đó, khi được nghe loan báo về
cuộc Phục sinh, cũng như khi được tiếp xúc với chính Ðấng Phục sinh, ban đầu
các môn đệ đã có những phản ứng bán tín bán nghi (Lc 24,11.39-41), nửa mừng nửa
sợ (Mt 28,8; Mc 16,8), và phải nói: hoài nghi và hoảng sợ nhiều hơn là tin
tưởng và vui mừng. Tiêu biểu nhất cho thái độ hoài nghi ấy là tông đồ Tôma mà
tất cả chúng ta đều biết chuyện (Yn 20,24-29). Tựu trung, đó là một phản ứng
rất tự nhiên của con người, khi tiếp xúc với những gì là thiêng thánh hoặc
những thực tại thần linh. Mầu nhiệm Phục sinh là một trong những thực tại đó.
2. Phục Sinh: Một Bí Quyết Của Thiên Chúa
Ngay từ đầu, trong các bản tuyên tín kỳ cựu,
cộng đoàn Kitô hữu đã lần lượt kể liên tiếp nhau: việc Chúa Yêsu chịu chết trên
Thập giá, chịu táng xác trong mồ, và ngày thứ ba sống lại như Lời Thánh Kinh,
sau đó Người hiện ra với Phêrô, rồi với nhóm Mười Hai tông đồ... (1C 15,3-7).
Ðó là những sự kiện đã xảy ra trong không gian và thời gian. Tuy nhiên, trong
lúc đám tang Ðức Yêsu diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt nhiều người
gồm cả bạn lẫn thù, thì chính việc Phục sinh của Người lại là một bí mật� Không một người nào đã có mặt tại đó để xem sự
việc xảy ra làm sao, cũng giống như khi Thiên Chúa dựng nên muôn loài từ nguyên
thủy: thì lúc ấy cũng chẳng có ai đã đứng xem việc Người làm. Trong cả hai
trường hợp, ta đều đụng tới một bí quyết của Thiên Chúa. Cả hai trường hợp đều
là những hành động sáng tạo của Người hướng về nhân loại và lịch sử thế giới,
để lập nên một trật tự mới mẻ.
Các tài liệu Kinh Thánh liên quan tới biến cố
Phục sinh, tựu trung phản ảnh lại hai truyền thống: Truyền thống về ngôi mộ
trống và truyền thống về các cuộc hiện ra của Ðấng Phục sinh. Ngôi mộ trống là
một tang chứng vật chất, mà mọi người bấy giờ có thể kiểm chứng. Quả thật, theo
thánh sử Matthêu, toán lính canh mồ đã thấy mồ trống, đã gặp các phụ nữ đến
viếng mồ mà không còn thấy Chúa Yêsu nữa (Mt 28,2-15). Nhưng ngôi mộ trống ấy
không phải là một bằng cớ hiển nhiên và có giá trị minh chứng tuyệt đối cho
việc Phục sinh của Chúa Yêsu. Ngôi mộ trống tự nó có thể giải thích nhiều cách,
trong đó có cả giả thuyết cho rằng các môn đệ đã đến lấy trộm xác Người ban
đêm, như chính người Dothái đã tung ra, để khích bác cộng đoàn Kitô hữu (Mt
28,11-15). Chúng ta phải hiểu đúng ý nghĩa của hai truyền thống ấy. Ðó là những
truyền thống đức tin của cộng đoàn tiên khởi: cộng đoàn tuyên xưng đức tin
trong các buổi họp mừng phụng vụ và các giờ giảng dạy giáo lý.
Chính các tông đồ và những chứng nhân khác đã
chia sẻ cho cộng đoàn kinh nghiệm đức tin của mình, sau khi họ được gặp gỡ Ðấng
Phục sinh xuất hiện. Làm như thế các ông kêu mời và tạo điều kiện cho người
khác tới gặp gỡ Ðấng Phục sinh đang hiện diện trong cộng đoàn tín hữu, qua lời
Thánh Kinh và nghi thức bẻ bánh, mà cộng đoàn chia sẻ với nhau trong tình huynh
đệ. Việc Ðấng Phục sinh tự tỏ mình ra với những người đã được Thiên Chúa chọn
trước làm nhân chứng như thế (Cv 10,41) quả là một ân huệ do sáng kiến của
chính Người từ bên ngoài ban cho họ, chứ không phải là một hiện tượng tâm lý do
những mong chờ chủ quan tưởng tượng ra. Thực thế, sau ngày thứ Sáu Tuần Thánh,
các môn đệ của Ðức Yêsu không còn chờ mong về ước vọng gì nữa cả (Lc 24,21).
Thảm bại của Thập giá trên Núi Sọ đã làm cho họ hoàn toàn vỡ mộng và thất vọng
ê chề. Chính Ðức Yêsu và sự nghiệp của Người đáng lẽ ra cũng đã bị lịch sử chôn
vùi trong quên lãng, hay cùng lắm cũng chỉ được nhắc lại như một trong muôn vàn
sự việc thông thường khác, nếu sau ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Người không được
Thiên Chúa cho sống lại vinh hiển.
Quả thực, đã xảy ra một cái gì rất hệ trọng,
làm đảo ngược tình thế, tạo ra một hoàn cảnh mới cho thân thế và sự nghiệp Ðức
Yêsu, gây được niềm tin mới cho các môn đệ Người. Các bản văn Thánh Kinh ta đọc
trong mùa Phục sinh, chính là những lời tuyên xưng đức tin ấy, những bài công
bố Tin Mừng về những hành động ngược đời và bất ngờ của Thiên Chúa. Người ta
không thể coi đó như những biên bản của cảnh sát lấy khẩu cung cho tòa án, hay
những tài liệu thông thường để viết sử. Nếu là sử liệu, thì đó chính là chất
liệu để viết nên lịch sử cứu độ làm nguồn mạch diễn nghĩa và định hướng cho
lịch sử loài người. Lịch sử cứu độ bao hàm nhiều bí quyết của Thiên Chúa, trong
đó biến cố Phục sinh là bí quyết hệ trọng nhất, mà ta phải đọc với cặp mắt đức
tin, để khai triển ra các ý nghĩa bằng những suy tư thần học. Vậy mầu nhiệm
Phục sinh hàm chứa những ý nghĩa nào?
3. Người Ðã Sống Lại Vì Ta
Trước tiên, đối với bản thân Ðức Yêsu, Phục
sinh có nghĩa là trở lại nếp sống cũ, như Người đã sống cho đến ngày thứ Sáu
Tuần Thánh. Chính Người, lúc bình sinh, đã làm cho con gái ông Yairô (Mc
5,35-43), con trai bà góa thành Naim (Lc 7,11-17) và Lazarô, em trai của hai bà
Matta, Maria ở làng Bêthania, sống lại như thế. Họ đã
chết, nhưng đã được Người dùng lời nói toàn năng kêu gọi chỗi dậy và trả lại
cho nếp sống cũ. Sau đó, họ lại chết như mọi người. Cuộc Phục sinh của Ðức Yêsu
khác hẳn. Chính Thần Khi của Chúa Cha và sức mạnh vô biên của tình yêu Chúa Con
đối với Cha mình, khi Người tự nguyện chịu chết để tuân hành thánh ý Chúa Cha
và chuộc tội thế gian, đã làm cho thân xác Người từ cõi chết sống lại và đã tạo
nên một hoàn cảnh mới cho Người. Người đã vượt qua từ thân phận tôi đòi trong
kiếp sống trần thế đến thiên chức Chúa Tê, được siêu thăng để bá chủ muôn loài,
hầu làm rạng rỡ Chúa Cha (Ph 2,7-11). Thân xác Người chính là thân xác loài
người chúng ta được thần linh hóa, được nâng lên, được tái tạo. Phục sinh là
một cuộc tạo dựng mới nơi con người Ðức Yêsu và từ đó lan tràn sang chính chúng
ta và cả thế giới.
Hoàn cảnh mới có những định luật mới và đòi hỏi
những quan hệ mới. Ðức Kitô ngày Chúa nhật Phục sinh và Ðức Yêsu ngày thứ Sáu
Tuần Thánh vẫn là một. Thân xác còn mang thương tích tuy lành rồi đã giúp các
môn đệ nhận ra Người (Yn 20,27). Nhưng thân xác ấy đã được thần-trí-hóa, không
còn bị chi phối bởi các định luật vật lý thông thường nữa, nhưng từ nay được
thấm nhiễm Thần Khí tự do. Từ nay, phải tiếp xúc với Người một cách khác và mới
mẻ. Khi nghe Chúa gọi tên mình, Maria Mađalêna đã nhận ra Người, và thưa lại:
"Rabboni, lạy Thầy!" và muốn ôm chân Người mà hôn kính (Yn 20,16-17;
Mt 28,9). Nhưng Ðấng Phục sinh đã nói gì với nàng? - "Con đừng giữ Ta lại
cho con nữa, vì Ta chưa lên với Cha Ta; nhưng hãy đi đến với anh em Ta và nói
với họ: Này Ta lên với Cha Ta và cũng là Cha các con..." (Yn 20,17);
"... hãy đi loan báo cho các anh em Ta và bảo họ: hãy đến gặp Ta tại
Galilêa" (Mt 28,10). Qua mầu nhiệm Phục sinh, Người được siêu thăng lên
với Chúa Cha, nhưng Người cũng đi đến với các môn đệ. Thân xác Người đã được
thần-trí-hóa, nên có thể hiện diện một cách sâu xa mật thiết trong lòng mọi
người tín hữu và ở giữa mọi nhóm nhân danh Người họp nhau lại (Mt 18,20). Ngoài
ra, Người còn có thể hiện ra một cách phổ cập khắp mọi nơi, trong mọi thời với
Giáo Hội cho đến tận thế (Mt 28,20b). Từ nay ai muốn gặp Chúa Phục sinh thì
phải đến với anh em Người trong Giáo Hội, nhất là khi cộng đoàn tín hữu cử hành
bí tích và phụng vụ Lời Chúa. Và ai đã gặp Chúa nơi đó rồi, đều có sứ mạng loan
báo Tin Mừng Phục sinh cho anh em như Maria Mađalêna đã làm. "Tôi đã thấy
Chúa" (Yn 20,17-18), tôi đã được cảm nghiệm Người.
Người đã phục sinh để lên với Chúa Cha, nhưng
cũng là để ở gần với ta hơn trong thế giới này. Vì thế, Giáo Hội tuyên xưng
rằng: "Người đã sống lại vì ta", sau lời tuyên xưng: "Vì ta,
Người đã chịu chết; vì ta, Người đã nhập thể". Thật vậy, khi Con Thiên
Chúa mặc lấy xác phàm, thì mọi thực tại trần gian đã được liên kết mật thiết
với Thiên Chúa, để Người lôi kéo tất cả lên với Người. Ðức Kitô được siêu thăng
trong mầu nhiệm Phục sinh, là để siêu thăng nhân loại lên hàng con cái Thiên
Chúa. Chỉ sau khi Phục sinh, Người mới bắt đầu gọi các môn đệ là anh em mình
(Yn 20,17; Mt 28,10) theo một nghĩa sâu đậm và phong phú, vì từ đó, Người gọi
Thiên Chúa là Cha mình và Cha của các môn đệ cùng một trật. Thánh Phaolô và
thánh Yoan gọi Ðức Kitô Phục sinh là Trưởng tử mọi loài thọ sinh, là Anh Cả của
một đoàn em (Rm 8,29; 1C 15,20; Co 1,18; Kh 1,5); nghĩa là Người sống lại đầu
tiên như bông hoa đầu mùa nở giữa vườn nhân loại đang chờ ngày phục sinh. Người
là Thủ lãnh Giáo hội (Ep 1,22-23; Co 1,15-20) thì cũng trở thành nguyên lý làm
cho vạn vật được siêu thăng, đúng như lời đã nói: "Khi bị kéo lên khỏi mặt
đất, Ta sẽ lôi tất cả lên cùng Ta" (Yn 12,32). Với một trực giác thần học
sâu sắc, thánh Yoan cũng như thánh Phaolô đã hiểu rằng: chết và sống lại là hai
mặt của một mầu nhiệm duy nhất: mầu nhiệm Vượt qua, mầu nhiệm của Con Thiên
Chúa tự nguyện đi xuống đáy sâu của hư vô, khốn khổ và ô nhục, để từ đó vươn
lên đỉnh cao của vinh quang và sức sống thần linh (Ph 2,6-11). Bản tính thần
linh của Ðức Yêsu được biểu lộ ra trên thập giá (Yn 8,28), khi Người dùng cái
chết tự nguyện để minh chứng tình yêu tột độ đối với Chúa Cha và anh em loài
người. Thiên Chúa chính là tình yêu (1Yn 4,8-16), vì thế tình yêu mang tính chất
thần linh mà Ðức Kitô biểu lộ trên thập giá, không thể tàn lụi và trở thành hư
vô, nhưng chứa trong mình mầm mống vinh quang và sức sống vô tận, là những thực
tại đã bừng lên và trào ra trong biến cố Phục sinh. Vì thế, Phục sinh là trạng
thái Khải huyền xán lạn của Thập giá. Thập giá mà ta mang trong tâm hồn và bóng
nó bao trùm khắp vũ trụ, đang lập loè ánh lửa Phục sinh.
Ðức Kitô đã sống lại vì ta, để ở lại với ta
luôn mãi (Mt 28,20). Ðặc biệt tác động của Người quy hướng về Giáo hội. Những
lần xuất hiện giữa các môn đệ, Người muốn khơi dậy niềm tin nơi các ông. Ðấy là
một niềm tin mới mẻ. Từ ngày thứ Sáu Tuần Thánh, niềm tin của các ông như kẻ đã
chết: vì kẻ thì đã phản bội, người thì bỏ trốn đi, và tất cả đều thất vọng ê
chề (Lc 24,17-24). Những lần tiếp xúc đầu tiên với Ðấng Phục sinh hoặc những
khi được nghe nói về việc Người sống lại, các ông còn hoài nghi, sợ sệt và do
dự. Chính Ðấng Phục sinh đã tác động cách nhiệm mầu trên tâm hồn các ông, để
làm cho các ông tin vào Người. Ðó là đức tin Phục sinh, vì chẳng những lòng tin
của các ông được phục hồi và tái tạo, mà còn vì một lý do hệ trọng khác: từ nay
đối tượng và nội dung của đức tin Kitô hữu chính là mầu nhiệm Phục sinh. Vì
Thiên Chúa mà người Cựu Ước tin nhận là Cha của Ðức Yêsu Kitô, đã làm cho Người
sống lại từ cõi chết nhờ năng lực Thánh Thần (Rm 4,24; 6,4; 8,11; Co 2,12; 1P
1,21). Qua biến cố Phục sinh, Ðức Yêsu thành Nadarét mà dân chúng cũng như các
môn đệ ngưỡng mộ như một vị tiên tri có uy tín (Lc 24,24) nay lại xuất hiện
biểu dương trước mắt trần gian như Con Thiên Chúa, như Chúa Tể và như Ðấng
Thiên Sai Cứu thế mang bản chất thần linh (Rm 1,3-4; Cv 2,32-36). Người là
trung tâm điểm của lịch sử, là tột đỉnh của mạc khải (Hr 1,2), là nguồn phát
xuất ơn cứu độ nhân trần. Trong Kinh Tin Kính tông truyền, mầu nhiệm Phục sinh
sẽ là hệ điểm chủ yếu cho các tín điều khác.
Chúa Kitô Phục sinh đã gây dựng đức tin cho các
tông đồ, thì chính Người cũng sẽ tiếp tục khơi động lên niềm tin mới, niềm tin
Phục sinh trong lòng những kẻ nghe các ông rao giảng về Người, vì đức tin bắt
nguồn và chớm nở từ chỗ nghe dân chúng nói về Ðấng Phục sinh (Rm 10,17). Do đó,
mọi người hôm nay được ban cho ơn đức tin qua trung gian của Giáo hội tông
truyền. Ðấng Phục sinh đã sáng tạo ra Giáo hội, thì cũng chính Người nuôi dưỡng
Giáo hội bằng Lời Người và Thánh Thể, là "bí tích đức tin" tuyệt hảo.
4. Sống Niềm Tin Phục Sinh Hôm Nay
Ðức tin và đời sống Kitô hữu bắt nguồn từ biến
cố Phục sinh. Biến cố ấy đã làm xuất hiện một mẫu người mới trong những tương
quan mới với Thiên Chúa và anh em đồng loại. Quả thật, đây là một cuộc tái tạo
nơi con người Ðức Yêsu và từ đó lan tràn sang chúng ta và cả thế giới. Thánh
Phaolô viết: "Anh em đã chết, và đời sống mới của anh em gắn liền với Ðức
Kitô và được bao bọc bởi mầu nhiệm Thiên Chúa (Co 3,3). "Anh em đã được
thanh tẩy trong Ðức Kitô, nghĩa là chịu mai táng với Người qua nghi thức tượng
trưng dìm anh em trong cái chết, để từ đó anh em nhô đầu vươn lên nếp sống mới,
tương tự như Ðức Kitô đã được quyền năng của Chúa Cha làm cho sống lại"
(Rm 6,4). Quả thật, chúng ta đã được Chúa Cha tái sinh trong Nước Rửa tội, được
ơn Chúa Thánh Thần thêm sức củng cố, và được Lời và Mình, Mát Chúa Yêsu nuôi
dưỡng. Chúng ta đang hiệp thông với nhau trong Giáo hội như một dấu chỉ giữa
thế giới loài người.
Ðối với ta, sống niềm tin Phục sinh hôm nay, có
nghĩa là để cho Thiên Chúa tiếp tục làm những điều bất ngờ và mới mẻ. Các môn
đệ ngày xưa đâu có ngờ rằng Thiên Chúa sẽ làm cho Ðức Yêsu sống lại sau ngày
thứ Sáu Tuần Thánh.
Có những lúc ta gặp thất bại và tủi nhục đến
muốn chết, có những lúc ta bị dồn vào bước đường cùng không thể làm gì được nữa� nếu lúc đó, ta ngước mắt nhìn lên Thập giá
Chúa Kitô và nhớ lại rằng: từ cơn thảm hại ấy, Thiên Chúa đã làm phát sinh ra
sự sống mới và niềm hy vọng mới..., thì chính lúc đó ánh sáng Phục sinh sẽ len
lỏi vào cõi lòng trống rỗng và cô quạnh của ta. Ta tưởng như đã hết rồi, nhưng
thực sự, bên kia bờ giới hạn của ta, còn có Thiên Chúa, còn có tất cả. Người là
Ðấng có khả năng hoàn sinh kẻ chết và gọi cái có từ cõi không (Rm 4,17). Chính
lúc đó, tia sáng Phục sinh làm nổi dậy trong lòng ta niềm hy vọng, khi ta không
còn gì để hy vọng nữa (Rm 4,18). Ðó là một hy vọng hoàn toàn mới mẻ, một niềm
tin Phục sinh từ cõi lòng héo khô tuyệt vọng.
Có những lúc ta bị kềm kẹp trong tội lỗi và
thói hư tật xấu, ta đã chết trong tâm hồn. Nhưng, khi ta quyết tâm đứng dậy, để
vươn tới một đời sống thanh cao, thánh thiện hơn, thì chính lúc đó mầu nhiệm
Phục sinh đang tái diễn trong ta. Tâm tình thống hối ăn năn là một ơn Phục
sinh, làm cho ta sống lại trong ân sủng và thanh luyện tâm hồn ta cho sạch mọi
vết nhơ.
Có những lúc ta bị vu oan, giáng họa, và bị đối
xử tàn tệ; ta bị ghét, nhưng không ghét lại kẻ thù ta. Những lúc ấy, ta đang
sống tinh thần Phục sinh, vì ta chứng minh cho mọi người thấy rằng: tình yêu
mạnh hơn hận thù, tình yêu mạnh hơn cái chết, giống như Chúa Kitô đã yêu thương
tột độ đến chịu chết và còn tha cho kẻ giết mình, nên được Thiên Chúa làm cho
sống lại vinh hiển.
Có những lúc ta đối diện với những kẻ tội lỗi
hoặc không cùng chia sẻ một niềm tin..., ta tưởng như họ hoàn toàn hư hỏng,
hoàn toàn xa lạ. Nếu ta nghĩ được rằng: họ cũng là anh em, họ có thể thay đổi,
-thế nào và lúc nào, ta không biết, vì Thiên Chúa hành động bất ngờ- thì lúc
đó, ta đang sống niềm tin Phục sinh, tuyên xưng rằng Thiên Chúa có khả năng
hoàn sinh kẻ đã chết - chết trong thể xác hay chết trong tâm hồn.
Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô cũng đã mạc
khải cho ta bản chất sâu xa của con người, gồm cả cái nhục lẫn cái vinh, cả sự
thấp hèn lẫn điều cao trọng. Con người mang trong mình một hình ảnh thần linh,
nhưng lại không có khả năng sống tương xứng với hình ảnh ấy, ta phải nhìn nhận
sự bất lực đó, để khỏi kiêu căng vô lối, đồng thời ý thức về định hướng cao cả
của đời mình để không bao giờ thất vọng. Biến cố Phục sinh đã chứng tỏ cho ta:
yếu tố thần linh có thể thắng và biến cái bất lực thành sức mạnh vô song.
Bởi đó, niềm tin Phục sinh đem lại cho ta một cái
nhìn lạc quan, một thái độ sống phấn khởi và hòa đồng, vì Chúa Kitô đã sống
lại, đã toàn thắng tội lỗi để ban hòa giải cho mọi người.
Giảng Lễ
Làm thế nào để tất cả chúng ta ý thức được tầm
mức quan trọng của việc Chúa sống lại, đó là mục đích của Phụng vụ hôm nay và
của mùa Phục sinh này. Không ý thức được tầm quan trọng đó, chúng ta sẽ không
tha thiết với việc kết hợp cùng Ðức Kitô Phục sinh. Và không kết hợp với Người,
chúng ta không có đời sống mới; cuộc đời của ta sẽ hoàn toàn vô ích về phương
diện tôn giáo. Chính thánh Phaolô đã viết: nếu Ðức Kitô đã không sống lại, đức
tin của anh em trở thành hão huyền và chúng ta thật là những người dại dột
nhất. Nói cách khác: vì đạo của chúng ta xây trên nền tảng niềm tin Chúa sống
lại, nên chúng ta phải chắc chắn về niềm tin này mới hy vọng xây dựng được một
đời sống đạo đức vững vàng. Vậy chúng ta hãy theo Phụng vụ của Giáo hội để thêm
ý thức về niềm tin ở việc Chúa Phục sinh.
Trước hết, Phụng vụ lần lượt trích dẫn các đoạn
văn Kinh Thánh nói về việc Chúa sống lại. Ba bài đọc hôm nay đều nói về việc
đó. Bài Phúc Âm trình bày việc Chúa Phục sinh là một biến cố rõ ràng nhưng quá
bất ngờ đối với tất cả mọi người, đặc biệt đối với những người tin Chúa. Chúa
đã khẳng định cách công khai và không úp mở cho biết Người sẽ bị nộp, bị đánh,
bị treo trên Thập giá, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Nhưng Phêrô chỉ để ý đến
đoạn đầu. Ông khăng khăng xin Chúa đừng làm như vậy, đừng để mình bị bắt. Ông
không để ý đến câu cuối nói rằng ngày thứ Ba Người sẽ sống lại. Các tông đồ khác
cũng chẳng để ý hơn. Họ có nghe nói, nhưng không tin. Nói đúng hơn, họ không
muốn tin. Nên vừa thấy Chúa bị bắt, họ đã bỏ Chúa, chối Chúa, muốn trở về làng
cũ, chấm dứt lý tưởng theo Chúa. Ít nhất, họ cũng đã rút lui vào nhà, đóng kín
cửa, không dám ló mặt ra. Họ chỉ nhớ Ðức Kitô chịu chết: người Dothái có thể
sắp bắt đến họ. Lời Chúa nói rằng Người sẽ Phục sinh không còn ở trong đầu óc
họ một tí nào nữa. Phúc Âm hôm nay nói rõ: các ông chưa hiểu rằng Người phải
sống lại từ cõi chết.
Kẻ thù của Chúa cẩn thận hơn. Họ nhớ như vậy
nên xin Philatô cho đặt lính gác mồ. Họ tưởng rằng có thể ngăn chặn không cho
Chúa phục sinh. Nhưng Chúa đã làm việc thật kỳ diệu trước mắt thiên hạ, cả
những kẻ tin cũng như không tin Người. Người làm việc thật ngoạn mục để ai tin thì
được thấm thía tình Người yêu thương họ và để ai không tin phải bàng hoàng
khiếp sợ.
Việc Chúa phục sinh vì thế không phải là chuyện
mấy tông đồ bịa đặt ra. Họ không còn đầu óc để nhớ lại Lời Chúa nói trước, thì
làm sao có được trí tưởng tượng xếp đặt khéo léo câu chuyện sống lại. Cả Phêrô,
cả Yoan đã nhận được tin Thầy sống lại. Họ được Mađalêna báo cho biết xác Thầy
không còn ở trong mồ nữa. Hai ông đã ra đi, người đi chậm, người chạy nhanh.
Nhưng cả hai đều đã quan sát rõ ràng và tỉ mỉ; các khăn liệm còn đó, nhưng Chúa
thì ở đâu? Phải đợi khi nhận được nhiều bằng chứng khác, thêm vào bằng chứng mồ
trống, và nhất là, như lời Phêrô nói hôm nay, khi được Chúa sống lại hiện ra
trò chuyện, ăn uống, dạy dỗ thêm cho mình, và môn đệ mới thật sự tin Chúa sống lại.
Như vậy, niềm tin của các tông đồ không những đã căn cứ vào Lời Chúa báo trước,
nhưng nhất là vào các sự kiện và bằng chứng rõ ràng của nhiều người và của
nhiều nhóm người khác nhau. Ðức tin đó sáng suốt vững vàng đến nỗi có thể nói
tất cả đã bằng lòng chịu chết để làm chứng Chúa đã sống lại.
Chúng ta không đặt nặng vấn đề này. Tin Chúa từ
bé, chúng ta thuộc lòng Kinh Tin Kính và năm nào cũng mừng lễ Phục sinh; nên
chẳng bao giờ đặt vấn đề Chúa sống lại. Hôm nay có nhắc lại sự kiện lịch sử ấy,
chẳng qua là để như lời thánh Phêrô nói, sẵn sàng có thể trả lời cho người khác
về niềm tin của mình. Ðối với chúng ta, công việc quan trọng hơn là tìm ra liên
lạc giữa việc Chúa sống lại và đời sống đạo đức của ta. Thánh Phaolô trong bài
thư hôm nay cho ta một ý tưởng có thể trở thành ánh sáng, giúp ta suy niệm
thích hợp. Người viết: sự sống của chúng ta ẩn giấu với Ðức Kitô ở trong Thiên
Chúa.
Ta biết Ðức Kitô đã sống lại. Người đang sống
trong Thiên Chúa. Và Ðức Kitô vừa là người vừa là Chúa. Nơi Người có cả bản
tính Thiên Chúa lẫn bản tính loài người. Người là Ngôi Hai nhập thể để là người
ở giữa chúng ta. Hơn nữa, Người đã mang lấy tất cả tội lỗi của loài người vào
thân mình để đem theo lên cây Thánh giá; Người chịu đóng đinh thân thể và chết
đi như vậy, là để tiêu diệt bản tính tội lỗi loài người của ta, để khi sống
lại, Người đổi mới bản tính ấy để bây giờ nó được ở nơi vinh hiển phục sinh.
Khi thánh Phaolô viết: chúng ta bây giờ được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên
Chúa, là có ý nói đến điều ấy. Thánh nhân muốn chúng ta hiểu rằng Ðức Kitô Phục
sinh đã mang theo bản tính loài người lên ở với mình trong Thiên Chúa. Và như
vậy, ai kết hợp với thân thể Ðức Kitô, thì cũng được ở với Người trong Thiên
Chúa. Ðó là điểm then chốt, độc đáo của đạo ta. Kitô giáo không phải là tôn
giáo ở đó mỗi người trực tiếp giao thiệp với Thiên Chúa mà thôi; nhưng còn là
đạo để ai nấy có thể kết hợp với Ðức Kitô, hầu ở trong Ðức Kitô người ta mới
gặp được Thiên Chúa, giao thiệp được với Người và làm đẹp lòng Người. Mà Ðức
Kitô làm sao để mọi người mọi thời có thể kết hợp được với mình, nếu thân thể
Người vẫn chỉ là một thân thể sống ở một nơi và trong một thời? Không ai có thể
ở trong người nào, khi hai người đang còn sống trong xác thịt. Nhưng bây giờ
thân xác Ðức Kitô đã phục sinh, đã trở thành thân thể mầu nhiệm, nên bây giờ ta
đã có thể ở trong Người bằng tinh thần, chờ ngày được ở trong Người bằng cả xác
thịt sống lại nữa.
Mầu nhiệm Phục sinh vì thế là nền tảng của đạo
mới. Thân thể Chúa Phục sinh là đền thờ mới, dựng nên sau ba ngày đền thờ cũ đã
bị phá hủy. Chính Ðức Kitô đã tuyên bố khi Người đuổi phường buôn bán ra khỏi
đền thờ Yêrusalem. Người khẳng định: sau ngày Người sống lại, chẳng đền thờ
bằng gạch, bằng đá, bằng sắt nào có giá trị nữa. Ai muốn thờ phượng Thiên Chúa
Cha, phải ẩn náu ở trong thân thể phục sinh của Người, là đền thờ đạo mới. Và
như vậy thật phải, vì chúng ta có thể nào đẹp lòng Thiên Chúa được, nếu không ở
trong Con Người phục sinh của Ðức Kitô? Vì chỉ ở nơi đó mới có ơn tha tội và
cứu độ. Ðồng thời, thân xác phục sinh của Ðức Kitô bảo đảm cho sự sống lại của
thân xác chúng ta sau này, nếu ngay bây giờ ta đã bắt đầu sống kết hợp với Chúa
Phục sinh.
Vấn đề phải đặt ra trước mắt là phải làm thế
nào để kết hợp được với Ðức Kitô phục sinh, để hiện tại đời sống đạo của ta có
giá trị trước mặt Chúa và để sau này thân xác chúng ta cũng được phục sinh? Chỉ
có một cách là biết vượt qua như Ðức Kitô, là tham dự vào mầu nhiệm vượt qua
của Người. Mà vượt qua có nghĩa là chế ngự xác thịt, tội lỗi và thế gian để
vươn lên cùng Thiên Chúa. Lễ Phục sinh là lễ Vượt qua mới. Người dự lễ Phục
sinh phải chấm dứt đời sống lầm than, tội lỗi và bắt đầu cuộc đời mới chân
thành và thánh thiện. Chúng ta xem gương các môn đệ: sau khi tin Thầy đã sống
lại, họ đã thay đổi như thế nào, để trở thành những con người xây dựng một nếp
sống mới và một thế giới mới. Dĩ nhiên, họ đã phải chờ Thần Trí của Chúa Phục
sinh nhập vào mình để trở nên những con người mới như vậy. Chúng ta cũng sẽ
nhận được Thánh Thể ban Thần Trí của Ðức Kitô Phục sinh.
Vậy hôm nay và từ nay chúng ta hãy đem tinh
thần và cảm nghĩ mới vào tất cả đời sống, để đổi mới đời ta, đổi mới xã hội
bằng tinh thần của Ðức Kitô Phục sinh. Như vậy lễ Phục sinh hằng năm phải như
là lễ Phục sinh của các tông đồ ngày trước: hay tin Chúa sống lại các môn đệ đã
nhớ lại Lời Người và gương Người đã sống để dần dần thay đổi tất cả tâm tư, nếp
sống và xã hội của mình. Ước gì hôm nay chúng ta cũng lãnh nhận được ơn Phục
sinh mạnh mẽ như vậy!
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)