ĐỨC TIN CỦA TÔMA

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, năm B

Ga 20,19-31

 

Thường mỗi lần đọc câu chuyện của thánh Tôma khi sống trong những ngày Phục Sinh, chúng ta vẫn có nhiều phản ứng khác nhau. Kẻ chê thì cho là Tôma yếu đức tin, Tôma nhát đảm không mạnh mẽ đủ để làm chứng cho Thầy mình. Kẻ khen thì cho là thánh Tôma thực tế, dân dã, nghĩ sao nói vậy, tin phải có kiểm chứng chứ đâu cứ nhắm mắt mà tin bừa đâu.câu chuyện của Tôma sẽ cho chúng ta hiểu thế nào là đức tin ? Thế nào là tuyên xưng nơi Đức Kitô.

 

Tin Mừng về Đức Giêsu Phục Sinh luôn dựa trên những chứng nhân, dựa trên những điều mà những người phụ nữ và những tông đồ đã thấy, đã nghe và đã gặp để rồi họ loan truyền cho những người khác về những điều họ đã cảm nghiệm, đã thấy, và đã nghe. Chính đức tin của những người phụ nữ, của các tông đồ đã làm thay đổi cục diện lịch sử nhân loại.Bởi vì, không một lời giải thích nào có thể cho chúng ta thấy họ đã biến đổi như thế, ngoại trừ chính họ giải thích :họ đã thấy Đức Giêsu hiện còn sống.Đức Kitô phục sinh đang hiện diện và Ngài nói :” Bình an cho các con “. Chúa Giêsu đang tiếp tục nói với chúng ta, nói với nhân loại :” Ta là sự sống lại và là sự sống “.Đây là lời Đức Giêsu đã nói với cô Matta để củng cố đức tin cho cô, bởi vì chính quyền năng của Ngài có thể phục sinh em trai của cô là Lagiarô đã chết chôn bốn ngày trong mộ. Tuy nhiên, chính vào buổi chiều Phục Sinh, Chúa Giêsu nói :” Hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì tội kẻ đó được tha,các con cầm tội ai thì tội kẻ đó bị cầm lại “.

 

Những người phụ nữ và các môn đệ đã theo chân Chúa từ ba năm nay, dù họ không có học thức bao nhiêu, chắc chắn họ đã không dám làm chứng gian, chứng láo bởi vì thế nào trong bọn họ cũng có người sẽ phải nói ra sự thật vì sẽ không chịu nổi sự bách hại và chết chóc. Vâng, họ đã làm chứng thật, lời chứng của họ về Đức Giêsu Kitô Phục Sinh không bị lay chuyển chút nào cả. Các môn đệ và những người phụ nữ như bà Maria Mađalêna, và những bà Maria khác đều cảm nghiệm sâu xa về Đấng Phục Sinh. Sự biến đổi không thể nào giải thích được nơi các môn đệ về Chúa Phục Sinh khiến cho nhiều người nói rằng chính lý trí cũng minh chứng Đức Giêsu Kitô đã Phục Sinh.


Thánh Tôma đã muốn Chúa Phục Sinh minh chứng Ngài đã sống lại. Chúa Phục Sinh đã nói với Tôma :’ Hãy xỏ tay vào cạnh sườn Ngài và hãy thọc ngón tay vào lỗ đinh trên tay bị đóng đinh của Chúa Giêsu “. Tôma không dám làm điều đó dù rằng ttước khi gặp Chúa Phục Sinh, Ông đã cương quyết làm việc đó. Chúa Phục Sinh nói :” Phúc cho ai không thấy mà tin “ ( Ga 20, 28 ). Ngày nay chúng ta, những Kitô hữu không thấy Chúa Phục Sinh như các tông đồ, như các người phụ nữ xưa, nhưng họ vẫn tin Chúa Phục Sinh nhờ đức tin. Người Kitô hữu không thấy Chúa bằng xương bằng thịt, bằng giác quan nhưng bằng trái tim nhạy cảm của mình. Cha Michel Quoist viết thế này :” Tin Chúa, không phải là hướng mắt về Người để chiêm ngưỡng, nhưng đồng thời cũng là nhìn vào trần gian với ánh mắt của Đức Kitô “. Người Kitô hữu có thể dùng tặng phẩm tuyệt vời Chúa ban là lý trí để xác quyết điều Kinh Thánh đã truyền dạy. Rồi, người Kitô hữu cũng có thể quì gối xuống như thánh Tôma đã làm và thưa với Chúa Phục Sinh :” Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con “. Và chắc chắn Chúa Phục Sinh sẽ đáp lại :” Phúc cho những ai không thấy mà tin “.

 

Henry Fable, nhà sinh vật người Pháp sau bao nhiêu năm nghiên cứu khoa học, khảo sát và suy tư đã phải thốt lên :’ …Tôi đã trông thấy Chúa “.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con nhận ra Chúa đang hiện diện sống động trong cuộc đời chúng con và trong những người anh em mà chúng con gặp. Amen.

 

 

 

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

 

 

1.Các môn đệ có tin Chúa Phục Sinh ngay không ?

2.Tại sao Gioan vào mồ, Ông đã thấy sự việc và Ông đã tin ?

3.Rabboni nghĩa là gì ?

4.Lý trí có thể giúp chúng ta nhận ra Chúa Phục Sinh hay không ?

5.Ai đã giúp các tông đồ nhận ra Chúa Phục Sinh ?

6.Phúc cho những ai không thấy mà tin nghĩa là làm sao ?


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B