Chúa Nhật 2 Phục Sinh Năm B
Hội Thánh Của Chúa Sống Lại
(Cv 4,32-37; 1Yn 5,1-6; Yn 20,19-31)
Phúc Âm: Yn 20, 19-31
"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những
cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến,
đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều
đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng
vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các
con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi
hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội
ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm
lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không
cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông
rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia
rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc
ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi
không tin".
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà
và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến
đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma:
"Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra
và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng:
"Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông:
"Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không
thấy mà tin".
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt
các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi
chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em
tin mà được sống nhờ danh Người.
Suy Niệm:
Chúa Nhật 2 Phục Sinh Năm B
Cv 4,32-37; 1Yn 5,1-6; Yn 20,19-31
Sau khi sống lại, Chúa Yêsu, Chúa Yêsu không
còn hiện diện hữu hình ở trần gian nữa. Người còn hiện ra nhiều lần cho môn đệ
xem thấy mà tin. Nhưng đó chỉ là những lúc họa hiếm và mau qua. Từ nay cách
thức hiện diện thường xuyên của Người với chúng ta là Thánh Thể và Hội Thánh.
Ðó là hai bí tích hiểu theo nghĩa rộng để Người ở với chúng ta hằng ngày. Hội
Thánh được gọi là Thân Thể của Chúa Kitô và Thánh Thể chính là thịt máu Người.
Thế nên sau lễ Phục sinh, Phụng vụ kéo mắt chúng ta nhìn vào Hội Thánh, nơi
chúng ta có thể gặp gỡ Chúa để hiểu biết, yêu mến, bắt chước Người nhiều hơn.
Và cũng trong Hội Thánh, chúng ta được tiếp xúc với Thánh Thể để nhận lấy sức
sống Chúa muốn ban cho chúng ta. Như vậy, suy nghĩ về Hội Thánh phải là thao
thức của chúng ta trong mùa Phục sinh này. Và người ta có thể suy nghĩ từ ngoài
đi vào hoặc từ trong đi ra. Hôm nay chúng ta hãy theo thứ tự các bài đọc Kinh
Thánh trong Thánh lễ để tìm hiểu Hội Thánh từ ngoài vào trong, từ hiện tượng
khả giác vào tới mầu nhiệm thâm sâu. Và chúng ta sẽ thấy giáo xứ và giáo phận
chúng ta còn thiếu sót nhiều quá để xứng đáng là Hội Thánh của Chúa Kitô Phục
sinh.
1. Một Hội Thánh Sống Xã Hội
Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay họa lại cho
chúng ta một hình ảnh về Hội Thánh thời các tông đồ ở Yêrusalem. Ðây chỉ là một
trong mấy bức họa hiếm hoi về Hội Thánh ấy. Còn 2, 3 bức họa nữa cũng ở trong
sách Công vụ Tông đồ này. Và nếu được phép căn cứ vào câu đầu tiên của sách này
mô tả đời sống của Hội Thánh ở thời bấy giờ: chuyên cần với giáo huấn của các
tông đồ, sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện (2,42) thì bức họa của đoạn
sách Công vụ hôm nay là bức họa thứ hai, nói về sự hiệp thông của cộng đoàn dân
Chúa.
Quả vậy, chính câu đầu tiên đã nói lên chủ đề:
" Ðoàn lũ những kẻ tin chỉ có một tấm lòng, một linh hồn". Ðể mô tả
sự hiệp thông thắm thiết giữa mọi người giữa mọi người nên một ấy, đoạn sách
hôm nay nói rằng: "Không một người nào nói là mình có của gì riêng, nhưng
đối với họ mọi sự đều là của chung".
Nhiều người đã vịn vào câu văn này để khẳng
định Hội Thánh thời bấy giờ thi hành điều mà bây giờ thi hành điều mà bây giờ
người ta gọi là "cộng sản", và Hội Thánh đã cộng sản trước cộng sản.
Thiết tưởng không nên có những lời nói như vậy vì những lời nói thế chẳng đẹp
lòng ai cả và chỉ tỏ ra đọc sách Công vụ rất hời hợt.
Hôm nay chúng ta cứ thử về nhà đọc lại đoạn
sách này. Thánh Luca không cho chúng ta nhiều yếu tố để quả quyết gì về tổ chức
xã hội của cộng đoàn dân Chúa thời bấy giờ. Người chỉ cho chúng ta một cái nhìn
đạo đức về thái độ của các tín hữu đối với nhau. Nếu được phép tưởng tượng thì
chúng ta có thể nghĩ rằng: thời ấy tín hữu của Chúa sống như mọi người về mặt
xã hội kinh tế. Họ không hề có ý tưởng làm thành "một quốc gia ở trong một
quốc gia", nghĩa là tổ chức với nhau một hệ thống sản xuất hay kinh tế
riêng biệt. Họ chỉ khác đồng bào chung quanh ở chỗ là tin Chúa. Và vì chưa biết
Chúa đủ, nên họ chuyên cần đến nghe lời của các Tông đồ trong các buổi họp
chung. Ở đó họ được dẫn giải thêm về đạo lý, được cầu nguyện chung, được bẻ
bánh chung, khiến họ được mật thiết kết hợp với Chúa và cùng Người làm nên một
thân thể. Rồi chính khi ấy họ đã nhận ra mình là chi thể của nhau, là anh em
con một Cha, một Chúa. Thế là một đức tin, một Thánh Thể để kết họ nên một với
nhau trong tình mến. Họ thấy không được phép để cho ai trong anh em thiếu thốn
nữa, nếu đang khi ấy họ có nhiều của cải hơn. Thế là như Barnaba, họ đem bán
của riêng, đem huê lợi đến cho các tông đồ để chia sẻ cho anh em tùy theo nhu
cầu.
Tất cả như vậy đã xảy ra từ một động lực bên
trong. Việc hiệp thông với Chúa đã dẫn sang ý thức phải hiệp thông với nhau; và
không thể hiệp thông chân thật với anh em khi có của mà để anh em túng thiếu.
Ðó hoàn toàn là đạo đức chứ không phải cộng sản gì! Nhưng là đạo đức chân thật,
biết và dám thi hành những đòi hỏi của niềm tin và lòng mến. Kẻ không đạo đức
được như vậy cũng không thể có những hành động như thế.
Sách Công vụ ngay sau đoạn văn hôm nay đã kể
chuyện vợ chồng Ananya và Saphyra. Hai người cùng bàn nhau đem bán một thửa đất
riêng, rồi đem một phần tiền đến nói với thánh Phêrô: đó là tất cả số tiền bán
được. Họ tưởng lừa được Phêrô. Nhưng họ quên Thánh Thần bấy giờ ở với Phêrô một
cách rất đặc biệt. Phêrô bảo hai người: cớ sao đồng tình và đồng lõa ăn gian
nói dối? Ai bắt phải bán đất đi? Và ai buộc phải đem lại tất cả số tiền?
Rồi câu chuyện thế nào, mọi người đã rõ. Ở đây
chúng ta chỉ cần lưu ý: mấy lời của Phêrô làm cho chúng ta hiểu việc các tín
hữu buổi đầu "không nói là mình có của gì riêng, nhưng đối với họ mọi sự
đều là của chung". Ý nghĩa như thế nào? Ðó là một sự tự nguyện, phát xuất
từ tinh thần hiệp thông xây trên một niềm tin chung; chứ không phải là một tổ
chức xã hội có tính cách hành chánh.
Sự tự nguyện này vẫn còn tồn tại trong Hội
Thánh ở nơi các cộng đoàn tu sĩ... Nó còn là đòi hỏi của Tin Mừng mà nhiều khi
chúng ta không dám nghĩ tới. Vẫn biết hoàn cảnh đã thay đổi; xã hội đã biến
chuyển; con cái Chúa không bao giờ "làm thành một Nước ở trong một
Nước" để có nếp sống xã hội riêng; nhưng đang khi sống tốt thể chế xã hội
của Nước mình, họ luôn phải nhớ đòi hỏi của Tin Mừng buộc họ phải sống hiệp
thông với anh em. Và như vậy họ không được để anh em túng thiếu khi họ đang có
của. Ðó là ý nghĩa cụ thể của đạo Bác ái. Và đó cũng là một trong những lý do
của việc dâng tiền trong thánh lễ. Cử chỉ này không thể nào không gợi lên nếp
sống hiệp thông chia sẻ mà bài sách Công vụ hôm nay nói về Hội Thánh thời các
Tông đồ.
Thiết tưởng, lương tâm chúng ta còn bị chất vấn
nhiều về vấn đề này. Nhưng nếu chúng ta muốn có thiện chí làm tốt hơn thì chúng
ta phải đào sâu đức tin hơn, vì như đã nói, nếp sống hiệp thông kia đã phát
xuất từ niềm tin mới mẻ. Bài thư Yoan có nhiều yếu tố quý báu giúp chúng ta làm
công việc này.
2. Một Hội Thánh Sống Ðức Tin
Chúng ta có thể nghĩ đoạn thư này rời rạc và
thiếu chặt chẽ. Nhưng nếu nắm được ý của thánh Yoan, chúng ta sẽ thấy đây là
những tư tưởng rất quan trọng. Người muốn nói với những kẻ có đức tin để xác
định niềm tin của họ phải như thế nào và có những hệ luận nào trong đời sống cụ
thể.
Sánh với bài sách Công vụ trên đây, chúng ta có
thể nói thánh Yoan đã đi từ trong ra đến ngoài đang khi thánh Luca đi từ ngoài
vào trong. Tác giả sách Công vụ mô tả nếp sống xã hội của cộng đoàn dân Chúa;
còn tác giả bài thư tìm hiểu động lực của nếp sống này.
Ðó là niềm tin mới, chưa gặp thấy nơi một xã
hội loài người nào. Người tín hữu khác mọi người ở chỗ tin Yêsu là Ðức Kitô.
Muốn thấy tính cách mới mẻ của niềm tin này, chúng ta phải trở về thời các tông
đồ, hay phải nhìn sang lương dân. Ngoài các tín hữu ra, ai có thể có một ý
tưởng như thế? Tin Yêsu là Ðức Kitô có nghĩa là tin Thiên Chúa đã thi hành kế
hoạch cứu nhân độ thế của Người nơi con người và đời sống của Yêsu người thành
Nadarét. Là tin Thiên Chúa yêu thương loài người đến độ đang khi chúng ta còn
là tội nhân thù nghịch đã ban Con Một Người làm hy lễ đền tội chúng ta. Mà
không phải chỉ đền và tha tội, nhưng còn nhờ cuộc Tử nạn Phục sinh của Ðức
Kitô, cho chúng ta được tái sinh bởi Thiên Chúa để làm con cái Người. Một niềm
tin như vậy đã ám tàng công nhận Ðức Yêsu là Con Thiên Chúa, vì nếu không, Yêsu
sẽ chỉ là một sứ giả, một dụng cụ đặc biệt của Thiên Chúa, khiến niềm tin của
chúng ta sẽ chẳng mới mẻ gì, vì đã thiếu gì người tự xưng là tiên tri của
thượng đế sai đến với loài người.
Ðức tin của chúng ta thì khác. Nó mới sánh với
mọi suy nghĩ và tin tưởng của loài người, vì nó khẳng định Yêsu là Con Thiên
Chúa đã đến cứu loài người khiến ai tin thì được sinh lại bởi Thiên Chúa và
được làm con cái Chúa. Ðó là nội dung đức tin mới.
Nó chân thật vì có nền tảng vững vàng. Ai chối
bỏ được việc Ðức Yêsu Kitô đã đến? Không những Người đã đến nhờ Nước và Máu, mà
có Thánh Thần làm chứng. Không những Người đã đến nhờ nước sống Yorđan khi chịu
Yoan rửa, mà còn nhờ đến máu chảy ra trên Thập giá. Nhất là khi ở trên cây gỗ
này, Người đã để Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn để từ nay Hội Thánh có Nước
Rửa tội và có Máu Thánh Thể ban ơn tha thứ tội lỗi và sự sống thần linh mới cho
loài người. Nhưng tất cả cuộc đời của Ðức Kitô từ khi nhận nước rửa ở sông
Yorđan đến khi chảy máu ra trên Thập giá, cũng như tất cả các bí tích Thánh tẩy
và Thánh Thể trong Hội Thánh làm cho người ta được ơn tha thứ và có sự sống
mới, tất cả những điều ấy có giá trị chân thật đáng tin là vì cuối cùng có Chúa
Thánh Thần đã đến làm chứng cho sự nghiệp của Ðức Kitô và sức sống của Hội
Thánh. Ðức tin của chúng ta đi từ cơ sở các việc đã xảy ra trong cuộc đời của
Ðức Kitô và của Hội Thánh mà đã được Thánh Thần làm chứng, nên là đức tin chân
thật và vững vàng, khiến chúng ta thật là những người có phúc.
Thánh Yoan, trong đoạn thư này, nói đến cái
phúc của người tín hữu là họ đã thắng được thế gian. Họ là những người tin vào
ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi Ðức Yêsu Kitô thì họ được sinh làm con cái Thiên
Chúa. Và như vậy họ không thuộc về thế gian nữa. Họ đã được giải thoát ra khỏi
ách thống trị của thế gian tức là của sức mạnh thù nghịch với Thiên Chúa và con
người. Họ được nên giống như Ðức Yêsu Kitô giờ đây đã sống lại, không còn gì có
thể cầm giữ được nữa, kể cả tử thần là kẻ thù cuối cùng của con người. Nói cách
khác, tín hữu nhờ đức tin bây giờ tuy còn sống trong thế gian, nhưng không
thuộc về thế gian và lệ thuộc thế gian nữa. Họ đã chiến thắng thế gian nhờ đức
tin. Họ đã thuộc về Chúa và trở nên con cái Chúa.
Như vậy họ phải sống sự sống của Người, phải
giữ lệnh truyền của Người, vì lệnh truyền của Người chỉ là đòi hỏi của sự sống
của Người. Yoan đã định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu: Tình yêu là sự sống của
Thiên Chúa; thì chính Yoan cũng nói lệnh truyền của Người là chúng ta hãy yêu
mến nhau. Ðó là điều mà trong đoạn thư hôm nay Yoan đã viết: phàm ai yêu mến
đấng sinh thành, tức là Thiên Chúa, tất phải yêu mến kẻ bởi Chúa mà sinh ra,
tức là các con cái Thiên Chúa. Và lệnh truyền đó không nặng nề, vì như
Augustinô nói: "Khi người ta yêu thì hoặc không thấy gì nặng nề, hoặc có
thấy thì cũng yêu sự nặng nề ấy khiến nó không còn nặng nề nữa". Do đó nền
tảng và động lực của nếp sống hiệp thông trong Hội Thánh là niềm tin và lòng
mến, mà bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết đã phát xuất từ đâu.
3. Một Hội Thánh Của Chúa Sống Lại
Chúng ta biết bài Tin Mừng này đến nỗi chỉ cần
nghe nhắc tới tên Tôma là chúng ta có thể thuật lại rành rẽ. Nhưng có lẽ chúng
ta đã đồng hóa nội dung của nó với lòng cứng tin của Tôma, làm như thế, bài Tin
Mừng hôm nay chỉ muốn nói xấu vị Tông đồ này. Không thể như vậy, vì nếu như vậy
thì đoạn văn này không còn phải là Tin Mừng nữa.
Yoan đã ghi lại câu chuyện Chúa hiện ra cho các
tông đồ và Tôma là để chúng ta tin và bởi tin thì chúng ta được sống, tức là
được hạnh phúc. Người muốn nói đến nguồn gốc đức tin của chúng ta. Người đi sâu
và đi vào trong hơn bài Thánh Thư và bài sách Công vụ.
Chẳng riêng gì Tôma, mọi môn đồ khi ấy đều chưa
tin. Vì thế họ mới đóng cửa nhà, vì sợ người Dothái. Nhưng Ðức Yêsu bổng dưng
đã đến đứng giữa họ, bất chấp cửa đóng then cài. Người phải ban bình an trấn
tỉnh họ. Rồi Người cho họ thấy các thương tích của Người. Họ liền mừng rỡ vì
thấy ngay là Thầy mình đã sống lại. Chính sự sống lại của Người khiến họ được
vui mừng. Chính mầu nhiệm Phục sinh là Tin Mừng. Và Tin Mừng này, chính Ðức
Yêsu đã mang đến khi hiện ra và cho họ thấy các thương tích của Người. Người
thật là đấng khơi nguồn và viên thành đức tin của Hội Thánh.
Tôma là một trong các tông đồ và sẽ là một
trong các cột trụ để Hội Thánh vươn lên. Ông có quyền đòi hỏi được như các bạn
đồng nghiệp, và chúng ta cũng buộc Tôma phải được như vậy để đức tin của chúng
ta có cơ sở vững vàng. Do đó thật là vì chúng ta mà Yoan thuật lại câu chuyện
về Tôma để minh chứng rõ ràng đức tin của chúng ta bắt nguồn từ việc các Tông
đồ được thấy Chúa hiện ra với thương tích của Người, hầu mọi người biết Ðấng
chịu nạn đã sống lại thật. Ðó là Tin Mừng cho mọi người; vì như vậy là bằng
chứng "thế gian", tức là sức mạnh thù nghịch Thiên Chúa và con người
đã bị đánh bại, để từ nay ai tin vào Ðức Kitô Phục sinh sẽ chiến thắng thế
gian, sẽ được ơn tha tội và có sự sống mới. Và những người như vậy sẽ tạo nên
một nét mới mẻ trong đời sống xã hội con người.
Sách Công vụ hôm nay đề cao nét sống mới mẻ này
khi mô tả việc hiệp thông ở trong Hội Thánh. Thư Yoan tìm hiểu động lực của hiện
tượng đó nơi đức tin, và bài Tin Mừng cho thấy Ðấng khơi nguồn đức tin ấy là
Ðức Yêsu sống lại đã hiện ra với các môn đồ.
Chúng ta giờ đây nhờ đức tin các tông đồ truyền
cho sắp được tiếp xúc với Ðức Kitô sống lại, trong mầu nhiệm bàn thờ. Chúng ta
hãy có lòng tin và lòng mến của Tôma để kêu lên: "Lạy Chúa tôi và là Thiên
Chúa của tôi". Lòng tin và mến ấy chỉ chân thật nếu chúng ta nêu gương các
tín hữu tiên khởi mà sống hiệp thông với nhau trong việc cầu nguyện, bẻ bánh,
nhưng cũng phải có trong đời sống xã hội nữa. Chỉ khi đó chúng ta mới làm cho
giáo xứ và giáo phận chúng ta được nên giống Hội Thánh của các Tông đồ, tức là
Hội Thánh của chính Ðức Yêsu Kitô đã sống lại.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)