LÀ CHỨNG NHÂN CHÚA PHỤC SINH
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH, năm B
Lc 24, 35-48
Chúa Giêsu Phục Sinh
ban cho chúng ta sự sống mới, chia sẻ quyền năng Phục Sinh của Ngài cho mỗi
người chúng ta, và cho nhiều người khác qua mỗi người chúng ta.Chúa Nhật III
Phục Sinh cho chúng ta thấy rõ uy quyền của Đấng Phục Sinh và qua chúng ta,
Ngài mời gọi từng người chúng ta trở nên nhân chứng cho Ngài.
Tin mừng của thánh Luca
cho hay các môn đệ khi thấy Chúa Phục Sinh hiện ra, họ tưởng là ma. Lần nào
cũng vậy khi Chúa Phục Sinh hiện ra để minh chứng cho các môn đệ Ngài đã sống
lại thì các môn đệ vẫn nghĩ là họ đang thấy ma. Nỗi ám ảnh ấy vẫn luôn là sự
hoàng đối với các Ngài. Do đó, Chúa Phục Sinh đã luôn bền bỉ, kiên nhẫn để giúp
các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng ấy. Chúa Phục Sinh đã mời các môn đệ
xem tay, chân bị đóng đinh của Ngài và đụng vào người của Ngài để cho các môn
đệ hiểu rõ rằng Ngài đã sống lại thật, Ngài đang hiện diện bằng xương bằng thịt
trước mặt các Ông. Chúa Phục Sinh khi hiện ra ở bờ hồ Tibêriat, Ngài đã nướng
cá và ăn cá nướng để các môn đệ biết Ngài đã sống lại thật. Ngài là người thật
chứ không phải là hình bóng của ma như họ nghĩ tưởng. Khi các môn đệ chưa được
Chúa Thánh Thần củng cố đức tin, họ cứ tưởng Chúa Phục Sinh là ma. Nhưng khi
Chúa Thánh Thần đổi mới, tác động các Ngài, các môn đệ mới nhận ra Chúa Phục
Sinh thật.
Chúa vẫn đến với chúng ta, nhưng nhiều khi chúng ta tưởng Chúa là bóng ma,
tưởng Chúa là người nào thực xa lạ bởi vì Chúa đến với chúng ta một cách thật
bất ngờ. Chúa đến với con người một cách không ai hay ai biết vì cuộc đời chúng
ta đang chao đảo như con thuyền tròng trành vì gió đánh ngược. Chúa đến với
chúng ta khi chúng ta tưởng Ngài sẽ không đến được. Chúa mời gọi con người làm
chứng nhân cho Ngài.
Chúng ta làm chứng nhân
cho Chúa Phục Sinh giữa một nhân loại có nhiều nơi còn bạo hành, còn chiến
tranh, còn hận thù. Chúng ta là chứng nhân cho sự an bình của Chúa Phục Sinh.
Chúng ta làm chứng nhân cho niềm vui giữa một nhân loại còn đang chạy theo vật
chất, tìm kiếm lợi nhuận mà sống khép kín ích kỷ chỉ biết mình. Chúng ta là
chứng nhân cho niềm vui của Chúa Phục Sinh.
Chúng ta làm chứng nhân
cho sự thăng tiến giữa một thế giới còn nhiều nơi kẻ lớn ức hiếp người thấp cổ
bé họng. Chúng ta là chứng nhân cho sự vượt thắng và tiến lên để tìm thấy hạnh
phúc thật sự.
Do đó, làm chứng nhân
cho Đức Giêsu là dùng chính đời sống của mình để chứng tỏ quyền năng của Đấng
Phục Sinh biến đổi và tác động trên chúng ta. Làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh
chính là để Ngài dùng chúng ta nói với những người khác.
Câu chuyện nói về Đấng
Phục Sinh là câu chuyện thực khó tin nếu con người không có đức tin, không được
Chúa Thánh Thần tác động và hướng dẫn soi sáng.
Nói như Đức Giám Mục
Duval của nước Pháp trong một lá thư mục vụ gửi cộng đoàn dân Chúa trong Giáo
phận của Ngài, Đức Cha viết :” Dù con người phát biểu khéo léo đến đâu, những
tư tưởng trừu tượng cũng khó làm cảm động được lòng người. Nhưng những con
người sống động, có khả năng làm cảm động lòng người, những người đó hãy xung
phong bước ra. Hãy để cho chân lý trào ra từ cuộc sống của mình, và hãy làm cho
quyền năng của mình tương xứng với món quà mà mình trao tặng bằng tình yêu. Lúc
đó mọi người sẽ lắng tai nghe, và bình minh của những ngày tươi sáng sẽ bùng
lên trên bầu trời của chúng ta “.
Lay Chúa nhờ mầu nhiệm
Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui
vì được làm con Chúa. Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm
chắc hy vọng được Phục Sinh vinh hiển ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa nhật III
Phục Sinh ).
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Tại sao các môn đệ
lại nghĩ Chúa Phục Sinh là ma ?
2.Làm sao để người khác
nhận ra rằng Chúa đã sống lại ?
3.Làm chứng bằng lời
nói và bằng việc làm, đâu là cần thiết hơn ?
4.Tại sao Chúa Phục
Sinh lại ăn ?
5.Chúa Phục Sinh mời
gọi các môn đệ xem tay và chân, sờ vào thân xác của Ngài để làm gì ?