(Luca 24,35-48 – CN III PS - B)
1.- Ngữ cảnh
Chương 24 của Tin Mừng Luca được
xây dựng thành 3 đoạn:
- Mồ trống (cc. 1-2): đây là đoạn duy
nhất song song với Mc và Mt;
- Các môn đệ Emmau (cc. 13-35);
- Đức Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Một (các ông nhận ra Chúa: cc. 36-43;
Người ban sứ điệp Phục Sinh: cc. 44-49);
* Một kết luận ngắn với câu truyện Lên Trời và việc các môn đệ tạ ơn trong
Đền Thờ, từ đó Tin Mừng đã khởi sự.
Toàn khối này là một đơn vị văn chương chắc chắn, do hành động, nơi chốn và
thời gian.
Trong TM Lc, Đức Giêsu chỉ hiện ra tại Giêrusalem, và Nhóm Mười Một không
ra khỏi Thành (c. 48). Điều này trái ngược với ba Tin Mừng kia (Mt 26,32; 28,7.16-20; Mc 16,7; Ga 21). Tác giả Lc có
biết truyền thống nói về việc Đức Giêsu hiện ra tại Galilê (24,6; x. Mt 28,7; Mc 16,7), nhưng dường như ngài đã chọn cách lờ đi để duy trì cấu
trúc đơn giản của hai quyển sách của ngài: quyển Tin Mừng là một chuyến đi lên Giêrusalem, còn quyển Công vụ là sự lan tỏa của sứ điệp khởi
đi từ Giêrusalem (Cv 1,8).
Nhờ lược đồ này, tác phẩm Lc (TM+Cv)
có một sự đối xứng rất khéo và nêu bật được tính duy nhất của biến cố Phục
Sinh.
Cũng do mục tiêu ấy, tác giả đã làm
cho chương 24 có tính duy nhất hoàn toàn giả tạo về thời gian: Mọi biến cố nối
đuôi nhau xảy ra trong vòng một ngày (mồ trống; Emmau; Hiện ra; Lên trời). Viễn
tượng của Lc mang tính thần học hơn
là thời gian. Tác giả muốn trình bày trong một cảnh (“xen”) duy nhất toàn bộ
mạc khải về Phục Sinh: thực tại không thể phủ nhận là thân xác của Đấng Phục
Sinh; mạc khải về tư cách Đức Chúa của Người (vì thế có truyện Lên trời); sứ
mạng truyền giáo. Ngày này là ngày Phục Sinh, đỉnh điểm của Tin Mừng, đích điểm
của thời gian Đức Giêsu sống ở trần gian.
Ngày này cũng mở ra một giai đoạn mới,
và Lc đặc biệt nhấn mạnh điểm này. Có
lẽ tất cả các tác giả Tin Mừng đều
biết rằng cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu là khởi điểm cho hoạt động truyền giáo (Mt 28,19-20; Mc 16,15-20; Ga
20,21.23), nhưng chỉ có Lc mới dành
cả một quyển sách để viết về hoạt động này. Và khi tách quyển này với quyển Tin
Mừng, tác giả cho thấy sự tách biệt giữa thời gian của Đức Giêsu và thời gian
của Giáo Hội. Ngài cũng làm điều ấy bằng hai lần nhắc tới Lên trời: ở cuối
quyển TM III, biến cố Lên trời biểu
lộ cuộc tôn vinh Đức Giêsu bên hữu Chúa Cha và kết thúc mạc khải Đức Giêsu là Đức Chúa; ở đầu sách Công vụ, biến cố Lên trời mời gọi các
tông đồ bắt tay vào sứ mạng truyền giáo.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành hai phần:
1) Các môn đệ nhận ra Đức Giêsu (24,35-43);
2) Đức Giêsu ban sứ điệp Phục sinh (24,44-48).
3.- Vài điểm chú giải
- Bình an (36): Khi kéo theo việc mất niềm tin, sự chia ly chỉ tạo ra buồn sầu và
hoang mang (cc. 17.38). Nếu cách biệt mà vẫn sống trong đức tin, thì sẽ có niềm
vui (c. 52) và bình an (c. 36). Đây không chỉ đơn giản là lời chào shalôm, mà là việc ban tặng “sự bình an
thiên sai” đã được các ngôn sứ loan báo và Đức Giêsu hứa ban trước khi chịu
chết (x. Ga 14,27). Đây là sự bình an
đạt được với giá là cái chết của Người trên thập giá; đây là việc giao hòa nhân
loại với Thiên Chúa trong máu Đức Kitô (x. Rm
5,1.10; 2 Cr 5,18-19;…).
- Các ông kinh hồn bạt vía
(37): Khi đọc Mc (16,9-20), ta thấy Nhóm Mười Một không tin (x. Mc 16,10.13). Còn ở trong Lc, hai môn đệ Emmau trở về chưa kịp làm
chứng thì Nhóm Mười Một cùng với các bạn đã tuyên xưng đức tin rồi (24,33)! Thế
nhưng khi Đức Giêsu hiện ra sau đó, các ông lại kinh hồn bạt vía và ngờ vực
(cc. 36-38). Tác giả Lc đã chấp nhận
tình trạng thiếu mạch lạc đó vì một ý hướng thần học: trong số các tông đồ,
Phêrô rõ ràng có một vị trí riêng biệt. Ông có một vai trò phải đóng sau tấn bi
kịch Thương Khó (Lc 22,31-32). Nay để
cho thấy lời của Đức Kitô đã đến lúc ứng nghiệm, Lc nhắc đến việc Đức Giêsu hiện ra với Phêrô trước khi hiện ra tại
nhà Tiệc Ly, và ghi một câu cho thấy lòng tin của Phêrô là nguồn mạch cho đức
tin của những người khác (c. 34). Bài học là đức tin của mọi thế hệ tương lai
sẽ dựa trên chứng từ của các tông đồ và, đặc biệt, của Phêrô.
- sao còn ngờ vực (38): Trong thời gian hoạt động, Đức Giêsu đã trách các môn đệ thiếu lòng
tin, chẳng hạn khi gặp bão trên hồ (x. Mt
8,23tt). Mối nguy hiểm đã gặp cũng như quyền năng đã chứng kiến của Đức Giêsu
lẽ ra phải giúp họ học được bài học: cũng như xưa kia Người đã ngủ trong thuyền,
thì nay cũng thế, ở trên thập giá, Người đã chỉ “ngủ” đi vài giờ; trong mồ,
Người chỉ “nghỉ” thôi (x. Lc 23,46;
8,52; Ga 11,11), nhưng Người đã “trỗi
dậy” (Lc 24,6: động từ egeirô có
nghĩa là “thức dậy”, “sống lại”). Không phải là Thiên Chúa đã che mắt họ, nhưng
chính lòng kém tin đã khiến họ không nhận ra Đức Giêsu. Chính cái chết mà nhờ
đó Đức Giêsu cứu chuộc thế gian, lại bị các môn đệ coi như một thất bại không
thể cứu chữa. Và kể từ khi Đức Giêsu được an táng, các môn đệ không tin nữa! Họ
từ chối tin khi các phụ nữ đến mang tin nói rằng ngôi mộ trống và các thiên
thần đã hiện ra nói rằng Người đang sống (c. 23). Chỉ có Phêrô (và người môn đệ
Đức Giêsu thương mến, theo Ga 20,2tt)
có vẻ hơi bị lung lay, nên đã chạy đến mộ để xem hư thực thế nào. Ông nhận thấy
rằng thi hài Đức Giêsu không còn ở đó nữa; chỉ còn các dây băng. Nhưng không
phải vì đó mà Phêrô đã được thuyết phục (c. 12). Do đó, mộ trống không phải là
một bằng chứng rõ ràng về sự phục sinh, mà chỉ là một dấu chỉ thôi.
- nhìn chân tay (39): Các dấu chỉ không phải là vô ích; chúng có có một vai trò quyết định
trong việc phát sinh đức tin. Các dấu chỉ dường như còn cần thiết nữa để người
ta nhận ra được Đức Giêsu sau khi Người sống lại. Nhưng tùy tình trạng nội tâm
của mỗi người mà các dấu chỉ nên rõ nhiều hay ít. Đối với người phụ nữ tội lỗi
đang yêu, chỉ cần Đức Giêsu gọi đúng tên bà: “Maria” (Ga 20,16). Đối với người môn đệ Đức Giêsu thương mến, chỉ cần ngôi
mộ trống (Ga 20,8) hoặc mẻ cá lạ lùng
(Ga 21,4-7). Đối với hai môn đệ
Emmau, đó là lúc bẻ bánh (Lc
24,30-35). Đối với các tông đồ, cần phải có những dấu chỉ rõ ràng hơn: thấy các
vết thương, chạm đến thân thể Người, và cả con cá mà Người ăn trước mặt họ
(24,39-43). Với “khúc cá nướng”, tác giả Lc
muốn cho thấy thực tại thể lý của Đấng Phục sinh, bởi vì đây là khó khăn lớn
đối với các độc giả hy-lạp (x. Cv
17,32).
- Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin (41):
Tác giả Lc tìm ra một lời bào chữa
cho sự cứng tin của Nhóm Mười Một.
- Luật Môsê, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh (44):
Có khi Đức Giêsu đã trách các môn đệ là đã không tin vào những lần Người hiện
ra, nhưng những dịp này không loại bỏ tính cần thiết của các dấu chỉ, nên theo
một nghĩa nào đó, các dấu chỉ có vẻ cốt yếu hơn là các cuộc hiện ra (x. chuyện
Tôma: Ga 20,29).
Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn không ngừng trách các môn đệ cũng như người Do
Thái khi họ yêu cầu các dấu lạ. TM Lc
đã nhắc đi nhắc lại: lẽ ra chứng tá của Kinh Thánh đã đủ rồi! Kể từ lâu rồi, “Luật Môsê, các Ngôn sứ và các
Thánh vịnh” (= Kinh Thánh) đã loan báo tất cả những gì vừa được thực hiện (x. Lc 24,27.32).
Ý tưởng Môsê đã làm chứng cho Đức Kitô thuộc về truyền thống Nhất Lãm như ta thấy trong hoạt cảnh
Hiển Dung. Tuy nhiên, trong khi Mt và
Mc chỉ ghi nhận rằng Môsê và Êlia xuất
hiện, đàm đạo với Đức Giêsu, Lc lại
xác định: “Hai vị nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem”,
tức gợi ý rõ ràng đến mầu nhiệm Vượt Qua (Lc
9,31; so sánh với 24,14.20). Tác giả Lc
cũng là người duy nhất đã ghi giữ một lời Đức Giêsu nói nhằm khẳng định rằng
chứng tá của Môsê và các Ngôn sứ đã đủ thuyết phục như chứng tá của một người
chết sống lại (x. Lc 16,27-31). TM IV cũng nhấn mạnh không kém đến tầm
quan trọng của chứng tá của Môsê về Đức Giêsu (Ga 5,46-47). Tuy nhiên, chỉ có Lc
mới trở lại với đề tài này trong bài tường thuật về Phục Sinh.
Tự hỏi Đức Giêsu đã trích những bản văn Kinh Thánh nào khi Người hiện ra,
thì mất công vô ích. Tác giả Lc đã
chỉ ghi lại những quy chiếu tổng quát về toàn bộ Cựu Ước theo các phần lớn được phân biệt trong các bài đọc ở hội
đường (24,44): Luật Môsê (bản séder),
các ngôn sứ (bản haftara) và các
Thánh vịnh (bản mizmor). Dĩ nhiên,
tác giả đã có thể nghĩ đến những bản văn rõ rệt. Khi ghi lại các bài giảng của
các tông đồ, sách Cv đã ghi một loạt
những đoạn văn quy chiếu: Tv 16,8-11
(Cv 2,24-28; 13,34-37); Tv 2,7 và Is 55,3 (Cv 13,32-34); Tv 118,22 (Cv 4,11)…
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Các môn đệ nhận ra Đức
Giêsu (35-43)
Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra giữa các ông và chào chúc: “Bình an cho anh
em!”. Sự bình an của Người là ân huệ phục sinh của Người. Người không ban cho
các môn đệ bất cứ đảm bảo nào là các ông sẽ sống yên ổn suốt đời, các ông sẽ có
một cuộc sống luôn luôn huy hoàng, không phải thiếu thốn, đau khổ hay lo lắng
gì. Chính Người là Đấng Kitô chịu đóng đinh, đã không được gìn giữ khỏi đau khổ
và thiếu thốn, khỏi bị từ khước và thù nghịch, khỏi những đau đớn và cái chết. Nhưng
Đấng Chịu đóng đinh đây cũng chính là Đấng Phục Sinh. Đã có lúc Người bị điệu
đi đến cái chết, run rẩy khiếp sợ, nay Người đang đứng trước mặt các ông như là
Đấng Vẫn Sống, Đấng đã vượt thắng cái chết và nay không thể chết nữa. Như thế,
Đức Giêsu cho các môn đệ thấy rằng họ không sợ rơi vào nguy cơ là bị hủy diệt
hoàn toàn. Ngay cái chết cũng không thể làm hại chúng ta vĩnh viễn, phương chi
các thiếu thốn khác làm gì có thể gây hại bao nhiêu cho đời sống chúng ta! Ân
huệ phục sinh của Đức Giêsu không phải là sự bình an của một cuọc sống không bị
xáo trộn, nhưng là sự bình an được sống trong tình trạng yên hàn, bảo đảm và
che chở phát xuất từ quyền lực và tình yêu của Thiên Chúa. Nền tảng và bảo đảm
cho lời chào và ân huệ ấy là chính Đấng Phục Sinh trong sự sống mới của Người,
một sự sống đã thắng được cái chết.
* Đức Giêsu ban sứ điệp
Phục sinh (44-48)
Trong tư cách Đấng Phục sinh, Đức Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu rằng
toàn thể định mệnh của Người đã được Thiên Chúa muốn như thế, và Người giúp các
ông hiểu ý nghĩa của Kinh Thánh, như Người đã làm cho hai môn đệ Emmau. Cái
chết của Người trên thập giá và cuộc phục sinh của Người cũng đã làm trọn nội
dung sau này phải được loan báo cho mọi dân tộc. Nhân danh Đức Giêsu, nghĩa là
trong chứng từ về Người, khởi đi từ tất cả những gì đã được biểu lộ xuyên qua
công trình và toàn thể cuộc tiến bước của Người cho đến thập giá và sự sống
lại, muôn dân sẽ được loan báo sự hoán cải và sự tha thứ tội lỗi. Mọi người
phải quay trở lại với Thiên Chúa, Đấng đã nhờ cuộc sống, cái chết và sự sống
lại của Đức Giêsu mà chứng tỏ tình yêu và quyền lực của Người. Rồi Đấng Phục
Sinh biến các môn đệ trở thành chứng nhân của Người. Họ sẽ phải làm chứng về
các biến cố trong cuộc đời của Người cũng như cuộc gặp gỡ với Người đây và việc
Người trở về trời (x. Cv 1,21t).
+ Kết luận
Đức Giêsu đã thuyết phục các môn đệ
tin vào thực tại của đời sống mới của Người. Người đưa các ông đến chỗ hiểu Kinh
Thánh và hành trình Người theo lâu nay. Người chỉ cho các ông thấy nội dung của
việc loan báo và nhiệm vụ truyền giáo. Người củng cố các ông trong tư cách
chứng nhân, bằng cách hứa là các ông sẽ nhận được quyền năng từ trên cao (Lc 24,49). Tất cả những điểm này đang
đưa chúng ta đến chỗ kết của TM III,
và chuyển chúng ta sang phần thứ hai của tác phẩm Luca, đó là sách Cv. Thánh Thần sẽ được Chúa Cha ban
xuống trên Họi Thánh phôi thai (Cv
2,1) để làm cho các thành viên trở thành những chứng nhân minh mẫn và can đảm,
quảng đại và kiên trì dấn thân làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Đức Kitô chết trên thập giá đã thật sự sống lại, bằng xương bằng thịt. Sự kinh
hồn bạt vía và ngờ vực của các tông đồ lại hữu ích cho chúng ta: chính thái độ
khó tin đó của các ông lại là một đảm bảo cho tính vững chắc của đức tin chúng
ta. Đức tin của chúng ta không dựa trên chứng tá của những con người dễ tin, dễ
bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Đức tin của chúng ta dựa trên những con người thực
tế, đòi hỏi những dấu chỉ và bằng chứng. Chứng tá của các ông càng mạnh mẽ do
chỗ là chứng tá không phải của một thái độ dễ tin theo chuyện mê tín nhưng là
một sự cứng tin đã thắng vượt nhờ óc phê bình.
2.
Nhiều người đương thời chúng ta vẫn coi Đức Giêsu Phục Sinh chỉ là một bóng ma,
một thứ gì đó thay vì là một Đấng, là một huyền thoại thay vì là một Con Người
đang sống. Theo họ, Đức Kitô cùng lắm chỉ là một điển hình cho nhân loại, cống
hiến cho mọi người một giáo lý và những gương sống đáng phục…, nhưng bây giờ
Người không còn sống nữa, Người chẳng “ngự bên hữu Chúa Cha” trên trời, cũng
chẳng hiện diện trong hình bánh hình rượu đã truyền phép… Trách nhiệm của các
Kitô hữu là làm chứng bằng đời sống và lời nói rằng Người thật sự vẫn là Người
Sống.
3. Vấn đề không phải là
chuyện nhạy cảm hoặc kinh nghiệm cá nhân chủ quan. Vấn đề là tin, tin tất cả
những gì Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta bằng Kinh Thánh và bằng Thánh Truyền.
Vấn đề là tin những gì Hội Thánh đã và đang dạy khắp nơi. Tin vào Đấng Phục
sinh, là chấp nhận chứng từ của một nhóm đông đảo gồm các tông đồ và các môn đệ
của Đức Giêsu đang khẳng định trước mặt thế giới và sẵn sàng chấp nhận tử đạo
rằng họ đã thấy Thầy họ chết trên thập giá nhưng đã trở lại với cuộc sống trong
một thân xác hiển vinh không còn lệ thuộc các hoàn cảnh thông thường của thời
gian và không gian nữa.
4. Đức tin có thể gặp
nhiều vấn nạn, nhiều trở ngại, do chẳng hạn có những Kitô hữu, vì hèn nhát,
đang sống ích kỷ hơn, sống hà tiện hơn, kiêu ngạo hơn, trơ trẽn hơn một số
người ngoại giáo. Nhưng tất cả chúng ta biết rằng Đức Kitô Phục Sinh muốn họ
hoán cải: Người muốn tha thứ tất cả và biến họ trở thành tông đồ của Người, và
điều này không bao giờ là quá trễ, nhằm nối tiếp các Tông Đồ đầu tiên.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm