CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
Ý nghĩa cái chết và phục sinh của Chúa Ki-tô
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca
24:35-48)
Đứng trước đám đông dân chúng Giê-ru-sa-lem, thánh Phê-rô
dõng dạc tuyên bố: “Thiên Chúa đã thực
hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình” (CôngVụ 3:18).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giê-su cũng lập
lại một lần nữa: “Khi còn ở với anh em,
Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn
Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải
được ứng nghiệm”. “Phải chịu khổ hình”
hoặc “phải được ứng nghiệm” là một sứ mệnh mà Chúa Phục Sinh đã hoàn tất. Làm sao chúng ta hiểu được sứ mệnh này? Thưa là phải căn cứ vào Kinh Thánh và nhờ
Chúa “mở trí” cho chúng ta hiểu Kinh Thánh, chúng ta mới nhận ra được ý nghĩa của
sứ mệnh ấy.
Tường thuật của bài Tin Mừng hôm nay tiếp theo câu chuyện
hai môn đệ đi Em-mau đã được Chúa Giê-su giải nghĩa Kinh Thánh và “mở trí” cho
các ông hiểu ý nghĩa cái chết và sự sống lại của Người. Khi Chúa Phục Sinh hiện ra, các môn đệ đã có
những cảm nghĩ rất thay đổi, từ “kinh hồn bạt vía” tới “chưa tin vì mừng quá và
còn đang ngỡ ngàng”. Nói tóm lại các ông
vẫn chưa chấp nhận sự kiện Chúa đã sống lại từ kẻ chết. Vậy Chúa sẽ giúp các ông thế nào để các ông
nhận biết và tin rằng Người đã sống lại thật?
Người sẽ sử dụng Kinh Thánh cùng một cách thức như Người đã giải thích
cho hai môn đệ Em-mau.
Trước hết Người dạy các ông hãy nhớ lại những gì Người đã
nói với các ông “khi Người còn ở với các ông”.
Đúng vậy, khi còn sống bên cạnh họ, Chúa Giê-su đã nhiều lần đề cập đến
những điều Kinh Thánh (gồm sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh)
nói về sứ mệnh cứu độ và đặc biệt là sự chết và phục sinh của Người. Nhưng vấn đề có lẽ không phải họ không hiểu,
mà là họ không muốn chấp nhận một sứ mệnh xem ra hoàn toàn là “thất bại” đối với
cái nhìn của người đời và không phù hợp với giấc mơ công danh sự nghiệp của họ. Phản ứng của ông Phê-rô khi nghe Chúa tiên
báo cuộc Thương Khó là một bằng chứng cụ thể!
Vì thế, họ cần phải được Người giúp “mở
trí” để hiểu Kinh Thánh theo kế hoạch của Thiên Chúa, chứ không phải theo ý
muốn của họ. Như vậy, mở trí có nghĩa là
thay đổi não trạng và cái nhìn theo quan điểm và kế hoạch của Thiên Chúa. Mở trí là thay thế những cảm nghĩ không đúng,
như nghi ngờ, kinh hồn bạt vía và không tin, bằng một thái độ mới, tức là hoàn
toàn đặt niềm tin vào Chúa Giê-su và sống trong mối tương quan mật thiết với
Người. Mở trí còn là mở ra một chân trời
mới: “Phải nhân danh Người mà rao giảng
cho muôn dân”, hay nói khác đi, là “làm chứng nhân” cho mầu nhiệm cứu độ của
Chúa Ki-tô. Mở trí quả là một diễn trình
vô cùng linh hoạt!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Các môn đệ Chúa đã được “mở trí để hiểu Kinh Thánh”. Mở trí để hiểu Kinh Thánh chính là để biết
Chúa Ki-tô, như lời thánh Giê-rô-ni-mô quả quyết: Ai không biết Kinh Thánh là không biết Chúa
Ki-tô. Chúa Kitô đã sống và chết cho
chúng ta. Người đã sống để mặc khải cho
chúng ta biết Thiên Chúa. Người đã chết
để chiến thắng tội lỗi, đền bù tội lỗi A-đam và tội lỗi mọi người. Người đã sống lại, chiến thắng thần chết để
đem lại sự sống mới cho chúng ta và sự sống vĩnh cửu mai sau. Những chân lý này đã được Kinh Thánh truyền lại
cho chúng ta, để chúng ta tin vào sứ mệnh của Chúa Ki-tô và tiếp tục đi trên
con đường cứu độ Người dẫn chúng ta về nhà Cha trên trời.
Tuy nhiên vấn đề của chúng ta là liệu chúng ta có để Chúa
giúp “mở trí” cho chúng ta hay không. Điểm
quan trọng, mở trí không phải chỉ đơn thuần là mở mang kiến thức, nhưng là mở rộng
trái tim để đón Chúa vào trong tâm hồn, nhất là để cho Chúa Giê-su và lối sống
của Người ảnh hưởng và thay đổi chúng ta tận căn rễ. Chúng ta được mở trí, để có được “những tâm
tình của Chúa Ki-tô” và để “Chúa Ki-tô sống trong chúng ta” vậy. Cho nên chúng ta cứ để cho Chúa mở trí chúng
ta, đừng chống lại!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi