CHÚA NHẬT V PHỤC
SINH
Phục Sinh đem lại
sức sống mới
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 15:1-8)
Cây nho là hình ảnh quen thuộc và có vẻ tầm thường, nhưng
lại được Chúa Giê-su sử dụng để trình bày những tư tưởng vô cùng sâu sắc về mối
tương quan giữa Người với các môn đệ hoặc Ki-tô hữu mọi thời mọi nơi. Tuần trước, với hình ảnh Mục Tử nhân lành và
đoàn chiên, chúng ta cảm nhận được mối tương quan biểu lộ qua những hành vi nói
lên tình yêu của mục tử sẵn sàng thí mạng vì đoàn chiên. Còn với hình ảnh cây nho và cành nho, Chúa
Giê-su muốn nhấn mạnh đến sức sống
tuôn trào từ cây nho là chính Người sang các cành nho là Ki-tô hữu. Sức sống bên trong lưu chuyển giữa cây nho
với cành làm cho các cành nho sinh hoa kết trái. Sức sống nội tại ấy chính là sự sống mới Chúa
Ki-tô đem lại cho chúng ta qua sự Phục sinh của Người. Đây cũng là điều Phụng vụ Lời Chúa hôm nay
mời gọi chúng ta suy niệm.
Trước hết là khẳng định của Chúa Giê-su: Thầy là
cây nho, anh em là cành. Quả thực
lời Chúa nói đây thật ngắn gọn. Một chân
lý càng ngắn gọn thì càng súc tích. Một
đàng là cây, một đàng là cành. Nhưng
giữa cây và cành tuy hai mà một, tuy một mà hai, lại có mối tương quan mật
thiết và sống động. Cây mang nhiệm vụ
chia sẻ sức sống và nuôi dưỡng cành, còn cành có bổn phận phải gắn liền với cây
và sinh hoa trái. Chúa Giê-su là cây nho
chứa đựng đầy tràn sự sống của Thiên Chúa và thông ban sự sống ấy sang cho các
cành là các môn đệ, những kẻ đã được Người cứu chuộc và mang một căn tính mới
của con cái Thiên Chúa. Cũng như cành
gắn liền với cây để sinh hoa trái, Ki-tô hữu “ở lại” trong Chúa Ki-tô để có thể
đạt tới kết quả là được hoàn toàn cứu độ, cùng “kế thừa” gia nghiệp của Cha
trên trời. Sức năng động của sự sống ấy
tuy chúng ta không dễ dàng nhận ra, nhưng quả là một chân lý không thể chối
cãi. Chúng ta nhận ra sự sống của cây
nho khi nó đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân, rồi những chùm hoa nhỏ xuất
hiện. Sau đó những trái nhỏ như hạt gạo cứ
lớn lên mỗi ngày tựa như trông thấy được sự phát triển. Diễn trình sức sống của Chúa Phục Sinh trong
Ki-tô hữu cũng tương tự. Nếu Ki-tô hữu
cứ “ở lại” với Chúa như cành nho gắn liền với cây nho thì diễn trình cứu độ sẽ
mỗi ngày phát triển và đạt tới mục đích “sinh hoa trái”, tức là được cứu độ.
Có nhiều lối diễn tả sự sống. Sống là ăn, ngủ, giải trí, làm việc, tạo lập
sự nghiệp công danh… Còn Chúa Giê-su, Người muốn đi vào chính mục đích cuộc
đời, tức là sống là để được cứu độ, giống như các cành nho phải tiến đến mục
đích sinh hoa trái. Để đạt mục đích sống
ấy, Chúa Giê-su chỉ đòi chúng ta thực thi một điều kiện duy nhất, là hãy “ở
lại” trong Người. Chỉ có thế thôi, còn
bao nhiêu Người sẽ làm thay cho chúng ta.
Đấng tuyên bố “Thầy là sự sống lại và là sự sống” sẽ để cho “sự sống”
của Người âm thầm biến đổi chúng ta, thay thế những tâm tình của chúng ta bằng
những tâm tình của Người, giúp chúng ta “tiến tới tình trạng con người trưởng
thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ê-phê-xô 4:13). Việc “ở lại” trong Chúa Ki-tô đã được thánh
Phao-lô thực hành trong lý tưởng “Với tôi, sống là Đức Ki-tô”, hoặc “Tôi sống,
nhưng không phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Có bao giờ chúng ta chỉ lo lắng cho sự sống thân xác mà
quên đi hoặc cố tình quên đi sức sống thiêng liêng trong tâm hồn không? Câu hỏi tuy cũ mèm và nhàm chán, nhưng lại
quan trọng cho tương lai vĩnh cửu của chúng ta.
Mục đích sự sống không chỉ kết thúc ở đời này, như người ta vẫn nói chết
là hết. Nhưng kết thúc đích thực phải là
chết là được sống đời đời, là được cứu độ.
Cuộc sống đời đời ấy phải bắt đầu ngay khi chúng ta còn hiện diện ở đời
này bằng cách sống mối tương quan mật thiết với Chúa Giê-su. Sự mật thiết được phát triển nhờ tiếp xúc với
Người qua cầu nguyện, suy niệm và sống Kinh Thánh, hoặc sống thực tế như thánh
Gio-an Tông Đồ căn dặn: “Chúng ta đừng
yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng
việc làm”. Sống mật thiết như thế, không
phải chỉ chúng ta “ở lại” trong Chúa, mà chính Chúa “ở lại trong chúng ta nhờ
Thần Khí Người đã ban cho chúng ta” (1 Gio-an 3:18,19).
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi