Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU VÀ SINH HOA KẾT
TRÁI
(Gioan 15,9-17 CN
VI PS - B)
1.-
Ngữ cảnh
Qua
bài ẩn dụ Cây nho (Ga 15,1-8), Đức
Giêsu khẳng định một cách hết sức rõ ràng với các môn đệ rằng mọi sự tùy thuộc
vào sự hợp nhất của các ông với Người. Các môn đệ ở lại trong Đức Giêsu nếu các
lời của Người ở lại trong các ông (x. 15,7) và nếu các ông tuân giữ các điều
răn của Người (15,10). Tất cả xuất phát từ Đức Giêsu: các lời và các điều răn.
Nhiệm vụ các của môn đệ là đón nhận sáng kiến này của Đức Giêsu. Như thế, các
ông được liên kết với Người và có thể sinh hoa kết trái. Trong tương quan này,
vị trí của Chúa Cha được Đức Giêsu diễn tả một cách độc đáo.
2.- Bố cục
Bản văn đầy đủ là 15,1-17. Ta có thể
xác định được ranh giới các phân đoạn (15,1-8.9-11.12-17) nhờ các câu “đóng
khung” (“Cha Thầy”: 15,1.8; “sinh hoa trái”: 15,2.8; “nhiều”: 15,2.8; “điều răn/truyền
dạy”: 15,12.17; “để anh em thương yêu nhau”: 15,12.17).
Riêng bản văn hôm nay có thể chia
thành hai phần:
1) Ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu
và của Chúa Cha (15,9-11);
2) Điều răn của Đức Giêsu: hãy yêu
thương nhau (15,12-17).
3.- Vài điểm chú giải
- Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh
em như vậy (9): Dịch sát là “Như (kathôs) Cha đã yêu mến (êgapêsen)
Thầy, thì Thầy cũng yêu mến anh em (kagô
hymas êgapêsa)”. Kathôs ở mệnh đề
chính dùng với kai ở mệnh đề phụ thì
dịch là “Như ... thì cũng...”. Egô là
chủ từ được nêu ra minh nhiên để nhấn mạnh, còn túc từ hymas được đặt liền với chủ từ cũng là để nhấn mạnh và cho thấy dây
liên kết mật thiết với chủ từ egô.
Hai động từ “yêu mến” (êgapêsen; êgapêsa) ở thì quá khứ aorist, diễn tả
những biến cố rõ rệt và cụ thể trong quá khứ (“Chúa Cha đã yêu mến Thầy”), bây
giờ chạm đến chúng ta (“Thầy cũng yêu mến anh em”).
- tình thương của Thầy (9):
Công thức này (hê agapê hê emê ) nói
về tình thương của chủ thể (Đức Giêsu) đối với các môn đệ.
- như Thầy đã giữ các ... và ở lại ... (10): Kathôs và kai đều bắt đầu hai mệnh đề phụ, nên chỉ
có thể dịch là “như ... và...”. Động từ têreô
ở thì quá khứ hoàn thành (perfect), với ý là lúc này đây, Đức Giêsu đã giữ
trọn các điều răn của Chúa Cha.
- vì bạn hữu của mình (13):
“Vì” (hyper) có nghĩa là “nhân danh”,
“chiếu cố đến”. Cái chết của Đức Giêsu nhằm mưu ích cho chúng ta. Xem Lc 22,19-20; Rm 8,31; 1 Cr 11,24.
- cắt cử (16): Động từ Hy Lạp tithêmi có nghĩa là “đăt một người vào
một nhiệm vụ”, đồng thời bảo đảm, cung cấp cho người ấy mọi phương tiện
để thi hành nhiệm vụ đó thật hữu hiệu (x. Cv
13,47; 20,28; 1 Cr 12,28; 2 Tm 1,11). Động từ này ở thì quá khứ
aorist, để nói rằng Đức Giêsu chỉ cắt đặt một lần mà thôi, nhưng điều này có
giá trị suốt đời người môn đệ.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu và của Chúa Cha (9-11)
Đức Giêsu dùng hình ảnh cây nho để mô
tả tương quan của Người với các môn đệ, ngay khi Người vắng mặt về thể lý.
Người là cây nho “thật”, còn chúng ta là cành, mà cành thì phải ở lại (menô) trên cây nho để sinh hoa kết trái,
hoa trái tình yêu (một trong những đề tài chính của Ga). Đức Giêsu đã lệ thuộc Cha của Người trong mọi sự. Bây giờ
Người cho chúng ta thấy rằng Cha của Người là nguồn mạch của mọi tình yêu: “Như
Chúa Cha đã yêu mến Thầy, thì Thầy cũng đã yêu mến anh em” (15,9). Hai động từ
đều cùng ở một thì quá khứ (aorist) nói lên những biến cố rõ rệt trong quá khứ:
Đức Giêsu đã từ Chúa Cha mà đến thế gian. Người vẫn ở an toàn trong tình yêu
của Cha Người đến mức Người có thể cho thấy tình yêu của Người đối với các môn
đệ bằng cách rửa chân cho họ (x. 13,1-5). Tình yêu vâng phục của Đức Giêsu với
Cha Người chính là nền tảng và điển hình cao vời cho cuộc sống người môn đệ.
Chúng
ta phải “ở lại” (menô) trong tình
thương của Đức Giêsu, cũng như Người “ở lại” trong tình thương của Cha Người
bằng nhiều cách. Chúng ta cũng có thể “ở lại” (menô) trong tình thương của Đức Giêsu bằng cách để cho Người yêu
thương ta, không đặt một trở ngại nào gây khó khăn cho tình thương ấy. Chúng ta
cũng có thể “ở lại” bằng cách tuân giữ các điều răn của Cha Người, vì như thế
là hài hòa các ý muốn (c. 10). Đề tài đã được đề cập tới trước đây là “ở lại trong
tình thương nhờ vâng phục [giữ các điều răn; giữ lời]” (x. 14,15.21.23-24) nay
tái xuất hiện và được liên kết với niềm vui. Đức Giêsu giải thích tất cả những
điều đó là để “niềm vui của Thầy ở trong anh em” và “niềm vui của anh em được nên
trọn vẹn” (c. 11). Trước đây Người đã bảo các môn đệ rằng họ phải vui mừng vì
Người đi về cùng Chúa Cha (14,28). Đề tài niềm vui này sẽ còn được triển khai
sau này (16,20-33).
Như
thế, Đức Giêsu ở lại trong tình thương của Cha Người bởi vì Người giữ điều răn
của Người để chuyển tình thương sang cho các môn đệ. Các môn đệ sẽ ở lại trong
tình thương của Đức Giêsu nếu họ giữ điều răn của Người. Điều răn của Người
cũng giống như điều răn của Cha Người: yêu thương như anh em đã được yêu
thương. Mục tiêu của mạc khải cao cả này là niềm vui. Niềm vui của Đức Giêsu là
tuôn đổ tình yêu Người đã nhạn từ Chúa Cha vào lòng các môn đệ. Vậy các môn đệ
được chia sẻ không những tình yêu mà cả niềm vui của người ban tặng tình yêu.
Nhưng niềm vui của Đức Giêsu được Người thông ban chỉ là một hương vị khởi đầu.
Quy luật của sự hoàn tất cho thấy rằng bạn chỉ hiểu điều bạn đã nhận khi bạn
tặng nó đi. Như thế, các môn đệ sẽ nhận được niềm vui trọn vẹn khi yêu thương
nhau như Đức Giêsu đã yêu thương họ. Đây chính là sự sống vĩnh cửu: tương giao
đón nhận và trao tặng tình yêu không ngừng.
* Điều răn của Đức Giêsu: hãy yêu thương nhau
(12-17)
Như Chúa Cha đã yêu thương Đức Giêsu
và Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta, chúng ta phải ở lại trong tình thương của
Người (c. 9). Như thế, Hội Thánh là một cộng đồng yêu thương, tại đó
người ta sống điều răn mới. Đức Giêsu đang nhắc lại cho các môn đệ việc rửa
chân: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em” (15,12 nhắc lại 13,34). Đức Giêsu bắt đầu nói “các điều răn” y như thể có nhiều điều răn (c. 10), rồi ngay sau đó lại
nói “Đây là điều răn của Thầy”,
y như thể chỉ có một điều răn mà
thôi. Vậy thì có bao nhiêu điều răn?
Các vị thầy thời ấy bảo rằng có 613 điều
răn. Các tác giả Mc, Mt và Lc bảo là Đức Giêsu đã giảm thiểu lại còn hai: tình yêu đối với
Thiên Chúa và tình yêu đối với người lân cận (Mc 12,28-31; Mt 22,36-40;
Lc 10,25-27). Tác giả Ga thì khẳng định là hai điều này đã
được giản lược thành một: tình yêu đối với người lân cận trong thực tế là cách
thức duy nhất để bày tỏ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa (Ga 4,20; x. Phaolô: Gl 5,14; Rm 13,8-10).
Thì
quá khứ của “Thầy đã yêu thương anh em” (c. 9) phải được thể hiện qua tình yêu
của chúng ta đối với nhau trong hiện tại. Hành vi tiêu biểu của Đức Giêsu nhằm
nói lên tình yêu của Người là chính lễ hy sinh của Người, là hành vi hy sinh
mạng sống “vì bạn hữu của mình”, “nhân danh bạn hữu mình” (c. 13). Điều này đã
được báo trước nơi việc người mục tử hiến mạng sống vì đoàn chiên (10,11) và
nay Người đang chuẩn bị cho họ đón nhận cái chết hy sinh của Người. Nếu chúng
ta yêu thương nhau như Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta, thì chúng ta phải sẵn
sàng thực hiện hành vi hy sinh tối hậu.
Khi nói đến việc hy sinh tính mạng “vì
bạn hữu của mình”, Đức Giêsu lại được đưa đến chỗ gọi các môn đệ không phải là
“tôi tớ”, nhưng là “bạn hữu” (philoi,
c. 14). Chúng ta chứng tỏ chúng ta là “bạn hữu” của Người do tình yêu của chúng
ta đối với Người, khi tuân giữ điều răn của Người (c. 14; x. 15,10). Dĩ nhiên
không có gì sai trái khi làm “tôi tớ của Thiên Chúa”. Nhiều ngôn sứ, tư tế và
vua chúa vui mừng được gọi như thế (x. Gs
24,29; Tv 89,20). Chính Đức Giêsu đã
nhận lấy vai trò tôi tớ khi rửa chân cho các môn đệ, nhưng trong tư cách là
Thầy, Người chấp nhận họ như là các tôi tớ (x. 13,13-16). Nhưng nay Người gọi
họ là “bạn hữu”, như Môsê xưa kia là “bạn hữu” của Thiên Chúa (x. Xh 33,11). Vòng các “bạn hữu” thân tín
của hoàng đế Rôma chính là các cố vấn của ông. Như thế, Đức Giêsu muốn cho các
môn đệ yêu dấu của Người biết tất cả mọi sự (c. 15) và muốn họ làm việc với
Người để thực hiện chương trình của Người.
Các
kinh sư thường không tìm môn sinh. Những người trẻ nào muốn tìm một vị
thầy thì rảo quanh, thăm viếng và chọn lấy vị thầy nào họ muốn. Đức Giêsu thì
không như thế, Người nhắc các môn đệ nhớ rằng chính Người đã chọn họ, và Người
làm như thế vì nhắm một mục tiêu, đó là họ “ra đi và sinh được hoa trái”
(c. 16). Hoa trái này được nhắm “ở lại [= tồn tại; menô)” và có kết quả do chỗ Chúa Cha đáp lại những lời họ cầu xin
(x. 14,13; 15,7). Thế rồi Người nhắc lại lệnh truyền cuối cùng, “hãy yêu thương
nhau” (c. 17).
+ Kết luận
Lời cáo biệt thường hàm chứa những lời
nói hoặc những chỉ thị cuối cùng; chúng ta rất trân trọng các lời này và cố
gắng thực hiện. Đức Giêsu vừa ký thác bí mật cuối cùng và quý báu nhất của trái
tim Người; Người đã tâm sự về những điều thâm sâu nhất, đã diễn tả ra các lời
nhắc nhở cuối cùng. Dường như Người muốn để lại cho các môn đệ di chúc thiêng
liêng của Người. Điểm nổi bật là Người tha thiết nhấn mạnh trên tình yêu đối
với nhau. Các môn đệ của Đức Giêsu là các “bạn hữu” của Người, được Người yêu
thương cũng như Người được Cha của Người yêu thương, và Người muốn họ trở thành
một cộng đồng tình yêu, trong đó mỗi người yêu thương nhau. Người không
muốn các môn đệ chỉ biết loay hoay vun quén với nhau và cho nhau, làm thành một
thứ Hội Thánh ấm cúng đóng kín, nhưng muốn chúng ta “ra đi và sinh được
hoa trái, và hoa trái tồn tại”, vươn tới thế giới chung quanh chúng ta.
Ở tại trung tâm các lời này của Đức
Giêsu, có sứ điệp liên hệ đến Chúa Cha. Khi các môn đệ được gặp lại Đức Giêsu Phục
Sinh, các ông sẽ trải nghiệm về Thiên Chúa như là Cha và hiểu Người đã dành tất
cả tình yêu và tất cả quyền năng của Người cho Con của Người.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Những gì Đức
Giêsu vẫn ao ước cho tới giờ này, là đưa các môn đệ đến với Chúa Cha. Với cuộc Phục
Sinh, công trình của Người đạt được một phẩm chất mới: Người sẽ loan báo
về Chúa Cha công khai cho các môn đệ, chứ không che giấu nữa (16,25). Không
phải là y như thể Người nói với họ về Chúa Cha với các lời mạc khải mới; trái
lại chính họ phải đạt tới một khái niệm về Chúa Cha. Chúa Cha chính là
nguồn mạch tình yêu từ đó Đức Giêsu đã phát xuất ra và quy hướng về đó, Đức
Giêsu dẫn chúng ta về. Chúng ta chỉ có thể về tới đó nhờ giữ điều răn của Chúa
Cha và cũng là điều răn của Đức Giêsu: yêu thương nhau.
2. Từ “điều răn”
được Đức Giêsu sử dụng 4 lần nhằm cho thấy rằng “yêu thương” là một tuyệt
đối, mà không ai được đặt thành vấn đề nữa. Đây là thực tại chính yếu, đây là
mối lo lắng cốt yếu, đây là điểm bận tâm duy nhất của những ai tự hào mình
thuộc về Đức Giêsu và đứng vào hàng ngũ những kẻ thừa kế thiêng liêng của
Người. Nếu Đức Giêsu nhấn mạnh như thế, phải chăng là vì nguy hiểm, cũng là sự
cám dỗ và sự sai lầm, chính yếu và thường xuyên nhất, đã từng đe dọa các môn đệ
xưa kia cũng như sẽ đe dọa mọi thế hệ môn đệ tương lai, chính là tình trạng
thiếu lòng yêu thương?
3. Chúng ta thường
quá bận bịu với việc làm “tôi tớ” Thiên Chúa, “làm việc cho Đức Giêsu”, mà quên
rằng Người muốn chúng ta trở thành “bạn hữu” của Người, muốn chúng ta yêu
thương Người và được Người yêu thương. Nếu hiểu rằng ta là những mắt xích trong
sợi xích tình yêu, một dây tương quan đi từ Chúa Cha đến Đức Giêsu, từ
Đức Giêsu đến với mỗi người, từ mỗi người đến với người khác, thì chúng ta sẽ
đi từ một cuộc sống khắc khoải, cô lập, sang sự hiệp thông thánh thiêng.
Khi đó, không cần phải nắm lấy, hoặc sở hữu đời sống này, y như thể hòng có
được một chút tiện nghi thoải mái. Đời sống này dồi dào không mức độ.
Thiên Chúa không cân đo Thánh Thần. Sống trong vòng lưu chuyển yêu thương này,
thì không còn tôi tớ không biết đường lối của chủ, nhưng chỉ còn những người
bạn an nhiên sống và hành xử trong tình yêu của Chúa Cha.
4. Nói với những
con người đang sống trong một cuộc sống xô bồ, Đức Giêsu nhắc các bạn
hữu Người nhớ lại một vài điểm căn bản. Đừng nghĩ rằng họ đang dùng sức họ để vào được một cuộc
sống cao đẹp hơn, để mà tỏ ra ngạo mạn. Đừng nghĩ rằng họ đang biết phấn đấu
hết sức mình, để mà tự hào tự phụ. Thật ra, họ đã được Chúa Cha và Đức Giêsu
chọn làm một mắt xích trong chuỗi tình yêu. Và Chúa Cha không yêu cầu
người ta làm những chuyện họ không được chuẩn bị trước. Nhưng cách chuẩn bị
trước lại dường như không hào nhoáng gì đối với các môn đệ: “ở lại trong Đức
Giêsu”, “ở lại trong tình yêu của Người” và “yêu thương nhau”. Chúng ta hãy để
cho mình được bao trùm, được ấp ủ trong tình yêu của Người; như thế là đừng từ
chối những gì Người ban tặng cho ta. Đây là cách quan trọng duy nhất để có thể
ra đi và sinh được hoa trái.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm