Chúa Nhật 6 Phục Sinh Năm B

Một Hội Thánh Sống Lòng Mến Chúa Yêu Người

(Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1Yn 4,7-10; Yn 15,9-17)

 

Phúc Âm: Yn 15, 9-17

"Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau".

 Suy Niệm:

Chúa Nhật 6 Phục Sinh Năm B

Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1Yn 4,7-10; Yn 15,9-17

Chúng ta có thể nghĩ những bài Kinh Thánh hôm nay không dạy chúng ta điều nào mới mẻ hơn các Chúa nhật trước. Vẫn những giáo lý phải lưu lại trong lòng mến Chúa và yêu thương anh em. Nhưng đó là những điều luôn luôn phải được đào sâu thêm. Và khi đó chúng sẽ mở ra những chân trời luôn luôn mới.

Quả vậy, Hội Thánh là đề tài suy nghĩ của Phụng vụ trong suốt mùa Phục sinh. Hôm nay các bài Kinh Thánh cũng nói về đề tài đó, nhưng dưới ánh sáng mới và theo quan điểm mới, khiến những giáo lý về lòng mến Chúa yêu người là luật sống của Hội Thánh, cũng được khai triển phong phú hơn.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng sách Công vụ các Tông đồ để hân hoan trước một hiện tượng mới.

 1. Một Hội Thánh Ðang Phát Triển

Phêrô bước vào nhà ông Cornêliô. Ðó là một sự mới mẻ chưa bao giờ thấy xảy ra... Phêrô là một người Dothái, trước kia làm nghề chài lưới và bây giờ là thủ lãnh của một đạo mới thành hình. Mặc dù mới và bị đạo cũ đàn áp, thứ tôn giáo này vẫn giữ nề nếp của Dothái giáo. Phêrô và cấp lãnh đạo vẫn đinh ninh và hãnh diện tiếp nối sự nghiệp của Israel cũ. Tin Mừng cứu độ mà họ vừa lãnh nhận để đem đi rao giảng khắp nơi, theo họ nghĩ, đã được hứa ban cho con cái Israel mà thôi. Thế nên họ không hề có ý tưởng tiếp xúc với dân ngoại. Họ còn sợ việc đó nữa, vì nó sẽ làm họ ra ô uế theo quan niệm sạch và dơ của Dothái giáo.

Còn phía bên ông Cornêliô, thành kiến cũng nhiều và nặng lắm. Ông là quan ở "mẫu quốc" sang đây cai trị, vì khi ấy Dothái là đất bảo hộ của đế quốc Rôma. Làm sao ông có thể có ý tưởng sai người đi mời một anh ngư phủ người Dothái đến để dạy khôn cho mình?

Tuy nhiên Phêrô và Cornêliô, hai con người của hai thế giới và của hai nền văn minh rất khác nhau, và kình địch nhau nữa, lại có chung một mẫu số. Họ đều "kính giới Thiên Chúa và làm lành, nên đều được Thiên Chúa chiếu cố" (c.36). Người cho Phêrô thấy một thị kiến và bảo phải nuốt cả những vật mà Phêrô vẫn bảo là dơ. Và Người sai một thần sứ đến nói với Cornêliô phải cử người đi mời Phêrô đang ở nhà một người thợ thuộc da đến, để cả nhà được cứu độ. Cả Phêrô lẫn Cornêliô đều đã vâng lời. Và chúng ta thấy có cuộc gặp gỡ hôm nay như lời sách Công vụ kể.

Mỗi người chúng ta về nhà hãy tìm đọc lại câu chuyện từ đầu chí cuối. Nó rất dễ hiểu và hứng thú. Phụng vụ ở đây chỉ trích một vài đoạn cần thiết để làm nổi bật một hai ý tưởng.

Trước hết như chúng ta vừa xem, bài sách muốn nhấn mạnh đến tình thương của Chúa đối với mọi con người có lòng đạo đức và có thiện ý. Người không tây vị và kỳ thị ai, dù cho họ thuộc dân tộc và nền văn hoá nào. Ơn cứu độ của Người, tuy đi qua người Dothái, nhưng vẫn muốn đến với hết mọi dân tộc. Và Israel đích thực là Nước Trời mở rộng cho mọi người có niềm tin chứ không phải là quê hương của nguyên những người có dấu cắt bì trong xác thịt.

Ðiều này đối với chúng ta ngày nay là chân lý hiển nhiên. Nhưng ở thời Phêrô và Cornêliô, đó là điều không thể tưởng tượng được. Bức tường đã được dựng lên giữa Dothái và dân ngoại, dài, rộng và chắc hơn Vạn Lý Trường Thành nhiều. Hôm nay trong bài sách Công vụ này, nó đã bị chọc thủng, chứ chưa bình địa đâu. Phêrô đã đi qua để đưa ơn cứu độ từ Dothái sang dân ngoại. Nhưng phải đợi Phaolô, và nhiều tông đồ khác làm việc mạnh mẽ thì lối đi kia mới dần dần rộng ra, khiến bức tường phân rẽ giữa hai bên sẽ có ngày bình địa hoàn toàn. Sách Công vụ sau này sẽ cho thấy có nhiều lực lượng muốn bịt lại cái lối đi mà Phêrô đã mở ra hôm nay. Nhiều tín hữu gốc Dothái vẫn muốn phản đối việc thâu nhận dân ngoại vào sản nghiệp của các lời hứa, nếu không chịu Dothái hóa, tức là giữ một số tập tục của Dothái. Nhưng sức loài người nào cưỡng lại được lòng thương của Chúa?

Là vì không phải Cornêliô hay Phêrô đã có sáng kiến và can đảm chọc thủng được bức tường chia rẽ vạn niên kia. Bài sách Công vụ hôm nay thuật lại: đó là việc Thiên Chúa làm. Chính Người dùng Phêrô và Cornêliô để đưa Hội Thánh mở sang tất cả thế giới. Chính Người sáng tạo con đường Tin Mừng cứu độ đi vào lòng các dân tộc.

Thế nên, phụng vụ hôm nay chỉ trích lại câu đầu tiên trong bài giảng của Phêrô: "Thiên Chúa không hề tây vị, nhưng bất cứ nơi dân tộc nào, ai kính sợ Người và làm lành đều được Người vui lòng chiếu nhận". Ông đã nói lên lòng thương yêu rộng lớn của Thiên Chúa muốn ôm ấp hết mọi dân tộc. Thiện chí của người ta chỉ như mảnh đất sẵn sàng để hạt giống Tin Mừng gieo xuống mà thôi. Nó buộc đóng vai trò chủ động, nhưng chỉ là chuẩn bị và đón nhận. Chính Thiên Chúa chủ trì và lãnh đạo lịch sử. Chính Thiên Chúa muốn và đưa các dân tộc vào tình yêu cứu độ.

Rồi phụng vụ bỏ qua tất cả bài giảng của Phêrô, để kết thúc bằng việc mô tả ơn Thánh Thần đã xuống trên các người nghe, khiến Phêrô phải sửng sốt nói rằng: "Ai có thể ngăn cấm những người này chịu thanh tẩy, những kẻ đã chịu lấy Thánh Thần một thể như chúng ta?". Nghĩa là một lần nữa, chúng ta lại thấy ý Chúa muốn cứu độ dân ngoại, điều mà Hội Thánh cho tới lúc bấy giờ chưa nhận ra một cách cụ thể và chắc chắn.

Như vậy bài sách Công vụ hôm nay không đem đến cho dân Chúa một giáo lý mới sao? Rõ ràng Hội Thánh của Chúa từ nay phải mở rộng, mở xa; phải nhìn xem ơn Chúa đang làm việc nơi các dân tộc; phải nồng nhiệt đón nhận những người trước đây xa lạ vào gia đình của Chúa; phải hết tự tôn vì dân ngoại cũng đã chịu lấy Thánh Thần như thể chúng ta.

Một bài học như thế vô cùng phong phú và chưa mất giá trị tức thời đâu. Cho đến nay, chúng ta và giáo xứ chúng ta không có nếp sống bưng bít với lương dân và xã hội hay sao? Ý Chúa trong bài sách Công vụ hôm nay dạy bảo chúng ta không được như vậy nữa. Và thái độ mới này không phải chỉ có hệ tới tương quan của chúng ta với những con người và tập thể chưa Kitô giáo, mà còn chi phối cả nếp sống nội bộ và nội tâm của cộng đoàn dân Chúa nữa. Ðiều này chúng ta sẽ nhờ hai bài Thánh thư và Tin Mừng để tìm hiểu.

 2. Một Hội Thánh Sống Lòng Mến Chúa Yêu Người

Vì hai bài đọc này của cùng một bút pháp lấy tên là Yoan và cùng nói về một đề tài, nên chúng ta sẽ học chung, không phân biệt bài Thánh thư và bài Tin Mừng. Cả hai đều nói về lòng mến Chúa yêu người. Cả hai đều nhấn mạnh việc yêu người, nhưng dạy rằng nó phát xuất từ lòng mến Chúa.

Ðấy là luận lý của Yoan dùng miệng lưỡi Ðức Yêsu mà nói: Như Cha đã yêu mến Ta, Ta đã yêu mến các ngươi... Các ngươi là bạn hữu của Ta, nếu các ngươi làm điều Ta truyền dạy các ngươi là hãy yêu mến nhau. Nêu lên như vậy, nhưng Yoan đã không chứng minh các vế của hai câu luận lý trên một cách đồng đều. Có thể nói, người không cần làm chứng về tình yêu mà Chúa Cha đã dành cho Ðức Yêsu. Người nói nhiều hơn về tình yêu của Ðức Yêsu và của Thiên Chúa dành cho môn đệ để thúc giục họ yêu mến nhau như người đã yêu mến họ.

Ðối với chúng ta, sẽ thật là cổ điển nếu còn làm chứng lại về tình yêu của Ðức Yêsu và của Thiên Chúa dành cho loài người. Nhưng hôm nay chúng ta cũng không bỏ qua một vài tư tưởng sâu sắc của Yoan. Người nói: tình của Ðức Yêsu mến chúng ta giống như tình của Chúa Cha yêu mến Ngài. Nó là chính tình yêu mến đó. Cả hai chỉ là một. Vì Chúa Cha yêu thương Chúa Con thế nào, thì Chúa Con cũng yêu thương chúng ta như vậy. Chúng ta cứ nhìn vào tình yêu sau để hiểu tình yêu trước, vì tình yêu sau đã tỏ hiện nơi chúng ta.

Thật vậy, rõ ràng Chúa đã yêu chúng ta trước, khi chúng ta còn ở trong tội lỗi, Người đã sinh ra và hy sinh vì chúng ta. Người đã đi bước trước. Tình yêu khởi sự từ Người. Nó khác hẳn tình yêu nơi chúng ta. Nó là bác ái, vì nó yêu khi chúng ta chưa có gì đáng yêu. Vì chính nó sẽ làm ra những gì đáng yêu nơi chúng ta. Nó thật là huệ ái theo nghĩa là ân huệ nhưng không Chúa ban cho chúng ta. Ðừng bảo nó là lòng thương hại. Không, Chúa không gọi chúng ta là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu của Người. Kẻ tôi tớ được thương. Nó được hưởng nhiều ơn của chủ, nhưng không được đi sâu vào tâm sự của chủ và biết việc chủ làm. Nhất là nó vẫn đứng ngoài, không hiểu hết được lòng chủ... Ðàng này, Chúa Yêsu thương chúng ta như bạn hữu đưa chúng ta vào sống sự thân mật của Người tỏ cho ta mọi điều Người nghe được nơi Chúa Cha. Chúng ta hãy cân nhắc những lời này. Việc Người tỏ cho ta mọi điều Người nghe được nơi Chúa Cha không nói lên sự tín cẩn, thắm thiết của Người dành cho chúng ta là bạn hữu của Người sao?

Cuối cùng mối tình của Người cụ thể phong phú vô lường. Người đã thí mạng mình vì bạn hữu; Người đặt bạn hữu ra để họ đi sinh trái và trái trăng của họ còn mãi. Ai có thể dùng những lời nào hơn để diễn tả sự chân thật, thắm thiết, phong phú của tình Chúa thương ta? Yoan chẳng thể kết luận thế nào khác hơn điều này: là chúng ta hãy lưu lại trong lòng mến của Chúa.

Nhưng khi viết câu này, Yoan đã ý thức sâu xa về sự khác biệt giữa tình yêu ở nơi Chúa và ở nơi chúng ta. Nơi Người, nó luôn luôn trung tín. Không những Chúa Con không bao giờ ngơi lưu lại ở trong lòng mến của Chúa Cha; mà chính lòng mếm của Thiên Chúa đối với chúng ta không bao giờ ngắt quãng. Nếu có phút nào Người không yêu chúng ta nữa, thì chúng ta chẳng còn. Kinh nghiệm lịch sử Israel cho thấy rõ. Có khi Chúa "bỏ rơi" dân này trong tay các cường quốc vì tội lỗi bất trung của nó. Người vẫn không ngớt duy trì tình yêu cứu độ để rồi vung cánh tay quyền lực cho nó thấy tình yêu của Người thật trung kiên bền vững. Khốn thay, lòng mến của chúng ta lại không như vậy. Giống như Israel, nó luôn luôn tráo trở. Vì thế trong Cựu Ước Chúa luôn kêu gọi Israel trở lại thế nào thì trước khi từ giã môn đệ, trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Yêsu cũng luôn kêu gọi chúng ta lưu lại ở trong tình yêu của Người.

Và cho được như thế hãy giữ lệnh truyền của Người, cũng như Người hằng giữ các lệnh truyền của Chúa Cha. Chúng ta có thể tự hỏi Chúa Cha đã ra những lệnh truyền nào cho Ðức Yêsu? Sách Thánh trả lời là Chúa Cha muốn Ðức Yêsu học biết được gì nơi Chúa Cha thì thông ban lại cho loài người. Nhưng hỏi có gì cần biết nơi Chúa Cha nếu không phải là chính tình yêu cứu độ của Người? Thiên Chúa là tình yêu. Hiểu biết Thiên Chúa là hiểu biết tình yêu của Người. Người không giống những quan niệm siêu hình về Thượng đế ở nơi các triết gia. Người là Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết về Người đều quy vào kế hoạch cứu độ tình thương mà Người đã tự ý sáng tạo khi chưa có tạo dựng. Chúa Cha muốn Chúa Con mang tình yêu lớn lao ấy xuống thế, để khi Ðức Yêsu chết trên thập giá, người ta biết Thiên Chúa yêu thương con người đến mức nào. Thế nên, Ðức Yêsu đã giữ lệnh truyền của Chúa Cha, khi làm công việc cứu thế. Và bây giờ Người bảo chúng ta cũng hãy bắt chước Người mà giữ lệnh truyền của Người.

Lệnh truyền này cũng nằm trong chiều hướng với lệnh truyền của Chúa Cha, là: như Cha đã yêu Ta và Ta đã yêu các ngươi, thì các ngươi hãy yêu mến nhau. Phàm ai yêu mến thì đã sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu mến thì đã không biết Người. Những lời này đối với chúng ta bây giờ dễ hiểu; vì chúng ta đã biết lòng yêu mến đích thực bởi Thiên Chúa mà đến vì Người là tình yêu. Chỉ ai sinh bởi Thiên Chúa mới có lòng yêu mến ấy; và khi có lòng yêu mến này, người ta biết Thiên Chúa và biết Người là đấng yêu mến và Người muốn chúng ta yêu mến. Còn ai không yêu mến sẽ không biết Người, sẽ không biết Người đã yêu thương chunng ta trước và thí mạng sống vì chúng ta để đến lượt chúng ta thí mạng sống mình vì anh em. Vì thế lòng yêu mến anh em sẽ trắc nghiệm lòng chúng ta mến Chúa. Lòng Hội Thánh yêu thương các linh hồn chứng tỏ lòng mến Chúa ở trong Hội Thánh, bởi vì khi nhập thể Chúa đã gọi hết mọi người là anh em của Chúa, thì khi dạy chúng ta phải yêu thương anh em, Người muốn chúng ta phải làm cho mọi tạo vật trở nên môn đệ của Người.

Bài học cuối cùng của hai đoạn Thánh thư và Tin Mừng hôm nay lại đưa chúng ta về ý nghĩa của bài sách Công vụ. Lòng mến Chúa yêu người mà Hội Thánh phải duy trì và phát triển ở trong lòng mình sẽ đẩy Hội Thánh đến với lương dân và đi vào xã hội, để tỏ hiện sức mạnh tình yêu thiên nhiên và bền vững của Thiên Chúa.

Giờ đây khi cử hành thánh lễ, chúng ta lại được dịp chứng nghiệm tình yêu thắm thiết của Thiên Chúa cứu độ. Rõ ràng Người là tình yêu. Người yêu chúng ta trước. Người yêu chúng ta đến nỗi thí mạng mình vì chúng ta để tình yêu của Người đến với chúng ta, lưu lại nơi chúng ta và thúc đẩy chúng ta yêu mến anh em và truyền giáo cho anh em, tức là làm cho mọi người biết tình yêu khôn tả của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tham dự thánh lễ này sốt sắng. Nhưng nhất là chúng ta phải thi hành tinh thần của thánh lễ cũng như những bài học của Lời Chúa hôm nay trong đời sống hàng ngày.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B