LOAN BÁO TIN MỪNG
CHO MỌI LOÀI THỌ TẠO
(Máccô16,15-20 – Thăng Thiên - B)
1.- Ngữ cảnh
TM Máccô kết thúc với
câu 16,8. Tuy vậy, một số Kitô hữu thuộc thế kỷ i-ii đã tìm cách “bổ túc” truyện sách Tin Mừng bằng cách thêm vào những cảnh mà họ nghĩ rằng tác giả Mc
hẳn cũng đã thêm vào nếu ngài viết tiếp. Đoạn văn 16,15-20 nằm trong Phần Kết
phụ trội thứ nhất gọi là “Phần Kết Dài” hay là “Phần Kết Vô Danh”, từ c. 9 đến
c. 20 của chương 16. Phần này nói đến những cuộc hiện ra của Đức Giêsu với bà
Maria Mácđala và với các môn đệ để thúc giục họ, tức Hội Thánh, đi loan báo Tin
Mừng khắp nơi. Các nhà truyền giáo không có gì phải sợ, bởi vì Đức Giêsu Phục
Sinh vẫn ở với họ. Các độc giả tinh ý sẽ thấy có một số đề tài trong các
câu này không giống gì với những điều họ đã thấy trong TM II. Họ cũng
còn có thể nhận ra nơi các đề tài này âm vang của những cảnh quen thuộc ở trong
các Tin Mừng khác, được quy tụ lại để làm cho phần kết của Mc (16,8) bớt
đột ngột (x. Ga 20,11-18; Lc 24,13-35; Mt 28,16-20).
Bản văn chúng ta đọc
hôm nay tập trung vào sứ mạng phổ quát của các tông đồ, và giống như Lc 24,36-53, nó kết thúc với việc Đức
Giêsu lên trời mà các ông thấy được. Bài không hề xác định nơi chốn. Tác giả
chỉ muốn chúng ta lưu ý đến điều cốt yếu: sứ mạng được giao phó cho các môn đệ.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba đơn vị:
1) Lệnh ra đi loan báo Tin
Mừng cho mọi loài thọ tạo (16,15-18);
2) Lên trời (16,19);
3) Ra đi thi hành sứ
mạng (16,20).
3.- Vài điểm chú giải
- Nhóm Mười Một (14): Đây chính là Nhóm
Mười Hai trước đây, nhưng nay chỉ còn mười một tông đồ, vì Giuđa không còn nữa.
Nhóm mang nơi mình dấu chỉ của sự sa sút. Chính là với Nhóm này mà Đức Giêsu đã
hiện ra và giao sứ mạng loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra và giao
sứ mạng, điều này có nghĩa là Người đã tha thứ cho họ, và lòng cứng tin của họ
đã được thắng vượt.
- Tin Mừng (15): Nội dung của sứ điệp phải loan báo
không được giải thích, mà lại được tổng hợp trong khái niệm “Tin Mừng”. Do khái
niệm này được nối kết với “các thọ tạo”, nó gần với Cl 1,23. Công thức này đã được chuẩn bị trong Do Thái giáo, nơi mà
Thiên Chúa được ca ngợi là vua của toàn thể công trình tạo thành của Ngài (Gđt 9,12), là chúa tể của muôn loài thọ
tạo và có lòng yêu thương muôn loài thọ tạo (x. 3 Mcb 2,2.7; 6,2. Sách 3 Mac
không thuộc về Kinh Thánh). Vậy Tin Mừng phải loan báo chính là quyền chúa tể
của Đức Kitô Phục Sinh trên toàn thể thọ tạo.
- phép rửa (16): Các phản ứng của con người trước
sứ điệp Tin Mừng là tin hoặc không tin. Đức tin có kèm theo thái độ sẵn sàng
lãnh nhận phép rửa. Phép rửa nhân lãnh trong đức tin đưa tới ơn cứu độ trong
cuộc phán xét chung cuộc. Trong Tt
3,5 và 1 Pr 3,21, phép rửa và ơn cứu
độ được nối kết với nhau. Sự đối lập giữa cứu độ và kết án khiến ta nhớ đến Ga 3,18. Tuy nhiên, ở đây bản văn hướng
đến cuộc phán xét chung.
- những dấu lạ đi theo (17): Khác với
những gì xảy ra ở Mc 8,11t, dấu (lạ) được
dùng theo nghĩa tích cực. Dấu lạ không đi trước đức tin và cũng không diễn tả một
uy quyền chỉ được ban riêng cho các môn đệ (như ở Mc 6,7-13), mà phải được dùng như là cách Thiên Chúa chuẩn nhận cho
những ai đã trở thành tín hữu. Dấu lạ cho thấy Đức Kitô là vị Chúa tể mới của
tạo thành, Người muốn ban ơn cứu độ cho toàn thể tạo thành. Năm loại phép lạ
quy chiếu về sách Cv: đuổi quỉ (Cv 16,16-18), nói tiếng lạ (Cv 2,1-11), cầm rắn độc (Cv 28,3-6), chữa bệnh (Cv 31-10; 9,31-35; 14,8-10; 28,8t). Còn
thuốc độc có lẽ dựa theo một truyện kể nào đó (chẳng hạn chuyện sử gia
Êusêbiô kể về Giúttô Bácsaba; x. Hist. Eccl. 3,39,9). Lc 10,19 có nói đến khả năng đạp trên
rắn độc và bọ cạp. Các dấu lạ xảy ra “nhân danh Thầy”, tức là với việc cầu khẩn
danh Đức Giêsu. Như thế, Đức Giêsu được tôn vinh tiếp tục ở với cộng đoàn của
Người và hoạt động.
- Chúa Giêsu được đưa lên trời (19):
Danh hiệu “Chúa Giêsu”, rất quen thuộc với Phaolô và sách Cv, chỉ
xuất hiện ở đây trong các Tin Mừng. Đấng
Phục Sinh, Đấng được tôn vinh, chính là Kyrios (chúa tể), là Kosmokrator
(chúa tể vũ trụ). Cuộc lên trời của Đức Giêsu giả thiết có hình ảnh của Kinh
Thánh về thế giới (= lên trời), được mô tả phỏng theo cuộc lên trời của ngôn sứ
Êlia (2 V 2,11; 1 Mcb 2,58).
- Ngự bên hữa Thiên Chúa: Câu này dựa theo Tv 109 (110), 1 muốn nói rằng nay Đức
Giêsu có tất cả quyền năng của Thiên Chúa.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Lệnh ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ
tạo (15-18)
Ta thấy lệnh truyền của
Đức Giêsu quá rõ ràng và cấp bách, nhưng trong thực tế, dường như không phải
thế: Đức Giêsu không cho biết rõ khoảng thời gian kéo dài từ khi Người sống lại
đến khi Người quang lâm; Người không loan báo rằng các Dân ngoại sẽ dần dà đi
vào trong Giáo Hội trước khi xảy ra phán xét chung; các tông đồ đã phải mò mẫm
tìm kiếm phương hướng hoạt động, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần (x. Cv 10; 11,1-8; 15,7-11…). Dù sao, ở đây,
chúng ta thấy sứ mạng của Giáo Hội nơi Dân ngoại đã trở nên rõ ràng, không ai
phản đối nữa: các tông đồ phải ra khỏi môi trường Do Thái giáo mà loan báo Tin
Mừng cho “mọi loài thọ tạo”. Công thức này tương đương với Mc 1,10 và Mt 28,19: “mọi
dân tộc”; chỉ loài người mới có thể nghe rao giảng và đáp lại bằng đức tin. Tuy
nhiên, cũng có thể, trong chiều hướng của thánh Phaolô (Rm 8,19-22; Cl 1,1-23), tác giả nghĩ đến ảnh hưởng của công cuộc Đấng Cứu thế
thực hiện trên toàn vũ trụ.
Tại sao lại “loan báo
Tin Mừng cho muôn loài thọ tạo”? Cây cối có thể nghe Tin Mừng? Khi người ta
nghe theo sứ điệp của Chúa Kitô, phải chăng tất cả vũ trụ sẽ được biến đổi?
Điều này sẽ được thánh Phaolô giải thích trong Thư gửi người Rôma: “Muôn loài
thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con
cái Người… với niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ
thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và
vinh quang” (Rm 8,19-21). Khi chúng
ta sử dụng các thọ tạo sai cách, chúng ta làm điều dữ. Khi sứ điệp Tin Mừng
thay đổi con tim chúng ta, muôn loài thọ tạo cũng sẽ được cứu chuộc; chúng không
còn bị sử dụng cho điều xấu nữa, mà được sử dụng đúng mục tiêu của chúng như
khi chúng được tạo thành: một phương tiện để yêu thương và sống hạnh phúc. Sứ
mạng của các môn đệ là làm việc để cho có một nhân loại mới và một thế giới mới
chào đời.
Đức tin chính là lời
đáp trả lời rao giảng và được liên kết với phép rửa tội (Cv 2,41; 8,12…).
Còn về các dấu lạ, trong
Hội Thánh lúc ấy, không phải bao giờ các dấu lạ cũng được các tông đồ thực
hiện; nhiều lần Thánh Thần hành động nơi và qua các thính giả (x. Cv 10,44-46). Các dấu lạ được kể ra như
là những ví dụ, và được chứng thực trong sách Cv.
* Lên trời (19)
Tác giả đã liên kết hai
thực tại không thuộc về cùng một bình diện, một bên là một cuộc
tỏ mình hữu hình của Đức Giêsu Phục Sinh kết thúc những cuộc hiện ra, được diễn
tả bằng ngôn ngữ của sách Cv (x. Cv 1,1-11); một bên là một cuộc
tôn vinh trên thiên quốc, gắn liền với cuộc Phục Sinh (x. Ep 4,10; 1 Tm 3,16…).
Thật ra, tác giả Mc không tường thuật
một biến cố xảy ra trước mặt các khán giả. Các độc giả sẽ sai lầm nếu tưởng
tượng Thăng Thiên như một “cuộc rời bỏ nhau”, “một chuyến ra đi”, “một sự biến
mất”. Đức Giêsu không ở quanh quẩn đâu đó trong vòng bốn mươi này trước khi lên
trời. Người đã đi vào vinh quang của Cha Người ngay sau khi chết. Ngày Thăng
Thiên không phải là một lễ từ biệt, mà là một lễ mừng sự hiện diện. Điều mà tác
giả muốn kể cho chúng ta là Đức Giêsu Nadarét, đã bị lính Rôma giết vào trước
lễ Vượt Qua, không hề bỏ rơi các môn đệ Người mãi mãi. Người đã sống lại và
tiếp tục sống với họ. Cách thức hiện diện thì khác, nhưng Người không bỏ rơi
họ. Trước khi sống lại, Người không thể ở với mọi người tại mọi nơi chốn. Nay
đã được tôn vinh, Người có thể hiện diện ở mọi nơi. Người có thể ở với mọi
người chúng ta.
* Ra đi thi hành sứ mạng (20)
Tác giả quan tâm khẳng định rằng trong hoạt động truyền giáo, các
tông đồ (và sau các ông, là Hội Thánh mọi thời) có thể cậy dựa vào sự hiện diện
tuy vô hình nhưng hữu hiệu của Đức Giêsu đang ở trên thiên quốc với tất cả
quyền năng Kyrios của Người.
Ngay ngày hôm nay, việc loan báo Tin Mừng cũng phải có kèm theo các
dấu lạ, nhưng các dấu lạ này không phải là những mánh lới phù chú ma thuật,
nhưng là những dấu chỉ cho thấy thế giới mới như các ngôn sứ và tác giả Mc đã từng lon báo.
+ Kết luận
Bởi vì các nhà chuyên
môn cho rằng Kết dài của TM Mc là một huấn giáo về Phục Sinh,
chúng ta có thể đối chiếu bản văn với 1
Cr 15,1-11. Cuộc gặp gỡ với một nhóm môn đệ giới hạn trở thành nền
tảng cho các biến cố liên hệ đến Đức Giêsu Phục Sinh. Giới hạn về thời gian
giữa cuộc Phục Sinh và Lên Trời đảm bảo cho tính hợp pháp của các chứng nhân
chọn lọc, nhưng cũng cho thấy cuộc Phục Sinh là như một kiểu trở lại tạm thời
của Đức Giêsu trong một cuộc sống trần thế. Quan trọng là đi loan báo
Tin Mừng “khắp nơi” và chỉ khi loan báo như thế, người môn đệ mới trải nghiệm
sự hỗ trợ thường trực của Đức Chúa được tôn vinh vẫn đang ở lại trong cộng đoàn
mình.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Nay đã sống lại, đã được tôn vinh, Đức Giêsu
có thể hiện diện với từng người trong chúng ta. Có thể gọi Thăng Thiên là lễ
nhân ra nhiều sự hiện diện của Đức Giêsu. Đây là ý nghĩa đích thực của Thăng
Thiên, nên chúng ta có thể thực sự hạnh phúc và chan hòa niềm vui. Đức Giêsu Phục
Sinh là Chúa tể (Kyrios) nhưng vẫn đang “cùng hoạt động” với các môn đệ
Người, với mỗi tín hữu đang dấn thân cho sứ vụ Người giao phó.
2. Nhìn vào Nhóm môn đệ, chúng ta nhớ đến tập
thể trong đó chúng ta đang hiện diện: gồm những con người bất toàn, có thất
trung. Nếu hôm nay, chúng ta còn có thể ra đi loan báo Tin Mừng, là vì Đức
Giêsu Phục Sinh đã tha thứ và khôi phục tư cách cho chúng ta. Sống đời thừa sai
là làm chứng rằng chúng ta đã được ơn tha thứ và chúng ta đã gặp Đấng Phục
Sinh.
3. Địa bàn hoạt động của người môn đệ là thế
giới, “khắp tứ phương thiên hạ”; đối tượng họ gặp gỡ là mọi người và từng người
trên đường họ đi, “mọi loài thọ tạo”. Người môn đệ của Đấng Phục Sinh không được
để cho những phân biệt về màu da, ngôn ngữ, chủng tộc, ... làm cho mình ngần
ngại ra đi chia sẻ Tin Mừng cứu độ.
4. Hôm nay chúng ta đang làm các “dấu lạ” nào?
Phải chăng chúng ta cứ muốn Thiên Chúa làm các phép lạ, hay là chính chúng ta
cũng muốn thực hiện các “dấu lạ”? “Dấu lạ” có phải là chính sự hiện diện khiêm
tốn, nhân ái và có khả năng “chữa lành” của chúng ta? Con người hôm nay có cảm
thấy rằng Đức Giêsu đã lên trời, vẫn đang ở cùng chúng ta tại đây chăng?
Lm PX Vũ Phan Long, ofm