Lễ Chúa Giêsu Lên Trời Năm B
Thầy ra
đi, nhưng Thầy sẽ trở lại
(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20)
Phúc Âm: Mc 16, 15-20
"Ðang khi Người
chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời".
Khi ấy, Chúa Giêsu hiện
ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng
Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không
tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân
danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người
bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".
Vậy sau khi nói với các
môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa.
Phần các ông, các ông
đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời
giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.
Suy Niệm:
Bài đọc I hôm nay dường
như muốn thuật lại cho chúng ta nghe câu chuyện Chúa lên trời. Cứ theo như lời
sách Tông đồ Công vụ, khoảng 40 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã lên trời
trước mắt các Tông đồ. Một đám mây đã đến rước Người đi. Nhưng cũng chính tác
giả sách Tông đồ Công vụ là thánh Luca, trong quyển Phúc Âm III, lại kể việc
Chúa lên trời liền với việc Người sống lại, hầu như trong chính hôm Chúa nhật
Phục sinh. Thánh Luca đã tiền hậu bất nhất, hay chúng ta phải hiểu các sự việc
trên đây thế nào?
Khoa học Kinh thánh
ngày nay trả lời cho chúng ta như sau: câu chuyện kể trong bài đọc I hôm nay
chỉ muốn nói lên việc Chúa lên trời cách hữu hình, trước mắt các môn đệ. Ðó
cũng là câu chuyện Chúa sống lại hiện ra lần cuối cùng, để không bao giờ hiện
một cách công khai nữa, cho đến khi Người trở lại trong ngày tận thế.
Còn chính mầu nhiệm
Chúa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, thì đã được bao trùm trong mầu nhiệm
Phục sinh và thật sự đã xảy ra trong chính việc sống lại. Vì lên trời là gì,
nếu chẳng phải là việc Chúa Giêsu trở về cùng Thiên Chúa Cha? Thế mà Phục sinh
chính là lễ Vượt qua của Chúa Giêsu. Người vượt qua cõi đời này để trở về cùng
Cha Người. Người từ bỏ thân xác phàm trần yếu đuối để mặc lấy ánh vinh quang
sáng láng. Chính ánh sáng bao bọc thân thể Chúa Giêsu khi Người sống lại làm
chứng Người đã ở trong vinh quang của Chúa Cha.
Thế nên không được phép
tưởng tượng Chúa Giêsu sống lại rồi còn ẩn khuất nơi nào trên trần gian trong
40 ngày, rồi sau đó mới về trời dứt khoát. Chúng ta phải tin thật rằng Chúa
Giêsu khi sống lại đã lập tức ở trong vinh quang của Chúa Cha, đã ngự bên hữu
Người và thỉnh thoảng hiện ra với các môn đệ để củng cố đức tin của họ, như bây
giờ Người hay Ðức Mẹ có thể hiện ra cùng một người nào đó. Như vậy câu chuyện
lên trời như sách Tông đồ Công vụ hôm nay, chỉ là câu chuyện lên trời hữu hình
trước mắt các môn đệ hay cũng là câu chuyện chấm dứt các lần Chúa sống lại hiện
ra một cách công khai.
Nhưng phụng vụ của Giáo
hội sung sướng nắm lấy câu chuyện lên trời hữu hình này để giúp chúng ta hiểu
biết mầu nhiệm lên trời của Chúa Giêsu. Mầu nhiệm lên trời vô hình và đích thực
đã xảy ra trong mầu nhiệm Chúa Phục sinh và có nghĩa là, sau khi hoàn tất sứ
mạng cứu thế, Ðức Kitô đã vượt qua đời này về ở trong vinh quang Chúa Cha, làm
đấng cầu bầu cho loài người và làm Chúa cứu chuộc chúng ta ngay ở trên trời.
Kiểu nói: ngự bên hữu Chúa Cha có ý nói lên cả hai ý tưởng đó. Ðức Kitô ở trên
trời thành đấng cầu bầu thế lực cho loài người; đồng thời Người được trao quyền
bá chủ để dẫn dắt toàn thể tạo vật đến chốn vinh quang.
Thánh Phaolô trong bài
đọc II hôm nay cầu xin cho chúng ta được thần trí khôn ngoan và tâm hồn sáng
suốt để nhận biết Chúa Giêsu và hiểu rõ công việc mà Thiên Chúa đã thực hiện
nơi Người cho ta. Quả vậy khi làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và đặt
Người ở bên hữu mình ở trên trời, Thiên Chúa Cha đã truy phong Ðức Kitô là
Chúa, là đầu của toàn thể Hội Thánh để Người ở đâu thì cả Hội Thánh là thân thể
Người cũng sẽ được ở đó. Như vậy ngày lễ hôm nay lại nói lên lòng Thiên Chúa
Cha yêu thương loài người chúng ta. Người cho chúng ta nhìn thấy vinh hiển của
Chúa Giêsu ở trên trời ngự bên hữu Người, là để chúng ta nhìn thấy vinh quang
muôn đời đang chờ đợi chúng ta.
Thế nên, ngày hôm nay
chúng ta hãy ngước mắt lên trời như là nơi quê hương phúc lộc đang kêu gọi
chúng ta. Têrêsa Hài đồng Giêsu một đêm kia nhìn trời thấy chữ T tên mình đã
được viết ở trên đó. Mỗi người chúng ta có thể chắc chắn như thế; tên chúng ta
đã được viết sẵn trên trời rồi, không phải nơi chòm sao này, chỗ đám sao kia,
nhưng là ngay trong cơ thể sáng láng của Ðức Kitô bên hữu Thiên Chúa Cha. Người
đã mang bản tính nhân loại lên trời, để ai bằng lòng kết hợp với Người, cũng sẽ
được ở trong vinh quang Thiên Chúa. Ý nghĩa của ngày lễ Lên trời hôm nay đã
được chính Chúa Giêsu khi còn ở đời này tuyên bố: Thầy sẽ ra đi dọn chỗ cho
chúng con, để rồi Thầy sẽ trở lại đưa chúng con đến nơi Thầy đến.
Như vậy, cùng với lòng
cảm mến Chúa Cha hứa ban chỗ ở trên trời cho chúng ta trong vinh quang, chúng
ta phải cảm tạ Chúa Giêsu đã chấp nhận ra đi dọn chỗ đó cho chúng ta. Và chúng
ta biết việc ra đi dọn chỗ này thật là gian khổ, vì Người đã phải đi qua con
đường khổ nạn thập giá. Ðồng thời chúng ta cũng phải hiểu rõ: tuy về trời nhưng
Người vẫn làm việc cho chúng ta, để dọn chỗ cho chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta
đừng có hiểu công việc này đang được làm ở trên trời. Trời lúc nào chẳng sẵn!
Vinh quang của Chúa đã có từ đời đời! Công việc sửa soạn chỗ cho chúng ta được
hạnh phúc phải làm ngay ở trần gian này, ngay nơi chúng ta, để chính chúng ta,
chính thế giới này đang đi vào vinh quang của Chúa.
Chính vì vậy mà trong
Phúc Âm, Chúa lại nói Thầy ra đi, nhưng Thầy sẽ trở lại; Thầy ra đi để trở lại.
Thầy ra đi với thân xác yếu hèn, nhưng Thầy trở lại với thân thể sáng láng;
Thầy ra đi trong thân phận con người, nhưng Thầy sẽ trở lại trong thần lực của
Thánh Linh, để thực hiện công việc thánh hoá cho chúng con, hầu chúng con đi
đến nơi Thầy đã tới. Hiểu như vậy, nên sau khi mừng lễ Chúa lên trời, bắt đầu
ngay từ ngày mai, Giáo hội đã thúc giục chúng ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần đến
hoạt động trong thế gian.
Do đó, trong ngày lễ
lên trời, không ai được phép cứ đăm đăm nhìn trời mãi. Sứ thần Chúa hôm nay đã
bảo các môn đệ không được làm như vậy. Và họ đã hiểu ý, ra về làm phận sự Chúa
đã chỉ cho trước khi Người lìa xa: các con hãy ra đi, rao giảng Tin Mừng cho
mọi người. Phúc Âm hôm nay kết: các ông đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt
động với các ông. Chúng ta thấy, Chúa lên trời đâu có lìa xa chúng ta. Người đã
hứa sẽ trở lại trong Thần Trí của Người, để cùng hoạt động với các môn đệ. Vậy,
mừng lễ Chúa lên trời, chúng ta hãy cầu xin Người, vì bây giờ ở trong vinh
quang Chúa Cha, Người có sức mạnh của Thiên Chúa để đến củng cố đời sống đạo
đức của chúng ta, hầu sửa soạn cho chúng ta và cho mọi người được chỗ vinh
quang sau này trên trời.
Thế nên, chúng ta hãy
can đảm, nhiệt thành như các tông đồ ngày trước, đưa Phúc Âm của Chúa ra sống
trước mặt mọi người. Chúa hứa ban các phép lạ kèm theo cuộc sống đạo của chúng
ta. Ðiều đó có nghĩa là ơn Chúa sẽ giúp đỡ thiện chí của chúng ta đạt được
những kết quả không ngờ. Chúng ta cứ thành tâm nghĩ lại quá khứ của mình mà xem
Chúa đã dẫn dắt chúng ta lướt thắng được bao cản trở, khó khăn mà thoạt tiên
nhìn vào bản tính loài người, chúng ta tưởng như phải thất vọng... Sống đạo bao
giờ cũng khó, chống trả các cơn cám dỗ không phải là dễ, thay đổi được lòng
người để họ nhận biết Chúa là công việc vược quá sức chúng ta. Nhưng không phải
chỉ có chúng ta cố gắng, Chúa Phục sinh lên trời sai Thánh Thần xuống cùng hoạt
động với chúng ta. Chính Người đốt lòng mến nơi chúng ta, soi sáng tư tưởng
hành động cho ta, dẫn đưa đời sống và công việc đạo đức của ta tới những thành
quả bất ngờ. Chính điều đó làm chứng Chúa Giêsu đã về trời, ngự bên hữu Thiên
Chúa Cha, trở thành Chúa, ban thần lực của Người xuống trong Phúc Âm của Người
và trong hoạt động của các tông đồ Người, khiến Phúc Âm và Giáo hội của Người
đạt được những thành quả kỳ diệu.
Vậy trong ngày lễ lên
trời, chúng ta chỉ nhìn lên để thấy Chúa đang ở trong vinh quang có đầy quyền
lực là Thánh Thần hầu ban xuống cho chúng ta. Người mượn mầu nhiệm thánh lễ này
để trở lại sống hùng mạnh trong ta, thúc đẩy và hướng dẫn cuộc đời ta đi vào
đường lối thánh thiện. Với ơn của Người mà chúng ta lãnh nhận trong Thánh Thể,
chúng ta sẽ nỗ lực sống tích cực, làm cho mọi người thấy giá trị của Phúc Âm,
mở lối cho mọi người tin theo Chúa, để rồi tất cả cũng sẽ được về trời với
Người.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)