HAI DỤ NGÔN VỀ NƯỚC THIÊN CHÚA
(Máccô 4,26-34 – CN XI TN - B)
1.- Ngữ cảnh
TM Máccô liên
tục nhắc lại rằng Đức Giêsu giảng dạy, nhưng không bao giờ ghi lại nội dung cả
(x. 1,21; 2,13; 6,2.6.34; 10,1). Ngoại trừ bài Diễn từ cánh chung (ch. 13), các
giáo huấn được triển khai nhất của Đức Giêsu nằm trong Mc 4, có thể được gọi là “Chương các dụ ngôn (ba dụ ngôn)”
(4,1-34). Chương này gồm có hai phân đoạn lớn và ba phân đoạn nhỏ :
* Mở (cc. 1-2);
1) Dụ ngôn Người gieo giống (cc. 3-9);
a- Mục đích của các dụ ngôn (cc. [10]11-12);
* Giải thích dụ ngôn Người gieo giống (cc. 13-20);
b- Hình ảnh Cái đèn và cái đấu: trách nhiệm
(cc. 21-25);
2) Dụ ngôn
Hạt giống tự mọc lên (cc. 26-29) và Hạt cải (cc. 30-32);
c- Kết luận về các
dụ ngôn (cc. 33-34).
Đây là cách
hành văn quen thuộc của Mc: ghép các phần của các bài tường thuật vào
nhau để soi sáng các bài lẫn nhau.
2.- Bố cục
Bản văn này có thể chia thành ba phần:
1)
Dụ ngôn Hạt giống tự mọc lên (4,26-29);
2)
Dụ ngôn Hạt cải (4,30-32);
3)
Kết luận về các dụ ngôn (4,33-34).
3.-
Vài điểm chú giải
- Chuyện Nước Thiên Chúa cũng tựa như chuyện một người (26):
dịch sát “Nước Thiên Chúa tựa như một người”. Trong lối diễn tả của các kinh
sư, dụ ngôn không ví Nước Thiên Chúa với một người; dụ ngôn chỉ muốn minh hoạ
một sự thật liên quan đến Nước Thiên Chúa nhờ một câu truyện trong đó người ấy
có một vai trò. Trong những ví dụ thuộc loại này, thường thường chính phần cuối
mới cung cấp một hình ảnh trực tiếp hoặc gián tiếp gợi đến Nước Thiên Chúa.
Trong bài dụ ngôn Mc, sự việc Nước Thiên Chúa đến thì tựa như những gì
xảy ra vào lúc thu hoạch (c. 29).
- một người: Không
nhất thiết phải đồng hoá người gieo giống với Đức Giêsu, bởi vì từ ngữ này được
dùng rất tổng quát (không như bản văn Mt).
- Đêm hay ngày:
Đêm đi trước ngày bởi vì ngày được coi như
bắt đầu với lúc mặt trời lặn.
- bằng cách nào thì người ấy không biết: Tiến
trình theo đó hạt giống mọc lên có một quy luật bên trong nó; người gieo giống
không phân tích tiến trình này, mà ông có băn khoăn về tiến trình này cũng
không lợi ích gì.
- Đất
tự động (HL. automatê) (28): Từ này mô tả một sự tăng trưởng tiệm
tiến của hạt giống trước mùa gặt. Trong ngữ cảnh là sự so sánh với Nước Thiên
Chúa, tác giả nhấn mạnh trên hoạt động ẩn giấu và tiệm tiến của Nước Thiên Chúa
hầu đưa hạt giống đến chỗ tăng trưởng hoàn toàn.
- Lúa vừa chín (29):
Trong giai đoạn tăng trưởng, người nông phu không phải làm gì trên cánh đồng
cả; mọi sự tiến hành không cần ông. Nhưng hoàn cảnh thay đổi đột ngột với c. 29
(x. liên từ dé [= “nhưng”; “khi”] và trạng từ Hy Lạp euthys [=
“tức khắc”]). Sau một thời gian không làm gì cả (những câu trước), người nông
phu can thiệp không chút chậm trễ vào lúc thu hoạch. Bây giờ bản văn hoàn toàn
chú ý đến người nông phu, đến sự thay đổi thình lình trong lối xử sự của ông.
- đem liềm hái ra gặt: Đây là câu trích mặc nhiên Giôen 4,13: “Các ngươi hãy tra liềm vào, vì đã tới mùa lúa chín”.
Vị ngôn sứ loan báo cuộc phán xét mà Thiên Chúa sắp thực hiện trong cánh đồng
Giôsaphát để chống các dân tộc ngoại giáo (Ge
4,12-16). Sách Khải huyền cũng ám chỉ
đến biến cố này (Kh 14,14-16).
- hạt cải (31): Tục ngữ xứ Paléttina coi đây là hạt
giống nhỏ nhất. Để nói một vết máu thật nhỏ, các kinh sư nói: “Không lớn hơn
một hạt cải”. Điểm nhắm là một hạt giống nhỏ nhất và một cây thật to. Cách sử
dụng thì (tense) hỗ trợ cho sự tương phản này: tác giả nói đến việc gieo hạt ở
thì quá khứ aorist (“một khi người đã được gieo”, cc. 31 và 32) và nói đến sự
tăng trưởng ở thì hiện tại.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Dụ ngôn Hạt giống
tự mọc lên (26-29)
Sẽ đến ngày Thiên Chúa can thiệp dứt khoát vào lịch sử
nhân loại. Trước đó, có một thời gian Thiên Chúa để cho mọi sự cứ đi theo dòng
của chúng, khiến ta có thể nghĩ rằng Ngài không quan tâm gì đến thế giới (x. sự
ngạc nhiên của Gioan Tẩy Giả: Mt
11,2-6). Đức Giêsu loan báo rằng Nước Thiên Chúa đã gần kề. Thế mà mọi người
đều biết rằng sự thiết lập Nước Thiên Chúa được khởi đầu bằng việc phán xét để
tiễu trừ khỏi dân Israel tất cả những kẻ tội lỗi, không xứng đáng được tham dự
vào ân huệ của Nước Thiên Chúa. Vậy, nếu Thiên Chúa đã thực sự quyết định thiết
lập Vương quyền của Ngài trên mặt đất, tại sao ta chưa thấy một dấu gì cho biết
là cuộc phán xét khủng khiếp ấy đã đến?
Để trả lời, Đức Giêsu dùng một dụ ngôn để ví: Hạt giống
là Lời. Hạt giống mang trong mình một sức mạnh vô phương kháng cự. Một khi đã
được gieo, hạt giống-Lời đi sâu vào trong các tâm trí và con tim và biến đổi
những ai nghe Lời. Hoa trái không lệ thuộc người gieo giống, người rao giảng,
nhưng lệ thuộc vào sức mạnh mà hạt giống có trong mình. Không ai có thể kéo một
cây con để làm cho nó mọc nhanh hơn được! Dụ ngôn dạy chúng ta đặt tin tưởng
nơi lời Tin Mừng. Làm cho hạt giống-Lời lớn lên: đây không phải là công việc
của chúng ta. Chúng ta chỉ có một việc phải làm đó là gieo Lời trên mảnh đất
được giao cho chúng ta. Rồi sẽ đến lúc thu hoạch. Đức Giêsu cho các thính giả
hiểu rằng thời gian Người hoạt động ở trần gian chính là giai đoạn cuối cùng
của Lịch sử cứu độ, đi sát ngay trước cuộc can thiệp chung cuôc của Thiên Chúa.
Ai có bổn phận cộng tác với Người để gieo hạt giống-Lời, hãy kiên nhẫn chờ đợi.
Nhưng tất cả mọi người đều đón nhận Lời, hãy làm sao để hạt giống có thể thật
sự mọc lên và sinh hoa trái.
* Dụ ngôn Hạt cải (30-32)
Một cây cho
chim trời trú ngụ rất thường được dùng để nói về một vị vua biết dùng quyền lực
mà che chở thuộc hạ (x. Đn 4,9.18; Ed 31,5…). Nhưng một đoạn như Ed 17,22-23 thì lại nhấn mạnh trên sự
phồn vinh xảy ra với Nước Thiên Chúa vào thời tận thế. Đây cũng là ý nhắm của
dụ ngôn Tin Mừng: hình ảnh một cây che chở chim trời báo trước tình trạng sự
việc vào lúc Thiên Chúa thiết lập Vương quyền của Ngài trên mặt đất.
Vào lúc tiến
trình đưa tới việc thiết lập Nước Thiên Chúa bắt đầu diễn tiến (sứ vụ của Đức
Giêsu), người ta nghĩ đây là một biến cố không đáng kể. Nhưng cũng như hạt cải
nhỏ bé hứa hẹn một cây lớn, sứ mạng của Đức Giêsu đúng là chặng đầu tiên của sự
can thiệp của Thiên Chúa nhằm thiết lập Triều Đại của Người. Vậy nhận biết ý
nghĩa đích thực của sứ mạng của Đức Giêsu, chính là hiểu rằng thái độ phải có
trước sứ mạng này là chấp nhận hoặc từ khước quyền chủ tể cánh chung của Thiên
Chúa. Chính thái độ này sẽ xác định vận
mệnh của mỗi người trong thế giới bên kia.
* Kết luận về các
dụ ngôn (33-34)
Cả hai dụ
ngôn đều nhấn mạnh tầm quan trọng quyết định của thời gian hiện tại đối với các
thính giả của Đức Giêsu. Hai dụ ngôn này mời gọi nhận biết sứ mạng của Đức
Giêsu chính là khởi đầu cuộc can thiệp cánh chung của Thiên Chúa. Áp dụng giáo
huấn vào trong đời sống Giáo Hội, thời gian hiện tại không còn phải là thời
gian của sứ vụ của Đức Giêsu, nhưng là thời gian của nếp sống và hoạt động rao
giảng của Giáo Hội.
+ Kết luận
Thoạt
nhìn, chúng ta thấy kết luận của diễn từ các dụ ngôn không có vấn đề. Đức Giêsu
loan báo Lời Thiên Chúa cho người ta (“đám đông” ; x. 4,1-2). Người diễn
tả bằng các dụ ngôn theo mức độ hiểu biết của họ. Dường như đối với Đức Giêsu,
các dụ ngôn là một phương tiện để giúp các thính giả hiểu Người dễ dàng hơn.
Ngoài ra, Người còn cung cấp các giải thích bổ sung cho nhóm môn đệ (c. 10).
Mọi sự không rõ ràng rồi hay sao?
Vấn đề chỉ
xuất hiện rõ ràng khi ta lưu ý rằng tác giả Mc đã muốn kết thúc với đề
tài ngài đã đưa vào ở trên (cc. 10-12). Đối với công chúng, “những kẻ ở ngoài”
(c. 11), Đức Giêsu “không bao giờ rao giảng mà không dùng dụ ngôn” (c. 34);
“với những người kia…, cái gì cũng phải dùng dụ ngôn” (c. 11). “Nhưng khi chỉ
có riêng thầy trò với nhau” (Hl. kat’ idian, c. 34), “khi còn một mình”
(HL. kata monas, c. 10), Đức Giêsu “giải đáp” tất cả cho các môn đệ (c.
34), nghĩa là “những kẻ đang ngồi quanh Người cùng với Nhóm Mười Hai” (c. 10),
là những kẻ mà “mầu nhiệm nước Thiên Chúa đã được ban cho” (c. 11).
Vậy, các dụ ngôn là một thứ ẩn ngữ, mà chỉ các môn đệ
mới có chìa khóa để hiểu được, còn đám đông, mà Đức Giêsu không muốn nói với họ
bằng một ngôn ngữ rõ ràng, thì vẫn không thể nắm bắt được ý nghĩa đích thực của
giáo huấn của Người: “Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa” không được ban cho “những kẻ ở
ngoài”; chính vì thế mà Đức Giêsu “không
nói gì mà không dùng dụ ngôn”.
Đây chính là “thuyết các dụ ngôn” trong TM Mc
(J. Dupont), mà thật ra, đây cũng chỉ là một phương diện đặc biệt của “thuyết
về bí mật thiên sai” của tác giả. Vào lúc tác giả soạn TM I, có một sự kiện không thể phủ nhận, nhưng thật gai chướng: dân
tộc Do Thái nói chung đã không đón nhận Tin Mừng. Phải chăng kế hoạch của Thiên
Chúa đã thất bại? Hay là phải nhìn nhận rằng sứ mạng của Đức Giêsu không đến từ
Thiên Chúa? Tác giả Mc tìm ra được câu trả lời thần học trong bản văn Is 6,9-10 (x. Mc 4,12). Trong sứ mạng của Đức Giêsu, đã được ứng nghiệm lệnh
truyền của Thiên Chúa qua miệng của vị ngôn sứ, là phải nói với dân cách nào để
“họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu…”.
Vậy, vị sứ giả của Thiên Chúa phải diễn tả cách nào để
người ta không hiểu được: đó đã là quyết định của Thiên Chúa mà! Người đã muốn
làm cho sứ mạng của vị sứ giả trở thành một phán quyết chống lại một dân mù
quáng và cứng lòng. Nhưng làm thế nào nhận ra sấm ngôn ấy là chương trình hoạt
động của Đức Giêsu? Tác giả Mc tìm ra được đáp số nơi việc Đức Giêsu sử
dụng các dụ ngôn: Người nói bằng dụ ngôn cho đám đông hoặc cho các đối thủ, vì
Người không buộc phải làm cho họ hiểu Người. Dưới mắt Mc, dụ ngôn là như
một phương tiện không phải để làm cho một giáo huấn nên dễ hiểu hơn, nhưng để
che đậy ý nghĩa của giáo huấn này dưới những hình ảnh. Để người ta hiểu, thì
cần có một lời giải thích; nhưng lời giải thích chỉ được ban cho các môn đệ mà
thôi. Tuy nhiên, tác giả đã nhận ra ngay nguy cơ là thuyết này có thể đưa tới
chủ trương bí truyền (esoterism); vì thế, ở 4,21-25, ngài mới xác định
rằng các môn đệ đã nhận được mạc khải là để đi phổ biến rộng rãi, để đi hô to
trên mái nhà.
Chúng ta có thể nhận định rằng thuyết của Mc về
các dụ ngôn là một thuyết khá giả tạo. Nhưng để đánh giá đúng đắn, cần đo lường
được mức độ nghiêm trọng của vấn đề đang được hoàn cảnh cụ thể đặt ra cho tác
giả và cho Hội Thánh thời ngài: đoàn dân đông đảo được Thiên Chúa tuyển chọn đã
không tin vào Đức Giêsu và đã không chấp nhận sứ điệp của Người. Bản văn Is 6,9-10 cho thấy là Thiên Chúa đã thấy
trước (quan phòng) tình trạng sự việc như thế.
Rõ ràng công việc soạn thảo TM Mc mang dấu
ấn của các hoàn cảnh và các vấn đề thời tác giả. Ngài đã nghĩ tới việc rao
giảng khi kể lại dụ ngôn trong đó Lời Chúa được hình dung như một hạt giống.
Ngài cũng đang cố gắng tìm một giải thích thần học cho thất bại của sứ vụ này,
bằng thuyết về giáo huấn bằng dụ ngôn. Chứng nhân của Lời Chúa không phải là
người chỉ biết bằng lòng với việc lập lại máy móc Lời Chúa, nhưng là người biết
tìm nơi Lời Chúa câu trả lời cho những nhu cầu của những con người thời mình.
5.-
Gợi ý suy niệm
1. Cả ba dụ ngôn (Người gieo giống, Hạt giống tự mọc lên,
và Hạt cải) có điểm chung là không truyền đạt những giáo huấn đặc biệt, nhưng
chỉ bàn về việc lấy lập trường trước lối hành động của Đức Giêsu. Dường như
thực tại thấy được (sự từ chối, sự vắng mặt của Thiên Chúa, những khởi đầu
không sáng sủa mấy) thì mâu thuẫn với sứ điệp và uy thế Mêsia của Người. Do đó,
ba dụ ngôn đều mời gọi sống đức tin.
2. Qua các dụ ngôn, chúng ta hiểu rằng Triều Đại Thiên Chúa
không những đến chắc chắn, mà bây giờ trong hiện tại, ta đã có thể cảm nghiệm
sức mạnh cứu độ của Triều Đại này. Tuy nhiên, chỉ người nào biết nhìn các sự
việc với con mắt đức tin mới nhận ra được sức mạnh này.
3. Như tác giả Mc, thừa tác viên Lời Chúa cần phải
tìm cho ra sứ điệp được gửi đến cho dân Thiên Chúa hôm nay từ bản văn Kinh Thánh.
Đó chính là sống và thi hành chức năng ngôn sứ, bởi vì ngôn sứ chính là người
thay mặt Thiên Chúa mà truyền đạt cho dân Ngài biết thánh ý Ngài đối với dân
trong hoàn cảnh hiện tại.
4. Khi thấy rằng tình yêu, sự kính trọng đối với các quyền
của con người và sự tự do, sự tha thứ, không đưa tới những kết quả mong muốn,
có những Kitô hữu đã bị cám dỗ thúc bách Triều Đại Thiên Chúa đến cho nhanh
bằng cách sử dụng những phương tiện Đức Giêsu đã cấm, như vũ lực, mưu mô, gian
dối… Đức Giêsu dạy chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của Lời Tin Mừng.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm