CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN
Sự phát triển của Nước Thiên Chúa
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô
4:26-34)
Đối với Chúa Giê-su, nói chuyện về Nước Thiên Chúa quả thực
là một đề tài phong phú. Mỗi câu chuyện
hay dụ ngôn Người kể đều giúp chúng ta chiêm ngưỡng Nước Thiên Chúa theo một
khía cạnh. Tuy Nước Thiên Chúa là một thực
tại vô hình, nhưng lại được Chúa Giê-su diễn tả bằng những hình ảnh so sánh vô
cùng thực tế và sống động, nên ai cũng có thể nắm bắt được ý nghĩa của Nước
Thiên Chúa. Qua bài Tin Mừng hôm nay,
Chúa Giê-su kể cho chúng ta nghe hai câu chuyện: chuyện thứ nhất, “Nước Thiên Chúa tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất”,
và chuyện thứ hai, “Nước Thiên Chúa giống
như hạt cải”. Vậy Chúa Giê-su muốn
nói gì qua hai hình ảnh đơn sơ này?
Thoạt nghe hai đề tài về Nước Thiên Chúa, chúng ta đã có thể
hiểu ngay chúng diễn tả sự phát triển của Nước ấy. Câu chuyện thứ nhất nói về hạt lúa gieo xuống
đất. Hạt lúa được người gieo hạt từ trên
cao gieo xuống đất. Hình ảnh này cho thấy
xuất xứ của Nước Thiên Chúa. Nó phát
sinh từ ý định và kế hoạch của Cha trên trời.
Thiên Chúa bắt đầu thiết lập Nước của Người và để nó phát triển tự nhiên
chứ không ép buộc. Nó phát triển theo thời
gian, không cần biết đêm hay ngày, người ta ngủ hay thức, vì nó cũng còn tùy
thuộc vào sự đáp ứng của những người đón nhận.
Lẽ tự nhiên của sự phát triển ấy giống hệt như sự phát triển tự nhiên của
hạt lúa, từ lúc mọc lên, trổ đòng đòng, thành bông lúa, chín vàng và cuối cùng
được thu hoạch. Câu chuyện này có vẻ nhấn
mạnh đến vai trò của “người vãi hạt giống xuống đất”. Đúng vậy, nếu đã là “Nước Thiên Chúa” thì
Thiên Chúa phải đóng vai chủ động. Sự
thiết lập Nước ấy hoàn toàn là do tình yêu Thiên Chúa, Đấng muốn tạo một “trời
mới đất mới” cho chúng ta để chúng ta được đổi đời và lãnh nhận căn tính mới
làm con Thiên Chúa.
Nước Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta cũng sẽ phát triển
theo “lẽ tự nhiên” nếu nó gặp được những điều kiện “tự nhiên”. Tự nhiên về phía Thiên Chúa đã đành, vì thực
sự Người luôn luôn muốn Nước của Người “trị đến” trong tâm hồn chúng ta. Nhưng lẽ tự nhiên ở nơi chúng ta, những kẻ
đón nhận, phải là thái độ sẵn sàng, mở lòng và cộng tác với ân sủng, để sức mạnh
và ảnh hưởng của Tin Mừng lan tràn đầy ắp trong tâm hồn chúng ta.
Câu chuyện thứ hai là “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải”. Ở những tiệm bán đồ lưu niệm tại Thánh địa
Do-thái, khách hành hương có thể dễ dàng mua vài gói hạt cải về làm quà. Hạt nhỏ xíu, chỉ bằng đầu kim, vậy mà “mọc
lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới
bóng”. Để nói lên mức độ phát triển của
Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su sử dụng hình ảnh trên thật là thích hợp. Làm sao chúng ta có thể hình dung ra một sự
phát triển quá mạnh mẽ và to lớn như thế? Nhưng có lẽ là điều an ủi vô cùng sâu
xa cho chúng ta là nếu Nước Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta phát triển mạnh mẽ
như vậy, thì chúng ta sẽ là những chim trời có phúc vì được nấp dưới bóng của
nó!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúa Giê-su dùng nhiều dụ ngôn để nói với dân chúng về Nước
Thiên Chúa. “Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết”. Chúng ta nghĩ gì về nhận xét này của thánh sử
Mác-cô? Phải chăng hôm nay Chúa Giê-su
cũng ao ước cùng chúng ta có được những lúc “chỉ có thầy trò với nhau”, để Người
không chỉ nói với chúng ta về Nước Thiên Chúa, mà còn với chúng ta sống thực tại
Nước Thiên Chúa. Chính Người đã gieo hạt
giống Nước Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta, đã cung cấp những điều kiện “tự
nhiên”, như ơn công chính hóa, ân sủng, ơn tha thứ, các hồng ân Chúa Thánh Thần,
giáo huấn của Giáo Hội, sự nâng đỡ của anh chị em Ki-tô hữu, các sinh hoạt phụng
vụ… để giúp Nước của Người phát triển trong chúng ta. Nước Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta không
phải là một ý niệm hay tư tưởng cố định, nhưng là “sự sống”. Chúa Giê-su là “Nước Thiên Chúa” đã đến để
chúng ta “được sống và sống dồi dào” (Gioan 10:10)
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi