1.- Ngữ cảnh
Ngay
từ đầu Tin Mừng, tác giả Máccô cho thấy Đức Giêsu hành động với
uy quyền trước toàn dân (1,16–3,12). Nhưng sau đó, những trở ngại đã xuất hiện:
thân nhân Người đi bắt Người về, vì cho rằng Người đã mất trí (3,21); các kinh
sư thì nói rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và dùng quyền của nó mà trừ quỷ
(3,22); bằng kiểu diễn tả bóng bảy, Người
đã nói đến sự cứng lòng của dân Israel (4,11-12); trận bão trên biển
không nhận chìm được con thuyền của Người, là một hình ảnh cho hiểu là
sứ vụ của Người sẽ gặp nhiều khó khăn (4,35t), nhưng vẫn đứng vững; yêu cầu của
dân Ghêrasa cũng ở trong chiều hướng ấy (5,17). Bài tường thuật chuyến về thăm
Nadarét cũng nói đến thái độ không tin của người dân Nadarét, khiến họ không
chấp nhận Đức Giêsu (6,1-6). Như thế, truyện này tóm tắt một vài đề tài đã được
triển khai trong các phân đoạn trước: tư cách môn đệ và lòng tin, Đức Giêsu là
thầy và là vị làm phép lạ, sự hiểu lầm và sự loại trừ Đức Giêsu.
2.- Bố cục
Bản văn này có thể chia thành bốn phần:
1) Đức Giêsu về quê và giảng dạy ngày sa-bát
(cc.1-2a);
2) Các thính giả vấp phạm về Người (cc. 2b-3);
3) Sự cứng lòng tin: đánh giá và kết quả (cc.
4-6a);
4) Đức Giêsu tiếp tục ra đi (c. 6b).
3.- Vài điểm chú giải
- quê quán của Người
(1): Đây là Nadarét thuộc miền Galilê (1,9), cách hồ Ghênêsarét khoảng 30 cs về
phía tây. Vào thời đó, Nadarét chỉ là một làng nhỏ, không quan trọng gì
(x. Ga 1,46). Trong Cựu Ước, làng này không bao giờ được nói
đến. Vì làng ở đọ cao 300-400 m trên mặt biển, người ta có thể nhận ra làng từ
xa.
- có các môn đệ đi theo
(1): Khi nói đến các môn đệ, tác giả Máccô
luôn luôn đưa vào đề tài “đi theo” (sequela) (x. 2,15; 10,32; 15,41).
- bắt đầu giảng dạy (2)
: Ta nhớ lại đoạn 1,21-28 giới thiệu Đức Giêsu là thầy và là người chữa bệnh.
Phản ứng đầu tiên trước sự khôn ngoan và những việc lẫy lừng của Người là sự
ngạc nhiên. Từ đó, câu hỏi đặt ra “Bởi đâu ông ta được như thế ?” mang tính mỉa
mai: trong khi những người đồng hương gắng tìm cho ra danh tánh của con người
Giêsu, thì quyền lực của Người lại bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa.
- nhiều người nghe
rất đỗi ngạc nhiên (2): Phản ứng này thường xảy ra trước lời giảng
dạy (1,22; 11,18), một phép lạ (7,37) hoặc một câu nói lạ lùng của Đức
Giêsu (10,26). Tác giả nhắc đến phản ứng này với nhận định về sự khôn ngoan của
Đức Giêsu để cho thấy Người vừa ban một
mạc khải, nhưng dân chúng không tin.
- bác thợ (3) : Từ Hy Lạp tektôn (La-tinh faber)
có lẽ phản ánh từ A-ram naggârâ có thể là một người thợ đóng đồ mộc hoặc
là một người thợ xây dựng. Những người thợ ấy thường đi đây đó. Phải chăng Đức
Giêsu cũng đã đi đây đó, ít sống tại Nadarét? Bản văn dùng mạo tự xác định ho
cho hiểu rằng dân Nadarét đã quen gọi Đức Giêsu như thế.
- con bà Maria (3):
Phải chăng câu này cho phép giả thiết là Giuse đã qua đời? Trong ngữ cảnh ở
đây, không có gì bảo đảm là kiểu gọi này có ý nói là Giuse đã chết cả. Chúng ta
ghi nhận là trong TM Máccô, Giuse
không bao giờ được nêu tên. Dù sao, “con bà Maria” đã trở thành tên gọi của Đức
Giêsu. Hoặc tên này được dùng để sỉ nhục, bởi vì người Do Thái được gọi bằng
tên của người cha, hoặc để mỉa mai vì muốn ám chỉ đến một cuộc chào đời
bất hợp pháp (con hoang). Nếu trường hợp sau là đúng, thì lời sỉ nhục này lại
là một khẳng định về cuộc sinh hạ trinh khiết. Để ủng hộ cho cách giải
thích này, người ta nêu ra câu hỏi của dân Nadarét về nguồn gốc của Đức Giêsu và
sự kiện Mc tránh nhắc đến người cha.
- ngôn sứ có bị rẻ rúng (4): Có lẽ đây
là một câu tục ngữ phát xuất từ Do Thái giáo nhằm diễn tả kinh nghiệm
của các nhà du thuyết Do Thái. Ta có những câu Hy Lạp tương tự: “Các triết gia
khó sống tại quê hương” (Điônê Crisostômô; x. Epittêtô…). Nhưng ở đây Mc mở rộng câu ngạn ngữ mà áp dụng cho
cả gia đình dòng họ; như thế là nối dài chiều hướng của sự cố được kể ở
3,20t.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Đức Giêsu về quê và giảng dạy ngày sa-bát (1-2a)
Đức Giêsu đã rời nhà và vùng ông Gia-ia ở để về
quê, tức là Nadarét. Nhân dịp cử hành phụng tự tại hội đường vào ngày sa-bát,
Người đã giảng một bài. Đó là việc Người vẫn thường làm (x. 1,21.39).
* Các thính giả vấp phạm về Người (2b-3)
Phản ứng của các thính giả chứng tỏ Đức Giêsu vừa
ban một mạc khải. Họ đã nêu ra năm câu hỏi: ba câu liên hệ đến hoạt động
của Đức Giêsu (bản thân; giáo lý; các phép lạ) và hai câu liên hệ đến gia đình
dòng họ của Người. Chỉ đức tin mới nhận biết nguồn gốc đích thực của Đức Giêsu.
Người là Con Thiên Chúa. Đối với những người đồng hương, sự hiểu biết về môi
trường sinh sống của Đức Giêsu là biến thành một trở ngại không thể vượt
qua. Họ từ khước Đức Giêsu và không chấp nhận giáo huấn của Người. Sự vấp phạm
đó chính là sự cứng lòng tin của họ.
* Sự cứng lòng tin: đánh giá và kết quả (4-6a)
Đức Giêsu xác định lập trường bằng một câu
ngạn ngữ. Câu này vừa giúp Người biện minh cho mình vừa giảm nhẹ tầm mức của
các sự kiện. Các môn đệ (theo Mc, các
ông lúc nào cũng đi theo Người) phải học lấy bài học kinh nghiệm này: không bao
giờ được để cho nỗi thất vọng vì bị từ khước đánh ngã mình. Con Thiên Chúa bị
mọi người kể cả gia đình, hiểu lầm, và bị bỏ cô đơn trong thế gian này. Sự kiện
Người không thể làm được phép lạ nào ở quê hương cho thấy tương quan giữa phép
lạ và đức tin. Điều này không có nghĩa là quyền lực của Đức Giêsu bị hạn chế nhưng
có nghĩa là khi ơn cứu độ được ban tặng trong phép lạ bị từ chối, thì không thể
xảy ra phép lạ được. Nếu Đức Giêsu làm khác là Người không trung thành với sứ
mạng của Người. Lời ghi thêm “Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân
và chữa lành họ” nhằm làm giảm nhẹ nét tiêu cực nơi những gì được nói trước.
Nhưng c. 6a kết luận vẫn ghi nhận sự cứng lòng tin và sự ngạc nhiên của Đức
Giêsu.
* Đức Giêsu tiếp tục ra đi (6b)
Tuy nhiên, thất bại này vẫn không làm Đức Giêsu
chán nản chùn bước. Người tiếp tục ra đi như Người đã nói với các môn đệ:
“Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở
đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (1,38).
+ Kết luận
Đức
Giêsu trở lại quê hương Nadarét. Người vào hội đường để giảng dạy, tức là thi
hành sứ mạng ngôn sứ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, dù đã biết các phép lạ Đức
Giêsu làm và nay vừa nghe Người giảng, dân làng Nadarét lại chỉ coi Người như
là “bác thợ, con bà Maria, anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn”
(c. 3a) mà thôi. TM Mc cho thấy liên
hệ huyết thống cũng như tình đồng hương không giúp người ta nhận biết Đức Giêsu
trong chân tính của Người. Muốn khám phá ra mầu nhiệm Đức Giêsu, người ta phải
để cho chính Người dẫn dắt và giáo huấn ngày qua ngày.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Vấn đề trọng tâm của bản
văn là đức tin. Đức tin giúp con người có sự khiêm tốn và sẵn sàng lắng nghe
giáo huấn của Thiên Chúa và của các vị sứ giả của Ngài. Cũng chính đức tin giúp
người ta nhận biết các việc kỳ diệu Thiên Chúa đã và vẫn đang làm trong thế
giới, để ban ơn cứu độ cho mọi người. Tại nơi nào con người khép kín lại với Thiên
Chúa, khi Ngài đang ngỏ với họ trong phép lạ, thì phép lạ trở thành chuyện phi
lý. Cũng như quyền lực của Ngài là ơn cứu độ cho chúng ta, thì sự cứng lòng tin
của chúng ta là sự bất lực của Ngài. Điều đó đã được chứng thực tại cuộc gặp gỡ
của Đức Giêsu với dân làng Nadarét: họ đã ngạc nhiên về những gì Đức Giêsu nói,
và thế là để vuột mất ý nghĩa của các lời Người loan báo.
2. Sự từ khước ở Nadarét vẫn
tồn tại. Con người hôm nay, những người Nadarét mới, vẫn đang thấy Đức Giêsu là
một cớ gây ngạc nhiên và vấp ngã. Do sự từ khước của con người hôm nay, hoạt
động cứu thế của Thiên Chúa như bị tắc nghẽn. Bị giam hãm trong các định kiến,
họ không hiểu được cốt lõi tinh túy của sứ điệp, cũng không tạo cơ hội cho các
việc kỳ diệu có thể xảy ra hay cho ơn Chúa có thể đến được với chính họ và
người khác. Từ đây, chúng ta có thể đi đến một nhận định: cộng đoàn Kitô
hữu có hai trách nhiệm, bởi vì phải vừa biết nhận ra các ngôn sứ được Thiên
Chúa cho xuất hiện giữa các thành viên của mình, vừa phải hỗ và làm gia tăng ơn
Chúa mà sự hiện diện của họ mang lại. Ý thức này đòi hỏi cộng đoàn phải trở
thành một tập thể sẵn sàng, trong tư thế cầu nguyện, có cái nhìn khôn
ngoan, để nhận ra các dấu chỉ của Thiên Chúa. Tất cả các điều này không đơn
giản: trong đời sống mỗi ngày, chúng ta ghi nhận rằng cộng đoàn chúng ta đang
bước đi giữa hai đe dọa: một bên, cộng đoàn có thể rơi vào một thứ hứng
khởi dễ dãi mà chạy theo bất cứ một chủ trương đổi mới nào, để rồi cuối cùng bị
lạc hướng và bị phân tán; một bên, cộng đoàn dễ bị thu hút bởi xu hướng bất
động và sự cứng ngắc do bám vào một vài điều xác tín nào đó.
3. Người môn đệ của Đức
Giêsu không được nản chí khi gặp thất bại hay chống đối. Nhiệm vụ của họ là cứ
ra đi để rao giảng Lời Chúa, để làm chứng, không nên bận tâm (và nặng lòng) với
kết quả. Họ cần phải nhìn vào Thầy Giêsu mà dấn thân. Như Đức Giêsu, họ cứ
quảng đại làm việc, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2). Niềm vui họ sẽ nhận được khơng
phải do kết quả kiểm chứng được, nhưng là do biết rằng họ đã kiên trì thực huện
những điều Thiên Chúa muốn.
4. Thành kiến là một tật xấu
nằm sâu trong tâm khảm con người. Chính tật xấu này làm cho khả năng đón nhận
và loan truyền Lời Chúa bị giới hạn lại. Các Kitô hữu cần học lấy bài học của
thánh Phaolô: “vui khi thấy điều chân thật” (1 Cr 13,6). Đấy là khả năng nhận ra sự thiện hảo tại bất cứ nơi nào
nó xuất hiện, và sẵn sàng nêu lên.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm